Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn

Trong những năm qua, kinh tế tập thể tỉnh đã bước đầu thoát khỏi khủng hoảng, phát triển tích cực cả về quy mô, số lượng, chất lượng, hoạt động dần đúng theo Luật Hợp tác xã (HTX) và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển.
Quy trình đóng gói sản phẩm rau an toàn của HTX Rau an toàn Gò Công. Ảnh: Cao Lập Đức

Hiện nay, toàn tỉnh có 541 tổ hợp tác (THT) với 73.906 tổ viên (trên 80% tổ viên là hội viên Hội nông dân và có 417 THT hoạt động theo đúng Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT); 1 Liên hiệp HTX Nông nghiệp; 96 HTX và quỹ tín dụng nhân dân (trong đó có 90/96% HTX đã chuyển đổi, đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và 45% cán bộ Hội là cán bộ quản lý). Đa số các HTX hoạt động có hiệu quả, tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.

Tiêu biểu như HTX Gà ta Gò Công, HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Thanh long Mỹ Tịnh An, HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Bình Tây, HTX Chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh, HTX Hòa Lộc, HTX Rạch Gầm, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, HTX Quang Minh, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp...

Có được kết quả trên là do ngay sau khi có Nghị quyết 04-NQ/HNDTW ngày 29-7-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá V về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2012 - 2016, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện và xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng, đưa vào Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2013 - 2018, cũng như Nghị quyết thi đua hằng năm đối với các huyện, thành, thị.

Kết quả qua 5 năm triển khai thực hiện, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền được 192 cuộc cho hơn 5.760 lượt cán bộ, hội viên, nông dân, qua đó đã giúp cho họ hiểu rõ hơn về bản chất HTX kiểu mới cũng như vị trí và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong các thành phần kinh tế mà các nghị quyết của Đảng đã khẳng định.

Bên cạnh đó, công tác vận động, tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể cũng được các cấp Hội chú trọng, nhất là ở những nơi có đủ điều kiện, người dân có nhu cầu thành lập mới tổ chức kinh tế tập thể và đặc biệt tại các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Hội đã phân công cán bộ xuống trực tiếp các xã xây dựng NTM nhằm hỗ trợ các THT, HTX điều chỉnh hồ sơ thủ tục đúng Luật HTX năm 2012 (đối với HTX) và đúng Nghị định 151/NĐ-CP (đối với THT), tiến tới hoàn thành tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các ngành có liên quan tổ chức 5 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 150 cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là cán bộ Hội cơ sở và cán bộ trực tiếp quản lý các THT để trang bị những kỹ năng, kiến thức, các thủ tục khai thuế, chính sách thuế, xây dựng chiến lược kinh doanh, quản lý nhân sự, kỹ năng bán hàng, sản xuất rau an toàn, an toàn vệ sinh thực phẩm, các quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của các mô hình liên kết hợp tác, THT và HTX hằng năm.

Song song đó, Hội còn phối hợp với các ngành liên quan, nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức 110 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và hướng dẫn quy trình VietGAP cho 2.750 thành viên các THT, HTX; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh tạo điều kiện cho các THT, HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tham gia các chương trình, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, các THT, HTX có cơ hội tìm kiếm đối tác liên kết, cơ hội kinh doanh mới, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hội cũng phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Công ty Lương thực tỉnh cùng các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo quy mô Cánh đồng lớn, cụ thể như: HTX Nông nghiệp Bình Nhì (huyện Gò Công Tây), HTX Mỹ Thành (huyện Cai Lậy), HTX Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè)... Đặc biệt, Hội đã phối hợp cùng Liên minh HTX tỉnh chọn HTX Hòa Lộc (huyện Cái Bè) thực hiện thí điểm “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo Quyết định 247/QĐ-LMHTXVN ngày 31-3-2016 của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể, Hội còn tuyên truyền, vận động và tín chấp vay vốn với các Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Quân đội và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã hỗ trợ vốn cho các THT, HTX. Tính đến nay đã có 10 THT, HTX vay vốn gần 98,5 tỷ đồng để đầu tư máy móc, trang thiết bị, dụng cụ. Đồng thời, Hội phối hợp với các ngành và địa phương kịp thời giải quyết những khiếu nại, kiến nghị của thành viên THT, HTX như: Tư vấn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho HTX Thủy sản Phú Tân (huyện Tân Phú Đông); HTX Phường 2 (TP. Mỹ Tho); THT Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông); tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho HTX Mỹ Thành (huyện Cai Lậy).

Để bồi dưỡng cũng như giới thiệu và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, HTX điển hình tiên tiến, hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, cũng như những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt trong tổ chức hoạt động của các HTX và THT, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức tuyên truyền, tuyên dương và giới thiệu những đơn vị tập thể làm ăn hiệu quả để hội viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu trên Tờ thông tin của Hội cũng như trên các phương tiện truyền thông trong tỉnh và được nhiều tỉnh bạn đến chia sẻ, học tập kinh nghiệm.

Tác giả bài viết: CÔNG MINH

Nguồn tin: Ấp Bắc