Những kết quả quan trọng của Văn phòng Đăng ký đất đai

Văn phòng Đăng ký đất đai (tiền thân là Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 9-5-2005 trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) là đơn vị trực thuộc Sở TN-MT, với chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc bản đồ, cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.
Ban lãnh đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai đang trao đổi tình hình thực hiện nhiệm vụ và phương hướng hoạt động sắp tới của đơn vị
Ban lãnh đạo Văn phòng Đăng ký Đất đai đang trao đổi tình hình thực hiện nhiệm vụ và phương hướng hoạt động sắp tới của đơn vị

Ngày 22-7-2015, thực hiện Quyết định 1887/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở TN-MT trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và 11 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Phòng TN-MT.

Qua 10 năm hình thành và phát triển, với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Sở TN-MT, mặc dù gặp không ít khó khăn, thử thách, nhưng toàn thể viên chức của Văn phòng Đăng ký đất đai đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó phải kể đến một số thành tựu nổi bật sau:

- Trong thời gian qua Văn phòng Đăng ký đất đai đã từng bước ổn định về cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của viên chức và người lao động, nâng tổng số viên chức từ 15 người của buổi đầu thành lập cho đến nay là 253 người, tăng gấp 17 lần so năm 2005.

Bên cạnh đó, cơ chế tổ chức hoạt động và chức năng, nhiệm vụ, quy chế tài chính, quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ của Văn phòng được xây dựng ngày càng hoàn chỉnh; các trang thiết bị máy móc phục vụ công tác ngày càng được đổi mới, hiện đại; đội ngũ công chức, viên chức và người lao động có kinh nghiệm, tận tâm với công việc, được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc như Quản lý đất đai, trắc địa, công nghệ thông tin...

- Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiến hành xây dựng kế hoạch cấp GCN quyền sử dụng đất cho các tổ chức sử dụng đất tham mưu cho Sở TN-MT trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở triển khai công tác này trên phạm vi toàn tỉnh ở 11 huyện, thị xã, thành phố.

Đến nay đã cấp GCN đất cho tổ chức khoảng 2.294 hồ sơ, tham mưu giúp Sở TN-MT trình UBND tỉnh cấp GCN quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được 2.083 hồ sơ cho các tổ chức, chuyển thông tin địa chính được 1.562 hồ sơ cho các cơ quan chuyên môn để xác định nghĩa vụ tài chính.

Từ ngày 1-8-2015 đến nay, Văn phòng đăng ký đất đai đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đất đai cho hộ gia đình cá nhân từ các chi nhánh gởi về trình Sở TN-MT cấp GCN quyền sử dụng đất.

- Công tác trích đo bản đồ địa chính khu đất phục vụ cho công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất và theo nhu cầu của các tổ chức được 620 hồ sơ; trong đó đơn vị đã thực hiện một số công trình dự án lớn như: Kinh Chợ Gạo, kinh Xuân Hòa - Cầu Ngang, kinh 14, Nông trường Tân Lập, Khu công nghiệp Bình Đông, đo đạc nhà máy chế tạo ống dẫn, bể chứa dầu khí của Tập đoàn dầu khí thuộc xã Gia Thuận, xã Kiểng Phước, Cảng biển tổng hợp Tiền Giang ở huyện Gò Công Đông, Khu dân cư Sao Mai ở phường 10, đo vẽ Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng xã Hòa Hưng, đo vẽ 12 khu dân cư của huyện Cái Bè, Quảng trường Hùng Vương, các tuyến giao thông trong dự án nâng cấp đô thị của TP. Mỹ Tho...

- Công tác lập hồ sơ tách, sáp nhập, thành lập mới các đơn vị hành chính trong tỉnh: Tổng hợp số liệu, xây dựng bản đồ địa giới hành chính, xây dựng phương án điều chỉnh địa giới hành chính ở các địa phương trong tỉnh như:

Kết hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây để mở rộng TX. Gò Công; điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Châu Thành, Chợ Gạo để mở rộng TP. Mỹ Tho; điều chỉnh địa giới hành chính của 2 xã Vàm Láng và Kiểng Phước để xây dựng phương án thành lập thị trấn Vàm Láng; điều chỉnh địa giới hành chính của xã Đông Hòa Hiệp để mở rộng thị trấn Cái Bè... Lập và in các loại bản đồ: Bản đồ hành chánh, bản đồ chuyên đề theo yêu cầu của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh.

- Công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính: Qua 10 năm bộ phận chỉnh lý của Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện được khoảng 181.840 hồ sơ. Trong năm 2013 đã tham mưu cho Sở TN-MT xây dựng Kế hoạch chỉnh lý hồ sơ địa chính ở cả 3 cấp với tổng số hồ sơ cần chỉnh lý là 347.818 hồ sơ nhằm mục đích chỉnh lý bộ hồ sơ, bản đồ địa chính đang được lưu giữ ở các cấp phù hợp với hiện trạng sử dụng đất thống nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai.

- Công tác thống kê, kiểm kê đất đai: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở TN-MT, Văn phòng Đăng ký đất đai kết hợp với Phòng TN-MT các huyện: Cái Bè, Tân Phước, Châu Thành và TP. Mỹ Tho triển khai công tác kiểm kê đất đai đến các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai năm 2010.

Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai tiếp tục thực hiện công tác kiểm kê đất đai năm 2015 cho các huyện Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công, TP. Mỹ Tho và tổng hợp số liệu, báo cáo thuyết minh kết quả kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất của tỉnh. Đến nay cơ bản đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai cấp xã.

Hiện đang kiểm tra lại số liệu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất chuẩn bị cho công tác in sản phẩm và trình duyệt. Riêng công tác tổng hợp số liệu và xây dựng bản đồ hiện trạng cấp huyện, tỉnh đang tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Công tác thống kê đất đai hàng năm ngoài nhiệm vụ được giao là tổng hợp số liệu thống kê đất đai của tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai còn hỗ trợ cho Phòng TN-MT các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp số liệu ở các địa phương có nhu cầu.

- Công tác lập Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và lập Đồ án xây dựng nông thôn mới của các xã: Tham mưu cho Sở TN-MT hoàn thành công tác lập Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015); lập và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2011 - 2020 được 10 đơn vị hành chính cấp huyện.

Đến nay đã tổ chức lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 162/169 xã, phường, thị trấn, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 162 xã (7 xã, phường còn lại do đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng nên không lập quy hoạch sử dụng đất). Ngoài ra, trong năm 2011, 2012 thực hiện nhiệm vụ do Sở TN-MT giao, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiến hành lập Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 58 xã trên địa bàn toàn tỉnh...

Tác giả bài viết: LƯƠNG ĐỨC TRỊ - HUỲNH THỊ NHÃ PHƯƠNG

Nguồn tin: Ấp Bắc