Hồn Việt xưa trong làng Nhà cổ

Trong những chuyến du ngoạn miền Tây Nam bộ, tôi có cơ hội thăm viếng nhiều ngôi nhà cổ có độ tuổi từ vài ba thế kỷ đổ lại. Nhưng chỉ khi đặt chân đến làng nhà cổ “Phước Lộc Thọ” ở Đức Hòa – Long An, tôi mới nhận ra rằng ở đây tích hợp tất cả những gì tôi đã từng biết trước đó, bởi đây là khu phục dựng nhà cổ tiêu biểu của ba miền đất nước.

Từ TP.HCM, đi theo lộ trình Bà Điểm - Xuân Thới Thượng - Ngã Ba Giồng mất gần 40km tương đương với 1 giờ chạy xe, tôi đã đến địa giới tỉnh Long An, cũng là đoạn mở đầu làng nhà cổ Phước Lộc Thọ. Chúng tôi được chào đón bởi chiếc cổng chào hoành tráng bằng gỗ lên vân đen mun bóng loáng lấp lánh dòng chữ ánh kim, nhũ vàng phản tia sáng mặt trời trông khá ấn tượng, hai bên cổng là đôi lân đá cẩm thạch màu hồng to lớn oai vệ nhe nanh múa vút.

Chủ nhân khu nhà cổ này là ông Dương Văn Mỹ. Do quá ham mê các kiến trúc nhà cổ thuần Việt, ông đã bỏ ra hơn 10 năm đi khắp mọi vùng miền tìm tòi và mang về phục dựng. Ông Mỹ cho biết: Từ thuở ấu thơ, niềm đam mê đồ cổ đã đi vào tim óc của ông như là một nghiệp dĩ. Năm lên 10 tuổi, mỗi khi gặp một món đồ cổ như chung trà, chiếc bình, đồng hồ và những vật dụng sinh hoạt có hơn 100 tuổi trở lên, ông thường đeo bám các cụ ông để tỉ mẩn hỏi về sự tích của từng món đồ cho thật rành rẽ. Từ đó, ông bỗng ngộ ra: các món đồ cổ mà ông được mắt thấy tai nghe đều có một “hồn riêng”. Điều này minh chứng rằng từ xa xưa, người Việt đã có một nền văn hóa độc đáo, mà nhà cổ chính là những chứng nhân thăng trầm của lịch sử.

THU THẬP “XÁC” NHÀ CỔ

Khi đã ổn định, thành danh và sở hữu một số vốn kha khá với nguồn thu nhập chính từ một công ty cơ khí, ông Mỹ nhờ người điểm chỉ những căn nhà cổ trên khắp đất nước để có dịp rảnh là ông đến tận nơi xem. Năm 1998, trong một lần đến Tiền Giang, khi thăm nhà cổ Hội đồng Hà, ông được con cháu trong nhà cho biết: sau hơn 100 năm tồn tại cùng mưa nắng, ngôi nhà thuần chất Nam bộ này dần xuống cấp vì việc xử lý chống mối mọt ẩm mốc không cẩn thận, dù nó vẫn còn khá đẹp với những nét hoa văn chạm khắc bằng gỗ chò chỉ lên nước bóng đen mun, cẩn xà cừ tinh xảo trên 48 cột. Con cháu hậu duệ của Hội đồng Hà tuy rất xót xa khi ngắm ngôi từ đường mỗi ngày càng hư hỏng, nhưng do gia cảnh khó khăn, cả gia tộc đành nhắm mắt đưa chân nhượng ngôi từ đường cho người biết gìn giữ vì bản thân họ không thể bảo tồn.

Cám cảnh, ông Mỹ đã mua lại xác nhà này với giá cao hơn rất nhiều so với thương lái tới mua ép giá. Kế tiếp ông phải chật vật tìm các thợ giỏi để dỡ nhà cùng bàn phương án phục dựng ngôi nhà sao cho hợp lý. Chợt nhớ đến mảnh vườn rộng gần 6ha tại Đức Hòa được ông tậu cả chục năm hiện đang trồng tràm và cây ăn trái bên dòng Vàm Cỏ Đông,  một ý tưởng ập đến: “ Mình sẽ lập một khu bảo tồn làng nhà cổ Việt tại đây”, ông Mỹ kể lại.

GIAN NAN PHỤC DỰNG

Vốn có kinh nghiệm về san lấp, xây dựng đường sá, ban đầu ông Mỹ với sự tư vấn của nhóm thợ chạm khắc giỏi từ Huế được mời đến làm việc phải mất khá nhiều thời gian mới đi đến đồng thuận việc dựng nhà sao cho hợp với vườn cảnh. Thời gian này, tiếng đồn ông Mỹ mê nhà cổ lan mạnh trong mọi giới. Vì vậy, ông nhận được nhiều lời mời đi xem nhà cổ ở khắp mọi vùng miền. Sau cả trăm chuyến săn lùng, ông Mỹ ôm gọn trong tay 15 ngôi nhà cổ có tuổi đời tròm trèm 200 năm trở lại.

Hoàn tất việc di chuyển các xác nhà cổ về Đức Hòa, ông Mỹ bắt đầu tính toán lại từ diện tích, kiến trúc của từng ngôi nhà thật tỉ mỉ. Kế tiếp, ông tiến hành việc đo vẽ nền rồi xây dựng vị trí đặt nhà cổ sao cho hợp lý. Từng bước, ông tiến hành xây dựng vườn cây, hồ, suối, thác nước và trồng hoa kiểng. Để cho bối cảnh tự nhiên thêm sống động, ông đặt các tượng đá chạm khắc tứ linh, tam đa phối cảnh cho khu vườn.

TẬP ĐẠI THÀNH NHÀ CỔ BA MIỀN

Vào thăm làng nhà cổ, nếu tinh ý du khách sẽ nhận ra: Những ngôi nhà cổ được ông Mỹ chọn lọc gắt gao có hàm ý mang hơi hướng đại diện cho ba miền Bắc Trung Nam giai đoạn thế kỷ 18-19. Nét đặc trưng của chuỗi nhà cổ do ông sưu tập là: tất cả đều bằng gỗ, cẩn chạm hoa văn cùng khảm xà cừ hoặc sơn son thiếp vàng, đặc biệt các ngôi nhà đều ghép lại bằng mộng, không hề sử dụng đinh. Trong số đó, ngôi nhà nhỏ nhất có 36 cột và ngôi nhà lớn nhất gồm 104 cột. Trong làng nhà cổ này hiện tại có 5 ngôi nhà đặc trưng Nam bộ với dạng 5 gian, mỗi ngôi nhà được thiết kế thoáng nhìn thấy hao hao như nhau nhưng xem kỹ mới biết nghệ nhân xưa chạm khắc hoa văn cùng nghiên cứu cách lắp mộng hoàn toàn riêng biệt nên không có ngôi nhà nào giống nhau cả.

Riêng nhà 104 cột bao gồm 5 gian hai chái, nhà trước nối nhà sau bằng một mái cầu, vì vậy nhà này được người Nam bộ xưa gọi là nhà cầu. Nhà rộng 22m, cao ước chừng 7m và dài gần 30 m. Các ngôi nhà đều được đặt trên một khuôn nền cao chừng 1m. Nhằm tôn tạo vẻ đẹp của nhà, ông Mỹ cẩn thận cho lót gạch Tàu và khảm đá chung quanh. Muốn vào nhà, người ta phải đi qua một cổng tam quan bằng gỗ được chạm trổ công phu rất nguy nga. Ngôi nhà này chí ít xa xưa phải có danh vị từ quan Tổng trấn mới có thể sở hữu nhưng do xác nhà đã đi qua nhiều người sưu tập nên khi đến tay Ông Mỹ thì “tích” về ngôi nhà vẫn chưa được xác định.

Điểm nhấn của làng cổ là hồ nước, trên hồ này thiết kế một ngôi chùa nhỏ mang dáng dấp chùa Một Cột - Hà Nội. Bên cạnh là 2 ngôi nhà được xây dựng theo kiểu miền Trung, đặc điểm của nhà này có mái thấp hơn nhà cổ miền Nam (vì miền Trung hay mưa to gió lớn, cất mái cao e sập), mọi thứ trong nhà đều sơn son thiếp vàng, còn trên trần nhà có những tấm khảm gỗ được chạm khắc rất kỳ công chứng tỏ uy quyền của chủ nhân. Nhà Huế có đặc điểm là trước nhà luôn có một bức bình phong bằng gạch ngoài sân được cẩn sứ rất đẹp. Trên bức bình phong này thể hiện hình đào, lan, cúc, trúc cùng thanh mai - trúc mã bằng sứ được khảm rất thanh thoát.

Ngôi nhà kiểu “Tửu lầu tứ giác bát dần” lại đậm dáng dấp cung đình, mới nhìn tưởng chừng như một ngôi chùa nhỏ. Kiểu nhà này xưa kia thường dành cho các quan lại miền Trung mỗi khi hội họp uống rượu làm thơ thì lên lầu hóng gió và tìm ý thơ phóng bút. Nhà này cũng thường được xây dựng dành cho các tiểu thư, công chúa ở để khi kén chồng sẽ đứng trên lầu gieo thả tú cầu. Nằm gần đó là khu nhà của dân tộc Việt sinh sống tại vùng cao, gồm 6 ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng Tây Nguyên với nguyên vật liệu toàn gỗ cao cấp. Tham khảo kỹ, các ngôi nhà này pha trộn văn hóaViệt vì sự khác biệt rất lớn ở chiếc cầu thang có hoa văn chạm khắc chữ; đặc biệt cột dùng để trụ nhà sàn hai tầng từ đất lên tới nóc  mà không hề có một mối nối. Ngoài ra, ông Mỹ cũng sưu tầm được một ngôi nhà sàn cổ mang phong cách Champa với những cột gỗ hình vuông vắn. Hầu hết các ngôi nhà cổ này đều được chủ nhân sưu tầm từ Huế, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Quảng Nam và cả miền Bắc.

KHU TRƯNG BÀY VẬT DỤNG CỔ

Trải hơn 03 năm phục dựng với lượng nhân công hàng chục người, 15 căn nhà cổ sừng sững nguy nga trong khuôn viên rộng tới 40.000m2 đã tạo ấn tượng với mọi người dân trong vùng. Ngoài việc đến đây chiêm ngưỡng nhà cổ, Phước Lộc Thọ còn hút hồn du khách bởi khu hoa viên xanh mát. Ở khu nhà cổ này, du khách có cơ hội ngắm các vật dụng nội thất cùng một số cổ vật được bài trí trong các nhà cổ như nét chấm phá tôn thêm hồn Việt xưa. Vật dụng quý hiếm được trưng bày tại đây khá nhiều như: bộ chân quỳ chạm hình cá hóa long 1 tấm (tương truyền là dành cho các Vua triều Nguyễn ngự), bộ bàn ghế Louis thời cách mạng Pháp, long sàn có cẩn mặt đá cẩm thạch trắng vân hồng hoặc xám đen rất đẹp. Chếch về phía sau là những bộ ván ngựa 03 tấm có chân và không chân trông thật bắt mắt; xác ướp của bộ ba ba nặng khoảng 500kg/con được người xưa bắt được cách đây cả trăm năm.

Tại các ngôi nhà cổ, nhà nào cũng có bộ trường kỷ chạm, tủ thờ cẩn và tủ thờ trơn các loại. Riêng những bức bình phong nhỏ lớn thì có các loại cẩn xà cừ hoặc trơn, có khá nhiều bộ trường kỷ cẩn đá cẩm thạch khá đẹp dành hoàng tộc thời xa xưa sử dụng. Ôsng Mỹ còn cất công sưu tầm các vật dụng như: đàn Piano cổ, tủ trang điểm, máy hát đĩa, các tượng Phật, tượng thần hiếm muộn, tượng Đức Thánh Trần, các độc bình bằng gốm sứ Giang Tây, Nhật Bản cùng các chén đĩa cổ xưa.

Tiếng lành đồn xa, hiện nay, làng nhà cổ Việt độc đáo có một không hai của miền Tây Nam bộ này ngày càng được nhiều du khách tìm đến viếng thăm, nghiên cứu.


Tác giả bài viết: Tuấn Dương

Nguồn tin: vntravellive.com