Duy Bảo Việt - Họa sĩ trẻ trăn trở với nghề

Là một cây cọ trẻ thuộc thế hệ 8X, Duy Bảo Việt luôn tìm tòi, trăn trở mang đến những bước đột phá và sự tươi mới trong nghề. So với nhiều họa sĩ trẻ cùng thế hệ đang phải gian nan vật lộn với nhiều nghề tay trái thì Duy Bảo Việt lại có thể “sống khỏe” nhờ giá vẽ, đỡ đần phụ giúp gia đình và nuôi dưỡng được ngọn lửa đam mê sáng tác hội họa.
Họa sĩ Duy Bảo Việt

Nuôi dưỡng đam mê từ nhỏ

Sinh ra ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) nhưng từ khi lên 7, Duy Bảo Việt đã theo gia đình về định cư tại TX. Gò Công cho đến nay. Là con của họa sĩ Duy Tâm Thành nên Bảo Việt đã lớn lên cùng với những cây cọ, lọ màu và khung vẽ. Chính vì thế mà niềm đam mê hội họa đã ăn sâu vào trong máu lúc nào cũng không hay.

Họa sĩ Duy Tâm Thành hào hứng kể: “Hồi nó mới 4 - 5 tuổi gì đó, hễ tôi vừa quây đi là nó lại lọ mọ phá mấy lọ màu và tranh. Nhiều hôm đi xóm về, thấy nền nhà bê bết màu, còn tranh tôi vẽ dang dở theo phong cách tả thực bỗng thành… trừu tượng thì biết ngay là hắn. Nhiều khi tôi nóng máu thiếu điều muốn “dần” cho nó một trận, nhưng thú thật trong lòng cũng cảm thấy an ủi, vì đã có người nối nghiệp”. Cũng từ những trò nghịch phá ấy mà cuộc đời Bảo Việt đã gắn liền với những gam màu, những cây cọ cho đến nay. Với anh, họa sỹ Duy Tâm Thành vừa là người cha vừa là người thầy “ươm mầm, chắp cánh” cho anh từ những nét vẽ đầu tiên.

“Thấy con mình có đam mê là mừng rồi, tôi mới chú tâm rèn luyện nó nhiều hơn. Nó cũng sáng dạ nữa, dạy gì thì rất mau biết, tiến bộ rõ nét từng ngày vậy đó. Khi mà bắt đầu đi học thì nó đã kiếm được tiền rồi, từ những hình minh họa bài học đến các đồ dùng dạy học trên lớp các thầy cô đều nhờ nó vẽ, thiết kế. Họ cho tiền nó ăn vặt không hết”- họa sĩ Duy Tâm Thành chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả nên Bảo Việt luôn muốn chia sẻ gánh nặng gia đình giúp cha. Lên lớp 9, anh đã bắt đầu học chép tranh và nhanh chóng lành nghề. Ngoài giờ đến trường như bao cậu học trò khác, khi về đến nhà là Bảo Việt miệt mài bên khung vẽ và cọ. Khi thì anh luyện tập những bài vẽ cha dạy, khi lại lúi cúi chép tranh để kiếm tiền, lúc rảnh rỗi anh lại mày mò sách báo, tranh ảnh về hội họa và thử sức sáng tạo với những gam màu, những chất liệu, phong cách khác nhau.

Học hết phổ thông trung học, phần vì gia đình đang gặp khó khăn, phần vì anh muốn tự tìm cho mình một con đường riêng nên Bảo Việt không chọn thi vào các trường mỹ thuật. Anh khăn gói lên Sài Gòn để tự học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Bảo Việt tham gia một số khóa học sáng tác tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức, nhờ đấy anh quen biết được nhiều họa sĩ đàn anh và có cơ hội học hỏi, trau dồi nhiều hơn. Ngoài những giờ lên lớp và chép tranh mưu sinh anh thường lang thang ở những xóm nghèo để tìm tư liệu sáng tác. Ở đấy, anh thấy mình có thể hòa hợp, cảm thông với những con người lao động bình dị. Nét chất phác, sự cần mẫn của những con người vất vả mưu sinh luôn để lại trong anh nhiều ấn tượng sâu sắc. Chính vì thế mà những công nhân vệ sinh, phu hồ, thợ điện, học sinh, sinh viên… thường là những đề tài mà anh hay chọn khai thác. Bảo Việt thường đào sâu hơn phản ánh chân phương cuộc sống bình dị đời thường của người dân lao động. Theo nhận xét của nhiều họa sĩ đàn anh thì Bảo Việt là một trong những cây cọ trẻ đầy tiềm năng. Nhiều tác phẩm của Bảo Việt “có hồn”, màu sắc, bố cục hài hòa, đa phần lột tả được chiều sâu của chủ thể. Tranh của anh có nhiều sáng tạo mới về ý tưởng, chất liệu và cả phong cách.

Ngoài chất liệu sơn dầu và acrylic, Bảo Việt còn thử nghiệm với chất liệu mới rất ít người sử dụng là vỏ tràm. Được biết hiện nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì số họa sĩ sử dụng chất liệu này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với vỏ tràm, buộc người sáng tác phải tinh tế và cần mẫn dày công. Bởi nó có rất ít sắc độ nên việc phối màu rất hạn chế. Ngoài ra, do cấu tạo vỏ tràm có sớ dọc nên việc xé nó theo ý muốn tương đối khó. Chính vì thế mà sáng tác một bức tranh bằng vỏ tràm rất nhọc nhằn và tốn thời gian nhiều lần so với các chất liệu khác.

Bảo Việt phấn khởi cho biết: “Hiện nay, anh đã bán được kha khá tranh bằng vỏ tràm, mỗi bức giá từ hai triệu trở lên. Vì là chất liệu có ít người chơi nên dễ tạo được ấn tượng hơn, nhiều người thích hơn". Với lại theo Bảo Việt thì “Cây tràm gắn liền với đời sống dân đồng bằng mình từ lâu đời nên nhiều kiều bào rất thích và họ muốn mang một chút gì đó mang màu sắc quê hương ra nước ngoài. Ngoài ra, cây tràm chịu được phèn, được mặn, sống tốt trong môi trường khắc nghiệt, nó như một ý chí sinh tồn và đó cũng là điều anh muốn gửi gắm”.
 


Giúp mẹ - Tác giả: Duy Bảo Việt

Một số tác phẩm nổi bật của Bảo Việt được giới chuyên môn đánh giá cao như: Giúp mẹ, Mùa thanh long, Sau chuyến ra khơi, Chiều thu, Mùa sơ-ri, Bến sông, Tiếp bước ra khơi, Niềm vui được mùa… Trong số đó, tác phẩm mở đầu con đường sáng tác và để lại nhiều kỉ niệm nhất là bức tranh “Giúp mẹ”. Bảo Việt nhớ lại trong một lần, anh đi thăm một người bạn ở Cần Thơ và cũng tìm tư liệu để sáng tác. Đi suốt mấy ngày liền, hết chỗ này chỗ kia mà không tìm thấy đề tài ưng ý. Cuối cùng, khi anh đang trên đường chạy xe về thì trời đổ mưa xối xả nên phải tấp vào nhà người dân để trú. Ngoài trời mưa xối xả, nhìn vào chái bếp ngôi nhà thì thấy bé gái đang ngồi đốt lửa nấu cơm, thế là anh lấy giấy viết ra kí họa cấp tốc. Và khi về đến nhà, anh mải miết vẽ và nhanh chóng hoàn thành tác phẩm. Với bức đó, lần đầu tiên tranh của Bảo Việt được chọn làm ảnh bìa trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang và được khá nhiều lời khen từ các học sĩ tên tuổi đi trước. Có người tìm đến mua và trả giá đến hàng chục triệu nhưng anh quyết định không bán vì bức tranh đó với anh chứa nhiều kỉ niệm.

Ươm mầm cho những ước mơ

So với nhiều họa sĩ trẻ khác thì họa sĩ Bảo Việt hiện nay có một cuộc sống kinh tế tương đối ổn định. Khoảng hai tháng một lần anh thường nhận được các đơn hàng chép tranh số lượng lớn, nhờ thế mà Bảo Việt có thêm một khoản chi phí trang trải gia đình để đeo đuổi niềm đam mê hội họa. Ngày thường, anh nhận vẽ minh họa, vẽ pano cho các chùa với chi phí gọi là “đủ sống với nghề”. Việc sáng tác và thỉnh thoảng bán tác phẩm của mình cũng góp thêm một phần thu nhập và tạo cảm hứng cho những tác phẩm mới.

Trước đây ngoài thời gian vẽ tự do, Bảo Việt còn mở hai lớp dạy vẽ miễn phí cho các bạn trẻ có cùng niềm đam mê hội họa ở thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành) và xã Trung An (Mĩ Tho). Các lớp học của anh chủ yếu dạy vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, đi từ kĩ thuật vẽ cơ bản và cho đến nâng cao. Lớp dạy vẽ đã thu hút được khá nhiều người học, từ các em học sinh cho đến các bạn sinh viên. Có lúc, lớp đông lên đến gần 80 học viên, thấy “kham” không xuể anh phải bỏ tiền túi mời bạn của mình về đứng lớp phụ. Anh chia sẻ: “Mình may mắn được tiếp xúc với hội họa từ nhỏ, nhưng với rất nhiều những bạn trẻ có cùng đam mê nhưng lại không có điều kiện thì thật đáng tiếc. Hội họa là thứ để người ta dễ dàng vẽ nên những mơ ước bay bổng của mình, nên nếu có thể sao không cố gắng chắp thêm đôi cánh cho những ước mơ đó…”.

Đại đức Thích Minh Bảo, trụ trì chùa Phước Long - thị trấn Tân Hiệp (nơi anh mở lớp đầu tiên) cho biết: “Nhờ  có sự giúp đỡ công quả của thầy Duy Bảo Việt, nhà chùa đã mở được 3 lớp hội họa từ cơ bản đến nâng cao cho gần 80 em học sinh nghèo hiếu học, việc làm này thật ý nghĩa”.

Bảo Việt vừa thuê được một căn nhà khá rộng rãi ở Phường 2 - TX. Gò Công để làm xưởng vẽ. Hướng tới, Bảo Việt cũng sẽ tiếp tục mở các lớp dạy vẽ miễn phí cho các em nhỏ tại đây.

Hiện tại, Bảo Việt vừa hoàn thành xong hai tác phẩm: “Niềm vui được mùa” (acrylic) và “Tiếp bước ra khơi” (vỏ tràm) để tham dự triển lãm Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 20 vào tháng 8 tới đây. Với hai tác phẩm này, anh đã đầu tư nhiều thời gian và tâm huyết với hy vọng sẽ được đón nhận ở sân chơi này. Đồng thời, Duy Bảo Việt cũng đang ấp ủ một cuộc triển lãm tranh cá nhân trong thời gian tới…

Tác giả bài viết: Trần Thương Nhiều

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 74