Muôn màu hương vị hủ tíu Mỹ Tho

Hủ tíu từ lâu đã là một món ăn quen thuộc với nhiều người. Một vắt hủ tíu, vài lát thịt heo, dăm ba con tôm, quả trứng cút, thêm vào một tí xà lách và giá sống đã đủ để tạo nên một tô hủ tíu ngon khỏi chê.
Đấy là cách chế biến hủ tíu phổ biến mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ quán hủ tíu nào tại Sài Thành. Thế nhưng, đấy vẫn chưa phải là một mùi vị hủ tíu đặc trưng của vùng đất Mỹ Tho.

Từ lâu, hủ tíu đã trở thành một trong những sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người, nhất là khi đến vùng đất Mỹ Tho, chưa ăn được một tô hủ tíu nóng hổi thì chưa thể gọi là đã đặt chân đến đây. Điều tạo nên sự đặc biệt cho món hủ tíu đặc sản là sợi bún làm từ gạo thơm Gò Cát ( một loại gạo đặc sản của Mỹ Tho). Sợi hủ tíu này khi trụng sơ với nước sôi vẫn giữ được độ dai giòn, cọng trong bóng và đẹp mắt. Với nguyên liệu chính là hủ tíu khô, nước dùng của hủ tíu Mỹ Tho được hầm từ thịt, xương tủy heo, khô mực nướng, tôm khô và củ cải muối để nước dùng được ngọt hơn. Hủ tíu Mỹ Tho được ăn kèm với các phụ gia như giá sống, hẹ, hành phi, chanh, ớt, nước tương. Nước chấm thường là tép mỡ, hành phi với nước tương pha chút giấm đường.

Ngày nay, hủ tíu Mỹ Tho ngày càng trở nên đa dạng, phục vụ ngày càng cao nhu cầu của “thượng đế”, nhất là khách du lịch có dịp ghé qua nơi đây.




Hủ tíu Mỹ Tho là một nét đặc trưng trong đặc sản ẩm thực ba miền – Nguồn: quán Cây Bồ Đề


Hủ tíu khô

Là một loại hình hủ tíu được ưa chuộng từ lâu, hủ tíu khô đến nay vẫn giữ vững vị trí ưu tiên của các thực khách khi có nhiều thời gian để nhâm nhi thưởng thức. Một tô hủ tíu khô bao gồm 3 phần: tô hủ tíu khô với lòng heo và rau, chén nước lèo nghi ngút khói với xương heo, hành lá và chén nước chấm vừa đủ độ đậm đà.

Sợi hủ tíu dai, dẻo, chua ngọt, không quá khô kèm với một chén cải bách thảo xào nêm chung với nước tương và giấm là sự lựa chọn tối ưu của một tô hủ tíu khô.

Hủ tíu khô – Ảnh: Hồng Ngọc

 

Sợi hủ tíu ngon phải vừa mềm vừa dai – Ảnh: Hồng Ngọc

 

Nước chấm chua ngọt từ nước tương, giấm, hành phi, tép mỡ và cải bách thảo xào – Ảnh: Hồng Ngọc

 

Nước lèo gồm xương và hành lá ăn chung với hủ tíu khô – Ảnh: Hồng Ngọc

Hủ tíu mực

Bên cạnh hủ tíu thịt truyền thống, món hủ tíu phổ biến và được nhiều người ưa chuộng nhất ở Mỹ Tho hiện nay chính là hủ tíu mực. Thay cho lòng heo, nguyên liệu chủ yếu của một tô hủ tíu mực là những con khô mực ngọt lịm, vừa mềm nhưng cũng vừa dai. Mực là một loại nguyên liệu không thể thiếu khi nấu nước dùng, và cũng là một thành phần hấp dẫn cho một tô hủ tíu nóng hổi đậm đà.

Không đậm đà như tô hủ tíu thịt, nhưng vị ngọt thanh từ mực đã khiến nhiều thực khách không nỡ chối từ. Nước chấm đi kèm với tô hủ tíu mực là nước tương pha chút giấm và ớt cùng với tép mỡ và hành phi thơm lừng.

Hủ tíu mực – Ảnh: Hồng Ngọc

 

Nguyên liệu chính của hủ tíu mực là những con mực nướng ngọt lịm, dai và mềm – Ảnh: Hồng Ngọc

Hủ tíu chay

Là một phần không thể không nhắc đến tại vùng đất này, hủ tíu chay là một nét đặc sắc được nhận được sự ưa chuộng của đông đảo mọi người, kể cả khẩu vị của nhiều khách du lịch khó tính. Chỉ với những thực phẩm chay đơn giản như tàu hủ ki, chả lụa chay, đậu hủ và rau củ, những hàng quán hủ tíu chay tại Mỹ Tho vẫn sở hữu cho mình một mùi vị riêng không lẫn vào đâu được.

Chiếm cả một con đường tại Mỹ Tho, có những quán đã kinh doanh đến nay đã hơn 20 năm và đã mở rộng đến vùng đất Sài Thành với nhiều chi nhánh ( Hủ tíu chay Cây Bồ Đề tại Mỹ Tho đã có 2 chi nhánh tại Q.10 và Q.Phú Nhuận).

Đa dạng và nhiều màu sắc với hủ tíu chay – Ảnh: quán Cây Bồ Đề

 

Mỗi tô hủ tíu đều mang một nét đặc trưng riêng dù chỉ với những nguyên liệu đơn giản – Ảnh: quán Cây Bồ Đề
 

Phở Bắc, bún bò Huế, hủ tíu Mỹ Tho là ba món đặc sản nổi danh vang tiếng từ xưa đến nay trong vô vàn những đặc sản ẩm thực của ba miền. Dù quán xá sang trọng hay xì xụp ở lề đường thì hủ tíu Mỹ Tho vẫn mang một nét đặc trưng mà chắc hẳn sẽ không ai quên được sự đậm đà trong từng ngõ ngách của món đặc sản này.

Tác giả bài viết: Hồng Ngọc

Nguồn tin: baochi.edu.vn