5 đời gắn bó với biển cả

Khát vọng vươn khơi bám biển đã có từ nhiều đời đối với người dân miệt biển Tiền Giang. Hàng trăm năm trước, họ đã dong thuyền buồm ra khơi đánh bắt hải sản. Gần đây, thế hệ trẻ đã đầu tư đóng tàu công suất lớn để tiếp bước ông cha ra ngư trường xa hơn vừa đánh bắt hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong lòng tràn đầy khát vọng làm giàu từ biển.
Ông Nguyễn Văn Lu trong gia đình có 5 thế hệ bám biển làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Lu trong gia đình có 5 thế hệ bám biển làm giàu.

Những ngư dân đánh bắt hải sản (HS) trên biển bất chấp bão tố, “tàu lạ” và những khó khăn chồng chất, từ bao đời nay, ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Tiền Giang nói riêng vẫn bám chắc biển Đông mưu sinh và khẳng định chủ quyền biển, đảo. Họ vươn ra khơi từ khi còn những chiếc thuyền buồm thô sơ và đến nay đã thật sự giàu có từ biển.

ĐÁNH BẮT TỪ KHI THUYỀN BUỒM

Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào một đại gia đình có truyền thống trăm năm bám biển. Đó là dòng họ Nguyễn ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Tiếp chúng tôi, lão ngư Nguyễn Văn Lu, 63 tuổi, là thế hệ thứ 3 đánh bắt HS của dòng họ Nguyễn.

Ở cái tuổi lục tuần, ông Lu không còn đi biển nữa mà giao lại cho các con và cháu. Hiện tại, chỉ riêng gia đình ông đã có 9 chiếc tàu công suất từ 400 - 550CV đang đánh bắt cá ngoài ngư trường Trường Sa của Việt Nam.

Ông Lu tâm sự: Trước đây, ông nội ông là Nguyễn Văn Kề đã từng dong thuyền buồm ra khơi đánh bắt HS. Nhưng do thuyền, ngư cụ thô sơ nên việc đánh bắt hiệu quả không cao và chỉ sáng đi chiều về thôi. Đến thời của cha ông là Nguyễn Văn Chua cũng nối nghiệp cha dong thuyền buồm ra khơi đánh bắt cá.

Đến khoảng năm 1968, cha ông mới đầu tư đóng tàu gỗ, mua máy móc, nước đá, muối đi đánh bắt xa hơn. Lúc này, ông chỉ mới 17 tuổi nên cùng cha bắt đầu chinh phục biển khơi. Sau khi cha sắp đến tuổi “nghỉ hưu”, ông và người anh Nguyễn Văn Ru đầu tư mua ghe, tàu lớn hơn để bắt đầu đánh bắt những ngư trường xa. Đến năm 40 tuổi, ông cùng với người anh bắt đầu đánh bắt HS ngoài ngư trường Trường Sa. Hiện các con và cháu của ông cũng đang bám biển đánh bắt ngoài Trường Sa.

Nhớ lại những năm đánh bắt ngoài khơi, ông nói tiếp: “Lúc ấy, chỉ có các tàu của ông là ra ngoài Trường Sa sớm nhất. Ngư trường này vắng vẻ lắm! Chỉ có lác đác vài tàu, thuyền đánh bắt mà thôi. Cá, tôm nhiều vô số kể”.

Cầm chiếc điện thoại trên tay, ông Lu lần lượt điện thoại hỏi thăm tình hình đánh bắt ngoài khơi của 3 đứa con trai Nguyễn Văn Định, Nguyễn Văn Hướng và Nguyễn Văn Tuấn. Cả 3 đều báo về mấy ngày nay có bão nên các tàu đều vô các đảo ở Trường Sa để tránh trú. Cả 3 đứa con của ông đều có kinh nghiệm đi biển từ nhỏ nên là thuyền trưởng của các tàu công suất từ 400 - 550CV.

Cả làng biển ấp Lăng và những ấp lân cận của xã Tân Phước có gần 90% cư dân làm nghề biển, vì đây là nơi duy nhất ở Gò Công tồn tại làng nghề đánh bắt xa khơi lâu đời nhất. Tại ấp Lăng có dòng họ Nguyễn đã 5 đời đi biển với nghề đánh bắt xa bờ, nổi tiếng với nghề câu lưới rê. Trong đó, 2 anh em ruột Nguyễn Văn Ru và Nguyễn Văn Lu được xem là những người đầu tiên tiến ra Trường Sa để đánh bắt HS.

Giờ đây, ông Nguyễn Văn Lu không còn đi biển nữa nhưng ông vẫn luôn động viên con cháu mình bám biển để làm giàu từ biển. Hiện nay, cháu nội ông là đời thứ 5 cũng đã theo cha và các chú dong tàu ra khơi đánh bắt.

Hơn 40 năm lăn lộn với sóng biển, lão ngư Nguyễn Văn Lu thuộc làu từng luồng cá, từng dòng hải lưu ở vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1. Giờ đây, tuổi cao, không đi biển được nữa, nhưng ông Lu vẫn rất đỗi tự hào khi con cháu ông vẫn luôn gắn bó với nghề cha truyền, con nối, tiếp tục vươn khơi cùng Trường Sa.

GIÀU LÊN TỪ BIỂN

Nghề đánh bắt HS truyền thống ở huyện Gò Công Đông đã trui rèn nhiều ngư dân lão luyện, đang ngày đêm bám biển quê hương. Trong đó, thị trấn Vàm Láng, xã Kiểng Phước, xã Tân Phước, xã Tân Thành, xã Tân Điền, thị trấn Tân Hòa... là những cái nôi của nghề khai thác biển, nổi tiếng khắp trong, ngoài tỉnh với nghề đóng đáy song cầu, nghề cào xiêm, nghề lưới kéo đơn, kéo đôi, lưới rê, lưới vây kết hợp ánh sáng...

Ông Lê Hoàng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, nghề đánh bắt HS truyền thống của địa phương đã góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động miền biển.

Ngoài ra, còn thu hút lao động tại chỗ trong việc phát triển ngành nghề nông thôn:Làm khô mắm, cung ứng vật tư nghề cá, ngư lưới cụ, kinh doanh và tiêu thụ HS... tạo sự phồn thịnh cho một số làng nghề truyền thống như nghề vá lưới ở Kiểng Phước, nghề làm khô mắm ở thị trấn Vàm Láng, ở Đèn Đỏ (xã Tân Thành)...

Huyện Gò Công Đông xác định các xã duyên hải: Gia Thuận, Tân Phước, Kiểng Phước, Tân Điền, Tân Thành và thị trấn Vàm Láng khuếch trương thế mạnh kinh tế biển làm mũi nhọn nền kinh tế, trong đó thị trấn Vàm Láng được xem là đô thị biển có chức năng đa dạng: Hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, làng nghề truyền thống chuyên làm khô mắm đặc sản Gò Công...

Cảnh nhộn nhịp ở Cảng cá Vàm Láng sau chuyến đi biển trở về.
Cảnh nhộn nhịp ở Cảng cá Vàm Láng sau chuyến đi biển trở về.

Trong những năm gần đây, hưởng ứng chủ trương khai thác ngư trường xa, bám biển dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, khẳng định chủ quyền biển, đảo quê hương, ngư dân trong tỉnh đã liên kết sản xuất, hình thành các tổ, nhóm khai thác trên biển.

Huyện Gò Công Đông cũng đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác từ ven bờ sang xa bờ, hình thành các tổ hợp đoàn kết sản xuất trên biển như:

Tổ hợp tác Chí Tâm (xã Kiểng Phước), Tổ hợp tác khai thác thủy sản Thanh Thành Nguyên (xã Tân Phước) nhằm tăng thời gian đánh bắt, vừa hỗ trợ lẫn nhau khắc phục khó khăn, đối phó rủi ro trên biển; gắn khai thác với chế biến và dịch vụ hậu cần cũng như phòng tránh thiên tai gây hại...

Đây là mô hình mới mẻ nhưng có nhiều tính ưu việt sau khi đưa vào hoạt động, mở ra triển vọng hợp tác bền vững trong lĩnh vực khai thác biển tại địa phương.

Với kinh nghiệm đi biển theo hình thức cha truyền con nối, các thế hệ ngư dân ở Gò Công Đông đều quyết tâm gắn bó với biển, bám ngư trường và hiểu lòng biển quê hương như lòng bàn tay mình.

Trước đây, các hộ ngư dân đều hành nghề đơn lẻ, mỗi chủ phương tiện tự đầu tư vốn, khai thác và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả không cao. Từ khi các tổ hợp tác đi vào hoạt động, hiệu quả đánh bắt nâng lên rõ rệt, giảm chi phí sản xuất, lại có điều kiện hỗ trợ nhau khi gặp sự cố, có bão hay thời tiết xấu.

Ngoài ra, việc phân công một phương tiện luân phiên đưa sản phẩm đánh bắt được vào bờ tiêu thụ đã tiết kiệm thời gian và chi phí toàn nhóm, kéo dài thời gian bám biển khai thác, tăng sản lượng đánh bắt và doanh thu. Chưa kể, sự trao đổi thông tin thị trường, thông tin ngư trường đánh bắt được cập nhật hàng ngày giúp sản lượng khai thác tăng mạnh, thu nhập sau chuyến đi biển của ngư dân tăng cao, bà con rất phấn khởi.

Đối với ngư dân, biển là một phần sự sống, là nơi mưu sinh của họ. Vì vậy, trong họ ý thức bảo vệ biển, đảo song hành cùng khát vọng vươn lên làm giàu từ biển cả.

Ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, hiện tại ở xã Tân Phước có 108 phương tiện đánh bắt thì gia đình ông Nguyễn Văn Lu gồm người chị gái, 3 người anh trai và ông có tất cả 31 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, riêng ông và các con có 9 chiếc. Các con trai ông đều là thuyền trưởng của các tàu đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa.

Đội tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Lu là đội tàu tiên phong của Tân Phước trong mô hình thành lập tổ, đội sản xuất trên biển đủ mạnh để bám biển, vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngoài việc tham gia đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao, gia đình ông Lu còn tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, tham gia tuyên truyền chủ quyền biển, đảo và chia sẻ kinh nghiệm về đánh bắt xa bờ cho các chủ tàu cá khác.


Tác giả bài viết: Sĩ Nguyên

Nguồn tin: Ấp Bắc