NSND, Họa sĩ Hoàng Tuyển - Người có công lớn trong việc khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tranh

Diệp Minh Châu bên bức tượng Hồ Chủ tịch

Diệp Minh Châu bên bức tượng Hồ Chủ tịch

Hoàng Tuyển sinh năm 1912 tại xã Tân Niên Trung, Huyện Gò Công Đông. Khi anh vừa 4 tuổi và đứa em chưa đầy 2 tuổi thì người cha Minh Hương của anh, không biết vì sao bỏ nhà ra đi. Bà mẹ nghèo của anh sống ở làng Tân Trung gần Đám Lá Tối Trời, nơi lãnh tụ nghĩa binh Trương Định đã hy sinh trong một trận đánh chống quân xâm lược Pháp. Mẹ phải nhờ cậy vào bên ngoại cũng rất khó khăn. Vì vậy anh chỉ được học tới lớp nhì trường làng thì phải bỏ học để giúp mẹ cày bữa, cấy, gặt…
Ở thôn xóm, lúc ấy cũng có mấy người bà con trong xóm muốn giúp anh mở một lớp học nhỏ dạy vỡ lòng cho con em. Lớp học mỗi ngày một đông nên anh cũng có được mốt số tiền hàng tháng đưa cho mẹ. Nhưng một ngày nọ, có một tên cò Tây đi ngang qua, cho rằng lớp học không có giấy phép, nên y cho gọi Hội tề tới và ra lịnh cấm…

Còn nhỏ tuổi mà chịu cảnh thất nghiệp, anh rất buồn. Sẵn giấy bút lúc còn dạy học, anh ngồi tỉ mỉ vẽ những bụi chuối, con gà, con vịt… rồi anh vẽ con trâu kéo cày, người ta cấy, gặt, xóm lá bờ tre… Ai cũng bảo anh vẽ rất giống. Thấy anh tha thiết muốn học vẽ, mẹ âm thầm đưa anh lên Đông Sơn gởi cho thầy Nguyễn Thanh Dương. Thầy mới từ Pháp về, mở xưởng vẽ tranh và đang dạy ba người học trò nhỏ như anh.

Sau ba năm học tập, rèn luyện, tay nghề anh đã thành thạo. Nhưng phải năm kinh tế khủng hoảng, khách hàng ít dần đi. Cũng may lúc đó họa sĩ Huỳnh Phan ở Pháp về chuyên vẽ phông màn cho các gánh hát. Thầy Dương đã gởi anh cho họa sĩ Huỳnh Phan để có thể kiếm cơm mỗi ngày.

Họa sĩ Huỳnh Phan chuyên vẽ phông màn cho các đoàn hát lưu diễn ở các tỉnh nhỏ, cho anh phụ pha màu và phụ các chi tiết họa sĩ đã phác thảo sẵn. Dần dần họa sĩ Huỳnh Phan thấy anh vẽ cũng khá đẹp nên cho phép anh vẽ cả một tấm phông theo sơ đồ thầy đã nhận của những bầu gánh. Một thời gian sau nữa, họa sĩ Huỳnh Phan cho anh trực tiếp giao dịch với các đoàn và tự mình phác thảo ra những tấm phông. Anh đã vẽ những tấm phông là cảnh rừng thông, có sông, có núi, có suối cùng những khóm hoa rất sinh động và rực rỡ làm cho khán giả rất yêu thích.

Anh vẫn đi theo họa sĩ Huỳnh Phan và được quen biết với nhiều đoàn hát như Thanh Điền, Bảy Bão, Huỳnh Thành, Phước Hưng. Rồi chẳng may gánh Phước Hưng bị thất bại liên miên và tan rã, họa sĩ Huỳnh Phan và anh rơi vào cảnh ngặt nghèo. Cả ngày chỉ được ăn một bữa cơm đạm bạc. Anh đành phải từ giã họa sĩ Huỳnh Phan, rời chiếc ghe của đoàn hát lên bờ kiếm sống. Số phận run rủi, anh gặp được nhà thầu khoán Rơ-nê Được. Ông này chuyên nghề thiết kế, trang trí nội thất, nhận anh để phụ vẽ các hoa văn tường nhà những phú hộ trong vùng.

Nhưng chẳng may, mới được ít lâu thì ông Rơ-nê Được gặp một tai nạn. Đó là vào ngày đầu mùa giông bão, căn nhà của ông bị một cơn lốc đánh sập, ông trở thành phá sản. Ông dắt díu anh về Sài Gòn ở đậu tại căn nhà của cha mẹ ở đường Phan Thanh Giản. Bị cha ông Rơ-nê Được đuổi khỏi nhà, anh đành phải ra đi, sống vất vưởng trên lề đường. Một hôm ông Rơ-nê Được bắt gặp anh đang đói lả giữa bồn binh chợ Bến Thành liền đưa anh tới gởi cho người cháu ngồi bán vé cho đoàn Hề Lập đang diễn tuồng Lý Chơn Lâm biết bay, rất đông khách… Vãn hát, Hề Lập biết anh là học trò của thầy Huỳnh Phan và đã từng vẽ phông màn cho nhiều gánh hát ở tỉnh, đồng ý cho anh ở lại đoàn giúp cho việc phông màn đang thiếu người.

Tượng thạch cao" Bác Hồ với thiếu nhi Trung Nam Bắc"
Làm việc với đoàn Hề Lập, anh đã mở rộng được mối làm ăn với các đoàn danh tiếng ở Sài Gòn như đoàn Hoa Sen, đoàn Tiến Hóa, đoàn Tô Huệ, đoàn Phụng Hảo v.v… Tuy vậy những đoàn nhỏ, hát ở các tỉnh nhờ anh vẽ phông màn, anh cũng không từ chối. Biết những đoàn này nghèo nên anh đã sáng kiến ra cách vẽ phông màn, chỉ có một tấm thôi mà dùng được cho nhiều cảnh bằng cách vẽ lộn đầu đuôi vẫn dựng được. Các phông đó để chiều này thì là vườn hoa, xoay ngược lại thì là cảnh rừng núi, có suối chảy có mây bay, hoặc như nội thất thì để xuôi là cảnh nhà giàu, xoay ngang ra lại là cảnh nhà nghèo, tường long, vách lở, chỉ thay đổi đôi chút trang trí bàn ghế là đạt yêu cầu… Còn đối với những gánh hát giàu có, nổi tiếng một thời, anh lại có cách vẽ khác làm sao thật rực rỡ, chiếu đèn vô trông lung linh, nhìn không chán mắt. Lúc đó có một số đoàn vì cạnh tranh nhau đã yêu cầu anh vẽ cho những tấm phông như vậy. Họ trang trí sân khấu và mở cửa cho người ta vô coi như coi triển lãm. Tối đến khán giả nườm nượp, phải mua vé những ngày sau mới có chỗ ngồi…

Cách mạng tháng Tám nổ ra, anh tham gia cuộc khởi nghĩa tại quê nhà tỉnh Gò Công. Anh được đồng chí Khổng Tước, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Tổ chức triển lãm và Tuần lễ Vàng phân công anh chung với một số họa sĩ của tỉnh nhà trông coi Phòng triển lãm. Ngoài các hiện vật chứng minh truyền thống cách mạng của tỉnh nhà, các họa sĩ góp phần vẽ những bức tranh lịch sử. Riêng anh, anh muốn vẽ một bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ đã giành lại độc lập tự do cho đất nước. Đêm đó, suốt tới sáng, anh đã làm việc không mệt mỏi. Nhờ anh đã nhập tâm từng nét trên gương mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nét vẽ của anh dứt khoát, không phải tô lại lần nào. Tháng 10-1945 đã trích máu cánh tay vẽ chân dung Hồ Chủ tịch trưng bày tại cuộc triển lãm cứu quốc ở thị xã Gò Công. Gương mặt cụ hiện lên nền lụa thiệt rực rỡ và hiền từ. Dòng máu của anh từ huyết quản thấm vào cây bút lông vờn trên mặt lụa, khi khô, màu máu thẫm lại thật sinh động. Râu tóc Người như mây, như cước tỏa trên gương mặt sự hài hòa, trong sáng và hiền hậu.

Ngày khai mạc thiệt long trọng. Ngôi đình Trung ngay giữa thị xã, to rộng như vậy mà người ta tới dự lễ không có chỗ chen chân. Bởi, buổi khai mạc hôm nay cũng là ngày khởi đầu cho Tuần lễ Vàng cũng đúng vào ngày quân xâm lược Pháp tiến đánh thị xã và tỉnh Gò Công.

Thời gian rất cấp bách, anh Hoàng Tuyển chỉ kịp chạy về chia tay với mẹ và dặn dò người em rồi quẩy nóp lên đường cùng với Ủy ban tỉnh và các ban ngành tản cư về Rừng Sác, xã Lý Nhơn, lập chiến khu chiến đấu.

Trong khi đó, họa sĩ Diệp Minh Châu, học trò của Hoàng Tuyển thoát ra Đồng Tháp Mười về với quân khu 8. Biết được Hoàng Tuyển ở Lý Nhơn, Diệp Minh Châu đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu có lệnh điều động Hoàng Tuyển về Tiểu ban tuyên truyền văn nghệ trong Phòng Chính trị quân khu. Tại đây, anh Hoàng Tuyển đã lãnh nhiệm vụ trang trí sân khấu cho các vở kịch mới ra mắt cán bộ và nhân dân khu 8.

Cách trang trí sân khấu của anh Hoàng Tuyển hoàn toàn khác với khi anh vẽ phông màn cho những gánh hát lớn ở Sài Gòn. Toàn bộ thiết kế trên sân khấu chỉ có tấm đệm bàng, để trơn không vẽ vời gì. Vì nếu vẽ lên đó, lần sau không có cái mà dùng. Bàn thờ, mượn của nhà dân. Khi nào có cảnh nhà thì mượn một tấm liếp và mượn bàn ghế đặt lên là ra cảnh một căn nhà… Tôi đã thấy có khi có cả một bụi chuối thứ thiệt đặt trên một góc sân khấu… Vở kịch thơ Ảo đêm trăng của Nguyễn Bính do chính Nguyễn Bính đóng vai tráng sĩ lên đường giúp nước và Đoàn Giỏi đóng giả cô thôn nữ đưa tiễn người yêu. Vở kịch thơ thiệt hấp dẫn diễn hơn một tiếng đồng hồ mới hết. Sân khấu thiết kế chỉ có một cây cầu bên bờ sông, một khóm trúc, cũng thứ thiệt…

Thuyền ghe đậu kín trên mặt sông, đồng bào khắp nơi tới coi đêm văn nghệ. Quán xá giăng giăng khắp nơi bán cháo gà, bún nước lèo, hột vịt lộn…

Cho tới lễ kỷ niệm Quốc Khánh năm 1947. Lần đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, ở Nam Bộ có được một ngày lễ to lớn và long trọng tại Đốc Binh Kiều, Chủ tịch Phạm Văn Bạch đọc diễn văn, tướng Trần Văn Trà duyệt binh, liên hoan văn nghệ. Nhà triển lãm thiết kế đồ sộ. Có thể nói đây là một công trình khá độc đáo. Hoàn toàn bằng lá trầm và tre nứa. Đã từng là một nghệ sĩ trang trí, thiết kế lâu năm của Sài Gòn trước đây, anh Hoàng Tuyển được phân công phác thảo ra khu triển lãm này và đã được Bộ Tư lệnh Quân khu duyệt y. Thật không ngờ, khách ở thành phố xuống dự đều nghĩ rằng đây là một công trình của một kiến trúc sư tài hoa. Bởi sau gần một tháng trời thi công, phòng triển lãm nổi bật lên như một tòa lâu đài với mái vòm, cửa cuốn, hành lang uốn lượn ngoạn mục. Bước vào trong, căn nhà được phủ bằng những tấm đệm bàng, trắng tươi và bóng láng như một dinh thự sang trọng chớ không phải ở chiến khu. Phòng triển lãm thu hút người ta bằng những hàng cờ phướn đủ màu sắc. Và, ban đêm, ánh điện còn làm nổi bật lên những tấm áp phích, những họa phẩm, những tấm hình cỡ lớn của tổ nhiếp ảnh Quân khu đã chụp được trong nhiều trận đánh lẫy lừng của quân dân Quân khu 8… Tại cuộc triển lãm này, ngay ngày khai mạc, họa sĩ Diệp Minh Châu đã lấy máu trong cánh tay mình vẽ nên  bức tranh Bác Hồ và ba em bé Trung Nam Bắc quây quần dưới chòm râu của Bác trên nền lụa.

Thật không ngờ, ngày đó, họa sĩ Hoàng Tuyển cũng đã có công lớn trong việc khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tranh. Họa sĩ Hoàng Tuyển nói:
 - Vào một buổi sáng mùa hè năm 1948, anh Bảo Định Giang tìm tôi cho biết: Anh được ủy nhiệm của Bộ Tư lệnh Quân khu yêu cầu tôi vẽ 12 bức chân dung Bác Hồ cỡ lớn làm giải thưởng cho các đơn vị quân đội và một số địa phương trong một Hội nghị thi đua sắp tới. Tôi đã chấp hành mệnh lệnh và hứa cố gắng hoàn thành trong thời gian quy định… Tôi được cấp 12 thước vải trắng  với một chiếc xuồng con và một em bé tên Nga giúp việc. Nga rất thích hội họa, có khả năng bài trí sân khấu và còn có khả năng diễn kịch… Vâng, đúng là Huỳnh Nga, sau này là Đạo diễn sân khấu và cũng được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Nhưng lúc ấy Huỳnh Nga còn rất nhỏ, chuyên giúp tôi bơi xuồng và làm một số công việc vặt khác. Chia tay anh Bảo Định Giang với ba tấm giấy giới thiệu trong tay, hai thầy trò chống xuồng ra đi. Đồng Tháp Mười lúc này đã là một cái biển lớn mênh mông, không biết đâu là bến bờ. Ghé mấy xóm nhà thì nơi nào nước cũng ngập tới mái lá, chưa biết tá túc vào đâu. Việc đầu tiên là phải kiếm mua cho được các loại sơn và bút vẽ. Việc này phải ra chợ Cao Lãnh mới có được. Nhưng Huỳnh Nga đi ba ngày rồi trở về tay không. Không ai dám cấp giấy phép cho em ra vùng tạm chiếm. Chúng tôi đã tìm được tới nhà in báo Tổ quốc để may ra có thể nhờ giúp đỡ gì chăng? Cái nhà in này chỉ có một bàn in lăn tay, cũng nghèo nàn lắm. Họ không có màu gì khác màu mực đen. May quá vét lại các hộp sơn có thể hòa lẫn màu tím pha với đỏ thành màu nâu, có thể dùng vẽ màu áo của Bác. Nhưng còn màu da của Bác, phải là màu hồng nhạt. Chúng tôi bàn với nhau, bật ra một sáng kiến tìm tới một ngôi đình cũ bị máy bay Pháp bắn đã sụp. Tại đây gạch ngói vung vãi khắp nơi, ngâm nước lâu ngày đã mềm lụn, chúng tôi bóp thử thấy đỏ rực như son, có thể pha trộn vẽ da người rất đẹp. Nhưng Huỳnh Nga hỏi:
- Không có màu trắng để pha màu đậm nhạt, làm sao anh Hai?

Tôi nói với em: Ta lấy ngay cái nền vải trắng này làm sơn trắng là xong thôi. Nhưng điều khó khăn là vẽ rồi thì không thể bôi xóa để vẽ lại. Vậy phải tính toán từng nét vẽ.

Màu sơn như vậy là tạm được, bây giờ làm sao có được mấy cây cọ, một cái lớn, một cái nhỏ, một cái bút nhọn để vẽ tóc và tỉa râu… Trước đây, hồi còn ở Sài Gòn, lúc ngặt nghèo khi quân Pháp bị quân Nhật đảo chính, nhiều cửa hàng không buôn bán gì nữa, có lần tôi phải kiếm đuôi ngựa bó lại làm cọ lớn và dùng râu dê làm bút nhọn. Bây giờ ở Đồng Tháp Mười mênh mông nước nổi lấy đâu ra đuôi ngựa và râu dê.

Không dè Huỳnh Nga bật ra sáng kiến: Để em tìm râu mèo làm bút nhọn và lông ngỗng làm cọ to, anh Hai vẽ coi có đặng không. Cái mẹo nhỏ đó đã có kết quả.
Sau hai tháng trời làm việc không kể ngày đêm, chúng tôi đã hoàn thành mười hai bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một thứ màu đặc biệt có một không hai này. Những bức chân dung cao rộng, hoành tráng nổi bật lên trên bộ khung bọc vải đỏ rực rỡ và uy nghi.

Tất cả mười hai tấm chân dung Bác đã được trao lên Bộ Tư lệnh quân khu đúng hạn định. Và một điều kỳ diệu đã xảy ra: Vào ngày mồng hai Tết năm đó, máy bay Pháp thả bom gần như khắp Đồng Tháp Mười. Chúng tôi đang đóng quân trong nhà ông Sáu Tạo phải chạy vội xuống hầm núp. Một lát sau, con gái ông chủ nhà chạy ra hầm núp của chúng tôi, đưa một bức thư.

Bức thư viết:

 “… Tôi cùng với phái đoàn Nam Bộ vừa đi họp Hội nghị từ Trung Ương mới về tới. Đâu đâu, phái đoàn chúng tôi cũng được chính quyền và đồng bào địa phương chào mừng, đón tiếp trọng thể… Tôi đã được chính quyền và đồng bào địa phương tặng cho một tấm hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một bức vẽ rất đẹp, rất giống… Tôi đã đưa về cơ quan lồng kiếng và treo ngay văn phòng, để ngày nào tôi cũng được trông thấy và tưởng như Người đang ở trước mặt mình… Được biết chân dung này do họa sĩ Hoàng Tuyển thuộc Phòng Chính trị Quân khu 8 tạo nên.

Tôi gởi thư này tỏ lòng khen ngợi người nghệ sĩ đã đem tài năng mình cống hiến cho cách mạng…”.

    Ký tên: Phạm Ngọc Thạch
Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Hoàng Tuyển cùng anh chị em văn nghệ Nam Bộ chuyển quân, tập kết ra miền Bắc. Mỗi giai đoạn cách mạng, công tác văn nghệ lại chuyển mình để đáp ứng mọi nhiệm vụ của đất nước đề ra.

Nhớ lúc còn ở chiến khu Đồng Tháp và U Minh, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ hai ở Việt Bắc, cả nước chuyển động cho phong trào chuẩn bị tổng tiến công, anh chị em văn nghệ đã nổ lực hết mình để đóng góp vào sự nghiệp động viên tinh thần chiến đấu của quân dân khắp nơi…

Mới đầu là vở kịch Tính cách dân Nga dựa theo câu chuyện anh hùng của một chiến sĩ Hồng quân chống phát xít Đức. Đây là một vở kịch lớn nên cấp trên trao cho hai nghệ sĩ nổi tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ là Tám Danh và Ba Du cùng đạo diễn. Anh Hoàng Tuyển làm thiết kế mỹ thuật. Vốn đã quen biết với hai nghệ sĩ này từ khi vẽ phông màn cho các gánh hát ở Sài Gòn trước đó, anh Hoàng Tuyển biết rõ tài năng của hai nghệ sĩ Ba Du, Tám Danh, cũng như phong cách dàn dựng của hai người. Vì vậy, ở chiến khu, mọi việc đều thiếu thốn nhưng anh Hoàng Tuyển đã cố gắng thiết kế một sân khấu hoành tráng khác thường. Nhưng cũng chỉ bằng tre nứa và đệm bàng. Khi màn mở ra, người ta thấy một khung cảnh thật lộng lẫy và không hiểu nổi những vật liệu đó lấy ở đâu ra…

Cách mạng mỗi ngày mỗi phát triển đòi hỏi sự đóng góp của mỗi người cao hơn. Sự nghiệp của anh chị em văn nghệ cũng vậy. Khán giả ở chiến khu cũng đòi hỏi phải có những vở diễn quy mô hơn những vở đã diễn trong ngày đầu kháng chiến. Các tác giả kịch bản cũng đã đi sâu khai thác những đề tài lịch sử để phục vụ cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Những vở như An Tư công chúa, Trần Hưng Đạo bình Nguyên của anh Trần Bạch Đằng cũng được dàn dựng. Để thực hiện được những vở này cần phải có một số đạo cụ: mũ mão, gươm đao, áo giáp và các thứ linh tinh khác, ở chiến khu không dễ gì tạo ra được. Được sự chấp thuận của cấp trên, anh Hoàng Tuyển đã viết hai bức thư gởi về Sài Gòn cho nghệ sĩ Năm Châu và nghệ sĩ Phùng Há nhờ viện trợ. Ngay sau đó cả hai nghệ sĩ đều đã gởi ra chiến khu đủ mọi đạo cụ, trang phục theo yêu cầu lại còn kèm theo cả một bức màn nhung đỏ đúng kiểu màn nhung cải lương. Tấm màn, dưới góc phía bên phải có hàng chữ: Đoàn Việt Kịch Năm Châu kính tặng cùng với hàng chữ viết tắt: NC, PH, THT, LHN, BV, TL… Người ta đã giải mã ngay đó là những tên nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở, Ba Vân, Thanh Loan…

Phong trào văn nghệ ở chiến khu đang phát triển. Bà con khắp nơi đang có yêu cầu được coi cải lương, hát bội, kịch nói cách mạng thì có lệnh chuyển quân. Mọi thứ đành phải xếp gọn vào rương đưa xuống tàu Ac-kăng-ghen của Ba Lan mang ra miền Bắc. Anh chị em cũng chuẩn bị mọi đồ lề từ trước để đưa ra Bắc phục vụ. Đó là các vở: Những người ra đi của Phạm Ngọc Truyền, Lửa cháy lên rồi của Phan Vũ, Lòng dân của Tư Xe…

Ra tới Hà Nội, các anh chị bị thu hút ngay vào đợt Hội diễn toàn quốc. Nhà hát Nhân dân ngay khu Đấu Xảo cũ của Pháp rộng là thế mà chứa không hết người. Mỗi tiết mục biểu diễn trên sân khấu nhà hát xong lại phải ra ngay quảng trường biểu diễn tiếp để phục vụ đồng bào khán giả không vô được nhà hát.. Hết đêm này qua đêm khác, hết tỉnh này tới tỉnh khác, đồng bào lần lượt kéo nhau về Thủ đô coi văn công hội diễn và mừng chiến thắng…

Nhưng Nam bộ là cái nôi của cải lương, đồng bào cả miền Bắc đều khát khao được nghe cải lương Nam Bộ đã lừng danh với các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Du, Ba Vân… Dù đoàn cải lương Nam Bộ không tập họp được đủ các tài danh đó nhưng không kém những diễn viên xuất sắc. Các anh chị đã tập họp nhau lại với những vở: Phụng Nghi Đình do nghệ sĩ Tám Danh sắm vai Tư Đồ, Ba Du vai Đổng Trác, Triệu An tức Tám Củi vai Lữ Bố, Thanh Hương vai Điêu Thuyền… Rồi tới vở Kiều Nguyệt Nga của Ngọc Cung với Hoàng Sa vai Lục Vân Tiên, Can Trường trong vai Bùi Kiệm… Rồi nữa là vở Máu thắm đồng Nọc Nạn của Phạm Ngọc Truyền…

Thành công của những vở cải lương này, đồng bào miền Bắc đã đặt hết tín nhiệm vào những anh chị diễn viên Nam Bộ tập kết. Tổ chức đã lập ra một Ban nghiên cứu nghệ thuật cải lương làm nền tảng cho sự phát triển sau này do Lưu Chi Lăng, một đạo diễn kiêm diễn viên, kiêm kịch tác gia phụ trách. Các anh chị đã tập họp được những tài năng như Thanh Nha, Ngọc Cung, Thanh Tuyền, Ngọc Thới, Đắc Nhẫn, Lương Đống, Hồ Lãng, Phan Miêng, Hoàng Tuyển…
Mở đầu cho công trình nghiên cứu này là vở Mẫu đơn tiên, họa sĩ Lương Đống được phân công trang trí và thiết kế sân khấu, họa sĩ Hoàng Tuyển phụ trách phục trang… Đây là một vở cải lương mang tính thần thoại nên cảnh trí sân khấu có vẻ kỳ ảo lạ lùng. Các nàng tiên như bay, như lượn với những bộ xiêm áo cực kỳ rực rỡ, phất phới như bướm, như hoa, như sương, như khói, lả lướt, nhẹ nhàng, uyển chuyển, dịu dàng với những điệu múa, những lời ca, như thực như hư, như gần như xa, mờ ảo và mông lung…

Tôi đã thấy anh Hoàng Tuyển thức nhiều đêm cho nhiệm vụ của mình. Anh tham khảo nhiều tư liệu, sách vở để tạo mẫu cho những bộ trang phục của những nàng tiên…

Cũng như sau này, khi đoàn tuồng cổ Liên khu Năm dựng vở Quang Trung đã mời anh Hoàng Tuyển tới phụ trách trang trí và phục trang cho vở hát, anh đã xin phép vào thư viện của Kho bạc Trung Ương để được tham khảo, tìm hiểu về trang phục của các vua chúa trước đây. Sau đó, anh phác thảo hàng chục mẫu cho mỗi nhân vật để đạo diễn lựa chọn. Những mẫu phác thảo anh phấn đấu sao cho không lai căng, không giống của Tầu, cũng không giống Xiêm La (Thái Lan), phải thật Việt Nam của những năm tháng xa xưa, còn trong ký ức của những bậc trưởng thượng đã ghi chép, lại được cách điệu cho hợp với vở tuồng, với vai diễn. Hội diễn sân khấu toàn quốc sau đó đã tặng Huy chương vàng cho các họa sĩ thiết kế mỹ thuật và phục trang cho vở diễn Quang Trung.

Trong đợt chuẩn bị tham dự Đại Hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới tại thủ đô nước Áo, giới nghệ thuật Việt Nam đã được chuẩn bị khá chu đáo. Chị Hà Nhân, trưởng đoàn ca múa đã đề nghị được điều động họa sĩ Hoàng Tuyển về đoàn giúp cho việc phục trang. Với 12 tiết mục của đoàn, chủ yếu là múa nón, múa quạt, múa bướm, múa cồng chiêng, múa dưới trăng… Trước đây khi thể nghiệm trong nước cũng đã có trang phục. Nhưng Hội đồng nghệ thuật yêu cầu phải thay đổi cho thích hợp hơn, hiện đại hơn và bám sát tính dân tộc hơn… Cùng với các đạo diễn, biên đạo múa, bàn bạc và thể nghiệm trong khi cải biên các động tác, đội hình cho hoàn chỉnh, họa sĩ Hoàng Tuyển đã làm việc suốt sáu tháng cho tất cả các tiết mục ca hát, tốp ca và đơn ca. Hơn một trăm phác thảo đã được thể hiện trình Hội đồng nghệ thuật và đã được duyệt.

Họa sĩ Hoàng Tuyển rất mừng và chuẩn bị từ giã anh chị em trước khi lên đường. Không ngờ trong một buổi họp của đoàn, ban lãnh đạo đã đề nghị họa sĩ Hoàng Tuyển sẽ đi theo đoàn, bổ sung làm Phó Bí thư chi bộ và phụ trách nội bộ của đoàn. Đây là thể hiện lời yêu cầu của anh chị em nghệ sĩ, diễn viên. Vì, sáu tháng ở chung với nhau, họa sĩ Hoàng Tuyển đã lưu lại nhiều tình cảm với các anh chị như một người anh hiền từ và dịu dàng, một người bạn chia sẻ những khó khăn trong nghề nghiệp cũng như trong tâm lý  đời sống. Anh Hoàng Tuyển đã sống chan hòa với mọi người nên ai cũng quý mến.

Ngày lên đường đã tới gần, các cuộc tập dượt đã hoàn chỉnh. Đoàn quyết định xin phép tổng diễn tập để báo cáo với các cấp lãnh đạo vì đây là chuyến ra đi đầu tiên biểu diễn ở nước ngoài.

Họa sĩ Hoàng Tuyển kể lại:
 - Chúng tôi được lệnh lên Phủ Chủ tịch để Bác Hồ duyệt lại lần nữa. Chúng tôi rất phấn khởi và vui sướng lên gặp Bác Hồ. Buổi biểu diễn cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng như đã tổng diễn tập. Khán giả tuy vắng hơn, nhưng hầu hết là các vị Trung Ương Đảng, các Bộ, các ngành của Trung Ương… Các diễn viên chưa tới lượt ra sân khấu đều cố gắng tìm cách được hé mắt nhìn Bác Hồ ngay giữa hàng ghế đầu. Tiết mục nào Bác cũng vỗ tay trước và các vị khán giả cao cấp vỗ tay theo dạt dào và hào hứng. Cả đoàn chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Sau buổi biểu diễn, chưa kịp tẩy trang, Bác có lệnh cho đoàn cử đại diện vô phòng làm việc gặp Bác. Các anh Lưu Trọng Lư, Nguyễn Văn Thương cử tôi thay mặt cùng với các nghệ sĩ Ngọc Dậu, Kim Chi, Kim Anh, Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Xuân Quỳnh, Tân Nhân, Khánh Vân… vô gặp Bác.

Cuộc đời tôi nếu có lúc nào hồi hộp nhất thì đây là lần đầu tiên tôi thấy thế nào là hạnh phúc khi trực tiếp được gặp lãnh tụ. Người lãnh tụ tôi hằng kính mến hàng chục năm nay, từ khi tôi biết Người chính là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, bao năm bôn ba ở nước ngoài, gian khổ muôn phần để tìm đường cứu nước, là Người đã làm nên cuộc cách mạng vĩ đại của đất nước ta, là Người đã đọc Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình, là Người được cả nước tôn thờ, được suy tôn là Cha già dân tộc…

Quả thật trong lòng tôi có hơi run. Nhưng Bác đã từ phòng khách ra đón chúng tôi. Dưới ánh đèn sáng trưng, Bác ung dung như một ông tiên xuất hiện. Chúng tôi quây quần bên Bác, ai ai cũng xúc động, ngắm nhìn Bác, được gần gũi Bác, tưởng như nghe cả được hơi thở của Bác truyền cho chúng tôi một sự nồng ấm thân tình… Bác giơ tay cho phép chúng tôi ngồi. Biết tôi là cán bộ lãnh đạo, Bác cho ngồi ngay trước mặt đối diện với Bác. Nhiều chị không muốn ngồi, đứng sau lưng Bác. Riêng Thúy Quỳnh và Xuân Quỳnh thì quỳ ngay hai bên chân Bác vuốt ve chiếc áo lụa của Bác. Chờ cho mọi người ổn định rồi, Bác Hồ thong thả và vui vẻ nói với chúng tôi, đại ý: Như tất cả chúng ta đều biết, nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ, nửa nước được độc lập, tự do. Và, cũng nhờ Liên Xô đài thọ, Đảng và Chính phủ ta mới cử được một đoàn đại biểu hơn một trăm người, trong đó có đoàn văn công của các cháu, sang tham dự Đại hội liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Thủ đô Viên, nước Áo trong vòng một tháng… Sau đó đoàn văn công của các cháu sẽ ở lại để đi thăm và biểu diễn phục vụ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu… Trên đường trở về đoàn của các cháu sẽ thăm và biểu diễn ở hai nước Ấn Độ và Miến Điện… Đây là lần đầu các cháu mang chuông đi đánh ở nước ngoài. Các cháu phải làm sao để cho khi mình từ giã rồi, họ vẫn còn nhớ tới mình. Muốn cho người ta nhớ thì phải làm sao ăn ở cho người ta thương… Muốn cho người ta thương thì mình phải luôn luôn nói năng vui vẻ, duyên dáng, dịu dàng, đi đứng nhẹ nhàng, tác phong đơn giản, thái độ khiêm tốn… Nói chung Bác mong tất cả, từ cán bộ đến các đoàn viên, nghệ sĩ, diễn viên nhớ lời Bác dặn… Sau khi các cháu lên đường, Bác sẽ thường xuyên theo dõi, đón chờ tin vui của các cháu gửi về… Bây giờ Bác hỏi vui với các cháu: sau buổi biểu diễn vừa qua các cháu muốn Bác bồi dưỡng thế nào: Ăn cháo thịt có trứng gà tươi hay lấy tiền thay cháo?

Thúy Quỳnh và Xuân Quỳnh cùng đưa tay lên nói: Chúng cháu muốn cả hai.
Bác cười, xoa đầu hai cô gái và nói: Bác biết ý các cháu rồi. Các cháu muốn lấy tiền ăn bánh đúc. Bác giơ tay đưa vào túi áo mình như cách cất tiền vào túi, và Bác cười: Có phải vậy không? Rồi các cháu nhịn đói… Vậy thì mất sức khỏe, công tác không tốt được đâu…

Nói xong Bác đưa tất cả chúng tôi vào một căn phòng đã có đông đủ cả đoàn ngồi chung quanh những chiếc bàn đã dọn sẵn bữa ăn khuya… Bác lặng lẽ bước ra phía sau… Tôi vội vã chạy ra nhìn theo, Bác đang bước nhanh và đi khuất.

Tôi nhìn mãi, nhìn mãi, bâng khuâng như vừa tỉnh một giấc mơ. Ôi, tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sao? Cả đoàn chúng tôi đang ngồi đây kia, chưa ai muốn dùng tô cháo Bác cho. Họ còn xôn xao tấm lòng của Bác, vì lời dặn của Bác, vì ước mơ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ Bác trao.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, họa sĩ Hoàng Tuyển nghỉ hưu và trở về Nam. Quê hương, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp dang tay đón chào anh, người con của Gò Công, ra đi theo tiếng gọi của cách mạng, sau nửa thế kỷ đã vui sống trở về, hoàn thành nhiệm vụ.

Việc đầu tiên của anh là về quê thăm người mẹ nghèo và tạ lỗi không có mặt lúc mẹ yếu đau vì nợ nước chưa tròn. Họa sĩ Hoàng Tuyển đã ôm lấy người em trai cám ơn đã thay anh phụng dưỡng mẹ già những ngày gian khổ vừa qua để mẹ được như hôm nay.

Ông còn là cố vấn cho nhà điêu khắc Diệp Minh Châu sáng tác Tượng đài Trương Định, khánh thành năm 1995 dựng ở vườn hoa Trương Định, thị xã Gò Công. Từ năm 1982 tới năm 1997, các hội đoàn, đồng hương đã năm lần tổ chức mừng thọ cho họa sĩ Hoàng Tuyển.

Buổi do người học trò, người em thân thiết của họa sĩ Hoàng Tuyển là họa sĩ Diệp Minh Châu tổ chức, người ta thấy gần như đông đủ các bậc lão thành cách mạng, các nhân sĩ trí thức đã cùng anh trên những chặng đường kháng chiến, những bạn bè đã sát cánh cùng anh trên mọi nẻo đường công tác, những diễn viên, nghệ sĩ đã cùng anh cộng tác trong các vở diễn trong nước cũng như ở nước ngoài…

Tại cuộc họp mặt đáng ghi nhớ này, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã giới thiệu bức tượng thạch cao nghệ sĩ nhân dân Hoàng Tuyển, thể hiện lòng biết ơn, sự quý mến của mình với người thầy, người anh đã vỡ lòng nghề nghiệp cho mình. Đồng thời còn là cẩm nang trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình sau này. Đó còn là chiều sâu tình nghĩa giữa thầy trò 70 năm qua.

Nhà văn Phạm Tường Hạnh
Buổi họp thật xúc động. Tôi nhìn thấy trên nét mặt anh Hoàng Tuyển một niềm hạnh phúc dạt dào không cầm nổi những giọt nước mắt… Ôi, gần một thế kỷ của cuộc đời, anh đã mở lòng ra với mọi người, hiền hậu, bao dung… để nhận lấy những tình cảm ngọt ngào hôm nay.

Tình cảm ấy thể hiện bằng những vần thơ chân tình của nhà thơ Bảo Định Giang, của nghệ sĩ Công Thành, của nhạc sĩ Hồ Bông.
Nhà văn Phạm Tường Hạnh có bài viết: “Một cuộc đời nghệ thuật” nói về việc NSND Hoàng Tuyển không viết hồi ký, rằng:

“Tôi hỏi anh Hoàng Tuyển:
- Cuộc đời anh phong phú thế, tại sao anh không viết hồi ký… Bài học để đời chớ bộ…
Anh Hoàng Tuyển ngước nhìn tôi. Đôi mắt của người lớn tuổi với hàng mi hơi sụp, không như dò hỏi… Nhưng tôi chợt thấy câu nói của tôi làm anh buồn. Đôi môi mím lại thành một nét ngang… Rồi, anh nhìn sâu vào mắt tôi, lặng yên một lát, cầm chai cô-nhắc, mở nút, châm thêm vô ly của tôi đầy có ngọn. Còn tôi, cũng nhìn anh, chờ câu trả lời.

Anh Hoàng Tuyển cầm ly rượu của anh đưa lên ngang mặt. Tôi vội vàng nâng ly lên để đáp lễ. Hai chiếc ly chạm nhau ngân lên một tiếng vang ấm. Anh Hoàng Tuyển ngửa cổ dốc cạn ly rượu và lại nhìn tôi…

(Bút tích bức thư của hoạ sĩ Hoàng Tuyển gởi Diệp Minh Châu hơn 60 năm trước, ngày 12.11.1939) - Ảnh tư liệu trong sách đã dẫn của Phạm Tường Hạnh, trang 940.
… Hơn nửa thế kỷ nay, anh Hoàng Tuyển và tôi vẫn sống với nhau như vậy, thân tình và trân trọng. Từ năm 1952, khi tôi được chuyển công tác từ Quân khu miền Đông về Quân khu miền Tây, cùng chung sinh hoạt với anh Hoàng Tuyển trong Phòng Chính trị thì tình bạn của chúng tôi như không có lúc nào dứt đoạn… Bởi tôi biết anh còn là thầy dạy vẽ vỡ lòng của Diệp Minh Châu, một hoạ sĩ tài năng nổi tiếng ngay từ khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước năm 1945, nên tôi rất kính trọng anh Hoàng Tuyển, coi như một người anh thân thiết.
Những câu chuyện như huyền thoại của thầy trò Hoàng Tuyển, Diệp Minh Châu đã kích thích tôi rất nhiều. Tôi rất muốn biết đầy đủ cuộc đời anh. Nhiều lần tôi đã động viên anh viết hồi ký, nhất là những năm gần đây, khi anh đã xấp xỉ ở tuổi 90.
Lần nào tôi gợi ý, anh Hoàng Tuyển cũng nhìn tôi như vậy, đôi mắt u uẩn như muốn nói với tôi điều gì”(*).
Họa sĩ Dịêp Minh Châu (Giải thưởng Hồ Chí Minh) đã xem NSND, Họa sĩ Hoàng Tuyển là “thầy” trong đoạn “Đường về với Bác” - Hồi ức về nghệ thuật” của ông rằng: “Khi còn trẻ thơ, ngày hai buổi đến trường, giờ vẽ là giờ tôi thích nhất, tôi luôn được điểm cao, các thầy còn đem bài học vẽ của tôi giới thiệu cho cả trường, từ đó tôi có thêm biệt danh là "Châu vẽ". Các bạn thích có điểm cao thường nhờ tôi vẽ dùm nên tôi được nhiều anh em cùng lớp mến mộ. Mãi đến sáu bảy chục năm sau, khi gặp lại anh em còn nhắc lại "Châu vẽ" năm xưa ở trường hay hát xiếc, hát thuật và có ngón đờn rất "mùi".

Có lần tôi cùng các bạn học đang thơ thẩn trên đường làng, bất chợt tôi nhìn thấy một bức tranh tứ thời treo ở giữa nhà của thầy giáo trong làng. Bức tranh làm tôi xúc động lạ thường, lòng rạo rực không yên, thúc đẩy tôi tìm đến tác giả để mong "tầm sư học đạo", đó là anh Hoàng Tuyển, hiện giờ anh đã được bầu là nghệ sỹ nhân dân Việt Nam. Lúc bấy giờ anh chuyên vẽ tranh thờ và trang trí sân khấu cải lương. Kể từ đó thầy trò tôi đi theo các gánh hát vẽ "phong" màn. Cuộc lưu lạc đầu tiên của tôi hầu khắp các tỉnh Nam bộ. Năm năm trời tôi học được ở anh tình yêu nghệ thuật tha thiết, học cách xử thế với mọi người mà nhứt là đức tính quý trọng và thủy chung với bạn bè mà anh được quen biết ở khắp nẻo đường đời. Tôi có thể khẳng định đó là bài học vỡ lòng và là cẩm nang cho cả cuộc đời nghệ sĩ của tôi sau nầy.

Trong số bạn nghệ sĩ của anh Hoàng Tuyển có họa sỹ Thành Sính đã có học trường Mỹ thuật Gia Định và Hà Nội chuyên vẽ người hơn cảnh, đã cùng anh Hoàng Tuyển bày một phòng tranh đẹp vào Tết năm 1937 tại Châu Thành Bến Tre. Những bức chân dung phụ nữ Bắc, Trung, Nam mà anh bày ở phòng triển lãm làm tôi xao xuyến khôn nguôi, sờ soạng tim tôi và chinh phục trọn vẹn tâm hồn tôi bằng chân giá trị nghệ thuật, đã ung đúc thêm cho tôi chí giang hồ lưu lạc để học tập sáng tạo. Từ đó tôi cứ lẻo đẻo theo anh, cố tình "ăn cắp nghề vẽ người" của anh. Vì trước kia tôi chỉ vẽ phong cảnh theo óc tưởng tượng mà thôi”.
“Bài thơ tặng Người Anh bạc tóc...” - Hồ Bông

Mạch máu tim tuôn thắm đỏ dòng,
Suốt đời gạn đục để khơi trong…
Chim bằng tung cánh bay chưa mỏi…
Ngang dọc trời xanh trải tấm lòng!!!
Bát ngát mênh mông một chữ tình…
Dẫu đà trắng tóc, mộng luôn xanh…
Rỏ máu tưới hoa, tô cuộc sống
Rút ruột tặng đời, dệt gấm tranh!!!
Bóng xế… đường xa… vẫn đón Xuân,
Xuân đi, xuân đến, đã bao lần?!
Mạch đời tiếp nối, mừng Xuân mới,
Gởi Anh lời chúc:
“VẠN HỒI XUÂN!!!”.

(Hồ Bông đã đọc cho Anh Tuyển nhân sinh nhật lần thứ 75 của Anh, tại nhà Hoạ sĩ Diệp Minh Châu).

Năm 1993, hoạ sĩ Hoàng Tuyển được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và mất ngày 3-9-1999 thọ 88 tuổi.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) “Tuyển tập Phạm Tường Hạnh”, Nxb Văn học, 2000, trang 922,923,924

Tác giả bài viết: Hoài ANh

Nguồn tin: Báo CA TP.HCM