Tân Phú Đông: Cây sả góp phần xóa đói giảm nghèo

Những ngày này, ai có về lại vùng đất cù lao Tân Phú Đông sẽ nghe bà con nơi đây bàn tán xôn xao về cây sả - cây đã làm đổi đời nhiều nông dân cơ cực trên vùng đất khó. 

Hiện tại ở huyện Tân Phú Đông, sả được trồng khắp nơi, trước sân nhà, ngay cạnh lối đi, trên gò cao, trong vườn dừa, lề đường giao thông nông thôn… nhưng nhiều nhất là ở các xã: Phú Thạnh, Phú Đông, Tân Phú... với diện tích gần 600 ha, tăng 200 ha so với cùng kỳ năm 2013.

Nhiều bà con nơi đây cho biết, trồng sả mang lại lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và đang được bà con xen canh 1 - 2 vụ sả, 1 vụ lúa, năng suất bình quân 17 tấn/ha, lợi nhuận trung bình khoảng 70 triệu đồng/ha.

Đến với gia đình anh Trần Văn Thế, xã Phú Đông mới thấy cây sả đã làm đổi đời một gia đình vốn khó khăn, cơ cực. Với 5.000 m2 đất, trước đây gia đình anh chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm, mặc dù tích cực chăm sóc, nhưng do thời tiết khô hạn, lúa thường cho năng suất không cao. Thấy cây sả thích nghi với vùng đất, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh... anh đã mạnh dạn chuyển đất lên liếp trồng sả từ năm 2012. Từ đó, gia đình anh đã thoát nghèo bền vững nhờ cây sả.

Anh Thế cho biết: Quy trình trồng sả khá đơn giản, tháng nắng trồng bất kỳ nơi nào, còn tháng mưa lên liếp hoặc xẻ rãnh để tránh bị ngập úng khi mưa dầm. Một vụ trồng sả có thể kéo dài thành 2 vụ nếu thu hoạch lần thứ nhất không nhổ tận gốc và mỗi bụi người thu hoạch chừa lại từ 2 - 3 tép.

Nếu chăm sóc tốt, sả vẫn phát triển bình thường và cho năng suất cao như vụ thứ nhất. Lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần, chi phí giảm 1/3 so với cây lúa. Giá cả ít dao động. Thị trường tiêu thụ ổn định nên chọn trồng cây sả vào giai đoạn này là an tâm nhất.

Đến với gia đình anh Nguyễn Văn Thảo, xã Phú Thạnh mới thấy được sự phấn khởi khi các thành viên đang tất bật thu hoạch sả giữa cái nắng chói chang trên vùng đất phèn mặn, để chuẩn bị cho vụ lúa vào mùa mưa tới.

Nông dân đang thu hoạch sả.
Nông dân đang thu hoạch sả.

1 năm, gia đình anh trồng 2 vụ sả, 1 vụ lúa. Cứ xoay vòng như thế, nên 4 năm qua gia đình anh đã được ấm no nhờ cây sả. Anh Thảo bộc bạch: Hiện tại, sả đang ở mức 4.500 đồng/kg, với 2.000 m2 đất anh thu về 10 triệu đồng, sau 4 tháng trồng sả vào mùa khô thay vì bỏ hoang đất như những năm trước đây. Nhờ cây sả mà mấy đứa con của anh được cắp sách đến trường; mua được xe máy, ti vi, sửa chữa lại căn nhà và tích lũy được một số tiền để phòng khi trái gió trở trời.

Hiện tại, dọc theo tỉnh lộ 887B có rất nhiều cơ sở thu mua sả thương phẩm và nguồn tiêu thụ chủ yếu là các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh)… Theo thương lái, nhiều năm liền giá sả luôn ổn định, lúc thấp nhất cũng 4.000 đồng/kg và cao nhất lên đến 7.500 đồng/kg.

Anh Lê Duy Cường, Cán bộ nông nghiệp xã Phú Đông cho biết: “Thổ nhưỡng ở các xã: Phú Đông, Phú Thạnh, Tân Phú rất thuận lợi cho cây sả phát triển. Nếu giá cả trung bình từ 5.000 đồng/kg thì huyện sẽ có nhiều hộ thoát nghèo bền vững trong những năm tới, đời sống người dân sẽ từng bước được cải thiện”.

Điều đáng nói, ngoài những hộ gia đình đổi đời từ cây sả thì những phụ nữ thất nghiệp cũng có thể kiếm được thu nhập từ việc lặt sả thuê. Công việc này đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn. Bình quân, mỗi tháng nếu siêng năng thì người lặt sả cũng kiếm khoảng 2 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

“Trước đây, muốn đi làm phải qua tận các khu công nghiệp bên đất liền hoặc lên tới Mỹ Tho để làm. Nay chỉ cần đến các điểm thu mua sả là đã có việc làm và có thu nhập không thua kém đi làm ở các khu công nghiệp, lại gần nhà, có điều kiện chăm sóc các con. Hy vọng, cây sả tiếp tục đứng vững trên vùng đất này để đời sống người dân nơi đây đỡ vất vả và những lao động thất nghiệp như chúng tôi cũng có thêm việc làm” - Chị Nguyễn Thị Lan phấn khởi chia sẻ.

Hiện nay, ngoài việc vận động người dân tiếp tục tăng diện tích, Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông đã liên kết với Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành (TP. Hồ Chí Minh) đăng ký bao tiêu cây sả tươi cho nông dân. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng cho bà con trên vùng đất này. Bình quân hàng năm có khoảng 20% hộ thoát nghèo nhờ vào cây sả. Hiện tại, ngành Nông nghiệp của huyện luôn đồng hành cùng bà con trong việc phát triển cây sả.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết: “Chúng tôi đang khuyến khích bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng sả. Hiện tại nhu cầu dùng cây sả làm hương liệu để chế biến thực phẩm khá nhiều. Đầu ra, giá cả ổn định, đảm bảo có lãi khi trồng.

Tuy nhiên, bà con nên tuân thủ kỹ thuật và cách phòng trị rệp sáp để sả cho năng suất cao. Thời gian tới, chúng tôi cố gắng phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tìm đầu ra để bà con nơi đây an tâm đầu tư vào cây sả, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân”.

Với triển vọng phát triển như hiện nay, cây sả đã và đang làm “nóng” câu chuyện xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên vùng đất cù lao. Cây sả đang khẳng định được thế đứng của mình, trở thành một trong những cây trồng chủ lực trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông vốn còn không ít khó khăn.

Tác giả bài viết: Văn Minh

Nguồn tin: Ấp Bắc