Cát Bà bao điều kỳ thú nơi hoang dã

Quần đảo Cát Bà đa dạng và hiện hữu rất nhiều điều thú vị, vậy mà thật tiếc cho tới nay vẫn ít được du khách biết tới. Trong khi đó, quần đảo với 367 đảo này vốn rất đẹp về cảnh quan, đa dạng sinh thái và luôn hứa hẹn những chương trình du lịch mạo hiểm, dã ngoại đầy mới lạ.

Những hãng lữ hành đưa khách ra đây thường chỉ quen thuộc với cách thức tổ chức tour đơn giản, ngủ nghỉ tại thị trấn ven biển, trưa chiều tắm biển ở bãi Cát Cò 1, 2, rồi chèo kayak loanh quanh gần đảo lớn. Thảng hoặc có đoàn khách nào chơi sang một chút thì có thêm mấy bữa hải sản tự chọn ngoài bè cá với chi phí khá đắt.

Toàn cảnh quần đảo Cát Bà.

Nơi như Đà Lạt, nơi như miền Tây

Một dải núi rừng hùng vĩ trong lòng đảo, tại đó có những vạt rừng thông thẳng vút lên cao hàng ngàn thân cây, toả mùi thơm dịu nhẹ trong không gian, còn mặt đất thì như trải lớp thảm êm ái bởi lá thông rụng xuống. Đẹp không thua kém gì rừng thông Đà Lạt, nhất là những ngày trời trong và ánh nắng xiên chéo qua thân thông để tạo thành cảnh sắc kỳ thú. Từ góc rừng thông ở khu vực xã Việt Hải, du khách sẽ cắt qua triền núi, đi theo con đường mòn ẩn khuất trong rừng, vừa thử thách sức mình, vừa thưởng ngoạn cảnh sắc lạ lùng của hệ thực vật đa dạng. Rừng ở đây vừa có sinh thái đặc trưng nhiệt đới, vừa phảng phất giống miền ôn đới. Rất nhiều loài hoa lạ, rồi những trái sim chín mọng dưới nắng, những quả bồ kết rừng… Khá mạo hiểm khi lặn lội gần 10km khi băng qua sườn núi để tập kết về nơi đón xe, nhưng cảm xúc thì được thăng hoa và ống kính máy ảnh không thiếu cơ hội để ghi lại hình ảnh đẹp.

Sâu trong lòng đảo hiện hữu những vùng vừa là làng mạc kiểu nông thôn Bắc bộ, vừa có chất miền sơn cước, lại thêm những cánh đồng cỏ lác ngập nước gợi nhớ về tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Kỳ thú biết bao khi nhìn ngắm một cánh đồng rập rờn cỏ mọc trên nước hệt như miền Tây Nam bộ, tại đó có lũ sáo đậu trên lưng trâu, có những chiếc thuyền nan len lỏi theo thuỷ đạo nhỏ. Khách du lịch có thể đạp xe, đi xe máy từ trung tâm thị trấn lang thang theo những con đường nhỏ để đi sâu vào các làng mạc rải rác trong lòng đảo, tại đó phong cách sống của cư dân không mấy bị nhiễm thói kim tiền của nơi đô hội, càng không có cung cách bán hàng chặt chém. Hiền hoà và dễ mến những ngôi nhà nhỏ, ngoài vườn có cây hồng lúc trĩu quả, có chủ nhân thích có khách ghé thăm để mời ăn trái hồng, chùm nhãn… thu hoạch ở vườn nhà. Khi đi thuyền để tới xã Việt Hải, du khách càng thích thú khi gặp những khu nhà cộng đồng được thiết kế thuần tuý dân dã, cột gỗ, một tầng lợp ngói, thiết bị tối giản nhưng vẫn gắn máy lạnh và có nước nóng. Một hàng hiên nhỏ lộng gió để ngồi chơi buổi chiều muộn, một dòng suối chảy qua để buông cần, một vườn rau thơm trước nhà, những bữa ăn đơn giản do người dân chế biến làm ấm lòng du khách đã chán những bữa ăn ở nhà hàng. Phải nói thêm là trong khu nhà cộng đồng tại xã Việt Hải, nếu đã được mấy chàng trai địa phương mời nhậu thì cũng nên dè chừng, bởi chất rượu ngâm cả tảng sáp ong rất mềm môi nhưng say lúc nào không biết.

Bao điều kỳ thú ở vịnh Lan Hạ

Càng thú vị hơn khi được ra tuốt ngoài xa vịnh Lan Hạ, nơi tiếp giáp với vịnh Hạ Long để chèo kayak. Không bắt gặp những Achiếc du thuyền vốn đi lại tấp nập ở vùng vịnh Hạ Long, chỉ có những hòn đảo nhỏ hoang vắng, những bờ cát nhỏ không mấy khi có khách lên chơi. Có thể chèo miệt mài trong vịnh Lan Hạ, để kayak len lỏi giữa các vách đá, chui qua mấy hẻm núi ngập nước, phóng tầm mắt ra xa và đôi khi bắt gặp những gã thợ ong leo trèo trên vách đá như sơn dương. Rất lạ cách đi kiếm ong rừng của họ, cứ một tay nải, một đôi dép dưới chân mà leo trèo khắp các vách đá lởm chởm dựng đứng của quần đảo Cát Bà. Chất mật ong rừng đó cực kỳ tốt, giá trị hơn nhiều mật ong nuôi, và vì thế thành quả của thợ ong lúc nào cũng được hoan nghênh ngoài thị trấn.

Bạn có thể chèo kayak trong vịnh Lan Hạ len lỏi giữa các vách đá, chui qua mấy hẻm núi ngập nước…

Một ngọn đồi Hải Quân trước đây thuộc sự quản lý của bên quân đội, mới đưa vào khai thác du lịch, tại đó có những khẩu đại pháo rất lạ được chế tạo từ thời Pháp và hệ thống giao thông hào bêtông tái hiện lại cuộc chiến bảo vệ bờ biển của quân dân Cát Bà. Một hang Quân Y có hệ thống hầm ngầm kiên cố trong lòng hang núi. Một con đường ven biển uốn lượn và đột ngột xuất hiện hầm xuyên qua lòng núi, trong đó không khí mát lạnh xua tan mệt mỏi của hành trình đạp xe dưới nắng… Rất nhiều điều kỳ thú đang chờ khám phá trên đảo Cát Bà, điều này thật khác với chương trình ăn ngủ nghỉ đơn giản ở ngoài thị trấn.

Từ Hà Nội, cách đi phổ biến đến Cát Bà là sử dụng phương tiện xe buýt xuống Hải Phòng, khởi hành từ cảng Đình Vũ đi tàu cao tốc đến Cát Bà. Hoặc đi xe buýt xuống Hạ Long ra bến tàu cao tốc từ Bãi Cháy sang Cát Bà, thời gian tuỳ thuộc vào con nước; trung bình khoảng 30 – 40 phút. Nếu đi xe riêng thì đến thẳng bến phà Tuần Châu, Hạ Long, đi phà sang Cát Bà, thời gian khoảng một tiếng.

Tác giả bài viết: Thái A

Nguồn tin: SGTT