Quy hoạch vùng sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái

Ngày 7-10, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch vùng sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.
Thu mua sapô tại Chợ trái cây Vĩnh Kim. Ảnh: Vân Anh
Tuyển chọn sapô để xuất khẩu tại Chợ trái cây Vĩnh Kim. Ảnh: Vân Anh

Theo Quy hoạch, đến năm 2020, vùng sản xuất lúa có diện tích canh tác khoảng 78.000 ha trên địa bàn 79 xã của 9 huyện, sản lượng ổn định từ 1 - 1,1 triệu tấn/năm, giá trị và lợi nhuận bằng 1,5 triệu tấn lúa thường, lúa hàng hóa đạt sản lượng gạo xuất khẩu 250.000 tấn gạo/năm; tổng vốn đầu tư dự kiến 1.578.550 triệu đồng (vốn ngân sách 10.300 triệu đồng, vốn vay tín dụng 705.250 triệu đồng, vốn tự có trong dân 863.000 triệu đồng).

Vùng sản xuất rau màu là 45.200 ha (tăng 2,2%/năm), năng suất đạt 17 tấn/ha, sản lượng 768.400 tấn, phân bổ chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công; tổng vốn đầu tư dự kiến 886.300 triệu đồng (vốn ngân sách 11.900 triệu đồng, vốn vay tín dụng 303.650 triệu đồng, vốn tự có trong dân 550.750 triệu đồng).

Đối với vùng sản xuất cây ăn trái, đến năm 2020, diện tích đạt 74.000 ha, sản lượng dự kiến 1,3 triệu tấn và phân bổ ở 3 vùng: phía Nam và ven Bắc Quốc lộ 1A (vùng ngọt), toàn bộ diện tích ở huyện Tân Phước (vùng ảnh hưởng phèn) và phần còn lại về phía Đông Quốc lộ 1A của huyện Châu Thành, Quốc lộ 60 của TP. Mỹ Tho cho đến biển Đông…

Các Quy hoạch đều được đầu tư và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả bền vững; đầu tư theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn kết chặt chẽ “4 nhà”, ưu tiên cho sản xuất, bảo quản và kết nối thị trường…

Tác giả bài viết: S. N

Nguồn tin: Ấp Bắc