Cây cà na giữa Đồng Tháp Mười

Tôi chầm chậm giở từng tờ lịch bàn, cuốn lịch bàn của năm ngoái, năm 2016. Ngày hái cà na gần chợ Bưng là ngày 10-10 dương lịch, âm lịch là 10-9. Ngày hái cà na trên đường đi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là ngày mùng 4 Tết Đinh Dậu, nhằm 31-1 dương lịch năm 2017. Vậy là cây cà na cho trái suốt từ cuối thu đến đầu xuân, suốt mùa đông cũng là mùa nước nổi trước đây của Đồng Tháp Mười. Văn chương tả vùng này có câu “trái cà na chín rụng nổi lều bều trên đồng nước nổi…”.
trái cà na
Chính những áng văn chương đó, cung cấp thông tin cho tôi biết trái cà na là trái cây Việt Nam, cây cà na mọc ở ngay Đồng Tháp Mười này. Từ lâu rất lâu, từ khi còn nhỏ học tiểu học ăn trái cà na giằm cam thảo lấy ra từ cái keo thủy tinh trên xe đẩy bán dạo của mẹ con thím Xẩm trước cổng trường, tôi yên chí món cà na được nhập khẩu từ bên Tàu. Và tôi đã hỏi thăm nó ngay lúc đặt chân đến đây, Đồng Tháp Mười.

 

- Cây cà na hả? Sau nhà con có một cây bự chảng, con mới đốn hôm rồi. Thằng cháu ngang xương nói - ba của nó là bạn nhậu của chồng tôi.

 

- Trời ơi sao lại đốn? Nó đâu để thím qua coi.

 

- Đốn cách đây mấy tháng lận. Cưa củi rồi thím ơi.

 

Tôi tiếc đứt ruột:

 

- Bộ cháu không biết trái cà na ăn được sao? Nó có vị thuốc nữa đó.

 

Bẵng đi đến tận cuối thu năm 2016. Một đứa bạn của con tôi đến thăm nhà, hớn hở nói:

 

- Bác ơi con thấy gần chợ Bưng có một cây cà na trái quá trời trái, lát nữa bác cháu mình đi hái nghen bác. Hạnh phúc đến quá bất ngờ. Trông thấy trái cà na còn tươi rói sống động ở trên cây cà na là điều tôi hết trông mong. Thực tế, hình ảnh lại quá đẹp. Cây cà na đẹp cả thân, cành, lá, trái. Dáng từa tựa dáng tùng, cành giống như cành liễu. Cành cây khá dẻo dai, níu xuống hái trái khó gãy, nhưng muốn bẻ lấy cả nhánh lẫn trái thì lại dễ dàng. Từng mùa trái do người ta bẻ nhánh mà vô tình tạo dáng đặc sắc cho cây.

 

- Bác chụp ảnh nghen. Để cháu chụp ảnh cho bác.

 

Về tới nhà vẫn còn tíu tít nói cười, chụp ảnh.

 

- Lấy cái rổ nhỏ. Lấy cái rổ nhỏ đựng cà na cho đầy rổ, lên hình người ta tưởng là một thúng đầy.

 

- Nếu đây là một thúng đầy thì trái cà na phải bự bằng trái xoài tượng. Vui quá. Nhưng thoắt nhớ lại tuổi học trò, “tuổi cà na” thì lại ngậm ngùi.

 

- Hồi nhỏ bác học trường tỉnh, trường nữ tiểu học tỉnh lỵ do Tây cất nên có đầy đủ nhà vệ sinh - nhưng mấy người lao công trong trường lúc đó là mấy ông già búi tóc, mặc đồ bà ba, đội nón lá. Bác ngại vô nhà vệ sinh lắm. Mình sử dụng nhà vệ sinh để người già quét dọn, sợ tổn đức. Đi học bác không mang theo chai nước nấu chín, nhịn nước đá nhận si rô, nước đá đậu, khát nước giờ chơi mua cà na ngậm thôi. Bác còn mua cà na giúp bà cụ hàng xóm ngậm cho đỡ khô miệng.

 

Sau khi “nhận diện” được cây cà na, tôi mở “chiến dịch” truy tầm. Thì ra ngoài những vùng quy hoạch chuyên canh, cây cà na còn sống khá nhiều. Dọc tuyến kinh 1, kinh 2 tuyến đê ranh trại giống, nông trường đều còn nhiều cây cà na lão hay những tược tơ mọc lên từ gốc lão đã bị đốn.

 

Điều lạ lùng nhất là thái độ hờ hững dửng dưng của mọi người chung quanh tôi với cây cà na. Gần ba mươi năm nay, trong những dịp hội hè gặp gỡ, đám cưới đám hỏi, thôi nôi đầy tháng, đám giỗ đám tang, trong muôn ngàn câu chuyện nói với nhau tôi không hề nghe ai tình cờ nhắc đến hai tiếng cà na, trong khi tất cả đều nồng nhiệt chào đón đủ loại bánh kẹo thực phẩm công nghiệp ngoại lai. Bao nhiêu tiệm quán ở nơi hẻo lánh này, cùng những xe thồ ngồn ngộn, kình kình đưa về tận ngóc ngách xa xôi những đồ ăn thức uống chứa chất hóa học độc hại, thì cây cà na vẫn còn đó, đứng trơ vơ, cô đơn với dáng vẻ xinh đẹp và giá trị tuyệt vời của mình.

 

Buồn phải hơn năm phút.

 

Cháu đem món cà na tẩm ướp ngon lành từ thành phố về, trong một cái keo thủy tinh thật đẹp.

 

- Bác ăn thử xem giống mùi vị ngày xưa không?

 

- Giống lắm! Chua chua mặn mặn. Mà hình như thiếu vị cam thảo.

 

- Bây giờ người ta không ngâm cam thảo bác ạ. Hình như cam thảo không tốt cho người cao huyết áp.

 

- Ờ. Bác cũng nghe nói thế.

 

- Chị bạn cháu còn nói, cà na hái không ngon đâu. Muốn ngon phải làm từ cà na rụng. Mình rung cây cho nó rụng. Trái nào rụng là vừa chín tới, chất lượng cao. Tôi nghe quen quen:

 

- Sao giống như thu hoạch ô liu vậy? Ô liu! Phải rồi. Căn cứ vào hình ảnh thì lá cà na thon thon nhọn nhọn giống như lá ô liu. Tôi nhớ ngay đến những chai dầu ô liu đủ loại, từ ăn sống đến chiên xào. Những hộp ô liu ngâm nước muối nhạt dùng ăn chơi hay trộn rau ngon lành sang trọng. Cây ô liu xứ người thì được trồng trọt đại trà, trái được thu hái chế biến tinh vi, quảng bá sản phẩm khắp thế giới thành nguồn xuất khẩu chủ lực. Còn cây cà na của mình từ mất tăm giữa Đồng Tháp Mười là nơi nó từng tự nhiên mọc xanh tốt sởn sơ, cho trái rụng lềnh bềnh mùa nước nổi. Lạ một điều thứ trái đó đã từng là món ngon thích khẩu cho mọi người từ già đến trẻ.

 

Kinh nghiệm trực tiếp làm nông mấy mươi năm cho tôi biết không nên gượng ép trồng thứ gì nghịch với thủy thổ. Đổ công đổ của cho lắm, đủ thứ hóa chất nào bón dưới đất nào phun lên lá lên hoa chỉ để cho ra trái ô nhiễm độc địa không mùi vị. Đồng Tháp Mười giờ trù phú sao chưa thấy vườn cà na nào hết? Trái cà na ngâm tẩm kiểu Việt Nam đã xuất hiện lai rai, hiếm hoi trên mạng, trên xe hàng rong khắp phố chợ, nhưng chưa bán lẻ kiểu ngày xưa cho người tiêu dùng. Phải chế biến làm sao, đóng gói thế nào cho phù hợp, dễ dàng bán lẻ, để bất kỳ một học sinh tiểu học hay sinh viên đại học, một khán giả coi hát xem phim, hay một người lớn tuổi đi tập thể thao đều có thể mua ăn liền một hai trái cà na lúc khô cổ khát nước, để khách hàng có dịp chọn lựa giữa lon nước ngọt, thẻ chewingum hoặc trái cà na.

 

Tôi, trong trường hợp đó nhất định chọn mua trái cà na, như mua chiếc vé trở về tuổi thơ xa lắc.

Tác giả bài viết: T.T

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 79