Cái ngưỡng cửa cao

Có một câu dân ca Mông từng ám ảnh tôi trên nhiều nẻo đường lang bạt. Ơi anh, nhà em cửa không cao, Anh yêu, anh cứ vào, cứ vào... “Cái ngưỡng cửa cao” - thấp với con gái người Mông ở Thượng Phùng (Mèo Vạc) mà dường như cao với cô giáo người Kinh lên cắm bản ở mảnh đất địa đầu (*).

Từ cái ngưỡng cửa ấy, tôi đã cất giữ cho riêng mình bao câu chuyện của Đồng Văn…

Trong kiến trúc nhà trình tường của người Mông ở địa đầu cực Bắc, những ngôi nhà luôn tựa lưng vào núi, quay mặt ra thung lũng hoặc khe suối, xung quanh là hàng rào đá cao ngang ngực người. Cổng nhà (nếu có) làm bằng gỗ, có mái che, chân quay là hai cục gỗ vuông vững vàng. Cửa nhà luôn mở vào trong, then cài cũng bằng gỗ, vót cong như sừng trâu. Bên dưới có ngưỡng cửa cao, ngang một cái nhấc chân, hai bên lề có hai phiến gỗ như hai chiếc ghế ngồi nho nhỏ.

Người Mông thường treo một vuông vải màu đỏ phía trên ô cửa, treo bùa trừ tà ma trong một chiếc bát sành hay đóng một ống trúc bên vách để cắm chân hương. Đến tết sẽ mua giấy bản mới đột hình hoa văn cầu kỳ về dán lên cánh cửa đợi xuân. Cổng nhà người Mông không rộng. Cánh cổng gỗ dầy dặn, chắc nịch và đẹp nhất Sủng Là. Đẩy cánh cửa gỗ ra để bước vào qua cái ngưỡng cửa cao, có cái dây kéo, cửa sẽ tự động đóng lại.

Tôi chào người đàn ông đang chăm chú đục cột nhà mới trên hàng hiên, dưới bóng cây hồng khô trụi lá, mảng tường đất cũ kỹ với những tấm bằng khen và khung ảnh ố màu thời gian. Bên ngoài bờ rào đá có một ruộng cải mèo xanh mướt, một chiếc lồng chim phủ khăn hồng điều lấp ló, một người đàn bà đang lúi húi xe sợi. Thế giới của trong và ngoài.

Bình Yên - Ảnh: Việt Hùng

Một góc bình yên - Ảnh: Việt Hùng

Một cửa hàng xây xát gạo ở phố Đồng Văn - Ảnh: Việt Hùng

Người Mông bảo cửa chính mở ra chủ yếu lấy ánh sáng. Cửa phụ trổ hai bên hông nhà mới dùng nhiều trong sinh hoạt. Cửa phụ thường trổ ngay sát bếp lò, một bếp chuyên dùng nấu ăn, bếp kia để nấu rượu, bung ngô, nhuộm vải, nấu thức ăn cho gia súc.

Có lần tôi ngồi sưởi lửa trong một căn nhà ở ngã ba Phố Cáo, những lõi ngô khô đượm cháy rừng rực, chén rượu ngô cay xè cuống họng. Nhìn qua khung cửa chính thấp hẹp, bạn tôi ngồi im lìm trên bậu cửa, điếu thuốc cháy trên tay. Ngoài trời mù giăng trắng xóa, hơi nước đọng lại trên mái hiên thành những giọt rơi tí tách. Thoáng lại thấy một chiếc váy Mông sũng nước cắm cúi qua. Thoáng lại thấy một chiếc xe cải tiến chở đầy dây khoai vụt ngang hối hả. Như một cuốn phim cũ kỹ, chậm buồn.

Tôi từng ngồi hàng giờ trên bậc thềm phố cổ, chờ những chàng trai, cô gái dắt lợn đi qua. Ngồi cả buổi chiều trên cái ngưỡng cửa cao của cửa hàng xay xát gạo, chiều không bận rộn, những người đàn ông, đàn bà lặng lẽ đến và đi, chỉ có bọn trẻ con leo trèo trên khung cửa sổ, in hình lên khoảng tối phủ lên chiếc máy xát bụi bặm và thơm mùi trấu mới. Ngước mắt nhìn ô cửa sổ bé xíu với những chấn song cũ mèm trên bức tường đối diện, lại nhớ nụ cười của chú bé vắt vẻo trên ô cửa một căn gác nhỏ ở Sủng Là.

Sân nhà trưa vắng - Ảnh: Việt Hùng

Hiên nhà Phố Cáo - Ảnh: Việt Hùng

Sủng Là ngày tôi qua. Có căn nhà từng đi vào lịch sử điện ảnh. Nhà của Pao. Một người đàn bà xinh đẹp bằng xương bằng thịt, áo hoa xanh, đầu quấn khăn cầu vồng ngồi ôm cậu bé con trên bậc cửa. Người đàn bà đẹp với ánh nhìn u uẩn, bao vất vả chốn cao nguyên in hằn những vết chân chim trên khóe mắt, dù nụ cười lặng lẽ trong bức hình chụp chung với gia đình vẫn đượm màu của hạnh phúc và bình yên.

Dưới chái nhà ngang, nắng xiên qua mái ngói tô lên vách tường từng mảng màu sáng tối. Một cô bé Mông bất ngờ hiện ra trên khung cửa sổ bếp, nụ cười tỏa nắng khi ánh mắt ngước nhìn như tìm kiếm điều gì trên chiếc lồng chim.

Tôi bước qua vạt nắng xiên ngang ngưỡng cửa cao. Một ôm rau mới hái nằm ngổn ngang trên nền đất. Trong nhà thiếu sáng, mùi ẩm ướt, lạnh lẽo tỏa ra từ khắp các góc. Chăn màn cũ kỹ. Giường chiếu lặng im.

Đi chợ. Bước ra ngưỡng cửa là thế giới bên ngoài - Ảnh: Việt Hùng

Có bao phụ nữ từng ngồi bên trong cái ngưỡng cửa cao để nhìn xiên ra ngoài trời - nơi ấy đầy ánh nắng? Có bao nhiêu lần họ sẽ ngồi trên bậu cửa, như tôi đang ngồi và nghĩ nếu mình là con gái người Mông, không biết mình dệt lanh có lỗi, xe sợi có rối và có đủ nhẫn nại rót rượu cho chồng bên bếp lửa hồng cháy bùng bởi những lõi ngô khô?

 

(*) Tứ truyện của Đỗ Bích Thủy trong Cái ngưỡng cửa cao.

Tác giả bài viết: Thủy Phạm

Nguồn tin: tuoitre.vn