Đảng viên trẻ đam mê nghiên cứu khoa học

Nữ đảng viên trẻ Vương Thị Mỹ Thanh (35 tuổi), Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang, là người say mê nghiên cứu khoa học. Cô đã có nhiều đề tài được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, được giới chuyên môn ngợi khen. Mỹ Thanh còn là tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", được bình chọn danh hiệu "Thanh niên tiên tiến toàn quốc".

Được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 2008, thạc sĩ Mỹ Thanh là đảng viên trẻ tuổi nhất của Chi bộ Sở KH&CN Tiền Giang. Mỹ Thanh luôn đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, với mục tiêu ứng dụng kiến thức vào sản xuất thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân vùng nông thôn. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành công nghệ chế tạo hoá học, năm 2002 Thanh về công tác tại Phòng thí nghiệm (tiền thân của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học ngày nay) trực thuộc Sở KH&CN tỉnh. Hiện nay, với cương vị là Trưởng khối Công nghệ sinh học của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học, Mỹ Thanh luôn thể hiện lòng đam mê nghiên cứu khoa học.

Từ năm 2009 đến nay, Mỹ Thanh đã "trình làng" gần 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do mình trực tiếp làm chủ nhiệm và cùng tham gia nghiên cứu. Trong số các đề tài trên, Mỹ Thanh tâm đắc nhất là đề tài "nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ tận dụng vỏ trái ca cao làm thức ăn chăn nuôi heo và phân bón hữu cơ vi sinh" , Đề tài này có mục đích là sử dụng vỏ ca cao để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, tạo ra nguồn phân bón dồi dào phục vụ cho ngành nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hoá học vừa tốn kém chi phí vừa gây ô nhiễm môi trường; tận dụng nguồn phế phẩm của trái ca cao để làm nguyên liệu thay thế cho một số nguyên liệu khác vừa rẻ tiền vừa có giá trị dinh dưỡng tương đương, phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Đề tài nghiên cứu thành công đã được giới chuyên môn đánh giá cao và được ứng dụng thực tiễn vào sản xuất. Kết quả của đề tài hiện đang được ứng dụng tại nhà máy chế biến phân bón Anh Việt (TP. Hồ Chí Minh) và đang chuẩn bị liên kết sản xuất phân hữu cơ vi sinh giữa nhà máy với Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học.

Ngoài đề tài trên, Mỹ Thanh còn tham gia dự án "Nâng cao năng lực Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường năng lực liên kết với cộng đồng địa phương", do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Với sự đóng góp tích cực của nhà khoa học trẻ, dự án đã nghiên cứu và chế tạo được thiết bị lên men hạt ca cao tối ưu có tính công nghệ cao thay cho những thiết bị thô sơ mà vẫn đảm bảo chất lượng về thành phần dinh dưỡng và cảm quan của hạt ca cao lên men. Đề tài được phía Nhật Bản đánh giá tốt; thiết bị lên men hạt ca cao đã được chuyển giao cho Hợp tác xã ca cao Chợ Gạo (Tiền Giang) ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho đơn vị.

Trong khuôn khổ dự án, Mỹ Thanh còn thực hiện thành công đề tài "Nghiên cứu qui trình chế biến các sản phẩm từ trái sơ ri". Cô cho biết, đề tài ra đời trên ý tưởng là tìm ra những sản phẩm mang tính đặc trưng riêng của Tiền Giang để cung cấp cho thị trường từ sản phẩm trái sơ ri - loại trái cây đặc sản của vùng Gò Công. "Quả ngọt" của đề tài là các sản phẩm được chế biến từ trái sơ ri như: bột sơ ri uống liền, nước ép sơ ri, rượu vang sơ ri. Kết quả của đề tài khi ứng dụng vào thực tế đã góp phần giải quyết được "đầu ra" cho trái sơ ri Gò Công, tạo được lòng tin cho nông dân vùng trồng sơ ri.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở KH&CN Tiền Giang, tất cả những đề tài Mỹ Thanh thực hiện đều đạt yêu cầu, có tính ứng dụng cao, nhất là kết quả của đề tài mang tính bền vững, sát với thực tế, phục vụ lợi ích cho người dân. Đây cũng chính là thành quả của quá trình miệt mài lao động nghiêm túc, không mệt mỏi của một nhà khoa học trẻ như Mỹ Thanh. Mỹ Thanh tâm sự, trách nhiệm của người làm khoa học công nghệ là không ngừng học tập, tìm tòi sáng tạo áp dụng qui trình kỹ thuật công nghệ mới trong nghiên cứu và sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Dù được đào tạo chuyên ngành công nghệ thực phẩm và đồ uống, trong khi hầu hết các đề tài của Mỹ Thanh nghiên cứu đều thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, nên Mỹ Thanh gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, với lòng đam mê nghiên cứu, Mỹ Thanh đã tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư thời gian tìm hiểu những vấn đề mới về công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

Không chỉ là cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi, Mỹ Thanh còn là một Bí thư Chi Đoàn năng động, đầy nhiệt huyết. Cô bộc bạch: "Tôi luôn phấn đấu làm việc, học tập và nghiên cứu khoa học với tinh thần học hỏi, cống hiến; mong ước mang đến thật nhiều những phần việc cho thanh niên, để từ đó đoàn viên, thanh niên được cống hiến hết mình cho đất nước. Đây chính là mục tiêu phấn đấu để tôi đưa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phát triển mạnh, lồng vào các hoạt động của Đoàn".

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học vào đầu năm 2012, Thanh đang tiếp tục thực hiện các công trình mang tính ứng dụng cao hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sạch như: Ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau sạch trong đô thị; xây dựng mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở tỉnh Long An.

Tác giả bài viết: Công Trí

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn