Lẩu mắm: đặc sản miền Tây giữa lòng Sài Gòn

Nhắc đến Sài Gòn người ta thường hình dung đến một thành phố năng động, nhộn nhịp và hối hả. Và có lẽ không nơi đâu tập trung tinh hoa ẩm thực nhiều vùng miền như ở Sài Gòn
Hầu như tất cả các món ngon nhất của mọi vùng miền đều tụ hội ở vùng đất này, đầy đủ từ sang trọng cho đến bình dân. Nếu muốn thưởng thức lẩu, có rất nhiều loại cho bạn lựa chọn. Nhưng đặc sắc nhất có lẽ là lẩu mắm – món ăn xuất phát từ miền sông nước miền Tây. Cần Thơ là trung tâm của miền sông nước Tây Nam Bộ trù phú với những món đặc sản ngon khó cầm lòng.

Nước lèo lẩu mắm đúng độ phải có hương vị thơm ngon và đậm đà một cách đằm thắm .

Miền Tây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, hai mùa mưa nắng với nhiều sản vật đặc sắc. Sự hào phóng mà thiên nhiên mang lại cho nơi đây rất nhiều tôm, cá…Đặc biệt hàng năm ở đây còn có mùa nước nổi. Khác với mùa lũ ở miền Trung, mùa nước nổi kéo dài từ một đến ba tháng và mang theo những đặc sản đặc sắc rất Nam Bộ như bông điên điển, cá linh, cá sặc… Người dân thường mang loại cá này làm mắm để dành. Lẩu mắm chủ yếu được nấu từ mắm cá linh và cá sặc. Để có được loại mắm thơm ngon phải tùy thuộc rất nhiều vào xuất xứ của mắm. Mặc dù món lẩu xuất phát từ Cần Thơ, nhưng có được mắm ngon người dân Khơme ở vùng Châu Đốc – An Giang mới làm ra con mắm ngon nhất.

Là người sành ẩm thực, rất thích ăn lẩu mắm nên chủ quán lẩu mắm Quán Vy mong muốn mang đến cho người yêu ẩm thực một nồi lẩu mắm mang đúng hương vị và bản sắc của miên sông nước phù sa trù phú. Mắm nấu cho món này phải có ít nhất là ba loại là mắm sặt để có mùi thơm; mắm trèn để tăng vị ngọt đậm và màu sắc thắm đượm, mắm linh với cái hơi nhân nhẩn béo đặc biệt của cá đồng. Sau khi nấu cho ra hết hương vị của mắm, lọc lại thật kỹ; hỗn hợp mắm được cho thêm nước dừa tươi nấu liu riu để mắm nương theo hương vị nước dừa dịu lại và dậy mùi thơm lừng. Như vậy chỉ mới là phân nửa công đoạn, người ta còn phải pha mắm nấu với nước dùng nấu bằng xương heo để tăng vị ngọt. Bây giờ cái nước lẩu mắm được gọi đúng tên là “nước lèo”. Nước lèo lẩu mắm đúng độ phải có hương vị thơm ngon, đậm đà một cách đằm thắm.

Vị ngon đậm đà, cay cay dậy lên mùi thơm của sả, quyện cùng mùi thơm của mắm tạo nên nồi lẩu mắm thơm ngon và đặc trưng mà chủ quán mang lên từ Châu Đốc, cùng những nguyên liệu không thể thiếu là cà tím, thịt ba rọi. Ngoài ra ăn kèm với lẩu mắm chính là cá bông lau, tôm, chả cá. Các loại rau xanh từ quen thuộc đến dân dã đều có mặt với đủ hương vị chua, đắng, ngọt, chát như bắp chuối, rau muống, rau nhút, rau đắng, bông súng, kèo nèo, bông bí, cải xanh, đậu rồng, bông so đũa… và ăn kèm với nước chấm từ me cho hương vị thêm đậm đà.

Cũng như lẩu mắm, tô bún mắm ở đây cũng phong phú với những con tôm, miếng cá lóc, miếng mực, lát heo quay, trái ớt dồn chả cá cùng với đám bắp chuối, rau đắng, kèo nèo, bông súng đủ sắc màu… Một lựa chọn phù hợp khi đi ít người mà vẫn cảm nhận đầy đủ hương vị của món mắm nơi đây.

Những ngày mưa lất phất, cùng với gia đình ngồi quây quần bên nồi lẩu dậy mùi thơm phức kết hợp với đĩa rau xanh thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Hình như, bao nhiêu tinh túy của sông nước đồng bằng như đọng cả vào nồi lẩu mắm miền Nam.

Nguồn tin: Sài Gòn ẩm thực