Bức ký họa Bác Hồ

Bà Hai lần tay theo bức vách bước ra khoảng sân sau, cây me rợp bóng mát trời chiều. Ngồi gọn trên chiếc sạp tre, dáng vẻ bà như nhỏ thó hơn với tấm lưng còng, mái tóc bạc trắng. Dõi đôi mắt đục lờ nhìn về phía xa xa, những cánh chim bay thành đàn, lượn lờ thanh thoát như xếp chữ trên nền trời. 

Trong trí bà chợt nhớ câu “Chim liền cánh, cây liền cành” đã nghe từ xưa, khơi gợi liên tưởng cuộc sống đôi bạn, vợ chồng cùng ngọt bùi, cay đắng rồi… vĩnh viễn chia xa. Mấy chục năm xa cách rồi còn gì? Nghe khóe mắt cay cay, bà Hai đưa ống tay áo quệt nhẹ, lòng bùi ngùi, thương cảm. Hậu, con dâu út bà Hai bước ra nhìn mẹ chồng, lo lắng:

- Má buồn gì mà khóc vậy? Hay là má…

Bà Hai gượng cười, trệu trạo nói:

- Khóc đâu mà khóc con? Tại bụi bặm, gió máy… Bây cho tụi nhỏ ăn cơm chưa?

Hậu ngồi kề, cài lại khuy cổ áo cho mẹ, cười nhỏ:

- Con biểu ăn trước, hai đứa hổng chịu, nói là chờ bà cố với ông nội về cùng ăn cho vui!

- Ờ… má lại nhớ ba mày hồi còn sống cũng tánh y chang vậy. Má đi công chuyện, ổng dọn cơm rồi ngồi đăm đăm chờ má tới đỏ đèn, cơm nước lạnh tanh, thấy mà… tội nghiệp! Hơn bốn chục năm rồi, tự dưng còn nhớ ràng ràng như mới đây…

Vòng phía sau xốc nhẹ nách bà, Hậu an ủi:

- Thôi má có nhớ ba thì nhớ nhưng đừng khóc nữa… Thấy má khóc hoài con chịu hổng nổi. Chắc anh Trung về rồi, má vô ăn cơm, tháng này trời mau tối lắm!

Lụm cụm theo bước dìu của con dâu, bà Hai vào nhà.

Nhìn con cháu quây quần bên mâm cơm, bà Hai cảm thấy mình có phước, dù ngẫm lại bà cũng đã chịu khá nhiều mất mát. Sanh được ba đứa con, trong chiến tranh, chồng rồi đến hai con lần lượt hy sinh. Đứa cháu ngoại còn trong bụng mẹ cũng hòa lẫn xương thịt cùng má nó ở Củ Chi, thương nhói lòng mỗi khi nhắc đến. Trung, con trai út bà Hai được hai con, một trai một gái đều lập gia đình sống riêng. Anh và vợ ở cùng mẹ để tiện bề phụng dưỡng, chăm nom. Hơn tuần nay, Trung rước hai đứa cháu nội về chơi cho mẹ nghe tiếng trẻ đỡ buồn. Nhà có ba công ruộng, anh làm thêm ở xưởng mộc, thu nhập không đến nỗi nào. Có người mới quen tới, ngờ ngợ hỏi bà: “Bà Hai có một con trai sao?". Bà thủng thẳng trả lời: “Không! Ba đứa lận. Thằng này là con út…”. Vậy thôi, bà không giải thích thêm chi cho buồn. Ngó cánh cửa sau đóng kín, bà chợt nhớ một chuyện. Ngày xưa, hồi ba cha con rời đi, đêm nào cánh cửa liếp tre bà cũng để khép hờ như một sự hy vọng, chờ đợi mông lung. Giờ đâu còn chờ ai, đợi ai? Bà nhè nhẹ thở dài… Tiếng con dâu đưa bà quay về thực tại:

- Má húp chén canh này cho đỡ nghẹn…

Bà Hai gật đầu, ánh mắt đôn hậu nhìn hai thằng cháu cố đang tranh nhau bới cơm vào chén, ngây thơ

cười đùa…

… Nửa đêm trời đổ mưa rì rào, tuy không nặng hạt cũng đủ làm bà Hai tỉnh giấc. Bật ngọn đèn nhỏ, bà chậm rãi lại bàn thờ thắp mấy nén nhang, lâm râm khấn vái. Bức ảnh ông Hai với cặp mắt nhìn thẳng, cằm vuông, râu lún phún, như đang cùng thức với bà. Cạnh bên là hình thằng Nghĩa, con Hương chụp chung hồi nhỏ, miệng cười tươi rói. Trên cao một chút là bức ký họa Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới năm 1950 - Đông Khê - thị xã Cao Bằng, được ép nhựa lồng kiếng trang trọng, là một kỷ vật mà gia đình bà Hai nối tiếp nhau gìn giữ suốt từ những năm 1960, năm phát động phong trào Đồng Khởi. Hình ảnh Bác Hồ trong bức ký họa hằn sâu trong tâm trí bà đến từng chi tiết, có nhắm mắt lại cũng dễ dàng hình dung được. Trở lại võng nằm, bà nhẩm tính: “Năm ấy Bác đã sáu mươi vẫn trực tiếp tham gia chiến dịch… Bác ngồi đó, trên đỉnh cao mặt trận, đầu đội mũ nan, áo bỏ hai khuy không cài, ống quần xăn quá gối, nghiêng người nheo mắt đăm chiêu cạnh mấy chiến sĩ thông tin, bảo vệ…”. Rồi bà buột miệng: “Hồi đó, có linh cảm sao đó mà ba thằng Trung giao cho bà bức ký họa và chỉ dặn một điều là cho dù có chết cũng phải giữ kỹ, không được để thất lạc. Mình bây giờ gần đất xa trời không phụ lòng ổng, nhưng về ông họa sĩ vẽ lại bức này, nghe đâu ông ấy trong đoàn Văn công về miền Tây, giờ chẳng biết ông họa sĩ ấy sống chết ra sao khiến trong lòng cứ áy náy hoài!”. Bức họa Bác Hồ như nguồn sức mạnh giúp gia đình bà Hai vào trận cùng miền Nam, cùng cả nước đấu tranh.

Thắp thêm tuần nhang trên hai bàn thờ xong, dòng hồi tưởng lại đưa bà Hai quay về quá khứ, thời máu lửa đạn bom, khốc liệt mà hào hùng, anh dũng…

 … Ông Hai tham gia cách mạng từ ngày đầu của cuộc kháng chiến 9 năm, hoạt động chủ yếu ở miền Đông Nam bộ. Sau hiệp định, ông không tập kết mà bắt liên lạc, gầy dựng cơ sở tuyên truyền ở Cần Đước, Long An. Bọn công an, mật vụ, chỉ điểm… ráo riết theo dõi, ông Hai lẩn tránh rất khéo cho đến giữa năm 1956 sắp bị phát hiện, ông đưa cả gia đình về Gò Công và trú ngụ ở xã ven Yên Luông chờ thời cơ. Ông khéo léo đút lót làm giấy tờ, tên tuổi mới hợp pháp rồi mở một lò nấu muối gần ngã ba Kinh Hàn, vừa có kế sinh nhai vừa che mắt địch, sống ôn hòa, kín đáo với mọi người. Chuyện ông hoạt động cách mạng, lúc đó trong nhà chỉ bà với con trai lớn biết thôi, cho đỡ phần nguy hiểm. Ông giỏi võ mà lại mưu trí, gan dạ, cho nên tụi làng xã tuy có chút nghi ngờ nhân thân mà hơi sợ, hổng dám làm tới. Trước trận phá đồn Yên Luông một ngày, ông nói riêng với bà:

- Mai bà mua hai con gà làm đám giỗ cha, tui có mời ông phó đồn với vài chức việc ấp chiến lược tới nhậu chơi…

Bà Hai tỏ ý không bằng lòng:

- Mời chi đám giặc đó? Bà con người ta sẽ…

Ông thì thào:

- Tui có ý tui… Sắp có chuyện lớn, mình cứ bình thường là được!

Bữa nhậu đám giỗ kéo dài đến tối mịt mới tàn. Tay phó đồn say hết biết, nhắn con vợ bé rước về nhà ngủ. Chừng bốn giờ sáng, đột ngột tiếng mõ, tiếng nổ khí đá ống tre, ánh đuốc lá dừa hừng hực bao quanh ba phía đồn, loa kêu hàng vang dội… Hơn chục thằng lính trước nay chủ quan, giờ đụng chuyện sợ mất mật, cây súng cầm không nổi. Tên trưởng đồn thấy bị bao vây, tai nghe tiếng hô khẩu hiệu vang dội, lòn rào cửa hậu đồn chạy mất. Đám lính như rắn mất đầu, hè nhau chen trốn như bầy vịt bị đánh động. Lực lượng nổi dậy chiếm đồn, lấy được 3 cây súng “mút-cơ-tông” cùng vật dụng, giật sập cái “mi-đo” cao nghệu, đốt gian trại… rồi rút ngay khi trời chưa kịp sáng. Chừng tụi lính quận kéo tới thì mọi việc đã xong. Tên phó đồn nghe tin dữ, cứ mình trần xà lỏn xáp vô bị tay phó quận dùng ba-toong quất túi bụi giữa tiếng cười nhạo của những người dân bao quanh. Sau này bà Hai mới biết ông đã quan sát thói quen sinh hoạt, bố phòng của lính đồn Yên Luông từ lâu để báo cáo lên trên tổ chức đánh chiếm. Đám giỗ nhà chỉ là cái cớ che mắt địch và tạo vỏ bọc không liên can, hợp pháp…


Minh họa: Thanh Tiên

Sống gần gũi với bà con trong vùng giặc o ép riết rồi bà Hai hiểu bụng từng người, cho dù vẫn dè dặt, giữ miệng. Họ như những cục than hồng vùi trong tro, âm ỉ chờ dịp cháy bùng lên ngọn lửa đấu tranh. Ông chỉ cho bà cách phân biệt kẻ tốt, người xấu, hạng lừng chừng cầu an… và ai có thể dùng lời lẽ thuyết phục cùng chung chí hướng, nhưng phải giữ thế ngăn ngừa làm hại tổ chức. Bà một mực tin vào lý tưởng kiên cường của ông, lúc này là tổ trưởng tổ cánh 3, sau mới biết hoạt động như bộ phận an ninh, biệt động. Khoảng giữa năm 1960, lúc nửa đêm ông gọi bà thức dậy, rì rầm dặn dò:

- Có một công tác cấp bách, chắc tui phải trực tiếp làm cùng anh Hai Chức ở huyện. Thằng cảnh sát Nhum bà dư biết tâm địa độc ác của nó, bà con oán than nhiều. Mới đây, nó ruồng xóm dưới, vô nhà chú Ba Lý lục soát được 3 cây mác vót với bó chông tre dưới hầm. Nó đánh chú Ba lặc lìa hai tay rồi bắn chết tại chỗ. Thằng con trai bị nó trấn nước nhừ tử rồi trói giải lên Mỹ Tho, tội danh quan hệ cộng sản…

Bà lau vội giọt nước mắt, nghe ông nói tiếp:

- Vụ này làm được hay không thì tui vẫn phải rời nhà, ai hỏi lựa lời mà nói. Thân tui không kể, chỉ nhờ bà dạy ba đứa con biết đường ngay lẽ đúng mà đi, vậy là tui mừng!

Xoa xoa lưng áo rách của chồng, bà nghèn nghẹn:

- Mình khỏi nói, tui biết! Ráng

giữ gìn…

Bốn ngày sau, vào chạng vạng tối người ta phát hiện xác cảnh sát Nhum nằm chết ở gần chợ Mới, ngã ba Kinh Hàn. Cổ hắn bị cắt, bị đâm bê bết máu. Trên ngực áo còn cài tờ giấy bìa, viết đôi dòng bản án cho kẻ “gây nhiều tội ác với nhân dân”. Cả xã hả hê, bàn tán thêu dệt đủ điều xấu xa quanh cái chết tên Nhum. Qua ngày sau, ông Hai quá giang ghe đi luôn. Mật vụ, chỉ điểm lảng vảng dọ hỏi, lùng sục khắp xã, dòm ngó nhà bà Hai suốt. Chúng tra hạch bà cùng mấy đứa con, ai cũng một lời: “Ổng đứng canh mẻ muối ba ngày đêm nay, làm sao dám bỏ ngang cho hư, cho khét? Bán buôn ế ẩm, ổng xuống Bạc Liêu làm mướn ít tháng kiếm gạo. Muốn hỏi gì thì chờ ổng về, mẹ con tui biết gì mà nói?”.

Thật ra, từ trưa đó ông Hai liên lạc được với chú Hai Chức, đang bàn tính trong lùm mây Kinh Hàn chợt thấy cảnh sát Nhum say rượu loạng choạng đi gần tới. Cả hai hội ý, quyết định chớp cơ hội có một không hai này. Vũ khí chưa chuẩn bị, chỉ có con dao xếp nhỏ hiệu “Con chó” của ông Hai và yếu tố bất ngờ. Bằng quyết tâm, ông Hai chủ động tấn công bằng những thế võ mạnh, không cho hắn kịp rút khẩu “côn” lận lưng ra. Cùng chú Hai Chức quật hắn nằm sấp mặt, ông xuống tay nhiều nhát với con dao nhỏ. Lật ngửa xác tên cảnh sát có nhiều nợ máu, cài vội bản án, hai người siết chặt tay nhau, mỗi người một ngả. Ông Hai sớm móc nối về miệt Đồng Tháp, coi như phải thoát ly, giảm bớt rắc rối, liên lụy

gia đình…

… Ông Hai đi biệt gần 2 năm trời, chỉ nhắn tin thăm hỏi được vài lần. Vậy là đủ, bà mừng ông còn mạnh giỏi, còn sức chiến đấu là tốt. Tháng 12 năm 1960, bên Mỏ Cày - Bến Tre vùng lên Đồng Khởi, bà Hai bàn cùng chị em Hội Phụ nữ bí mật hưởng ứng. Bà nhờ thím Ba Xìm người Tàu bán hàng xén, là cơ sở cảm tình, có dịp xuống chợ mua giùm ít vải. Bữa sau, trời tối thím vô nhà với một bọc vải, ngó trước ngó sau cằn nhằn nhỏ:

- Chị dở quá! Mua ba màu vải mà mua một lần tụi cảnh sát chìm biết chị dùng may cờ liền… Để tui tính cho nghen!

Bà Hai giật mình, khen thím Xìm nhạy bén và giao việc tiếp theo cho thím. Tới buổi sáng một ngày đầu tháng giêng, cả xã Yên Luông, chợ Gò Công xôn xao bàn tán chuyện gần cả trăm lá cờ Mặt trận Giải phóng được cắm, treo dọc mấy con lộ. Bọn làng xã lấm lét sợ hãi, bọn lính quận ôm súng chạy rầm rập, dáo dác ngó quanh…

Đêm nọ, ông Hai đột ngột về lúc trời vừa sụp tối, mặc bộ đồ ka-ki, đầu đội nón nỉ, trông như cai thợ. Lúc này, Nghĩa đã vào tiểu đoàn địa phương hoạt động vùng Cai Lậy, Cái Bè… Con Hương 18 tuổi cũng xin đi, còn chờ giao liên dẫn đường. Ông vén mùng, hôn nhẹ lên trán thằng con út mà không đánh thức. Ba người hàn huyên tâm sự trong bóng tối, phía trước hàng hiên treo lủng lẳng ngọn đèn lồng kính leo lét, theo lệnh bọn tề ấp. Mở cái “bồng” vải lấy ra một ống tre có nắp, ông Hai soi đèn pin cho hai mẹ con xem. Tất cả yên lặng ngắm nhìn hình ảnh Bác Hồ được ký họa sắc nét bằng chì sáp đen trong sự xúc động, thành kính. Ông Hai trầm giọng:

- Má sắp nhỏ với con Hương nghe tôi dặn đây… Từ rất lâu tôi mơ ước có được một tấm ảnh Bác cho riêng mình, coi như ánh đuốc soi đường, nung nấu ý chí đi theo suốt con đường cách mạng. Dịp dự họp ở Gáo Giồng có nhiều anh em, nghe tôi nói nguyện vọng của mình, một anh họa sĩ người miền Bắc đã nhìn tôi rất lâu mà chẳng nói lời nào. Khuya đó, trước lúc từ giã anh họa sĩ ấy trao tặng tôi bức ký họa Bác Hồ đang thị sát mặt trận Đông Khê năm 1950. Anh còn nán lại kể cho nghe về thắng lợi trong chiến dịch Biên giới ở Cao Bằng, chút nữa tôi nhắc lại cho mẹ con bà hiểu thêm…

Bà Hai sờ vào bức ký họa, hỏi khẽ:

- Mình biết tên anh họa sĩ đó không?

- Vấn đề bảo mật, tôi không hỏi… Nhưng bà thấy bên góc bức họa có ghi hai chữ tắt L.H, mình biết vậy thôi. Tháng sau tôi nghe tin đoàn văn nghệ sĩ đó bị máy bay ném bom, một số thương vong, tôi luôn cầu mong anh họa sĩ thoát nạn. Sắp tới tôi phải đến những nơi ác liệt, sợ mình không bảo toàn được bức họa này, nên tiện dịp mang về. Con Hương thì nay mai cũng vô cứ, tôi giao cho bà, sống chết cũng phải giữ vẹn nguyên hình ảnh Bác. Tôi đã ghi nhận vào óc, vào tim rồi, bà khỏi bận tâm… Bà hứa với tôi nghen!

Kéo chéo khăn lau dòng nước mắt, bà nghèn nghẹn:

- Tôi hứa, mình an tâm…

Ông nán lại, thầm thì nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, bao gian lao, khó nhọc, tù đày Bác đã trải qua mà không hề sờn lòng nhụt chí. Bác là vị lãnh tụ kiệt xuất đang lãnh đạo, lèo lái con thuyền vận mệnh đất nước vượt qua phong ba bão táp. Tất cả vì nhân dân, vì Tổ quốc mến yêu, một tấm gương sáng soi đường trong bóng tối gông cùm, nô lệ…

Cuộn bức ký họa cho vào ống tre, đậy nắp kỹ, ông Hai cột miệng “bồng” mang lên vai, đứng lên hôn nhẹ mái tóc con gái, ôm bà vào đôi tay rắn rỏi, đầu hơi cúi xuống, giọng nhẹ như hơi thở:

- Mẹ con bà bảo trọng, nhớ trông chừng, giáo dục thằng Trung cho tốt… Bức họa Bác giấu cho kín. Tôi đi liền, để gần sáng tụi nó phục căng lắm. Bà…

Ông băng mình vào bóng tối, trời đổ mưa lất phất, gió xạc xào vườn chuối mé hè. Trong chiến tranh, sự rình rập, bất an luôn đè nặng, thời gian đoàn tụ gia đình rất hiếm hoi, có khi phải trả giá bằng máu, bằng sinh mạng. Đêm đó, hai mẹ con nằm phập phồng, lo lắng sợ phải nghe những tràng đạn dồn dập trên đường ông Hai đi…

Gần cuối năm 1963, Hương thoát ly công tác một đơn vị hậu cần ở Củ Chi. Bà Hai liên hệ thăm con gái được hai lần, mỗi lần đi đều mang theo bức ký họa thiêng liêng cho con xem, như lời nhắc nhở khắc cốt ghi tâm. Lần gặp sau đó vài năm, Hương khoe được cấp trên đề bạt chức Trung đội phó và được khen thưởng Huân chương giải phóng hạng ba. Con trai lớn, Nghĩa giờ là Đại đội phó, nổi tiếng đánh giặc giỏi, gan lì giống cha. Bà Hai mừng rơi nước mắt, thì thầm như nói với chồng: “Mình ơi! tôi mong gặp mình để khoe hai con mình đi đúng đường, đúng chí hướng như mình. Chắc ông cũng có một lời khen tôi biết dạy con, phải không? Bức họa Bác ở chiến trường luôn sáng soi cho gia đình mình bền gan theo

cách mạng…”.

… Tới năm 1967, nhận được hung tin bà Hai tức tốc lên Cai Lậy. Bên nấm mộ Nghĩa, bà thổn thức nghe những người dân cảm tình sống gần đó kể: “Đại đội địa phương của Nghĩa tập kích chi khu, trận đánh dữ dội, gây tổn thất cho địch rất lớn. Chừng rút ra, Nghĩa trúng thương nặng nên bị bắt. Chúng đánh đập anh tàn bạo rồi bắn chết, ném xác xuống dòng kinh ngã Năm. Tối trời, bà con lén vớt anh lên, chôn cất tử tế ở mé vườn…”. Bà Hai ngồi suốt đêm bên mộ Nghĩa, nước mắt không trào ra mà cuộn vào lòng. Gần sáng, bà lấy bức họa Bác Hồ ra, thắp nén nhang khấn con về thấy như một sự chứng giám thiêng liêng, cho vong linh con thỏa nguyện. Về đến nhà, bà ngã bệnh gần một tuần, thương con khôn xiết, lòng đau đớn thêm vì biệt tin chồng, không người chia sẻ, ủi an…

Lò muối gia đình lúc này thu gọn lại, bà Hai thuê hai người đàn bà tin cậy để cùng làm, cùng ăn, cuộc sống tạm được. Bọn lính đồn, tề xã tuy có dè chừng căn nhà thuộc loại “nghi ngờ cộng sản”, nhưng tình hình giờ không như trước: chông cắm, lựu đạn gài, đắp mô, phục kích lẻ tẻ… khiến chúng phải nhờn nhợn, ít làm khó dễ như trước. Bà con đi chợ rỉ tai nhau chuyện dân ở xóm Cầu Gừa xã B.C đào hầm hố, rào làng chiến đấu ngăn giặc càn, chuyện ấp chiến lược gom dân ở xã T.T đêm đêm bị phá vỡ từng mảng, rất nhiều chuyện được kể ra với nỗi mừng vui phong trào từng bước dâng cao, phát triển. Cùng năm, bà Hai được tin Hương sắp tuyên hôn với một chiến sĩ cùng đơn vị. Niềm vui con gái có đôi có bạn giúp bà nguôi ngoai nỗi buồn mất Nghĩa. Bức ký họa Bác cuộn trong ống tre luôn chuyển giấu nhiều nơi thật kín đáo. Mỗi lần giở ra xem, lòng bà Hai luôn trào dâng cảm xúc, được tiếp thêm nghị lực vượt qua vô vàn thử thách khắc nghiệt của cuộc chiến. Đau thương không dừng lại. Nhận được thư của Hương báo tin đã có thai ba tháng, bà luôn hình dung đứa cháu ngoại mình ra đời trong hầm địa đạo và sẽ trưởng thành trong khói bom lửa đạn. Hẳn nó sẽ dày dạn, cứng cáp như cả gia đình bà. Nhưng trong trận tiến công Tết Mậu Thân, cả Hương cùng chồng - người con rể bà chưa lần gặp mặt - bị đợt mưa bom vùi mất xác. Trái tim bà như bị bóp nghẹt, lòng đau như cắt, nhớ đứa con gái hiền lành, mộc mạc như đồng lúa vườn xanh, thương chồng nó, thương con nó hòa tan xương thịt trong lòng đất quê hương bởi bom đạn giặc thù…

…Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam lặp đi lặp lại bản tin Bác Hồ mất, bà Hai lại sụt sùi suốt buổi. Bà không biết nhiều câu chuyện về Bác, nhưng tấm lòng Bác bao la, luôn hướng về miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, “Miền Nam trong trái tim tôi” là bà không quên. Đêm khuya, bà soạn tìm tấm hình hồi nhỏ Hương chụp chung với anh Nghĩa ra lập bàn thờ. Rồi bà lần mò ra bụi trâm bầu, mở hầm lấy bức họa Bác Hồ vào treo bên trên. Đốt ba cây nhang, bà Hai bùi ngùi: “Bác ơi! Hai đứa con, một đứa cháu còn trong bụng mẹ đã hy sinh rồi… Tụi nó hiến dâng thân xác cho cách mạng, cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, không có gì phải hối tiếc”. Miệng rì rầm mà nước mắt bà Hai tuôn dài. Thằng Trung lúc này khá lớn, nó lặng lẽ từ buồng trong bước ra ôm bà khóc theo. Tiếng đại bác xa xa vọng về, âm thanh ùng oằng đầy đe dọa rợn người…

Chuyện không may lại đến. Ông Hai trong một lần cải trang công tác ở Cao Lãnh đã bị địch bắt qua chỉ điểm của một tên chiêu hồi. Chúng giam cầm, khai thác tin tức bằng nhiều thủ đoạn: mua chuộc, tra tấn… suốt nửa tháng không moi từ ông được lời nào, đành giải lên trại giam Cần Thơ. Hay tin muộn, bà rụng rời lên thăm chồng. Nhìn ông gầy gò, quần áo rách bươm, mặt mày thâm tím, chỉ có ánh mắt là vẫn mạnh mẽ, kiên cường. Hai bàn tay đan vào nhau qua ô cửa sắt, ông bình tĩnh hỏi han cuộc sống gia đình, khuyên bà kiên gan bền chí. Tên lính gác vừa quay đi, ông thì thầm:

- Tôi hay chuyện thằng Nghĩa, con Hương rồi… coi như nợ nước vuông tròn, bà chớ buồn nhiều. Mà này, đừng khóc để nghe dặn. Tôi có mệnh hệ gì, mỗi khi nhớ tới tôi thì lấy bức ký họa Bác Hồ ra xem, coi như tôi vẫn kề cận bên mình… Chừng nào thắng lợi, bà lập bàn thờ Bác cho đàng hoàng. Thôi… bà về đi, đừng để tụi giặc thấy mình bi lụy!

Đầu năm 1970, bà gói ghém lên thăm ông vì nghe tin có đợt đưa tù nhân chính trị ra ngoài Côn Đảo. Chẳng biết ở khám Cần Thơ ông giữ khí tiết đến mức nào mà khi gởi ít thức ăn cùng bó rau muống vào, một người lính gác đã bảo nhỏ với ông:

- Rau muống của mình thì mình ăn, đừng bỏ sót nghe chú Hai!

Lúc đó bà như nín thở, tâm trạng đầy lo âu. Ông thản nhiên gật đầu, nhìn người lính và nói hai tiếng: “Cảm ơn!". Có một lá thư mật đàng mình gởi động viên ông, được se nhỏ nhét giữa đoạn rau muống. Chắc người lính ấy khi lục soát theo thủ tục đã biết nhưng vẫn giữ kín chuyện. Suốt mấy mươi năm cho tới giờ bà cũng không hiểu được anh ta là cơ sở phía mình cài vào hay vì sự kính phục, nể trọng ông Hai, một người cộng sản bất khuất? Tháng 5, bà Hai trở lên Cần Thơ, nhưng lần này là để… nhận xác chồng. Bọn giặc hành hạ ông đến mức sức tàn lực kiệt mà chết. Bà tẩn liệm ông tại chỗ, thuê xe chở quan tài thẳng về Gò Công, không rơi giọt nước mắt nào trước sự ngạc nhiên đến sửng sốt của tụi chỉ huy trại giam. Nghe chúng loáng thoáng xì xào gọi ông bằng tên Hai Muối, Hai Đởm… gì đó, thì ra cho tới lúc ông mất chúng vẫn không khai thác được gì nhiều về ông, kể cả tên thật. Xe về tới Mỹ Tho, không còn kìm được nữa, bà thả lòng khóc ngất. Chôn cất chồng xong, nhà chỉ còn một mẹ một con, đìu hiu quạnh quẽ quá chừng. Đóng cửa lò muối, bà mở tiệm tạp hóa nhỏ đủ nuôi sống hai mẹ con. Đêm đêm nhìn bàn thờ ba cha con, trái tim bà chùng xuống, nhớ hơi hướm, cử chỉ, lời nói, tiếng cười… từng người. Buồn lắm, nhưng bà nhớ câu ông nói khi thăm ở trại giam Cần Thơ: “… đừng để tụi giặc thấy mình bi lụy!” để mà thầm tự hào. Bức ký họa Bác Hồ được giấu giữa hai bức vách ngụy trang, lâu lâu có dịp bà mang ra nhìn ngắm, để rồi thì thầm nói đủ chuyện với chồng, với con. Thâm tâm bà Hai như muốn gởi gắm tâm trạng mình với vị cha già dân tộc, Bác Hồ kính yêu. Bác ngồi đó ở mặt trận, dáng nghiêng nghiêng cương nghị, ánh mắt đăm chiêu nghiên cứu kế hoạch quyết thắng trong chiến dịch Biên giới 1950. Bà nhớ lại câu ông an ủi lúc nói về chuyện hai anh em Nghĩa, Hương hy sinh: “Theo đuổi lý tưởng giành độc lập, tự do thì có tù đày, chết chóc cũng không hề nuối tiếc… Cả miền Nam, cả nước đổ xương máu, nào phải riêng mình? Bà nên nghĩ rộng hơn. Bác Hồ đã nói “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập tự do cho Tổ quốc”. Thương con, bà nhìn ảnh Bác sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn…”.

… Bốn năm trôi qua, biết bao đổi thay, thăng trầm làng xóm vì chiến cuộc hình như đã vào giai đoạn cuối, tin thắng lợi, giải phóng khắp nơi dồn dập. Trung đã nghỉ học, ở nhà phụ giúp mẹ việc đồng áng, càng lớn càng giống tính cha, ít nói, đã nói là làm bằng được. Những ngày tháng 4 nóng bỏng, sự lúng túng, hỗn loạn trong hàng ngũ địch thấy rõ, nhiều đồn bót tự rút lui hoặc phá hủy… Đốm nhang đỏ bé nhỏ thắp vội trong đêm, trên bàn thờ ảnh Bác, ảnh chồng con, bà hình dung ra ánh đuốc Đồng khởi mười lăm năm trước, ngọn lửa đấu tranh sẽ bùng lên xóa bỏ cường quyền, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Như lời Bác “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước tôi được hoàn toàn độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc…”. Bà Hai thầm cảm ơn người chồng giỏi giang, am hiểu giúp bà thuộc nằm lòng những câu Bác nói, những lời Bác dạy…

Đang ngồi nhẩm tính cho ngày giỗ lần thứ năm cho chồng sắp tới, Trung ùa vào như cơn lốc, thở hổn hển trong câu nói đứt quảng:

- Má mở ra-dô nghe đi! Quân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam… Sài Gòn đầu hàng rồi má ơi!

Bà Hai đưa tay chặn ngực, ánh mắt như nhòa màn sương, lắp bắp:

- Tới rồi hả con, má mừng quá… Trời ơi! Ước chi ba mày, anh chị mày còn để thấy được ngày này…

Đội cái mũ tai bèo lên, Trung ôm vai mẹ:

- Con xuống Gò Công phụ các chú thu dọn, tiếp quản, tụi lính tráng đầu hàng bỏ súng ống hàng đống… Có mấy bác trên Mỹ Tho hỏi thăm má, hẹn quởn ghé thăm. Con đi theo luôn nghen má!

Ngoài đường người xe dập dìu, cờ Giải phóng phất vẫy như đem đến làn gió mới, làn gió cách mạng đổi đời. Tiếng loa phóng thanh đọc đi đọc lại những thông báo số 1, số 2… kêu gọi ổn định trị an, hướng dẫn tiếp quản, trình diện… Bà Hai ra nhà sau, lấy cái ống tre đã gìn giữ suốt 15 năm trời đặt lên bàn. Giờ thì bà đã có thể chậm rãi vuốt ve, nhìn ngắm bức ký họa Bác Hồ giữa ban ngày, giữa lấp loáng cờ bay với tinh thần bình thản, an vui. Lồng bức ký họa vào khung kính, bà Hai run run treo bên trên, chỗ trang trọng nhất. Thắp mấy nén nhang, bà lâm râm khấn vái: “Bác ơi! Có linh thiêng xin chứng giám cho tấm lòng…”. Quay sang ảnh chồng, bà run giọng: “Mình ơi! Tôi đã hoàn thành tâm nguyện của mình, trong đó có máu xương của ba cha con đóng góp, của chồng con Hương cùng đứa cháu ngoại chưa biết mặt”. Đôi dòng lệ lăn dài trên má, bà Hai nhìn lên. Bác ngồi đó trong chiến dịch, dáng nghiêng nghiêng trầm tư suy nghĩ, hai khuy áo cổ không cài, quần xăn quá gối, gian khổ cùng nhân dân sớt chia, chịu đựng… Tựa như khí thế bừng bừng cả nước đứng lên, cả nước chiến đấu để giành độc lập, thống nhất qua hình ảnh thiêng liêng, tấm gương cao cả của Bác. Quá khứ! Bao nhiêu đêm ngày đấu tranh, bao nhiêu máu xương của muôn vạn người đã đổ xuống mảnh đất quê hương một thời lửa đạn? Không bao giờ được quên những người mình yêu quý, bà tự nhủ. Kỷ vật theo suốt những hy sinh, mất mát của gia đình bác Hai sẽ còn được lưu giữ mãi. Bức ký họa Bác Hồ!

Tác giả bài viết: Nguyễn Kim

Nguồn tin: VNTG số 54