Đình Tiên Thủy (Bến Tre) - một công trình kiến trúc độc đáo

Đình Tiên Thủy, tọa lạc tại ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đây không chỉ là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành mà còn là niềm vui của những ai quan tâm đến văn hóa Bến Tre.

Ông Trần Văn Giác, Chánh tế đình Tiên Thủy cho biết: Ngôi đình có lịch sử hàng trăm năm tuổi này đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, tinh xảo của kiến trúc xưa. Lần gần nhất ngôi đình được trùng tu là vào năm 1928 và giữ nguyên diện mạo cho đến hôm nay. Ngôi đình có diện tích gần 2.500m2, nằm trong khuôn viên rộng gần 2 ha.

Tương truyền vào năm 1778, Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn và đã đến nơi này. Ông thấy nước sông ở đây trong veo lại có vị ngọt lành lạ thường nên đặt tên sông là Tiên Thủy (nước tiên). Các bô lão trong làng sau đó họp lại và quyết định dựng lên một ngôi đình bằng cây lá đơn sơ tại vị trí Nguyễn Ánh từng trú chân. Đến năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong cho đình vào ngày 11/11. Từ đó đến nay, ngày 10-12/11 Âm lịch hàng năm được chọn làm lễ hội kỳ yên đình Tiên Thủy.

Ông Trần Duy Đăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Thủy cho biết, lễ hội kỳ yên được tổ chức hàng năm là tín ngưỡng lâu đời của nhân dân trong vùng. Mục đích của lễ hội là cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi. Mỗi năm, có hàng ngàn lượt người tham dự và đây là lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất nhì cả vùng.
 

Tọa lạc ở xứ sở cây lành trái ngọt, cổng đình Tiên Thủy hướng ra sông Đông (tên gọi khác của sông Tiên Thủy). Ngôi đình này nổi tiếng linh thiêng và gắn liền với nhiều giai thoại. Hàng trăm nay nay, đây là chỗ dựa tâm linh vừa thiêng liêng vừa gần gũi đối với người dân địa phương. Đây cũng là nơi nhiều con xa xứ hướng về.

Cũng theo chính quyền địa phương và ban khánh tiết đình Tiên Thủy, việc đình được công nhận là di tích quốc gia là một niềm vinh dự lớn cho nhân dân địa phương. Vì ngôi đình rất lớn và có giá trị kiến trúc, lịch sử lâu đời nên không tránh khỏi việc hư hỏng, xuống cấp nhỏ.

Nhiều năm qua người dân đã đóng góp để sửa chữa và hết lòng gìn giữ. Tuy nhiên, đây là một công trình kiến trúc gỗ lâu đời nên việc giữ gìn, trùng tu cần có sự đầu tư lớn về lâu dài để bảo tồn và phát huy giá trị của công trình kiến trúc độc đáo này./.

Nguồn tin: TTXVN