Hàng việt tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Qua 7 năm triển khai thực hiện, Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) do Bộ Chính trị phát động, đã có sức lan tỏa lớn. Cuộc vận động không chỉ tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng về hàng hóa Việt mà còn tác động đến các doanh nghiệp (DN) trong việc cải tiến quy trình sản xuất, nhằm tăng sức cạnh tranh và từng bước chiếm lĩnh thị trường.

MỞ RA CƠ HỘI CHO DN

Theo Sở Công thương, Cuộc vận động đã mở ra cơ hội cho DN khi tiếp cận thị trường trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đồng thời làm thay đổi tư duy, nhận thức của các DN sản xuất và dịch vụ trong tỉnh bằng việc tăng cường cải tiến kỹ thuật, đổi mới cách thức sản xuất, phân phối, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm. Các sản phẩm, hàng hóa được cải thiện về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Điển hình có Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood)), một DN Nhà nước chuyên cung ứng, xuất khẩu gạo lớn của Tiền Giang đã không ngừng đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm gạo chất lượng, an toàn như: Hồng Hạc, Hương Việt, Bông Sen Vàng, Phong Lan Vàng, Thiên Nga. “Đây là những mô hình mới, mở ra hướng đi cho liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa sạch, gạo an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa và vượt qua rào cản kỹ thuật để xuất đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, châu Âu…” - ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết.

Các DN sản xuất trong nước đã chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã đối với sản phẩm mình làm ra nên ngày càng thu hút người tiêu dùng.
Các DN sản xuất trong nước đã chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã đối với sản phẩm mình làm ra nên ngày càng thu hút người tiêu dùng.

Hưởng ứng tích cực Cuộc vận động ngay từ những ngày đầu phát động cho đến nay, Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco không chỉ thường xuyên tổ chức tuyên truyền Cuộc vận động đến cán bộ, công nhân viên, các đại lý mà còn phấn đấu phát triển thương hiệu, không ngừng đầu tư cải tiến công nghệ, mở rộng nhà máy sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP-WHO. Tipharco hiện có khoảng 250 mặt hàng thuốc, trong đó có nhiều mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao và từng có sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”.

Các DN cũng đã tích cực đổi mới cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại, đưa hàng Việt Nam về các địa bàn vùng nông thôn để kích thích sức mua của người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng ngày càng tạo được uy tín và trở thành thế mạnh trong sản xuất của tỉnh cũng như cả nước như: Dược phẩm, hàng may mặc, hàng nông sản, lương thực thực phẩm… Các DN không chỉ đẩy mạnh sản xuất hàng hóa mà còn cùng nhau cam kết sử dụng sản phẩm của nhau, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tăng cường sự kết nối.

Nhờ các giải pháp trên, đến nay, hàng Việt đã dần hiện diện nhiều hơn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đã tăng nhiều so với trước đây. Tại các siêu thị, tỷ lệ hàng Việt đã chiếm từ 80 - 90%, khẳng định sức cạnh tranh cao và khả năng chiếm lĩnh thị trường.

“Có thể nói, đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh không chỉ là phong trào mà đã thực sự trở thành một cuộc vận động, một chính sách lớn, tạo ra lợi ích cho cả người tiêu dùng và DN. Các cơ quan, đơn vị, DN và đa số người dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động, thay đổi hành vi theo hướng ưu tiên mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt, qua đó đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết.

NGƯỜI VIỆT DÙNG HÀNG VIỆT NHIỀU HƠN

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua 7 năm triển khai Cuộc vận động, tâm lý và thói quen tiêu dùng của người Việt đã thay đổi, với 70% người tiêu dùng đã ưu tiên sử dụng hàng nội địa và 90% người dân được hỏi rất quan tâm đến hàng Việt.
Riêng quan sát tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, hiện tỷ lệ người dân ưu tiên lựa chọn sử dụng các sản phẩm do các DN sản xuất trong nước đạt đến khoảng 80%. Bà Nguyễn Thị Vân, một người tiêu dùng ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho cho biết: “Các hệ thống bán lẻ bây giờ đã ưu tiên kinh doanh hàng hóa sản xuất trong nước rất nhiều. Chất lượng, mẫu mã hàng hóa Việt Nam được cải tiến đảm bảo an toàn, phong phú không hề thua kém với hàng ngoại mà giá cả lại hợp lý, nguồn gốc rõ ràng nên người tiêu dùng đã an tâm khi mua sắm, sử dụng hàng Việt”.

Nhiều người tiêu dùng cũng cho rằng, để tạo thói quen dùng hàng Việt trong người dân thì nên tạo ấn tượng tốt về mặt hàng Việt Nam. Quan trọng là chất lượng phải đảm bảo, giá cả hợp lý, độ an toàn cao. Đây là những tiêu chí mà hàng hóa Việt Nam phải hướng đến để người dân ưu tiên lựa chọn các sản phẩm sản xuất trong nước sử dụng. Muốn an lòng người tiêu dùng Việt Nam, nhà sản xuất, kinh doanh phải có đạo đức, đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng.

Thực tế cho thấy, Cuộc vận động được triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức và có những chuyển biến tích cực về tiêu dùng, mua sắm trong nhân dân. Người tiêu dùng đã được tiếp cận với những mặt hàng trong nước sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm cũng như giá cả phải chăng, phù hợp với từng điều kiện kinh tế.

Tác giả bài viết: Hữu Nghị

Nguồn tin: Ấp Bắc