Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?

Đây là tiêu đề triển lãm của CLB Nghệ sĩ trẻ thuộc Hội MTVN, diễn ra tại tầng 1 & 2, Nhà triển lãm của Hội, số 16 – phố Ngô Quyền Hà Nội (từ ngày 11 đến 23 – 3 – 2013). Câu hỏi lớn và có vẻ mông lung ấy không dễ để trả lời.
Băn khoăn tìm lời giải đáp

Bức tượng nổi tiếng Người suy tư của A.Rodin (1870 - 1917) được chọn làm hình ảnh biểu tượng của chủ đề trên pano của triển lãm. Bức tượng được kỹ thuật photoshop giúp phủ lên nhiều màu sắc khác nhau, thể hiện sự phong phú, đa dạng sắc màu nghệ thuật trong mỹ thuật nói chung cũng như ở triển lãm này... Ấy là người tới xem triển lãm có thể suy luận vậy. Nhưng băn khoăn lớn nhất của người viết là chẳng lẽ các nghệ sĩ cạn ý tưởng thiết kế đồ họa đến vậy cho chính triển lãm của mình, mà phải đi mượn hình ảnh bức tượng ra đời cách đây hơn trăm năm? Nhưng mượn thì cũng không sao, có điều việc phủ màu photoshop lên hình ảnh này, xanh dương đậm, rồi nâu vàng, đỏ rực xong chuyển qua tím, xanh lục,… chẳng có nhịp điệu gì cả. Hình chạy xa dần từ phải qua trái cũng không thuận mắt nhìn. Nói chung là rối mắt mà lại gây cảm giác rời rạc. 


Sống để vẽ, sơn dầu, Hoàng Duy Vàng, 60x40cm

Cái cảm giác băn khoăn kia hóa thành vớ vẩn khi đứng trước bức… họa (hay áp-phích?) của tác giả Hoàng Duy Vàng. Trên nền hình bán thân một người được ghép từ hai nửa dọc đen và trắng, gần kín những câu viết màu đỏ mà nếu đọc kỹ, sẽ thấy được chia thành ba phần: luận đề (câu trên cùng), thuyết giảng (6 dòng ở giữa), kết luận (câu cuối cùng). Rất đanh thép với màu đỏ tươi - màu của nhiệt huyết - nhưng sao bạn ấy không vẽ thay vì thuyết giảng? Hay là vì việc vẽ không thể thể hiện được hết suy nghĩ trong bạn về luận đề nêu ra nên bạn phải viết cho cặn kẽ? Bức này có tên Sống để vẽ, sơn dầu, kích thước khá khiêm tốn dù muốn thể hiện chủ đề lý tưởng lớn lao (60 x 40cm), mới hoàn thành trong năm 2013. 

Ngược lại với bức tranh “nhỏ mà lớn” của Hoàng Duy Vàng, những bức tranh lớn nhất trong triển lãm này lại nói về vấn đề đời thực của cá nhân: tình - tiền, dục vọng thậm chí là nhục cảm. Bức vẽ chân dung (không biết có phải tự họa?) trong lồng chim với tờ tiền 5 đô la Mỹ, nhân vật đang vượt thoát ra (Vô đề, Nguyễn Thái Thăng), kích thước 160 x 120cm. Bức nói thẳng về “vòng xoáy dục vọng” đàn bà (tranh cùng tên của Nguyễn Khắc Chinh, 190 x 211cm).

Bức Nhà triển lãm (170 x 120cm) của Nguyễn Tuấn Tú thì có ý mở rộng tới câu chuyện mua bán tình dục với nhân vật chính được đặt trên bục bệ như một tác phẩm triển lãm, thêm mấy dòng chữ lột trần ý đồ tranh vẽ: “tg: Phạm Dậu/tphẩm: Phạm Ánh Trinh/cliệu: Thịt/cao: 1m69/cân nặng: 53kg”. Nhân vật chính cùng chú thích nổi bật trên nền rất nhiều nhân vật nhỏ với đủ các tư thế gợi dục, như trong các sex shop nổi tiếng ở Thái Lan... 

Đến bức Bóng đêm của Nguyễn Minh Tân (sơn dầu, 150 x 150cm) thì có lẽ không ít người xem phải choáng váng vì mức độ trần trụi của nhục cảm cá nhân được phô bày trong tác phẩm.

Sốc, sex và chỉ thêm “sến” nữa là thành 3S - công thức câu view của nhiều báo mạng hiện nay. Nhưng suy luận ấy của người xem sai bét, vì lời giới thiệu triển lãm khác hẳn. Xin trích đoạn: “… Triển lãm mỹ thuật Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì? Là những tác phẩm tâm huyết - khát khao sáng tạo, đổi mới. Triển lãm mỹ thuật Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì? Là câu hỏi trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ, nhân cách của thế hệ trẻ trong thời kỳ đổi mới góp phần vào sự phát triển mỹ thuật Việt Nam. 

- Sống để vẽ hay vẽ để sống? Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì? 

- Tính dân tộc và tính thời đại Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì? 

- Đổi mới hay đóng băng vô cảm Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì?”. (Lời giới thiệu của họa sĩ Bằng Lâm) 

Vậy là cuối cùng tôi không tài nào tìm được câu trả lời. 



Tấm phiếu dán trên tượng Giai điệu Tây Nguyên, tác giả Trần Quang Minh

Lại chuyện cách trưng bày 

Những sáng tác điêu khắc chiếm một vị trí khiêm nhường trên tầng 2, chỉ có 5 trong tổng số 49 sáng tác của triển lãm này. Mà nói chung, bức nào cũng nhỏ nhắn về kích thước. Song nội dung đa dạng, bức về động vật, bức về thực vật, bức về Tây Nguyên, bức mang triết lý cộng sinh, bức lại về tình yêu nam nữ, nói vậy cho văn hoa chứ đúng ra thuộc về chủ đề sex (Đêm, gốm Phù Lãng, Triệu Long), tựa như bức tranh Bóng đêm cạnh nó mà thôi. 

Nhưng vấn đề đáng nói nhất đối với các sáng tác điêu khắc này có lẽ không phải là chủ đề hay nghệ thuật mà là cách trưng bày. Tấm phiếu ghi tên tác giả, tác phẩm được dán thẳng lên tượng, hoặc được đặt trên bục bệ, mặc dù đã có bảng tên tác giả tác phẩm, chất liệu đàng hoàng đính trên thân bục rồi. Việc làm này thực là có phần cẩu thả. Vì cái phiếu đó không phải là một phần của tác phẩm nên vị trí của chúng phải ở trong kẹp hồ sơ triển lãm thôi. 


Tưới mát tâm hồn, acrylic, Đỗ Hiệp, 120 x 40cm

Bên cạnh đó, ánh sáng trong phòng triển lãm được cào bằng cho cả tranh sơn dầu hay sơn mài, tranh lụa. Thành ra, tranh sơn mài có chỗ bị lóa (bức Tre), có chỗ lại phẳng lì, mất độ thâm sâu (bức Phố Hàng Quạt), tranh lụa trong khung kính cũng chói sáng khó xem, có bức sơn dầu thì nhìn mãi không ra hình thù gì (bức Chân dung người thợ gốm). 

Việc không có chú thích tiếng Anh trên bảng tên tác phẩm cũng đáng tiếc. Nhà triển lãm ở vị trí đắc địa, ngay ngã tư Tràng Tiền - Ngô Quyền, trung tâm thủ đô nên lượng khách du lịch ngoại quốc vãng lai đông lắm. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, một đôi vợ chồng người nước ngoài nhìn ngó khắp nơi, có vẻ muốn kiếm thông tin thêm về tác phẩm mà họ quan tâm, nhưng nhà triển lãm tịnh không có một tờ rơi, tờ gấp nào, nhân viên cũng không, bảng tên thì chỉ có tiếng Việt.

Tác giả bài viết: Phong Vân

Nguồn tin: TT&VH