Khóm Tân Phước cây "thoát nghèo, làm giàu" trên vùng đất phèn

Sau bao năm giá cả bấp bênh, trong những năm trở lại đây, nông dân trồng khóm ở huyện Tân phước rất phấn khởi vì giá liên tục ở mức cao và ổn định. Cây khóm nhanh chóng khẳng định vị thế, trở thành cây trồng chủ lực trong sự phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu của người dân huyện Tân Phước.
Khóm là cây trồng chủ lực của nông dân huyện Tân Phước.
Khóm là cây trồng chủ lực của nông dân huyện Tân Phước.

NHÀ VƯỜN VUI MỪNG

Hiện nay, dọc các huyện lộ, tỉnh lộ trên địa bàn huyện Tân Phước, các điểm tập kết, thu mua khóm rất nhộn nhịp. Chú Trương Hùng Minh, nông dân xã Mỹ Phước phấn khởi: “Những năm gần đây, giá khóm tăng cao, thương lái đến tận ruộng thu mua khóm, không còn sợ bị ép giá”. Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền và có gần 40 năm gắn bó với cây khóm, chú Minh chia sẻ: “Dù giá khóm có năm không ổn định, công chăm sóc rất vất vả, nhưng chú và gia đình vẫn quyết gắn bó với cây khóm. Hiện tại, chú trồng giống khóm Queen, cho năng suất và chất lượng khá tốt. Khóm trung bình 3 tháng cho thu hoạch 1 lần, từ 7 - 8 tấn/ha, nếu khóm có giá, trừ chi phí nông dân có thể lãi từ 15-20 triệu đồng/ha. Với 5 ha khóm, hàng năm chú thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng”. Chú Minh khoe với chúng tôi: “Ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi này cũng nhờ mấy mùa khóm trúng giá mà nên”.

Từ đôi bàn tay trắng, sau bao năm gắn bó với cây khóm, vợ chồng ông Võ Văn Phụ và bà Lê Thị Túng, ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Phước đã làm nên cơ ngơi bạc tỷ. Năm 1995, ông bà mua 2,5 ha đất hoang với giá 3 triệu đồng lên liếp trồng khóm và khoai mỡ. Cũng may khóm, khoai trúng mùa lại được giá, cuộc sống dần ổn định. Vợ chồng nhín nhút từng đồng để lo cho cuộc sống gia đình, lo cho các con ăn học và mua thêm đất sản xuất. Cứ thế, tiếp tục những tháng ngày lao động cật lực, dành dụm để mua thêm đất. Sau hơn 20 năm lao động vất vả, ông Phụ bà Túng đã có hơn 23 ha đất trồng khóm, khoai, tràm và ngôi biệt thự khang trang. Bà Túng vui mừng: “Những thành quả có được như hôm nay là do bàn tay, sức lực của vợ chồng làm nên. Cuộc sống khá giả, con cái ngoan ngoãn, hai vợ chồng vui và hạnh phúc lắm”.

Phát triển mạnh nhất cây khóm phải kể đến xã Mỹ Phước với 2.852 ha, xã Thạnh Tân với 2.048 ha. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước cho biết: “Những năm gần đây nông dân trồng khóm bắt đầu trồng theo hướng chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất khóm vì thế tăng lên rõ rệt. Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối hợp với các nhãn hàng phân bón tổ chức các điểm trình diễn sản xuất theo tiêu chuẩn để người dân tham quan, học hỏi và làm theo. Nếu khóm giữ mức giá ổn định từ 5 ngàn đồng/kg trở lên thì trồng khóm cho thu nhập cao gấp mấy lần trồng lúa, tràm. Những năm trở lại đây, nhờ cây khóm mà cuộc sống của nông dân xã Mỹ Phước khấm khá hơn”.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Từ sự thích nghi với đặc điểm sinh thái của vùng đất phèn cùng với hiệu quả kinh tế đã được khẳng định trong thời gian qua, cây khóm đã trở thành cây trồng chủ lực tại Tân Phước. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề mà ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện đang rất quan tâm. Đó là, tình hình sâu bệnh, diện tích khóm già cỗi ngày càng tăng, đặc biệt là chưa tạo được đầu ra ổn định cho nông dân.

Theo Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng (xã Tân Lập 2) hiện có 37 ha khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP cho rằng việc trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP đối với xã viên không phải quá khó khăn. Tồn tại lớn nhất mà HTX đang đối mặt, chưa giải quyết được triệt để là thị trường tiêu thụ nông sản VietGAP chưa ổn định, chi phí sản xuất khóm VietGAP còn cao, hiệu quả kinh tế chưa đạt yêu cầu. HTX cũng kiến nghị các doanh nghiệp, nhà phân phối sớm có kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ khóm VietGAP một cách ổn định và lâu dài trên cơ sở liên kết “4 nhà”, tăng cường truyền thông để người tiêu dùng hiểu, phân biệt và tích cực sử dụng phổ biến nông sản VietGAP...

Vì thế mà lãnh đạo tỉnh, huyện, ngành Nông nghiệp đang tập trung tìm giải pháp, định hướng phát triền bền vững cho cây khóm. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng: Giao thông, thủy lợi, đê bao ngăn lũ kết hợp trạm bơm điện tưới tiêu cho vùng chuyên canh… đã giúp nông sản tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, được giá, an sinh xã hội đảm bảo. Hiện nay, 100% diện tích khóm chuyên canh đều có đê bao ngăn lũ bảo vệ không chỉ đảm bảo phòng tránh thiên tai mà còn giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu cũng như thuận tiện để áp dụng khoa học - kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP. Kiện toàn cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh, làm thế nào gắn kết giữa sản xuất, tiêu thụ và chế biến xuất khẩu một cách chặt chẽ…

Nhờ xác định được tiềm năng, lợi thế của cây khóm trong việc phát triển kinh tế, huyện Tân Phước đề ra kế hoạch sản xuất cây cây khóm trong thời gian tới bằng việc tập trung cải tạo diện tích lúa, tràm không hiệu quả sang trồng cây khóm; đồng thời mở rộng thêm diện tích ở những khu vực có điều kiện phát triển, tập trung ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân… Theo chiến lược phát triển thị trường cho khóm trong thời gian tới là tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thành thương hiệu mạnh, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm khóm Tân Phước đặc sản.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước cho biết: “Tân Phước hiện có khoảng 40% diện tích khóm già cỗi, tập trung ở các xã: Hưng Thạnh, Tân Lập 1, Tân Lập 2. Vì thế, để tăng năng xuất cho cây khóm, nông dân cần cải tạo lại diện tích trên. Ngoài ra, cần chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng khóm để tăng diện tích. Bên cạnh, phải tăng cường quảng bá thương hiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất. Có như thế mới có thể tiến tới hình thành vùng trồng khóm chuyên canh rộng lớn mang hàm lượng khoa học công nghệ cao và hướng đến xuất khẩu”.

Tác giả bài viết: P. Mai

Nguồn tin: Ấp Bắc