Các họa sĩ cùng bày tỏ quan niệm sống

Sống để vẽ hay vẽ để sống? là chủ đề của triển lãm Họa sĩ trẻ đang nghĩ gì diễn ra từ 12/3 đến 23/3 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Với sự tham gia của 49 tác giả, triển lãm nhóm “Họa sĩ trẻ đang nghĩ gì” trưng bày 49 tác phẩm gồm cả tranh và điêu khắc. Các thành viên thuộc câu lạc bộ Hội Mỹ thuật Trẻ Việt Nam đã mang tới những sáng tác mới nhất của mình, thuộc nhiều chất liệu khác nhau như acrylic, sơn mài, sơn dầu, kim loại, gốm… Đó đều là những tác phẩm chứa đựng tâm huyết, khát khao đổi mới, cũng như những trăn trở của họa sĩ trẻ về nghề, về cuộc sống.

1-jpg-1363085480-1363085973_500x0.jpg
"Sống để vẽ" (tranh sơn dầu, Hoàng Duy Vàng) - tác phẩm thể hiện quan điểm của người họa sĩ trẻ.

Trong rất nhiều cách nghĩ khác nhau, bức tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Duy Vàng làm bật lên quan điểm “Sống để vẽ” của phần đông nghệ sĩ trẻ. Bức tranh đưa ra một tuyên ngôn cho sáng tạo mà Hoàng Duy Vàng theo đuổi: “Một tác phẩm nghệ thuật đẹp bên trong là cả một tâm hồn đẹp. Người nghệ sĩ thể hiện những gì giản dị nhất là những điều cao siêu nhất. Sự sáng tạo của con người chỉ như giọt nước nhỏ xuống biển. Sống để vẽ”.

Bên cạnh những vấn đề về ý nghĩa, tư tưởng nghệ thuật, triển lãm còn mang lại cho người xem cái nhìn thán phục trước khả năng sáng tạo của các họa sĩ. 49 tác phẩm là 49 tiếng nói, phong cách, ngôn ngữ thể hiện khác nhau và mang vẻ đẹp riêng. Có người sẽ trầm trồ trước các bức tranh phong cảnh như bộ tranh "Ngày tháng 5" (Trịnh Ngọc Liên), bức "Phong cảnh" (sơn dầu của Tạ Quảng), hay vẻ đẹp rực rỡ của "Long Biên chiều hạ" (acrylic của Hoàng Xuân Hưng). Những tác phẩm đầy tính triết lý như "Luân hồi" (tranh lụa của Phạm Quốc Tuấn) hay "Đánh thức" (Hoàng Hữu Vân), "Dòng thời gian" (Chu Viết Cường)… khiến người xem thích thú. Có những tác phẩm thể hiện những góc khác nhau của đời sống xã hội đương đại như "Vòng xoáy dục vọng" (Nguyễn Khắc Chinh), "Mưu sinh" (Lê Đức Tuấn Định)…

Tác giả bài viết: Lam Thu

Nguồn tin: VnExpress