Đôi điều ghi nhận từ triển lãm Mỹ thuật Tiền Giang năm 2011

Đôi điều ghi nhận từ triển lãm Mỹ thuật Tiền Giang năm 2011
Bên cạnh việc mở trại sáng tác, tổ chức đi thực tế, triển lãm là hoạt động được tổ chức hàng năm của Chi hội Mỹ thuật Tiền Giang, nhằm giới thiệu với công chúng thưởng lãm những tranh tượng tiêu biểu của các họa sĩ, đồng thời tuyển chọn tác phẩm tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực VIII do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ở ĐBSCL.

Sắc màu Tiền Giang” là chủ đề cuộc triển lãm của Chi hội Mỹ Thuật năm nay. Đến dự buổi khai mạc có Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc; trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn, Họa sĩ Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM cùng các hội viên Chi hội Mỹ thuật và những người yêu mến bộ môn nghệ thuật nầy.


Ông Trần Thế Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo hội đang xem tranh

Triển lãm Mỹ thuật năm nay giới thiệu 44 tranh tượng được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau của 39 họa sĩ. So với những năm trước, đây là sự vượt trội về đội ngũ tác giả và tác phẩm. Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như: Tín Trung, Trịnh Văn Sang, Hoàng Anh, Trần Văn Danh, Phúc An, Duy Hải, Phan Văn Dũ, Hồng Sơn… (tranh), Trần Văn Trầm, Lương Văn Thạnh…(tượng), một số các họa sĩ trẻ vừa tốt nghiệp ra trường, đã  góp phần làm sinh động thêm diện mạo phòng tranh. Những tên tuổi lần đầu tiên xuất hiện như: Huỳnh Nhã Phương, Lê Minh Sĩ, Lê Thị Châu Pha, Gia Anh, Võ Hoàng Tùng, Lâm Minh Tuấn, Châu Ngọc Hùng, Phạm Văn Đúc, Võ Thanh Sơn, Võ Văn Thành, Bùi Thị Kim Điệp…, với sự thể hiện khá đa dạng các chất liệu từ khắc gỗ, sơn dầu, bột màu, thủy mạc, bút lửa, vỏ gỗ…; tạo nên sự đa dạng phong phú cho cuộc triển lãm. Bên cạnh  đề tài về Bác về kháng chiến (Bác Hồ làm việc - Thiện Phương , Nhớ Trường Sơn - Trịnh Văn Sang,  Kim Đồng - Trần Văn Trầm), đề tài về cuộc sống xây dựng trên các lãnh vực công nghiệp, nông nghiệp được các tác giả khai thác nhiều: Đóng tàu - Bùi Thị Kim Điệp, Mùa sầu riêng - Nguyễn Văn Chương, Cá về - Phạm Văn Đúc, Đan ghế - Châu Ngọc Hùng. Khắc họa nét đẹp quê hương, truyền thống văn hóa có Một góc phố Gò Công - Phan Văn Dũ, Lễ hội - Võ Hoàng Tùng, Sen - Mai Hương, Vẫn một dòng sông - Nguyễn Văn Hai. Họa sĩ Phúc An vẫn trung thành với “hoa trái miệt vườn” đã làm nên “thương hiệu”  riêng cho các tác phẩm của anh, qua hai bức: Thanh LongNiềm vui. Kông Tâm, Hoàng Anh vẫn sở trường lối vẽ trừu tượng: Mầm sống, Quà của biển. Phan Anh Lộc, người sáng tạo độc đáo tranh ghép lúa gạo, lần nầy thử nghiệm sang lãnh vực tượng với chất liệu gỗ giả đá (Vũ điệu). Hà Phú Thành vẫn trung thành với phù điêu bằng chất liệu gò nhôm, gò đồng (Yêu thương). Lê Hồng Thái, hai lần đạt giải mỹ thuật ĐBSCL vẫn tiếp tục khai thác hình tượng lập thể trên  gỗ (Vòng tay).  Tranh tĩnh vật của Ngô Văn Hoa, và các tác giả đạt được phần nào sự tĩnh lặng về hình tượng và màu sắc, mang lại cảm giác thư thái, nhẹ nhàng cho người xem. Hai tác giả nữ không hẹn mà cùng đi vào bộc lộ những khía cạnh của chiều sâu tâm thức với: Hương thời  gian - Hoàng Cúc, Gọi giấc mơ về - Phạm Vân. Đặc biệt với Gọi giấc mơ về bằng chất liệu tổng hợp có cả những mảnh vỏ trứng được gắn kết, cho thấy hội họa đương đại chấp nhận mọi chất liệu, đường nét pha trộn miễn là đạt được bố cục đẹp, sự hài hòa về màu sắc… Bên cạnh việc ca ngợi miêu tả vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, một trong những nét mới của phòng tranh năm nay là các tác giả đã mạnh dạn đi vào đề tài phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội: Lấn đất nông nghiệp, Bất hòa - Duy Hải. Với Bất hòa, họa sĩ Duy Hải, người thiên vẽ những đề tài nhẹ nhàng: phong cảnh, trường lớp, nữ sinh…, đã nêu bật vấn đề nhức nhối trong cuộc sống ngày nay: sự rạn nứt trong hôn nhân gia đình, mà con trẻ phải gánh lấy những hậu quả…

Từ cuộc triển lãm Sắc màu Tiền Giang, Hội đồng Nghệ thuật sẽ chọn ra những tác phẩm tham gia triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL vào đầu tháng 8 ở Cần Thơ. Triển lãm Mỹ thuật khu vực năm nay không chỉ giành cho hội viên Hội Mỹ thuật Viêt Nam đang sinh sống ở ĐBSCL, hội viên Chi hội Mỹ thuật 13 tỉnh đồng bằng, mà còn mở rộng cho các tác giả trẻ ở các địa phương. Điều  nầy cho thấy Hội Mỹ thuật VN và các Hội VHNT ĐBSCL rất quan tâm đến việc tập hợp, phát hiện đào tạo lực lượng kế thừa cho phong trào mỹ thuật đồng bằng.

Sự sống còn của tác phẩm VHNT nói chung, tác phẩm mỹ thuật nói riêng còn do nhiều yếu tố như sự tiếp nhận, đánh giá của công chúng. Sự tiếp nhận, đánh giá tác phẩm nghệ thuật đôi khi phải trải qua thời gian, qua sự sàng lọc để tìm ra những giá trị nghệ thuật, giá trị chân thiện mỹ, tuy nhiên những gì mà các họa sĩ Tiền Giang đã thể hiện qua cuộc triển lãm cho thấy tâm huyết, sự lao động nghệ thuật đáng trân trọng, mang lại cho công chúng thưởng lãm một “bữa tiệc” hội họa nhiều ấn tượng.

Tác giả bài viết: Cỏ May

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 47