Về Gò Công Tây nghe kể chuyện học tập và làm theo Bác Hồ

Triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Gò Công Tây đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến, những tấm gương điển hình trong mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư...
Về Gò Công Tây nghe kể chuyện học tập và làm theo Bác Hồ

Huyện ủy Gò Công Tây, các chi, đảng bộ trực thuộc và các đoàn thể quần chúng đã tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng 2 Chỉ thị nêu trên, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực thực hiện. Ở từng vị trí, nhiệm vụ công tác và căn cứ theo chủ đề hằng năm mà đăng ký nội dung “làm theo” gắn với nhiệm vụ cụ thể của mỗi người. Qua đó, góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua phát triển kinh tế - xã hội; xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến tiêu biểu được biểu dương, nhân rộng...

Mẹ Chi và 40 năm lưu giữ ảnh Bác

Trên mảnh đất Bình Tân có rất nhiều bà mẹ đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, trong đó có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chi. Mẹ Chi có 2 con là liệt sĩ, chồng mẹ là bộ đội tập kết. Tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được đặt trang trọng trên bàn thờ là do bộ đội tặng và mẹ đã lưu giữ cẩn thận từ lúc còn chiến tranh. Trong căn nhà của mẹ, từ khi còn là mái nhà lá đơn sơ, đến khi được xây dựng khang trang, mẹ vẫn luôn dành nơi trang trọng nhất để đặt thờ ảnh Bác.

Hỏi mẹ về tấm ảnh Bác Hồ, ở tuổi 94, mẹ Chi lúc nhớ lúc quên, nhưng không cho ai lấy tấm hình Bác và nói rằng: Có Bác mới có hòa bình! Mỗi lần thắp nhang trên bàn thờ, mẹ khấn rất lâu, sau đó ngồi suy tư nhìn tấm ảnh Bác và 2 Bằng Tổ quốc ghi công của 2 con trai. Mẹ nói “Cả 2 con trai của mẹ hy sinh ở chiến trường miền Đông, giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Có hình ảnh Bác Hồ bên Bằng Tổ quốc ghi công chắc 2 con của mẹ sẽ ấm lòng hơn!”.

Chị Nguyễn Thị Tiếp, con dâu của mẹ cho biết, mẹ hay kể cho con cháu trong nhà về nguồn gốc tấm ảnh Bác Hồ mà gia đình đang thờ: “Hồi chiến tranh, một cán bộ về xã Bình Tân công tác, tặng ảnh Bác cho mẹ, dặn mẹ cất giữ kỹ. Mẹ vừa cảm động, vừa lo lắng, nên giấu kỹ trong mấy năm giặc càn quét tại xã Bình Tân. Vùng này là vùng tiếp giáp với TX. Gò Công nên ác liệt lắm. Mẹ tôi luôn dặn dò con cháu phải giữ gìn ảnh Bác và Bằng ghi công 2 người anh cẩn thận. Nhờ Bác mà đất nước có hòa bình!”.

Ông Ngô Văn Tú, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Gò Công Tây cho biết thêm, triển khai thực hiện 2 Chỉ thị nêu trên luôn gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... nên xuất hiện rất nhiều tập thể, cá nhân “làm theo” Bác trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong học tập, công tác, lao động sản xuất và những việc làm thiết thực rất đời thường như hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng điện, đường, trường, trạm...

Có thể kể đến những điển hình hiến đất như: Bà Nguyễn Thị Tuyết, nông dân ấp Phú Quý, xã Vĩnh Hựu đã hiến hơn 1.000 m2 đất trị giá hơn 250 triệu đồng; hay ông Huỳnh Văn Công, ngụ xã Long Vĩnh đã hiến 1.000 m2 đất trị giá gần 300 triệu đồng..., góp phần hoàn thiện tiêu chí kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới của xã mình cư ngụ.

Về thăm xã Bình Tân vào một ngày đầu tháng 5, nghe người dân phấn khởi cho biết, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đi vào những xóm nhỏ và trong mỗi gia đình. Có một điều bất ngờ thú vị là hầu hết các gia đình nơi đây đều treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí trang trọng trong nhà, do Hội Cựu chiến binh xã khởi xướng từ nhiều năm trước và đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư.

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Bình Phú, từ năm 2012, Hội Cựu chiến binh xã triển khai học tập và làm theo Bác, các hội viên sôi nổi bàn bạc nhiều cách làm hay, phù hợp và đã được tất cả hội viên đăng ký thực hiện nhiều nội dung “làm theo”, trong đó có nội dung thờ ảnh Bác, đến nay 100% hội viên đều thực hiện. Lồng ghép sinh hoạt các chuyên đề của 2 Chỉ thị nêu trên, Hội Cựu chiến binh xã luôn gắn với việc hỗ trợ phát triển kinh tế, đến nay 100% hội viên có mức sống từ khá trở lên. Đặc biệt, từ sự khởi xướng của Hội Cựu chiến binh xã về thờ ảnh Bác trong gia đình, các đoàn thể khác trong xã cũng thực hiện theo, đạt 100% đoàn viên, hội viên các đoàn thể treo ảnh Bác tại nhà và có trên 80% hộ dân hưởng ứng làm theo, tạo nên nét đẹp rất hay, thể hiện tấm lòng vô vàn biết ơn Bác Hồ kính yêu.

Ông Huỳnh Kim Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Lợi An, xã Bình Tân tâm sự: “Tôi có quãng thời gian làm “Bộ đội Cụ Hồ”. Thế nên, Hội Cựu chiến binh xã phát động phong trào “Thờ ảnh Bác” tại gia đình là hết sức ý nghĩa, nhắc nhở tôi và các cựu chiến binh khác luôn đề cao tính chiến đấu của người lính trong thời bình là chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ấp Lợi An trước đây làm ăn khó khăn. Sau khi Nhà nước làm đê bao ngăn mặn, tôi mạnh dạn luân canh lúa và mía, mỗi năm thu hoạch 1 vụ lúa, 1 vụ mía, thu nhập bình quân 50 triệu đồng là nhờ được Hội chuyển giao kỹ thuật sản xuất, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, kêu gọi hội viên hỗ trợ và phấn đấu cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Đó cũng là hành động thiết thực phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và làm theo Bác theo tinh thần 2 Chỉ thị nêu trên...”.

Tác giả bài viết: MAI HÀ

Nguồn tin: Ấp Bắc