Tấm ảnh Bác Hồ

Tấm ảnh Bác Hồ

…Năm ấy, tôi vừa 13 tuổi…

Đó là một ngày của tháng chín, năm Kỷ Dậu, một ngàn chín trăm sáu mươi chín!

Sau đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhà tôi - lúc đó ở số 112, đường Pasteur (nay là Trần Hưng Đạo), phường 4, thị xã Mỹ Tho - cũng như nhiều nhà khác ở nội ô thị xã, nhà nào cũng làm cho mình một cái hầm (gọi là "trản-xê"), để ẩn nấp. Nhà giàu thì xây hẳn một cái hầm "bê tông" chắc chắn, nhà nghèo như nhà tôi lúc ấy cũng mua bậy vài cái bao, dồn cát vào rồi chất chồng lên cho có. Trước chiến dịch Mậu Thân tôi mới 12 tuổi, một buổi trưa đi học về mẹ tôi bảo tôi dời cái tủ đựng thức ăn để đào cho bà một cái hầm nhỏ, đủ nhét cái lu 20 lít, để mẹ cất tô, dĩa, chén kiểu, sợ bom giội sẽ bị bể! Nghe lời mẹ, tôi cắm cúi đào mà không thắc mắc gì. Với sức vóc nhỏ bé của một thằng nhóc 12 tuổi, phải mất gần cả ngày tôi mới hoàn thành "công trình". Mẹ tôi cho một cái lu xuống dưới đó, lót gạch lại như cũ, trên miệng đậy một miếng gạch tàu vuông vức, rồi kéo cái tủ đựng thức ăn về vị trí cũ. Nhìn vào đố ai biết dưới đó có… một cái hầm!  Đến tối 30 Tết Mậu Thân, nhà tôi xuất hiện nhiều người lạ, trong đó có cả cậu ruột của tôi, vài người tôi quen mặt vì đã từng dạy tôi tập bơi, cõng tôi đi hái ổi, hái bần trong những lần tôi về nghỉ hè ở quê ngoại Bình Ninh. Ai tôi cũng đều gọi bằng cậu! Tối đó, tôi đi chơi với bạn bè khoảng 10 giờ, về tới nhà bất ngờ thấy mẹ đang lôi từ dưới cái "hầm" nhỏ ấy bao nhiêu là đạn súng máy, lựu đạn và cờ giao cho các cậu! Các cậu cũng nhận từ tay mẹ một số bánh tét mà mẹ mua để dành mấy bữa nay, chào mẹ, bẹo má tôi rồi ra đi. Rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân súng nổ dậy trời, mẹ tôi không theo dòng người chạy lánh nạn mà cứ ở lỳ lại trong nhà, mặc cho hàng xóm thúc giục… (sau này tôi mới nghe mẹ tôi kể lại, lúc đó mẹ cố ý nấn ná ở lại phòng khi có "cậu" nào lạc đường, hay bị thương mẹ sẽ tiếp sức, giúp đỡ). Đó là chuyện kể thêm về trận Mậu Thân…

Còn bây giờ xin trở lại chuyện của năm sáu chín. Lúc đó, hễ tối đến là mẹ tôi dẫn cả nhà chui vô "hầm", ngộp muốn chết mà vẫn phải chui! Mẹ tôi đem theo cái "radio" nhỏ, rà tìm đài phát thanh giải phóng, tôi hiểu mẹ tôi lo cho các cậu tôi còn xông pha đánh Mỹ, diệt ngụy trên các chiến trường (sau trận Mậu Thân mẹ tôi không nhận được tin tức gì của các cậu). Mẹ mở đài thật nhỏ, trùm thêm cả cái mền nhà binh dầy cộm, mẹ nói xe "pa-trui" của tụi tuần cảnh có máy dò sóng radio, nên phải đậy kín kẻo chúng nó dò được! Cũng có một lần tụi tuần cảnh hỗn hợp (Milytary-Police-Patroil) không biết sao lại đến gõ cửa nhà tôi, đòi xét nhà. Khi vào nhà, nhác trông thấy hình của ba tôi mặc lễ phục Hải quân, đeo "ga-lông" đàng hoàng, chúng giả lả rồi rút lui, hú hồn! Cám ơn cái hình của ba tôi quá xá, không thôi có lẽ đã bị hạch sách lôi thôi rồi. Còn nhớ tối hôm đó, một ngày tháng chín, năm sáu chín, mẹ tôi đang dò tìm đài, nghe một lúc bỗng mẹ tôi khóc tấm tức, nước mắt nhỏ xuống ướt đầm cả mặt tôi! Tôi ngạc nhiên, hỏi thì mẹ tôi nghẹn ngào: "Cụ Hồ mất rồi!!". Lúc đó, tôi đâu biết cụ Hồ là ai, càng không hiểu tại sao mẹ tôi lại khóc khi hay tin "cụ Hồ" mất?  Sáng hôm sau, mẹ sai tôi ra sạp báo gần nhà mua tờ báo "Tia Sáng". Mẹ giở báo ra xem, chỉ cho tôi coi một bản tin được đăng trên báo Tia Sáng với khung viền đen trang trọng: "Ông Hồ Chí Minh - lãnh tụ của Cộng Sản Bắc Việt - đã từ trần", có in hình một ông cụ với chòm râu bạc phơ như một ông Tiên! Mẹ tôi cắt lấy tấm ảnh cụ Hồ, mua một cái khung ảnh về lồng trong đó, để trang trọng trên bàn thờ, chung với các tượng Phật tổ, Phật Quan Thế Âm… rồi mẹ tôi đích thân đi chợ (mà không sai tôi đi như mọi lần) mua về hoa, quả… trịnh trọng bày lên đầu tủ thờ, cúng cụ Hồ. Ba tôi về, thấy hình cụ Hồ cũng đến thắp nhang, trong khi vẫn mặc đồ lính Hải quân ngụy (thế mới lạ!) và khuyên mẹ tôi cẩn thận, bởi bọn chó săn vẫn còn rình rập chung quanh. Mẹ tôi bèn đem cất hình cụ Hồ, nhưng hầu như năm nào tới ngày hai, và ba tháng chín mẹ tôi cũng cúng cụ. Mẹ tôi đem tấm ảnh của Bác Hồ ra tiệm chụp hình T.H nhờ chụp lại. Chủ tiệm trợn mắt, cà lăm một hồi rồi từ chối. Mặc dù mẹ tôi cố thuyết phục "Đây là hình của…. ông nội!". Thấy mẹ tôi buồn tôi lén nhờ anh Trần Thiện - lúc đó cũng mới võ vẽ nghề "phó nháy" - chụp lại giùm tôi, phóng to một tấm cỡ 9x12, một tấm nhỏ hơn cỡ 3x4. Anh Thiện vui vẻ làm ngay, không hề thắc mắc tại sao hình "ông nội" của mẹ tôi lại… in trên giấy báo! (Anh Trần Thiện sau giải phóng làm phóng viên cho báo Ấp Bắc, và đã qua đời cách đây khá lâu). Tấm ảnh 9x12 mẹ tôi lồng vào khung kính để tới ngày "giỗ" Bác là đem ra, trang trọng đặt trên bàn thờ và thành tâm thắp hương khấn vái! Còn tấm 3x4, tôi đi mua một miếng khuôn nhựa (loại kèm chìa khóa xe Honda, mà lúc đó bán đầy ngoài chợ) về tháo bỏ hình chiếc Honda ra, lồng hình của Bác vào. Mua một sợi dây chuỗi bằng "I-nox" (thứ mà lính ngụy hay dùng đeo thẻ bài) luồn ảnh Bác vào sợi dây và đeo vào cổ! Còn nhớ lúc trốn nhà vào khu tham gia cách mạng, mấy chú học sinh nhỏ cũng trốn nhà như tôi, cứ xúm lại xem hình Bác Hồ tôi đeo trên cổ và hỏi hình của ai? Tôi nói hình của ông cố tôi! Mấy chú nhỏ tin liền, duy chỉ có thằng Hùng là không tin nó cứ suy nghĩ mãi mấy ngày sau nó mới la lên: "Anh Đức mang ảnh của Bác Hồ, tui thấy rồi ở nhà tui cũng có một tấm!". Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc nhà tôi là nhà có hình cụ Hồ để thờ đầu tiên, và có lá cờ giải phóng trước tiên để treo lên, (cờ này mẹ tôi may và cất giữ từ mùa xuân Mậu Thân lịch sử). Năm 1984, tôi đi an dưỡng ở Vũng Tàu, xuống biển tắm vẫn mang hình Bác trên cổ, có một chuyên gia dầu khí Liên Xô cứ đi theo, và qua người phiên dịch hỏi xin tôi tấm ảnh đó. Tôi nghĩ dù sao anh ấy cũng qua Việt Nam giúp mình khai thác dầu khí, đem lại lợi ích cho đất nước. Vả lại, trong kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô cũng giúp ta rất nhiều về vũ khí, khí tài, nên tôi tặng cho anh ấy tấm ảnh, mặc dù tiếc đứt ruột! Anh mừng rỡ và thốt lên "Kharaxô! Kharaxô!".

Bây giờ, ba, mẹ tôi đều đã qua đời (cũng xin được nói thêm: ba tôi vừa làm việc cho ngụy quân vừa công tác cho cách mạng đã được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất (huy chương về tới nhà thì một tháng sau ba tôi mất vì tai nạn giao thông).  Mẹ tôi - Hạ sĩ quân báo, cựu chiến binh, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1947, lúc mới …15 tuổi, vào Đảng từ năm 1950 - được tặng bằng khen của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cũng mất vì tai nạn giao thông năm 1996. Căn nhà kỷ niệm của gia đình tôi vẫn còn ở số 112 đường Trần Hưng Đạo, sát bên phòng trồng răng của nha sĩ Nguyễn Văn Lưu…. Nếu không bị thay đổi thiết kế nhà (như đào nền, xây móng ) thì có thể tìm được cái hầm tôi đào ngày xưa, từ ngoài cửa nhà số 112 đi vào, thẳng hướng về bên phải, cách cửa chính khoảng 5,6 mét nằm sát mí tường nhà giáp với nhà bác ba Lưu. Cái hầm nhỏ xíu đó mà ngày xưa tôi đào gần một ngày trời! Rất tiếc, khi tranh chấp quyền thuê nhà với chủ nhà năm 1992, ba má tôi bị toà án xử thua kiện nên phải dọn nhà ra đi, mặc dù đã thuê căn nhà này trên 25 năm! Mẹ tôi tiếc là tiếc cho những kỷ niệm trong căn nhà đó. Sau này vì dọn tới, dọn lui tấm ảnh Bác Hồ nho nhỏ - đã gắn liền với gia đình tôi mấy chục năm - cũng bị thất lạc. Mẹ tôi buồn lắm, cứ nhắc hoài "tấm ảnh cụ Hồ" với niềm luyến tiếc. Tôi mua tặng cho mẹ tôi một ảnh Bác bằng lụa, mẹ tôi cũng cứ tiếc, cứ nhắc hoài tấm ảnh cũ! Riêng tôi, cái số nghèo, từ lúc lập gia đình cho tới bây giờ chỉ toàn là ở nhà mướn, nhà thuê, nhà trong tập thể của cơ quan… Nhưng dù ở đâu, tôi vẫn  lập một "bàn thờ Tổ quốc" thật trang trọng, có di ảnh Bác Hồ trên nền cờ đỏ sao vàng, có hoa, có đèn. Nhà có dột thì dột ở đâu, chứ ngay chỗ bàn thờ Bác là không bao giờ tôi để cho ướt, dù chỉ là một giọt nước mưa!

Bây giờ, tôi may mắn thuê được một căn hộ trên tận lầu 3 của khu chung cư đường Nguyễn Ngọc Ba, phường 6. Ngày đầu tiên dọn về nhà mới, tôi đã lập ngay bàn thờ Bác! Mỗi năm, tới ngày sinh và ngày mất của Bác tôi đều thắp nhang trên bàn thờ với tất cả niềm yêu kính! Đối với tôi, đó không chỉ là lòng thành kính đối với vị cha già dân tộc, mà còn là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tôi muốn con cháu tôi phải luôn ghi nhớ.

Tác giả bài viết: Phạm Hoàng Đức

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 30