Nhớ một chút gì trên Phố Núi

Phố Núi – đã trở thành tên riêng của Pleiku. Dẫu chưa một lần đặt chân lên mảnh đất này, thậm chí còn đọc sai tên, vậy mà nhiều người biết đến Pleiku nhờ bài hát Còn chút gì để nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy (lời của nhà thơ bạc mệnh Vũ Hữu Định). Cảm ơn hai ông đã tạo dựng hình ảnh một thị xã cao nguyên trong lòng người dân Việt.


 

Biển Hồ vẫn còn đó. Ảnh: TL

 

Phố nhỏ ngày xưa đã xa


Gia đình tôi như có nợ mảnh đất Pleiku. Cha tôi đi theo đoàn người lên dinh điền Lệ Ngọc năm 1955. Còn mẹ tôi bỏ quê lên làm ở trại lính có tên là Holoway (nằm trên quốc lộ 19). Tứ tán khắp nơi, sau tết Mậu Thân lại quay về xóm Gà Cồ gần cuối năm đó trước khi ra Đà Nẵng. Tháng 8.1976, gia đình tôi lại bồng bế lên mảnh đất này theo chủ trương “đi xây dựng kinh tế mới”. Cha tôi, khi còn trẻ đã nhiều lần nói với riêng tôi: “Không hiểu sao mà ba lại thích mảnh đất này!”

Pleiku những năm 1980, thậm chí 1990 không khác nhiều Pleiku những năm 1970 của Vũ Hữu Định: “…phố núi cao phố núi đầy sương phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”. Giữa thập kỷ 1980, từ cơ sở một của trường sư phạm cấp II (trại Holoway ngày xưa), nhóm giáo sinh ở huyện như tôi lại lôi thôi lếch thếch lội bộ 5 – 6km lên phố, một tuần vài ba bận. Từ trên đỉnh dốc Diệp Kính, nhìn về phía sau thấy hun hút khói… Phố Núi – Pleiku ngày ấy cũng chỉ loanh quanh vài con đường chính, như Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Phú… còn lại là những con đường nhỏ gập ghềnh đá xanh. Gọi là phố nghe có vẻ sang, hai bên đường phố chính Hùng Vương chỉ một vài ngôi nhà hơi cao cao như rạp chiếu phim Diệp Kính, trường phổ thông trung học Pleiku 1… còn lại là những ngôi nhà trệt cũ kỹ, lợp tôn mè có từ thời dinh điền.

Pleiku xưa sao mà nhiều sương. Buổi sáng, 8 – 9 giờ sương mới tan. Còn buổi chiều, lạnh đến kinh khủng. Nhất là vào những ngày tháng cuối năm, trước Giáng sinh độ vài tuần, nhiều khi xuống dưới 10oC. Cái lạnh của Phố Núi đã ban cho con gái miền quê này làn da trắng, má hây hây đỏ và đôi mắt sáng… (Sau này nhạc sĩ Nguyễn Cường cảm hứng mà viết Đôi mắt Pleiku). Nhóm giáo sinh khờ khạo như tôi mà còn vương vấn hình ảnh “em Pleiku má đỏ môi hồng”, trách sao được tâm hồn thơ Vũ Hữu Định bị ai đó giằng xé vì, “… mắt em ướt và tóc em ướt, da em mềm như mây chiều trong”. Phải nói thật lòng, con gái Pleku ngày xưa dễ thương và đáng yêu làm sao.

Một cái “sướng” của Pleiku ngày ấy là càphê ngon. Nổi tiếng có hai quán, Kim Liên đầu đường Tăng Bạt Hổ và quán Thu Hà ở Nguyễn Thái Học. Uyên, Phiên Phương… cũng được xếp vào hàng ngon nhưng so với hai quán trên chưa thể bằng. Với đồng học bổng của một giáo sinh sư phạm, “xuân thu nhị kỳ” mới dám bước chân đến những nơi ấy. Những buổi chiều nhạt nắng, bó gối trên chiếc ghế đẩu xỉn màu, nhìn những giọt càphê nguyên chất có màu nâu đen nhỏ long tong xuống ly thuỷ tinh, chưa uống đã thấy đê mê. Hôm không tiền, chịu khó lội bộ thêm cây số ghé quán “càphê kho” (càphê bỏ trong chiếc vợt làm bằn vải, ngâm trong ấm nước sôi đặt thường xuyên trên bếp cho nóng) trên bến xe nhỏ. Mỗi ly năm hào mà sao ngon đến lạ lùng. Gần 30 năm rồi không ghé lại, còn hay mất chẳng rõ.

Tìm lại chút hương xưa

 

 
Tô phở khô Pleiku. Ảnh:

 

Nếu có dịp đặt chân lên Pleiku hôm nay, đừng để lời bài hát Còn chút gì để nhớ ám ảnh mà buồn. Ngày ấy, nhà thơ họ Vũ viết: “Phố xá không xa nên phố tình thân, đi dăm phút đã về chốn cũ” chỉ đúng cho đến thời chúng tôi. Còn bây giờ, Pleiku đổi thay nhiều lắm. Vẫn những con dốc ấy nhưng nhà cao tầng mọc lên, làm con dốc Diệp Kính có vẻ lùn xuống. Đâu còn dáng lẻ liêu xiêu, chênh vênh của Phố Núi xưa. Kim Liên, Thu Hà, Uyên… vẫn còn đó nhưng không còn nét riêng, hay nói cách khác là đã hoà nhập vào kiểu thiết kế thời thượng của những quán càphê hạng sang: bàn cao, ghế cao, sofa... Còn nhạc, chỉ dành cho tuổi teen hay nghêu ngao! 20 năm trước, bên cạnh sân vận động, trên đường Nguyễn Du có Hoàng Nhật với càphê ngon và nhạc tiền chiến; nhưng từ khi ông Tuấn chủ quán sang quán cho người khác, chỉ còn cái tên là cũ.

Con đường thơ mộng của Pleiku được nhiều thế hệ học trò nhớ là đường Trần Hưng Đạo với những cây thông trăm tuổi che bóng mặt trời. Nay đường mở rộng. Hàng cây biến mất. Trơ trọi bùn đỏ. Ngã ba Phù Đổng cũng mở rộng, có tới hai vòng xoay. Bến xe liên tỉnh xưa giờ nhường chỗ cho khách sạn bốn sao án ngữ. Nhìn có vẻ hiện đại nhưng với tôi, bỗng dưng thấy nó vô duyên! Những con đường đá xanh ngày nào giờ cũng được trải nhựa. Nhà riêng, công sở đua nhau cao tầng. Pleiku bây giờ có cả chung cư cao hàng chục tầng. Pleiku đã hiện đại, sang trọng nhưng mất đi nét Phố Núi xưa…

Không biết từ bao giờ xuất hiện cụm từ “phở khô Gia Lai”, riêng tôi chỉ thích gọi phở khô Pleiku. Nhiều quán ăn ở Sài Gòn cũng đã kinh doanh món này, nhưng để ăn ngon, phải về Phố Núi. Lúc trước, nổi tiếng món này là quán Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Khách đông cả ngày. Nhưng vài năm trở lại đây, bỗng dưng chất lượng sụt giảm. Nay muốn ăn đúng vị, phải đến quán “phở khô gia truyền” có tên là Hiệp 333 nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Xuất hiện từ trước 1975, quán bún bò Bà Dinh (cũng trên đường Nguyễn Văn Trỗi) vẫn còn đó. Ngày xưa bà Dinh đứng bán nhưng nay đã ngoài 80 tuổi, con gái lớn của bà thành chủ quán cũng với hương vị như xưa. Chỉ còn vài năm nữa, Phố Núi – Pleiku tròn 100 tuổi, tính từ ngày 24.5.1925, thời điểm Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định thành lập địa lý hành chính Pleiku (thuộc tỉnh Kon Tum). Tên Pleiku vẫn còn đó nhưng nét xưa giờ đã lạc vào ký ức của mỗi người.

 

Muốn đến Pleiku (từ Sài Gòn) có hai cách: đi máy bay với bốn chuyến/ngày của VietNam Airlines (ba chuyến) và Air Mekong (một chuyến) hoặc bằng xe khách (mua vé tại bến xe miền Đông) với các hãng xe: Hồng Hải, Thuận Tiến, Gia Phúc, Việt Tân Phát…

Những món ăn ngon của Phố Núi: muốn ăn bê nướng ghé Văn Chừng (đối diện với bưu điện Tỉnh) hoặc Đức Huy ở cầu số 3, muốn ăn cơm gà ghé quán Mỹ Tâm, hay quán bún bò Bà Chi ở đường Phan Đình Phùng hay phở Ngọc Sơn trên đường Hùng Vương…

Đã đến Pleiku, nên ghé Đồng Xanh hay Đức An để thưởng thức những món ăn quê hoặc ghé Biển Hồ để hưởng thụ không gian xanh của rừng thông và mặt nước. Cách Pleiku khoảng 30km là thuỷ điện IaLy (nằm trên đường 19, hướng đi Kon Tum). Từ Pleiku xuôi về Nam, trên đường 19 có đặc sản Chè Bàu Cạn, còn đường 14 có vùng tiêu Chư Sê…

 

Tác giả bài viết: Trọng Hiền

Nguồn tin: SGTT