Nghiệm thu đề tài: Biện pháp quản lý ruồi hại quả trên diện rộng

Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh vừa tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài “Biện pháp quản lý ruồi hại quả trên diện rộng cho các nhóm quả thuộc tỉnh Tiền Giang có tiềm năng xuất khẩu (thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, sapô, bưởi lông cổ cò, sơ ri, mãng cầu xiêm) nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm quả, đáp ứng tiêu chuẩn vùng cung ứng, quả tươi, nhiễm ruồi thấp, để xuất khẩu cho thị trường Bắc Mỹ và các thị trường khác”.
Nông dân xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy dùng biện pháp bao trái bưởi để tránh ruồi gây hại. Ảnh: Vân Anh

Đề tài do TS. Lê Quốc Điền chủ nhiệm, Viện Cây ăn quả chủ trì, với mục tiêu xây dựng biện pháp quản lý ruồi hại quả tổng hợp diện rộng tiên tiến, khống chế tác hại trực tiếp của các loài ruồi tại vùng sản xuất quả các cây chủ lực trên, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sau gần 3 năm thực hiện tại các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công, TP. Mỹ Tho, nhóm nghiên cứu đã xác định có 5  loài ruồi hại quả họ Tephritiade tại Tiền Giang, trong đó có 3 loài ruồi B.dorsalis, B.correcta, B.carambolae gây hại trên 9 loại cây ăn quả, đối tượng kiểm dịch; thành phần cây ký chủ của các loại ruồi hại quả họ Tephritidae tại Tiền Giang có 9 loại quả, trong đó loài ruồi B.dorsalis gây hại 8 loại quả (thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài, vú sữa, sapô, sơ ri, mãng cầu xiêm), B.correcta hiện diện trên 7 loại quả (thanh long, nhãn, xoài, vú sữa, sapô, sơ ri, mãng cầu xiêm), B.carambolae hiện diện trên 3 loại quả (thanh long, sơ ri, xoài).

Trong năm, mật độ ruồi hại quả tăng dần từ tháng 5dl đến tháng 8dl, đỉnh cao mật độ vào cuối tháng 6dl và đầu tháng 7dl. Diễn biến mật độ liên quan đến mùa vụ quả của các loại quả ký chủ có trong vùng.

Về biện pháp quản lý ruồi hại quả trên diện rộng: Nước Mỹ, Newzealand chấp nhận nhập khẩu quả xoài bằng hai phương pháp quản lý ruồi đục quả:

- Áp dụng biện pháp phun SOFRI protein vào hai đợt: tháng 3dl và tháng 10dl; riêng mãng cầu xiêm áp dụng vào tháng 11dl.

- Áp dụng biện pháp bao trái trên xoài, thanh long, vú sữa, sapô, bưởi ngăn ngừa được ruồi đục quả. Thời điểm bao trái: xoài (55 ngày sau khi thụ phấn); thanh long (7 ngày sau khi thụ phấn); vú sữa, sapô, bưởi lông cổ cò (30 ngày sau khi thụ phấn).

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng mô hình phòng trừ ruồi hại quả thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, bưởi lông Cổ Cò, sơ ri, mãng cầu xiêm diện rộng với tổng diện tích 350 ha/năm (thực hiện 2 năm) bằng biện pháp phun bả SOFRI protein kết hợp với biện pháp tiêu diệt ruồi đực để phòng trừ ruồi cho 1 lứa của 9 loại quả, tỷ lệ quả bị hại ở mô hình phun SOFRI protein giảm dưới 3%.

Hiện tại đã đăng ký 8 mã số hàng cho vùng trồng thanh long, 2 mã số hàng cho vùng trồng xoài cát Hòa Lộc; đối với nhãn và vú sữa đã hoàn chỉnh hồ sơ và sẽ có mã số vào cuối năm 2013.

Mã số này chính là giấy thông hành tạo thuận lợi để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, New Zealand và các nước châu Âu khác. Điều này giúp tổ chức, cá nhân, HTX, THT tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký mã vùng, tạo thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa sau này.

Đề tài được hội đồng thống nhất nghiệm thu, đánh giá xếp loại A.

Tác giả bài viết: Lê Ngọc

Nguồn tin: Ấp Bắc