Ngoài ngõ

Khởi thuỷ thì Hà Nội chẳng qua cũng chỉ là những cái làng quần tụ ven sông. Mỗi làng chỉ có một đường, một cổng, một đình nhưng có nhiều ngõ xóm. Ngõ ngách, sông hồ là hai trong nhiều đặc điểm của Hà Nội.

Có nhiều người cuộc sống mưu sinh, miếng cơm manh áo cả đời gắn liền với một chỗ ngồi nhất định ở một ngõ nào đó.


Ngõ ra đời trước rồi mới đến phố.

Ngõ già, phố trẻ.

Ngõ vốn ở đó, phố là phần cơi nới.

Ngõ là dân bản địa.

Phố là người ở nơi khác đến lập nghiệp.

Ngõ thì tĩnh, phố thì động.

Ngõ thì riêng, phố thì chung.

Ngõ nào thì có đình, đền của thôn đó. Ví dụ: đền Tiên Hạ ở ngõ Phất Lộc. 
Ngõ Tạm Thương có đình Yên Thái thờ bà Ỷ Lan, ngõ Hàng Hành có đình Trúc Lâm.

Đình là của phường thợ lập ra thờ vọng ông tổ nghề ở cái làng xuất xứ của họ. Ví dụ: phố Lò Rèn có ngôi đình của dân Xuân Phương (Từ Liêm) lập ra để thờ ông tổ nghề rèn.

Chùa thì chung nhưng đình thì riêng.

Mấy ông thợ bạc ở phố Hàng Bạc vào hôm mùng một đầu tháng, sáng thắp hương cúng gia tiên ở nhà, trưa ra đình tạ ông tổ nghề, tối đi chùa lễ Phật (bất kể chùa nào).

Phật ở với tất cả mọi người.

Tuy nhỏ bé, chật hẹp nhưng điều đó lại tạo nên nét duyên kín đáo của ngõ. Hà Nội có nhiều ngõ, mỗi ngõ mỗi vẻ, ngõ một đầu (ngõ cụt); ngõ hai đầu, mỗi đầu nối với một phố hoặc một đầu là phố, một đầu là ngõ; ngõ ba đầu, bốn đầu. Chính cái hun hút, tôi tối đó của ngõ lại mang đến sự quây quần, ấm cúng, chung đụng chia sẻ, nhờ vả cởi mở – đó là cái chất hàng xóm tối lửa tắt đèn rất cần thiết để chống lại cái nhịp sống gấp gáp, lạnh lùng, khép kín của hôm nay. Sự hấp dẫn duy chỉ có ở ngõ.

Sự hấp dẫn của vẻ đẹp tự nhiên không kỹ thuật, không làm duyên, cầu kỳ son phấn rào trước điệu bộ đón sau.

Nếu ai không có nhiều thời gian để khám phá Hà Nội thì nên đến một cái ngõ nào đó vào giờ gà lên chuồng. Ngõ không phải là đời sống Hà Nội cô đọng mà là sự cô đọng đã được cô đọng thêm lần nữa. Cái va chạm, cái hối hả, chen chúc trong một không gian chật hẹp của ngõ sẽ làm Hà Nội đậm đặc thêm 
trăm lần hơn thế.


Suy cho cùng thì cái cấu trúc nhà hình ống của phố với nhiều gia đình (cùng hay không cùng huyết thống) sống trong đó cũng chẳng qua là một cái ngõ nhỏ. Mà hình như cả khu phố cổ với những đoạn ngắn, hẹp, lắt léo, chằng chịt, chia cắt rất tự nhiên đó chính là ngõ chứ không phải phố. Sự hối hận vì lỡ ép duyên ngõ thành phố khó mà hạ hồi phân giải: ngõ Trạm hay phố Trạm? Ngõ Ấu Triệu hay phố Ấu Triệu? Ngõ Hàng Hành hay phố Hàng Hành? Trăm năm qua biết bao lần đổi cách gọi phỏng có ích gì.

Chất Hà Nội đặc trưng và hàm xúc nhất chính ở ngõ. Ngõ là bức chân dung chứng minh thư của Hà Nội. Ngõ cũng như người, vui và buồn, mơ mộng và thực tế, cơm áo với khách thơ v.v. Ngõ là một tiểu Hà Nội như cái tiểu vũ trụ – con người vậy.

Về hình thức ngõ là một nhánh của phố, ngõ có nghĩa là nhỏ, ở phía sau, gần nhà xa ngõ. Nhưng thực chất thì ngược lại, nó không phải nhánh xương cá. Ngõ là xương cốt của phố.

Ngõ là gốc, phố là ngọn.

Không ai đón phố mà chỉ đón ngõ.

Không ai dạm phố, chỉ dạm ngõ thôi.

Ngõ là một khuôn mặt khác của Hà Nội. Không thể gọi là phụ mà đó là khuôn mặt thứ hai của Hà Nội; tuy vậy lại là một khuôn mặt thực, khuất lấp nhưng đầy sôi động.

Tôi ao ước về một bảo tàng Hà Nội cổ chính là khu 36 phố phường y nguyên như vậy (một lát cắt ngang vào mùa thu năm 2003 chẳng hạn) với ngập tràn hơi thở tự nhiên thô mộc của đời sống đến từng ngóc ngách. Hoặc là ngược hẳn lại, không còn người cư trú, hoàn toàn trống không: phố ngõ nhà, những cổng, cửa mở toang mời gọi du khách tới thăm cái bảo tàng đặc biệt này trong tĩnh lặng tuyệt đối, để họ tự chiêm nghiệm và tưởng tượng ra mỗi người một cách về Hà Nội của riêng mình.






Ở Hà Nội, chính cái hun hút, tôi tối của ngõ lại mang đến sự quây quần, ấm cúng, chung đụng chia sẻ, nhờ vả cởi mở – đó là cái chất hàng xóm tối lửa tắt đèn rất cần thiết để chống lại cái nhịp sống gấp gáp, lạnh lùng, khép kín của hôm nay.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Lê Thiết Cương

Nguồn tin: Sài Gòn tiếp thị