Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc VNPT Tiền Giang: "Đưa công nghệ điện toán đám mây phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp..."

Là  người đứng đầu đơn vị được tỉnh đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tuyên dương nhân dịp 13/10, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Viễn thông Tiền Giang (VNPT) chia sẻ:

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, VNPT Tiền Giang cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề cạnh tranh nhưng đó là quy luật khi tham gia vào sân chơi chung. VNPT Tiền Giang đưa ra mục tiêu cạnh tranh theo tiêu chí là chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Tuy giá bán không phải là mục tiêu nhưng phải để khách hàng chấp nhận sản phẩm và dịch vụ. Thực tế là giá nhiều loại mặt hàng đang tăng nhưng giá cước của viễn thông liên tục giảm - đây là điều rất khó khăn để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận của đơn vị. Để khắc phục vấn đề này VNPT Tiền Giang phải đưa ra định hướng vừa phát triển về thị phần vừa phát triển về doanh thu để bù đắp cạnh tranh về giảm giá. Liên tục những năm vừa qua VNPT Tiền Giang đã đạt được những thành tích nhất định. Doanh thu tăng trưởng đúng theo kế hoạch, lợi nhuận năm sau tăng gần gấp đôi năm trước, đóng thuế đều tăng hàng năm. Phấn đấu năm 2012 VNPT Tiền Giang đóng thuế cho tỉnh nhà trên 30 tỷ đồng.

- Phóng viên (PV): Như vậy, định hướng kinh doanh của VNPT Tiền Giang tới đây là  như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Thái: Định hướng kinh doanh của VNPT Tiền Giang chủ yếu là sản phẩm truyền thống như điện thoại cố định có dây và không dây, Internert băng thông rộng, dịch vụ di động Vinaphone..., VNPT Tiền Giang không những kinh doanh ở những vùng thành thị, đông dân cư, có lợi nhuận mà còn mang tính phục vụ, đưa các dịch vụ viễn thông về nông thôn nhằm giảm bớt "khoảng cách số" giữa thành thị và nông thôn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa nông thôn. VNPT Tiền Giang đã đưa dịch vụ truyền hình MyTV xuống vùng sâu, vùng xa. Dịch vụ truyền hình cáp hiện chỉ phục vụ khu vực đông dân cư vì đầu tư phát triển mạng cáp chi phí lớn nên nhà cung cấp chỉ đầu tư những nơi có chi phí đầu tư ít nhưng thuê bao nhiều. Riêng VNPT Tiền Giang đầu tư MyTV trên phạm vi toàn tỉnh, do có hệ thống cáp quang trải dài từ tỉnh, huyện xuống xã, phường, kể cả khu dân cư thưa thớt. Ngoài ra, với khoảng 400 trạm lắp đặt thiết bị MyTV nên truyền hình cáp MyTV của VNPT Tiền Giang đã cung cấp khoảng 90% trên toàn tỉnh, kể cả vùng sâu, vùng xa. Ngay cả huyện Tân Phú Đông, VNPT Tiền Giang cũng đã lắp đặt tuyến cáp quang ngầm vượt qua sông cửa Tiểu nên khoảng cách về công nghệ thông tin giữa huyện Tân Phú Đông và các huyện khác trên đất liền không còn chênh lệch.

- PV: VNPT Tiền Giang tới đây có định hướng đưa vào khai thác sản phẩm, dịch vụ mới không?

- Ông Nguyễn Văn Thái: Về dịch vụ, VNPT Tiền Giang đã áp dụng công nghệ "điện toán đám mây" vào việc triển khai các phần mềm dùng chung cho một cơ quan hay doanh nghiệp có nhiều đơn vị trực thuộc trên toàn tỉnh, cụ thể đang triển khai phần mềm "Quản lý văn bản và điều hành qua mạng" (còn gọi là "văn phòng điện tử" hay "văn phòng không giấy") cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ... Có thể giải thích đơn giản về công nghệ "điện toán đám mây" ứng dụng trong ngành Y tế tỉnh nhà như sau: Theo cách xây dựng mạng truyền thống thì phải xây dựng và trang bị mỗi bệnh viện một hệ thống server, với 10 bệnh viện và Văn phòng Sở Y tế thì phải xây dựng 11 hệ thống server và 11 phần mềm (kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng), hệ thống dữ liệu lưu trữ riêng lẻ khó thống kê và quản lý. Nếu sử dụng công nghệ "điện toàn toán đám mây" của VNPT Tiền Giang, toàn bộ các đơn vị trong ngành Y tế không phải đầu tư hệ thống server.

VNPT Tiền Giang đã được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đầu tư một hệ thống server công nghiệp với dung lượng cực lớn và một hệ thống bảo mật hiện đại, Trung tâm Tin học của Viễn thông đã xây dựng phần mềm "Quản lý văn bản và điều hành qua mạng" và phần mềm "Quản lý bệnh viện" cài đặt trên hệ thống server này, Viễn thông Tiền Giang chỉ kéo thêm các tuyến cáp quang kết nối với mạng LAN hiện có của các bệnh viện là triển khai sử dụng hai phần mềm trên một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm được rất nhiều kinh phí của Nhà nước. Với công nghệ "điện toán đám mây" này, dữ liệu của mỗi đơn vị trực thuộc được lưu trữ trên server ảo trong hệ thống server của VNPT Tiền Giang và được bảo vệ bởi hệ thống bảo mật hiện đại mà các đơn vị khác không thể đầu tư. Tương tự đối với Sở Giáo dục và Đào tạo có khoảng 550 đơn vị trực thuộc, nếu không ứng dụng công nghệ "điện toán đám mây" thì không thể đầu tư cho mỗi đơn vị một hệ thống server được vì kinh phí đầu tư cực lớn.

- PV : Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, áp lực đối với lãnh đạo doanh nghiệp là không nhỏ, thưa  ông?

- Ông Nguyễn Văn Thái: Là giám đốc trong thời kinh doanh hiện nay, áp lực rất nhiều về doanh thu, lợi nhuận, thị phần và đời sống cán bộ công nhân viên. Người giám đốc phải chịu trách nhiệm rất lớn. Quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hiện tại là trình độ của lực lượng lao động có đáp ứng với sự tiến bộ và phát triển viễn thông và công nghê thông tin hay không. Thời gian vừa qua VNPT Tiền Giang phải tái cơ cấu lại trình độ lực lượng lao động sao cho đáp ứng được sự thay đổi và phát triển của công nghệ, đó là tiền đề để phát triển doanh nghiệp bền vững. Với mục tiêu đó, trong vòng 2 năm vừa qua, VNPT Tiền Giang đã tiếp nhận bổ sung gần 60 kỹ sư chính quy tốt nghiệp loại khá giỏi trở lên, các kỹ sư không những có quê ở tỉnh nhà mà rất nhiều kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc từ các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, đã được bố trí tăng cường rải đều trên toàn tỉnh để tăng cường lao động có trình độ đại học chính quy về tất cả các huyện nhằm nâng cao nội lực để doanh nghiệp phát triển bền vững...

- PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn