Sống đẹp cho tình yêu

Cô Tư Châu

Cô Tư Châu

“Long Tiên ngày… tháng 8 năm 1972
Em Châu thương!
Chuẩn bị rời quê hương, anh tạo đủ mọi điều kiện để gặp em nhưng không gặp được. Buồn lắm! Nhưng biết trách ai đây? Đành chịu vậy thôi. Không gặp được em, anh ghi mấy dòng để em biết tin anh. Viết thư cho em anh không viết dài và nói gì thêm vì mọi việc ta đã trao đổi nhau nhiều rồi. Hôm nay dù có viết dài, nói nhiều đi nữa thì kẻ đi, người ở càng buồn thêm. Anh chỉ nhắc em hãy giữ lòng trung thành cho nhau, dù có trăm ngàn hoàn cảnh hay áp lực mạnh đến đâu buộc ta phải quên những gì ta đã hứa thì mỗi đứa chúng ta phải mạnh dạn vượt qua, phải có lập trường dứt khoát. Ta nên nhớ trước đây ta không hứa chờ nhau, mà 5 năm vắng nhau ta vẫn giữ được. Ngày nay đã hiểu nhau nhiều, hãy cố gắng hơn, đừng để việc gì không tốt xảy ra cho 2 ta em nhé!”

Trong tiếng rì rào của gió chướng và cái lạnh chớm đông, cô Tư Châu (Lê Thị Kim Châu sinh 1945 nguyên Chánh văn phòng Hội LHPN Tiền Giang), co ro trong chiếc áo len ngả màu, đọc thuộc lòng cho chúng tôi nghe, bức thư tình non nửa thế kỷ, giọng cô ngập nước mắt, nhiều lần cô nghẹn ngào dừng lại. Bức thư mà chú Tám Tâm (liệt sĩ Phạm Hữu Tâm, quê quán xã Hòa Tịnh, Chợ Gạo) đã viết cho cô cách nay 45 năm (8 - 1972). Cô đã đọc lá thư thuộc lòng không sai một chữ.

 Chờ cảm xúc tạm lắng xuống, cô Tư Châu chậm rãi đưa chúng tôi quay về những năm 1965, cũng là nơi mà hiện tại chúng tôi đang ngồi nghe cô kể: ấp Phú An, xã Phú Quý, huyện Cai Lậy. Hồi đó, nơi đây thuộc vùng giải phóng 20 tháng 7. Cô Tư Châu lúc ấy tuổi tròn 20 tuổi làm Trưởng Ban Y tế, kiêm Hội Phó Hội phụ nữ xã Phú Quý. Cô tháo vát, lanh lợi, giỏi giang nên đã nhiều anh bộ đội xao lòng khi dừng quân ở xóm nhỏ này. Đặc biệt có 2 người làm cho Tư Châu để ý đó là Tám  Tâm và Năm Hùng. Năm Hùng tính bộc trực, dạn ăn, dạn nói và có chút “phô trương” nên hay làm Tư Châu mắc cỡ trước đám đông; Tám Tâm thì trắng trẻo, cao lớn, bảnh trai như thư sinh, lịch sự, kín đáo từng lời nói. Tám Tâm cứ len lén ngó Tư Châu và không ít lần ánh mắt 2 người trao nhau đúng “tần số”. Tình yêu thật sự mà cả hai bên đều đồng tình lạ lắm, không cần phải nói, chỉ nhìn thôi là hiểu. Chính vì vậy mà họ âm thầm chăm sóc cho nhau, Tư  Châu thì cứ khi tách trà, khi chén bánh lọt trao tận tay Tám Tâm, đơm cho anh cái nút, vá dùm anh cái áo… (giúp bộ đội thì Châu đều làm, nhưng với Tám Tâm tình cảm được gởi vào từng đường kim mũi chỉ). Gia đình Tư Châu là gia đình truyền thống cách mạng, nhà trong vùng giải phóng nên hết lòng vì bộ đội, mỗi khi bộ đội về đóng quân, má cô Tư không hề hà cực khổ thường bày làm bánh cho các anh ăn. Bộ đội thì đông lại hay hành quân đột xuất nên chỉ có làm bánh lọt là nhanh nhất.

Tết năm 1965, Tiểu đoàn 514 của Tám Tâm ở lại ăn tết cùng bà con ấp Phú An (Phú Quý), lúc đó anh còn là cán bộ quản lý đơn vị bộ đội này; Tư Châu là cán bộ của xã, nhà cô ngay chỗ bộ đội đóng quân nên cả hai có dịp gặp nhau, cùng nhau bàn tính công việc bếp núc, nấu nướng, tổ chức vui tết cho anh em. Với Tư Châu đó là một trong những cái tết đầy kỷ niệm vui và hạnh phúc.

Qua tết, Tám Tâm xin phép tổ chức rước cha ruột là ông Phạm Văn Phòng, mọi người gọi ông là bác Chín (từ Hòa Tịnh, Chợ Gạo) lên chơi. Có ý muốn cho ông già xem mặt cô dâu tương lai nên Tám Tâm gởi bác Chín ở chơi nhà Tư Châu. Người lớn (cha mẹ Tư Châu và bác Chín) cũng rất “tâm đầu ý hợp”, họ nói với nhau từ chuyện ruộng vườn nhà cửa, đến con cái và tình hình chiến sự…Bác Chín ở chơi đến chiều mới về. Tối, Tư Châu đang rửa chén ngoài sàn nước thì Tám Tâm trở qua nhà, ra ngồi cạnh mé mương nói: “Ông già cho tiền, giờ anh nhờ em Châu mua dùm cặp nhẫn! Em cho anh mượn chiếc nhẫn của em anh đo thử!”

Tư Châu vô tư đưa chiếc cà rá mình đang đeo cho Tám Tâm lấy ni, Tám Tâm biểu mua một chiếc cỡ tay Châu và một chiếc lớn hơn một chút. Tư Châu không đi được nên gởi chị Sáu Nhung ra chợ Nhị Quý mua một đôi nhẫn như Tám Tâm dặn. Nhẫn mua về nhưng đơn vị Tám Tâm đã chuyển đi nơi khác đóng quân. Cứ đêm đêm xong việc, cô Tư lại mở cặp nhẫn ra xem lòng trỗi lên niềm hạnh phúc. Cứ nghĩ đến lúc được người mình thương trao nhẫn, Tư Châu thấy hai má như căng ra vì thẹn thùng. Lại suy nghĩ không biết anh ấy thích màu gì và đao đáo đợi chờ!

Hồi đó liên lạc nhau rất khó khăn, những lần đơn vị hành quân ngang, Tám Tâm chạy đường tắt, ghé qua nhà vừa nói, vừa thở, gởi Tư Châu mua vài thứ rồi nhìn nhau một cái thân tình và vội vã nhảy qua mương băng vườn chạy theo đơn vị. Chỉ vậy thôi mà tràn đầy hạnh phúc và nhớ đến ngẩn ngơ. Nhưng lần này, Tám Tâm đi  tới gần tết mới từ Long Tiên “lội” bộ qua. Ghé nhà cô được gần hai tiếng đồng hồ. Nhà vắng, Tư Châu ngồi khép nép trên ván, Tám Tâm ngồi ở ghế giữa. Châu rụt rè đưa cặp nhẫn, lúc này Tám Tâm  mới nói thật: “Anh mua 2 chiếc để cho mỗi đứa đeo một chiếc.” Tư Châu ngó lơ ra cửa nhưng ngầm nói “biết rồi”. Không thấy Tư Châu nói gì, Tám Tâm để chiếc nhẫn trên bàn và vội vã về đơn vị. Tư Châu cảm thấy tưng tức vì đã thêu dệt trong lòng biết bao cung bậc yêu thương, hạnh phúc khi được chính tay người ấy đeo nhẫn vô tay mình. Giờ đưa nhẫn hứa hẹn mà như thảy cho con nít cục kẹo. Rồi Châu nghĩ lại, bởi anh ấy là bộ đội, cốt cách nông dân nên nhút nhát, không lãng mạn nên Châu không giận nữa.

Tháng sau, Tám Tâm ghé qua nhà, Tư Châu lấy chiếc nhẫn ra đưa. Tám Tâm giận và nói: “Vậy là em không thương anh!”. Tư Châu bẽn lẽn bảo không phải vậy, cô đã nhận rồi, còn bây giờ tặng lại để anh đeo luôn thành đôi cho đẹp (lúc đó đàn ông, con trai đeo nhẫn cặp là mốt). Từ đó cả hai cảm thấy gần nhau hơn, thương nhớ nhau nhiều hơn. Vậy mà giữa họ chưa hề nắm tay nhau, chưa hề có một cái ôm, cái hôn để tỏ rõ tình yêu; bởi cô gái quê, có chút gia giáo như Tư Châu lúc nào cũng sợ bị đánh giá, bị xem thường vì dễ dãi với đàn ông… Có lần, Tư Châu suýt bị địch bắt nhưng vì mưu trí nên cô chạy vào nhà dân thoát thân. Cô vừa về tới nhà thì cũng đúng lúc, Tám Tâm chạy tới, thấy Tư Châu thì mừng rỡ: “Anh nghe nói em bị bắt nên chạy về nè, không có sao thì anh mừng!” Tư Châu cảm động đến trào nước mắt, muốn úp mặt vào ngực anh nhưng không dám.

Tư Châu nghẹn lời, ngưng kể, kéo vạt áo chậm nước mắt và như cố nuốt cảm xúc vào tim. Chúng tôi cùng nhìn ra sân, như tìm một chút hơi ấm trong những chùm hoa nắng chao qua, chao lại bởi gió. Và gió cứ lượn lờ cho lá lao xao tạo thành khúc điệu giao mùa cho tâm trạng của chúng tôi luôn xao động cùng câu chuyện. Tôi rót cho cô Tư tách trà ấm thay lời an ủi, sẻ chia. Cô Tư nhấp tí trà, hít hơi thở sâu và câu chuyện tiếp tục.

Ngày 13-9-1967, giặc càn vào Nhị Quý, chúng áp sát khu giải phóng của ta có cả xe tăng, phục kích dưới bờ trâm bầu, Tư Châu ôm tập hồ sơ bệnh nhân từ trạm xá của xã định chạy về nhà thì lọt vào tay giặc. Cô bị đưa ra cánh đồng gần nhà Tám Mô ở ấp Mỹ Lương (Long Tiên) tra hỏi, không khai thác được gì, chúng múc nước bùn dưới đìa nuôi vịt, lật ngửa mặt cô mà đổ. Mùi tanh của bùn pha lẫn phân vịt tràn lên mặt, chui vô mũi, vô họng… Cô cố gắng chịu đựng đến sặc máu mũi. Sau đó chúng đưa cô về trại giam Sầm Giang (Vĩnh Kim, Châu Thành), chúng đánh đập, tra điện chết đi, sống lại bởi cô không khai, không chịu học chính trị, không chào cờ 3 que… Những lúc đau đớn nhất, nhớ tới những lời của Tám Tâm động viên, cô cảm thấy như có thêm sức mạnh. Tháng 7-1969 chúng đưa cô về Cần Thơ, lại trải qua khảo tra, đánh đập chết đi, sống lại không biết bao nhiêu lần.

 Tháng 9-1969 chúng đưa cô ra tòa án quân sự, cô được luật sư bào chữa như lời khai: “Cô chỉ là mụ vườn đi đỡ đẻ về và cô là một y tá chữa bệnh cho bà con trong xóm nên có bệnh án”. Chúng kêu án Tư Châu tù 2 năm. Tính từ ngày bị bắt đến ra tòa đã đủ thời gian nên cô được thả về. Lúc ấy cô Tư Châu 24 tuổi đời và được 6 tuổi Đảng (kết nạp 20-10-1963), ra tù cô bị bệnh do đòn khảo tra của giặc nên phải nghỉ dưỡng bệnh một thời gian mới có sức khỏe tiếp tục công tác.

 Chiến sự sục sôi, cô và Tám Tâm vẫn bặt tin nhau. Đêm nhớ, ngày trông, khoắc khoải trong lòng.

Và một buổi trưa đầu tháng 8-1972 (lúc này cô đã chuyển sang công tác ở tỉnh Hội phụ nữ Mỹ Tho), anh Dễ (bảo vệ) báo với Tư Châu có ông bộ đội đẹp trai tên Tám Tâm xin gặp. Trong lòng nôn nao, mừng lắm, cô Tư nhủ: không được khóc.

Đến đây cô Tư lại ngừng kể, ánh mắt nhìn xa xăm như cố lắng đọng cảm xúc, nhưng khi bắt đầu lại câu chuyện cô bật khóc, giọng lạc đi: “Con biết không, nơi cô và chú gặp nhau là chỗ ngã 3, hẻm Bộ Tiễn (ấp Phú An, xã Phú Quý), chỗ hồi nãy con gọi cô hỏi đường vô nhà cô đó. Bây giờ lộ thông thoáng chớ hồi đó rậm rạp, um tùm. Trưa vắng, cô ra trước ngồi đợi mà hồi hộp. Chú Tám của tụi bây thấy cô nên gấp gáp chạy lại, chân đi khập khiển (bởi sau này chú bị thương cô không biết). Chú kêu tên cô, cô cũng kêu “anh Tám” và cả hai dừng lại, không dám ôm nhau mà òa khóc nức nở. Chú Tám nói: “Nhớ em, anh tính từng ngày, còn 23 ngày nữa là chúng ta xa nhau đúng 5 năm!” Khóc xong một hồi chú hỏi: “Châu! Em có đồng ý làm vợ anh không?” Cô thương lắm nhưng vẫn mắc cỡ, không dám nhìn mặt chú, không dám nói, chỉ nhìn xuống, bấm bấm ngón chân cái xuống đất, rồi gật đầu. Và lén liếc mắt nhìn, thấy chú Tám mỉm cười, nụ cười rạng rỡ, rồi  ổng vội vã bảo phải về (đơn vị đóng ở Long Tiên) cho kịp đầu giờ chiều họp. Cô đứng ngó theo khóc một mình vì chú Tám bây không hứa bao giờ trở lại!”

Sau đó, hai người có gặp nhau một lần rất vội vã cũng với ánh mắt thương nhớ, những lời dặn dò, hứa hẹn, đợi chờ.

Về làm cán bộ văn phòng của Hội LHPN tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), cơ quan chuyển liên tục nên hai người không gặp nhau, lá thư cuối cùng Tám Tâm viết gởi cho Tư Châu cuối 8 - 1972 (lá thư mà Tư Châu đã đọc cho chúng tôi nghe). Hàng đêm, cô lấy ra đọc cho đỡ nhớ chú. Đọc đi rồi đọc lại sau đó ấp lên ngực rồi cất, cứ vậy mà lá thư nhàu nát.

 Sau đó vì đi công tác, Tư Châu không được phép mang thư theo nên gởi cô Bảy Phụng (nguyên cán bộ PN tỉnh hiện giờ nghỉ hưu ở Song Bình, Chợ Gạo) cất giữ. Cô Bảy cho biết mình cất lá thư ấy rất kỷ, để chung tài liệu của cơ quan trong thùng đạn trung liên và chôn ở mé mương vườn nhà ông 3 Tư (nay là ấp Phú Hòa, xã Long Khánh, TX Cai Lậy) nhưng bom cày, đạn xới mất dấu không kiếm được.
 

Bà Lê Thị Kim Châu (phải) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận  động với cán bộ Hội LHPN xã

Tám Tâm hy sinh cùng 8 đồng đội vào buổi chiều 3-2-1973 (âm lịch), ở Đồng Phèn, xã Tam Bình (Cai Lậy), lúc đó cô Tư chưa hay mà nghe trong lòng không vui, bứt rứt và ngã bệnh. Cô về thăm nhà thì má cô khóc và nói: “Má nghe đánh lớn ở Tam Bình, bộ đội hành quân về đây lấm lem hết mà má không thấy thằng Tâm đâu!” Tư Châu động viên bà già nhưng trong lòng nặng trĩu lo âu. Mười tám ngày sau khi người yêu hy sinh, tình cờ bộ đội cùng đơn vị Tám Tâm hành quân ngang qua, anh Năm Chí (người Bắc) thấy Tư Châu thì dừng lại báo tin: “Thằng Tám Tâm nó hy sinh rồi, chôn ở nghĩa trang Đường Lương, xã Long Tiên!” Cô Tư Châu, nghe rụng rời tay chân, quai hàm cứng lại, không nói được gì. Cô lặng đi, không khóc được, mãi đến tối chui vô mùng, hình ảnh kỷ niệm với từng lời nói của Tám Tâm đua nhau hiện về… cô khóc! Khóc suốt đêm và nằm liệt giường ba ngày. Cô  tự động viên mình và cố gượng dậy, đi mua nhang, đèn để thăm mộ người yêu. Gặp Tám Nòn (cán bộ ở Long Tiên) cô hỏi thăm, thật may, ông là người giữ sơ đồ ở nghĩa trang, ông mở ra và chỉ chỗ Tám Tâm nằm. Tám Nòn nhờ Hai Lập người rành đường đưa Tư Châu vào nghĩa trang. Con đường um tùm cỏ hoang và chông, mìn, phải thận trọng theo sát người dẫn đường. Đến nghĩa trang, theo sơ đồ của Tám Nòn, cô Tư đến dãy mộ còn tươi mới và tìm ngôi mộ thứ năm, cô thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh, còn bao nhiêu nhang cắm hết trên mộ Tám Tâm. Cô đổ sụp trước mộ, khóc tức tưởi và nỉ non tâm sự. Người dẫn đường nhắc cô nhanh chóng ra về vì chiều xuống, ngoài chông, mìn cài sẵn còn cả pháo của địch bắn vô. Tư Châu như người mất hồn, bồng bềnh trong ký ức và trong tiếng pháo của địch nổ xa gần. Không ăn, không ngủ bởi quá đau đớn và nhớ thương cô ngã bệnh. Cô Tư nằm liệt giường ở Dân y huyện (đóng Long Tiên) đồng đội cảm thông thay nhau an ủi; má cô Tư tìm vô thăm con, thấy con gái tiều tụy bà nén lòng khuyên nhủ: “Thôi đi con, dù sao thì nó cũng đã ra đi. Tháng rưỡi nay con nằm  liệt giường, có được gì đâu mà làm khổ thân mình. Má còn có mình con (hai chị gái cô Tư đã có chồng), nếu con cứ như vầy lỡ có bề gì má biết làm sao. Mà cũng tại mày, mày làm ỏng, làm eo, không chịu nhận lời để tổ chức đám cưới, giờ khóc trách ai?....” Khó khăn lắm cô mới nguôi ngoai và lao vào công tác.

Sau 30-4-1975, công việc bộn bề, cô Tư định tìm gia đình Tám Tâm nhưng chưa sắp xếp được. Một buổi sáng đầu tháng 6-1975, Ngọc Lan (nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Hội LHPN tỉnh) lúc đó mới vào ngành (trụ sở tỉnh hội còn ở TX Cai Lậy bây giờ) cho hay là có ba của Tám Tâm cần gặp Tư Châu. Hai chữ Tám Tâm, làm Tư Châu nghe tim nhói lên, cố kiềm xúc cảm, nhưng khi thấy bác Chín Phòng (ba ruột Tám Tâm), bao đau đớn, nhớ thương dồn nén trong lòng Tư Châu  cũng vỡ òa. Mới đó mà đã 10 năm sau lần bác Chín lên nhà chơi, nay râu tóc bác Chín bạc phơ, người gầy yếu đi. Tư Châu dẫn ông già thăm mộ con trai. Cuối tháng 6 năm đó, bác Chín cùng gia đình lên Long Tiên xin đưa hài cốt Tám Tâm về nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tịnh. Một lần nữa Tư Châu chết lặng bên kỷ vật còn lại dưới mồ được đưa lên là chiếc võng mà cô đã mua và thêu hai chữ Tư Châu lên đầu võng. Đưa hài cốt Tám Tâm về lại cố hương, một nắm đất cho ấm lòng người dưới mộ, Tư Châu muốn vĩnh viễn chôn chặt chuyện tình đầy nước mắt này; thế nhưng nỗi nhớ cứ cồn cào thức dậy mỗi khi ba Tám Tâm chống gậy ra thăm cô. Ông lão hiền từ với bộ bà ba trắng, nón cói trắng và chòm râu dài rung rung ân cần thăm hỏi cô như đứa con ruột thịt. Đến lúc ông trăm tuổi già làm cô thêm một lần quay quắt đau như khóc cha mình.

Kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc hơn 42 năm, cô Y tá Lê Thị Kim Châu nay đã ngoài bảy chục, nghỉ hưu đã 22 năm và đã có 54 tuổi Đảng, vẫn sống chung thủy, chăn đơn, gối chiếc ở ngôi nhà nhỏ bạn bè mới cất cho sau khi cô nghỉ hưu. Nhà được xây bên cạnh ngôi nhà của ba má cô để lại, nơi này đã in đầy kỷ niệm của mối tình trong sáng, cao đẹp trong thời lửa đạn cách đây 50 năm.

Nhìn đồ đạc trong nhà, ta hiểu rằng cô quen nếp sống giản dị, không bon chen, đua đòi. Nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia công tác xã hội, phụ trách và tổ chức sinh hoạt “Câu lạc bộ Phụ nữ độc thân”, giúp đỡ người nghèo khi có thể. Cô bảo rằng, mình đã từng chết đi sống lại vì đòn thù và vượt qua được bệnh tật, cho nên còn sống được giây phút nào phải sống hết mình và sống có ý nghĩa!

Dù cô không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu, cô không chỉ sống cho mình, mà còn sống cho mối tình son sắt với người đồng chí, đồng đội, người đã hy sinh tuổi thanh xuân cho lý tưởng độc lập tự do của dân tộc mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt.

(Theo lời kể của cô Lê Thị Kim Châu thường gọi Tư Châu, Nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang và liệt sĩ Phạm Hữu Tâm quê xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo nguyên là Chính trị viên 401 Trinh sát, Trung đoàn Đồng Tháp)

Tác giả bài viết: Ái Quỳnh

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 85