HƠN NỬA ĐỜI VỚI “CUỘC CHIẾN” chống bệnh lao

34 năm - hơn nửa đời người gắn bó với công việc điều trị và phòng, chống lao, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang vẫn còn nhiều trăn trở với nghề. 34 năm làm “chiến sĩ áo trắng” là ngần ấy thời gian bác sĩ Sơn luôn khắc ghi trong tâm khảm những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân. Điều làm bác sĩ Sơn hạnh phúc có lẽ là tỷ lệ người nhiễm lao, mắc lao, chết do bệnh lao của tỉnh Tiền Giang mỗi năm giảm đi rõ rệt.
NGHIỆP “LÀM LAO”

Tôi hẹn và gặp bác sĩ Sơn vào trưa một ngày cuối tháng 6. Vừa thấy tôi, bác sĩ Sơn bảo: “Cậu đợi tôi khám xong bệnh nhân này, rồi chúng ta hẵng nói chuyện nhé”. Bệnh nhân vừa rời phòng khám, thì cũng đã hơn 11 giờ. Bác sĩ Sơn ra ngoài cửa nhìn ngược, nhìn xuôi để chắc rằng không còn bệnh nhân nào đang ngồi chờ bên ngoài nữa mới mời tôi lên phòng làm việc. Tôi thấy bác sĩ Sơn không sử dụng thang máy của bệnh, mà đi cầu thang bộ lên phòng làm việc ở tầng 3 của bệnh viện. Thang máy của bệnh viện có dán thông báo chỉ sử dụng cho bệnh nhân. Đi cầu thang bộ vừa tiết kiệm được điện của đơn vị, vừa rèn luyện sức khỏe sau thời gian ngồi khám bệnh cho bệnh nhân - học tập và làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất.

Bác sĩ Sơn lặng thầm với việc "làm lao"

Sau những câu chào xã giao, bác sĩ Sơn kể cho tôi nghe cái duyên anh lựa chọn nghề này. Anh đưa ánh mắt đăm chiêu về hướng cửa phòng như chuẩn bị bước đi về quá khứ và chậm rãi kể cho tôi nghe về ngày ấy... Sống ở vùng ven của xã nghèo Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, anh thấy nơi mình sống có nhiều người bị bệnh lao, đa phần những người này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Có những gia đình mắc bệnh lao từ đời này sang đời khác, cứ vướng vào bệnh lao là gia đình nghèo khó, cái nghèo cái khổ cứ theo đuổi từ khi phát bệnh cho đến lúc chết. Bác sĩ Sơn bùi ngùi kể lại ký ức những năm 80 của thế kỷ trước, khi ấy, thuốc để điều trị bệnh lao rất hiếm, không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận với thuốc, khi mà cái ăn, cái mặc đối với họ vẫn còn chưa đủ. Hơn nữa, vấn đề bảo hiểm y tế ngày ấy vẫn còn chưa phổ biến như bây giờ, thuốc trị lao thì đắt đỏ. Phần khác, những người mắc bệnh lao thường hay mặc cảm, tự ti nên lặng lẽ sống chung với căn bệnh lao đến khi không còn chịu đựng được mà ra đi. Do đó, tỷ lệ chết vì bệnh lao cũng rất cao. Trước thực trạng ấy, anh nuôi mộng làm bác sĩ để giúp đỡ những người bệnh.

 Nối tiếp dòng ký ức một thời khó khăn, năm 1981, khi đó số người tỉnh Tiền Giang đỗ vào Đại học Y đếm chưa hết một bàn tay, số còn lại phải về tỉnh học Y sĩ đa khoa ở Trường Trung học Y tế Tiền Giang (nay là Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang), trong đó có anh. Sau khi tốt nghiệp, bạn bè của anh chọn các bệnh viện lớn trong và ngoài tỉnh để làm việc, riêng anh nộp đơn tình nguyện vào Trạm chống Lao của tỉnh (nay là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang), một phần là để cống hiến, một phần vì mục tiêu chống lao, giúp đỡ những người khó khăn.

Thời gian đầu, gia đình, bạn bè ngăn cản, vì khi nhắc đến bệnh lao, nhiều người nghĩ ngay đến nguy cơ lây bệnh cao, có thể dẫn đến tử vong và cả không ít sự kỳ thị, những rào cản tâm lý. Nhưng tuổi trẻ với mong muốn cống hiến sức mình với cuộc chiến bệnh lao, bác sĩ Sơn vẫn lặng lẽ tiếp tục với công việc, dành trọn tâm huyết của mình để khám, điều trị cho bệnh nhân lao. Cứ như thế, anh lao đầu vào công việc, vào sứ mệnh thiêng liêng và cao quý đó là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, lấy niềm vui và niềm hy vọng của người bệnh làm niềm vui của mình.

“Lương y như từ mẫu” đã trở thành một điều tâm niệm của người cán bộ y tế trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác cứu chữa người bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không chỉ vậy, bác sĩ Sơn còn ghi nhớ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngành Y. Hơn 30 năm làm nghề anh luôn tâm niệm, bác sĩ không chỉ là người khám, chữa bệnh, mà còn là người thân, người bạn với bệnh nhân - vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với tâm niệm ấy, bác sĩ Sơn luôn khắc ghi trong tâm khảm những lời dạy của Bác, để xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân, nếu làm công tác chống lao tốt thì sẽ cứu giúp rất nhiều người.

Mỗi năm, Tiền Giang phát hiện mới từ 2.000 đến 2.200 ca mắc bệnh lao, tỷ lệ lây của bệnh lao rất cao, một bệnh nhân lao phổi có thể lây cho khoảng 20 người và độ tuổi mắc lao cao nhất từ 25 - 55 tuổi. So với số liệu các năm, tỷ lệ mắc bệnh lao của tỉnh giảm hơn 3%/năm. Do vậy, nếu làm tốt công tác chữa bệnh và phòng, chống lao thì sẽ giúp hạn chế người bị lây nhiễm lao; đồng thời, giúp người bệnh tăng tuổi thọ từ 15 đến 20 năm... Chính vì do bệnh nhân không được điều trị đến nơi đến chốn, không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nên tình hình lao kháng thuốc ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Những bệnh nhân nhiễm lao kháng thuốc rất khó điều trị và nếu điều trị thì chi phí rất cao, tốn kém cả thời gian và tiền bạc, song tỷ lệ thành công bước đầu còn thấp. Do vậy, bác sĩ Sơn đã đi tìm giải pháp để “chiến đấu” với căn bệnh lao này. Từ đó, bác sĩ Sơn đã miệt mài tham gia nghiên cứu động lực lây truyền lao kháng thuốc tại Tiền Giang do Hiệp hội Chống lao Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức; tham gia đoàn điều tra dịch tễ lao và COPD toàn quốc lần thứ nhất (2007), thứ hai (2017) do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức.

Chính vì thế, trong những năm gần đây, phác đồ điều trị lao kháng thuốc ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đã được hoàn thiện dần và mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ người nhiễm lao kháng thuốc được điều trị tại bệnh viện cũng tăng lên theo từng năm.

NHỮNG TRĂN TRỞ KHÔNG TÊN

Đôi mắt buồn của anh chợt chùng xuống như câu chuyện nghề, bởi những người mắc bệnh HIV thường kèm theo đó là bệnh lao, do vậy, đội ngũ y, bác sĩ tiếp cận các bệnh nhân này có phần khó khăn, đôi khi họ dừng điều trị vì một lý do nào đó. Những lý do đó không làm những người “làm lao” như anh nản lòng. Khi gặp các trường hợp khó, người “làm lao” càng phải cố gắng lắng nghe và giúp họ vượt qua mặc cảm, tiếp tục điều trị bệnh lao.

Bác sĩ Sơn điều trị cho bệnh nhân

Mỗi năm Tiền Giang phát hiện gần 100 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Trước năm 2012, chưa có thuốc điều trị; do vậy, bệnh nhân dần kiệt sức và ra đi cùng với căn bệnh lao này. Trước thách thức như vậy, bác sĩ Sơn đã có những kế hoạch phát hiện, quản lý điều trị, áp dụng phác đồ điều trị bệnh lao đa kháng thuốc áp dụng tại đơn vị mình. Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang đã trang bị phương tiện, kỹ thuật y tế hiện đại phát hiện bệnh lao đa kháng thuốc và có thuốc điều trị bệnh này.

Với đặc thù của nghề và sự kỳ thị về căn bệnh lao, từ năm 2002 đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Tiền Giang chưa tuyển dụng được một bác sĩ nào, mặc dù có nhiều chế độ đãi ngộ cao. Để chia sẻ gánh nặng với đồng nghiệp, đều đặn mỗi tuần từ một đến hai lần, bác sĩ Sơn có mặt tại phòng khám bệnh, một phần vì muốn chia sẻ khó khăn chung của đơn vị, một phần vì muốn ôn lại chuyên môn và nắm bắt tình hình bệnh nhân lao hiện nay của tỉnh nhà. Khi có những y tá mới về công tác, bác sĩ Sơn đều dặn dò, hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp mới làm quen dần với môi trường có tính chất lây nhiễm cao như thế này.

Nhận thấy các phạm nhân ở 2 Trại giam Phước Hòa và Mỹ Phước (trực thuộc Cục C10 - Bộ Công an) đóng trên địa bàn Tiền Giang thường xuyên đến khám và chữa bệnh lao tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang. Mỗi lần dẫn phạm nhân đến để khám bệnh sẽ tốn rất nhiều thời gian cũng như lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ của trại giam đi theo. Do vậy, hằng quý, bác sĩ Sơn đã cùng y, bác sĩ bệnh viện triển khai tầm soát phát hiện bệnh lao phổi bằng phim X quang phổi chuẩn và soi đàm trực tiếp cho phạm nhân tại Trại giam Phước Hòa và Mỹ Phước.

Song song đó là Trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tiền Giang). Mục tiêu trong thời gian tới của bác sĩ Sơn là tiếp cận các đối tượng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Tiền Giang và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì những nơi này, cách sinh hoạt tập thể dễ bị lây nhiễm các bệnh về lao.

Trong suốt chặng đường gắn bó với ngành Y tế, lịch công tác của anh thường xuyên hướng về các xã vùng sâu, vùng xa. Vì nơi đó, những người mắc bệnh lao vẫn còn mông lung về kiến thức phòng và chữa bệnh lao. Ở đó, đội ngũ làm công tác tuyên truyền phòng, chống lao còn là nỗi trăn trở lớn của bác sĩ Sơn. Vì với đặc tính dễ lây lan, những bác sĩ trên mặt trận phòng, chống lao không thể lơ là, coi thường công tác phòng bệnh cho cộng đồng.

Gạt đi những trăn trở không tên, đôi mắt của bác sĩ Sơn bừng sáng khi nhớ về câu chuyện bé gái 18 tháng tuổi ở xã Song Bình (huyện Chợ Gạo) cách đây hơn một năm. Khi đó, bé nhập viện Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang. Nhưng vì đây là ca khó, nên bác sĩ Sơn được mời tham gia khám chuyên khoa lao. Anh đã nói chuyện riêng với mẹ của bé một thời gian dài, thì mẹ của bé mới chia sẻ rằng mình bị mắc bệnh lao. Nhờ những thông tin như vậy, bác sĩ Sơn đã nhanh chóng lên phác đồ điều trị cho bé gái ấy. Mới đây, trong chuyến đi công tác tại huyện Chợ Gạo, bác sĩ Sơn gặp 2 mẹ con, bé gái năm ngoái nay đã khỏi hẳn và trông rất khỏe mạnh. Mỗi khi nhớ về những trường hợp khỏi bệnh lao, bác sĩ Sơn đều cho biết, các bệnh nhân đó trở thành một tuyên truyền viên, giúp những người mắc bệnh lao hiểu hơn về căn bệnh này, một người truyền năng lượng tích cực giúp người bệnh lao hoàn thành phác đồ điều trị.

“Bác sĩ Sơn vừa là Phó Giám đốc, vừa là Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiều năm liền. Do vậy, với kinh nghiệm quản lý, bác sĩ Sơn đã có nhiều đóng góp trong việc triển khai Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh” của Bộ Y tế, tạo hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đẹp hơn trong mắt bệnh nhân và thân nhân người bệnh với phương châm “Đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”” - bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang chia sẻ.

Với những cống hiến lặng thầm ấy, bác sĩ Sơn được các cấp, các ngành tặng Bằng khen. Danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” mà bác sĩ Sơn vinh dự được nhận năm 2016 càng thể hiện một tấm gương điển hình, mẫu mực về đạo đức, nhân cách nghề nghiệp, phong cách Hồ Chí Minh.

Tác giả bài viết: Văn Thảo

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 97