Bác

Bác
Nếu ta vào viện bảo tàng để tìm lại Bác năm xưa
Ta sẽ băn khoăn vì kỷ vật Người dành cho ta ít quá
Xin ai đừng lầm dòng nước để lại những hòn cuội ven sông với phù sa về biển cả
Bác có trong mỗi cuộc đời, ai cũng dễ nhận ra!

Nếu ta vào viện bảo tàng để tìm lại anh Ba
Không dễ dàng đâu vì người thủy thủ ấy ra đi chỉ có tình thương để lại
Anh Ba không muốn sau này con cháu phải lập những đền thờ như những vị vua xưa để hàng năm cúng bái
Chúng ta không buồn vì con người uyên bác ấy đã từ chối mọi vinh hoa

Nếu hôm nay trong bữa cơm ta có khi thiếu mặn vị cà
Bởi quên món ăn thường ngày của Người, ta có thêm thịt cá
Có khi ta quên chiếc quạt mo cau Người dùng trong mùa hạ
Xa những năm ba mươi.
Nhưng xin ai đừng quên từ đó mới ra mình

Đất nước xưa buồn – dù đất nước đẹp xinh
Ta biết có trời xanh nhưng không dám bay lên mà làm con cá quẫy

Người hóa thân cho ta, nên núi sông hôm nay ta được thấy
Trăng và hoa. Câu hát lộng trang đời

Dù ở nơi đâu ta cũng gặp được Người
Không phải vì thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đến năm châu nên không có ai trong thời đại này xa lạ
Mà Người có trong mỗi cuộc đời uốn nắn lỗi lầm ta
Người đọc được những buồn đau, mơ ước mỗi căn nhà

Ta không lạ Người đến đón giao thừa ở những gia đình Hà Nội
Bà cụ thiếu bánh chưng mừng xuân được ân cần Người hỏi
Cháu bé áo không lành, Người vội viết thư thăm
Nên ta hiểu vì sao đêm Bác chẳng yên nằm

Khi ta đặt lòng ta với vòng hoa về bên linh cữu Bác
Là ta nói với Người không chỉ lời thương tiếc, ghi ơn
Là ta nói bước ta đi - Người đã chỉ: CON ĐƯỜNG
Đừng nhỏ lệ khóc than, Người muốn thế!

Nếu ta vào viện bảo tàng hãy nghe tiếng thời gian đã kể
Vì kỷ vật còn đây không thể nói hết được về Người
Bảy mươi chín mùa xuân - Người là mặt trời, là tinh hoa. Hơn thế,
Cho mỗi chúng ta, lớp cháu con - trong sáng cuộc đời!

Tác giả bài viết: Hoài Giang

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 30