Thuốc lá

1.Chờ đến giờ G bỏ thuốc, Bà Vân, vợ ông cụ bị sẵn cho ông chai Boni - Smok (nước súc miệng kháng thuốc), hộp kẹo Gum không đường (dùng ngậm quên thuốc). Còn yếu tố thứ ba, ông nghĩ chắc chắn Ba Vĩnh nầy phải trân mình, chịu đựng! Chưa định được giờ G, Ba Vĩnh cứ sau mỗi bữa ăn, uống, đi cách hồi, lắc nhắc thẳng tới sảnh có băng ghế đá ngồi hút vài hơi thuốc. Mỗi lần ngồi sảnh rộng thênh, mát mẻ, kéo hết điếu Star (loại nhỏ), chưa vừa, nhưng kể ra lúc nhác thấy bóng bác sĩ Đỗ Đồng vào ra phòng gần sảnh nên từ một điếu phân ra hai khúc nhỏ tẳn phì phà đỡ ghiền, vừa tập tành cho quen trước khi bỏ dứt thuốc lá.
Minh họa: Thanh Tiên

Đỗ Đồng chúa ghét thuốc lá, qua cô y tá phòng 45B Siêu âm gắng sức, tim gan phèo phổi ruột gan Ba Vĩnh rách bươm do thuốc lá. Tiếp xúc Ba Vĩnh, Đỗ Đồng thường phất nhẹ bàn tay qua cánh mũi như xua đuổi mùi thuốc lá dính từ người Ba Vĩnh phả ra. Dáng cao ráo, bảnh trai, áo blouse trắng thẳng thớm, đặc biệt mái tóc đuôi gà dựng ngược sập sải đi lối ngoài, Ba Vĩnh luồn lách ngõ trong, thấy Đỗ Đồng vào thang máy, lập tức, Ba Vĩnh khựng lại rẽ lối khác. Hố ngăn cách giữa bệnh nhân Ba Vĩnh và Đỗ Đồng càng khoét rộng ra do một hôm Đỗ Đồng ghé phòng Ba Vĩnh (430 Tim mạch): “Ông đã bị tắc động mạch chân trái, hẹp 60% động mạch chân phải mà còn dám hút thuốc, cưa chân như chơi, đa. Ông muốn cái nào? Cưa hai chân?”. Đỗ Đồng nói thẳng bản mặt dù bác sĩ dư biết Ba Vĩnh không ưa gì mình. Ba Vĩnh bĩu môi, suýt chút nữa không nén được cơn giận dữ, nói: “Bây giờ các anh sướng quá ha, biết gì về chiến tranh; biết gì lúc chạy vào rừng sâu lánh giặc, dùng miểng dùa thay chén bát ăn cơm; không biết chút nhớ nhà; không biết chút lạnh lẽo ngồi chiến hào, thèm thuốc, huống hồ xông vào mùi tử khí giành giật từng xác đồng đội với giặc, với đàn quạ đen? Các anh sướng, sinh hư!”. Nhưng Ba Vĩnh kịp thì nén lại...

2- Mười chín tuổi, Ba Vĩnh vọc vạch thuốc lá. Rời ghế nhà trường đi theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ba Vĩnh về quê làm thầy giáo dạy lớp Nhất bậc Tiểu học (trong lúc cả vùng nông thôn rộng lớn 2 tỉnh không có lớp Nhất, Nhì) tại ngôi trường tọa lạc một góc rừng U Minh. Đứa học trò tuổi tác xấp xỉ thầy thường rút trong túi áo ra điếu Ru by (cái vàng) ngắt làm ba khúc, vấn lại thành điếu mời thầy hút hít cho qua buổi trưa ướt át, lạnh lẽo trong màn sương mỏng giữa rừng. Trên đường vào vùng phụ cận Sài Gòn, trước khi đánh thọc sâu vào nội ô, mới tới Củ Chi, Bến Dược, hết gạo ăn, hết thuốc hút, Ba Vĩnh nhịn thuốc, cắt lá tàu bay mọc đầy theo hố bom đem luộc ăn thay cơm. Địch mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, nhốt mấy sư đoàn lính ngụy vùng 4 chiến thuật trong rừng, cơ quan Ba Vĩnh mắc nghẽn tại Co Xáng. Hết gạo ăn. Hết thuốc hút. Lấy chuối, khoai, thay gạo. Nhặt lá kò ke phơi khô làm thuốc hút. Nếu không có lá kò ke phơi khô, không có mấy tấp thuốc rê mang theo làm gì xua tan được muỗi mòng khi Ba Vĩnh ăn ở trong lán trại, hoặc ngồi “ị” trên chảng ba cây tràm lẻ giữa rừng. Loay hoay trước sân cơ quan lỗ chỗ hố bom, Ba Vĩnh tẩn mẩn vấn từng điếu thuốc hút bằng lá kò ke giữa ba bên bốn phía là thương bệnh binh chìa tay xin ông cho kéo một hơi thuốc. Chỉ là hơi lá phơi khô châm lửa, hít vào trống rỗng nhưng nhờ tàn lửa lập lòe, mỗi lần kéo hơi thuốc, mỗi lần thấy gương mặt mỗi anh chàng rạng ngời, sáng lên....

Sau chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, địch huy động hạm đội nhỏ trên sông bao vây phong tỏa 3 xã vùng rừng ngập mặn, Ba Vĩnh làm cán bộ Huyện Đội phụ trách một người đàn bà góa làm Cù lao trưởng cù lao Ông Hổ. Cù lao trưởng cù lao Ông Hổ đào hầm bí mật trong nhà, lo ngày hai bữa cơm, xuất hai bao thuốc lá cái đen cho Ba Vĩnh nằm gai nếm mật ròng rã hai năm phá kềm, gỡ mảng...

Giải phóng, khi sáp nhập cù lao Ông Hổ vào đất liền, làm Bí thư Huyện ủy, đúng lúc Ba Vĩnh ghiền thuốc nặng. (Nay tuổi 75; vọc vạch thuốc lá năm 19 ruổi; Ba Vĩnh có 56 năm hút thuốc lá). Hút tạp nham đủ loại thuốc lá có mặt trên đời: thuốc cái đen, cái vàng, thuốc tấp Hồng Ngự, Cao Lãnh, lá kò ke phơi khô, thuốc gò gói lá môn, lá chuối; thuốc gò tẩm mật ong, tẩm đường, tẩm trà... Hút đã thèm thời mưa bom bão đạn. Hút suốt thời bình... Sáng, trưa, chiều, tối, rượu tàn, chiều tàn, hút tá lả... Thế nên nghĩ nhớ tới giờ G, giờ sập trời, bỏ hẳn thuốc lá, Ba Vĩnh nghe ớn lạnh sau sống lưng...

Lịch giải phẩu: 18/5: (thứ hai) Ba Vĩnh chọn khi mổ xẻ, trong cơn đau ê ẩm, váng vất, bỏ thuốc, quên thuốc, tuyệt vời. Bí quyết ở lòng dũng cảm. Không chậm trễ được nữa, Đỗ Đồng cho người đóng dán tấm bảng bự chảng ngay sảnh lâu nay ngồi hút thuốc. NĐ Chính phủ số 176/2013 hẳn hoi, “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá trong công viên bệnh viện”. Chưa thôi, Đỗ Đồng còn thông đồng với phòng bảo vệ, văn phòng, khiến những băng ghế đá đặt trong lùm cây kiểng, đường ngang ngõ tắt dưới tầng trệt chỗ nào cũng trông thấy bảo vệ đứng gác. Nghĩa là bí đường. Người hút thuốc lá không khác một kẻ tội đồ trà trộn trong khuôn viên bệnh viện. Ba Vĩnh tự ái. Phải quyết tử bỏ thuốc thôi!

Bước về phòng tim mạch, Ba Vĩnh thưa thiệt với hai bệnh nhân nằm chung phòng “Không giấu gì hai ông em. Anh ghiền thuốc lá. Mai lên bàn mổ. Xin phép hai em sáng sớm anh hé cửa hông cầu tắm, đứng nhổm chân lên, kéo nửa điếu thuốc để chịu đựng. Nửa điếu thôi. Tránh mấy đứa Y tá thức sớm đo huyết áp cho bệnh nhân. Cám ơn trước nghen”. Hai người đàn ông chung phòng Ba Vĩnh nhìn nhau gật đầu cười khúc kha khúc khích...

3- Sắp tới giờ G, bỏ thuốc, không may, bệnh nhân Ba Vĩnh bị té cầu do làm vệ sinh cá nhân. Chân cẳng tím tái, đau nhức rụng rời. Người Ba Vĩnh suy sụp hẳn phải chống chọi với bệnh tật đau đớn sáng đêm không ngủ. Sáng dậy, Ba Vĩnh quên bẵng việc xin phép hai ông em chung phòng Tim mạch cho hé cửa hông cầu tắm hút hít nửa điếu thuốc. Ngồi xe lăn lên tầng 6, phòng mổ, Ba Vĩnh lấy làm tiếc rẻ trước giờ G, không hút được thuốc. Đành vậy thôi.

9 giờ, ca phẩu thuật tắc động mạch chân trái lần 3 bắt đầu. Quen cảnh mổ xẻ, Ba Vĩnh nằm dạng hai chân tự nhiên trên bàn mổ, kéo ngang mặt tấm chắn màu xanh đen khiến bóng tối trước mặt ông chập chùng. Không nhìn thấy bằng mắt, cảm giác bằng tai, sau một hồi tập trung nghe ngóng, Ba Vĩnh phát hiện ra hai bác sĩ tham gia ca mổ. Một người quen, nghe tiếng đã biết, bác sĩ Quế, ăn nói nhỏ nhẹ. Ông mừng. Nhưng người thứ hai, trẻ, lạ, là ai, có phải chăng bác sĩ Đỗ Đồng hay phẩy nhẹ bàn tay qua cánh mũi?

Ba Vĩnh nằm một chỗ không nhúc nhích, cục cựa. Sau khi y tá tiêm mũi thuốc tê vào đốt sống lưng, Ba Vĩnh nghe như đi trong gió. Gió lên ràn rạt. Gió đẩy đưa ông ra tới cù lao Ông Hổ. Người đàn bà trưởng cù lao Ông Hổ cắc ca cắc củm giở lú bắt tôm bán lấy tiền mua từng gói thuốc lá cái đen cho ông hút, đang đứng nhìn ông cười. Nhưng cớ sao ông lại bỏ bà, bỏ cù lao Ông Hổ bay đi đâu mà gặp bác sĩ Đỗ Đồng bước ngược chiều? Tóc đuôi gà dựng sau ót rung rinh, rung rinh. Đỗ Đồng khi qua mặt ông đưa một bàn tay phẩy nhẹ qua cánh mũi làm Ba Vĩnh giận run người, một cánh tay vung ra chạm vào người đang cầm dao, cầm kéo niểng nhẹ mái đầu sang bên. Tấm chắn sập xuống: Không phải người có mái tóc dựng ngược như ông tưởng. Một mái tóc hoa râm, dày. Ba Vĩnh trố mắt nhìn. Cả hai bác sĩ tham gia ca mổ không một ai là Đỗ Đồng! Ba Vĩnh thở phào nhẹ nhõm...

Cơ hội vàng, Ba Vĩnh soát lại hai vết đau trên cơ thể: chỗ thắt lưng và khớp gối chân trái như có dao kéo chạm vào, cảm giác có ai ngồi tẩn mẩn khâu lại vết thương. Giọng bác sĩ Quế thốt lên, ấm áp: “Có đau không, ông Ba, nói?”. Ba Vĩnh đáp: “Không”,“Không”. Chốc chốc, vẫn bác sĩ Quế hỏi: “Ông Ba có đau không, nói”. Ba Vĩnh tự nhiên đáp: “Không”, “không”.

Chẳng có cơn gió nào đẩy đưa Ba Vĩnh về cù lao Ông Hổ, 2 giờ đêm tỉnh dậy, ông Ba thấy mình nằm trơ trọi trong phòng hồi sức xa lạ đến đỗi không kê mặt bàn để chai nước uống. Môi ông khô khốc, mấp máy thèm giọt nước, trong lúc không cho phép ông dịch người ra khỏi chỗ nào khác hơn vì bởi dây truyền dịch, dây dẫn nước thải vướng vít, ràng rịt lấy thân hình ốm yếu của ông.

Nằm vật vờ nhìn lên trần nhà một lúc lâu, Ba Vĩnh cảm thấy lồng ngực trống huơ trống hoác, thắt tha thắt thẻo. Như có vật gì thèm khát bò qua gây đau đau trên ngực, nhoi nhói lên tận óc, giống như một cơn ghiền thuốc lá bất ngờ ập tới xâm chiếm lấy ông. Ước gì có nửa điếu Star hít vài hơi, tuyệt? Nhưng thuốc đâu hút? Bà Vân, vợ ông đã cất giấu gói thuốc lá từ lúc ông sắp lên bàn mổ.

Vừa nói, ông vừa đưa tay lục lọi trong túi áo trên ngực. Không có vật gì trong túi để ông tìm.Tự nhiên Ba Vĩnh đứng vụt dậy, vuột ra khỏi kim chích, dây chạc, bước loạng choạng tới ngồi tỉnh bơ trên ghế đá trước cửa phòng hồi sức. Điếu Star (loại nhỏ) có lẽ từ chỗ Bà Vân bay tới cháy đỏ trên môi ông. Bà Vân là thế, nửa muốn cho ông chồng dứt ra khỏi thuốc lá, nửa mềm lòng không chịu đựng nổi những cơn ghiền thuốc ập tới khiến ông choáng ngợp, quằn quại. Chỉ có những người Y tá trực đêm mới túm được ông, mang ông trả lại vị trí cũ.

Nằm trân mình nhìn lên trần nhà, khi viên kẹo Gum bã ra, vo tròn đầu lưỡi, tan đi, cơn nghiện thuốc bùng lên dữ dội khiến ngực ông se sắc, mặt đờ ra nhìn chai nước biển sủi bọt đang rơi xuống giữa đêm sâu từng giọt, từng giọt. Lạ kia, dưới đáy chai nước biển sủi bọt hiện ra loài cá hủn hỉn với hai vành tai quạt quạt nước. Không rời đàn cá lộn nhào dưới đáy chai, nhìn thật kỹ, ông thốt lên vừa đủ cho bà nghe: “Bà Vân ơi, Bà Vân... Cá lội, cá bơi, thấy không? Cá...”.

Nhỏ hơn ông một con giáp, là gái lỡ thời, xinh xẻo, nhưng nay đã hóa thành một bà già sáu mươi tiều tụy do ăn cơm hộp, ngủ nền gạch dưới chân giường mấy tháng trời nuôi ông, bà lận trong cặp xách tay lấy ra cặp kiếng làn trồng lên mũi săm soi chai nước biển hồi lâu, nói: “Cá đâu mà cá chui vào đây được hởi ông? Trời đất. Ông ngủ được rồi, ngủ đi ông...”. Tiếng bà nhẹ hơ nhẹ hửng gợi ông nhớ giọng nói của bà trưởng cù lao Ông Hổ trong gió. Đặc biệt lúc bà trưởng cù lao ngồi niểng một bên người, tóc gội nước trái bồ kết nấu chín, lõa xõa, ngắm ngó coi ông hút thuốc. Năm dợm đóng bót cù lao, giặc rải mìn li-mo dày đặc trên bờ, trên sân. Ba Vĩnh được tổ chức sắp xếp tạm về đất liền, bà trưởng cù lao Ông Hổ một tấc không đi, một ly không rời bám lấy cù lao Ông Hổ. Bà đi đặt lú bắt tôm bán kiếm tiền mua thuốc cho ông hút như thường lệ bị giẫm phải trái mìn li - mo phơi xác gần đám lá tối trời! Hạm đội nhỏ trên sông vây chặt cù lao, không thể cắt được đường máu ra lấy xác bà, ông Ba Vĩnh khóc ngằn ngặt, sau đó tự nấu mâm cơm cúng vái bà trưởng cù lao Ông Hổ phù hộ ông vượt qua khúc quanh cù lao Ông Hổ sắp chìm vào bóng đêm...

Hủ hỉ với bà Vân, Ba Vĩnh quên mất thuốc lá 5, 10 phút; nhớ tới trưởng cù lao Ông Hổ một mực yêu nước, thương chồng, ông quên thuốc lá một lúc lâu. Súc miệng chai Boni - Smok ngày bốn bận, ngậm kẹo Gum liên miên, không làm sao quên được thuốc. Mỗi lần lên cơn ghiền, mỗi lần choáng ngợp, trân mình chịu đựng...

4- Qua 5 hôm trên lầu 6, Ba Vĩnh được chuyển xuống lầu 3, Khoa Tim mạch. Lối xưa chốn cũ là đây! Nguồn cảm hứng sáng tác nhiều bài thơ nói về sự chịu đựng của Khoa Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất là đây, nơi ông ca cẩm hết mình nết na nhã nhặn, quí mến bệnh nhân của bác sĩ Đỗ Kim Quế, Bùi Thị Cẩm Bình, Văn Thị Ngọc Uyên... cũng là đây. (Tuyệt nhiên, tập Nhật ký không đá động tới bác sĩ Đỗ Đồng). Đặc biệt, Khoa Tim mạch có sảnh đặt mấy băng ghế đá rộng thoáng nơi ngồi hít vài hơi thuốc, ngắm vòm trời xanh lơ thường xuất hiện những chiếc máy bay lên lên, xuống xuống sân bay Tân Sơn Nhất vui nhộn biết dường nào!

Một hôm đẩy xe lăn chở Ba Vĩnh qua ngang sảnh, tuy sảnh được treo tấm bảng “Cấm hút thuốc”, Ông Vĩnh đòi dừng và đòi cho ông kéo nửa điếu Star, Bà Vân phát hoảng mau mau đưa ông trở lại chỗ nằm. Nhưng không hiểu vì sao, cái sảnh rộng thênh thang níu kéo, ám ảnh ông lẫn bà đến vậy? Thêm một lần nữa, ông òn ỉ dụ dỗ bà thế nào, hai người ra ngồi ghế đá hướng mặt ra bầu trời xanh lơ, ông đòi bà cho ông hít vài hơi thuốc sau 20 ngày gồng mình chịu đựng, bà dại gì bỏ ra mấy năm gom củi trên rừng thiên nước độc đi thiêu bỏ một giờ, bà hoảng hồn lật đật đẩy chiếc xe lăn về chỗ cũ thà nhìn ông quằn quại, buồn rũ rượi ngồi ngóng ra chỗ có bầu trời xanh lơ...

5- Loay hoay mất biến 2 tháng đánh vật với thuốc lá, tới lúc Ba Vĩnh trở lên Sài Gòn tái khám vết thương. Thật ghét của nào trời trao của ấy, Ba Vĩnh không gặp những người ông ca cẩm trong văn chương, thay vào đó là bác sĩ trực phòng khám Đỗ Đồng?!

Nhằm ngày rằm tháng tốt, phòng khách lưa thưa khách vãn lai, đặc biệt khách Sài Thành nườm nượp đăng ký giành chỗ nghỉ dưỡng. Ba Vĩnh để ý coi tuyệt nhiên không thấy Đỗ Đồng phất nhẹ bàn tay qua cánh mũi xua đuổi mùi thuốc lá. Thời gian năm tháng làm Đỗ Đồng thay đổi tính tình chăng? Đợi đến giờ xả nghỉ, Đỗ Đồng tự nhiên day sang Ba Vĩnh, hỏi “Ông là Trần Văn Vĩnh, Ba Vĩnh? Phòng 430 Tim mạch”. Nghe Đỗ Đồng gọi đúng tên, đúng phòng, Ba Vĩnh ngồi chờ ghi toa thuốc bỗng giật mình, lên tiếng “Đúng, tôi tên Ba Vĩnh! Phòng 430 Tim mạch”.

Đỗ Đồng day nhìn thẳng vào mặt Ba Vĩnh, hỏi tiếp: "Phòng 430, nhớ ra không?". Đỗ Đồng ngưng một chút, lại tiếp: “Sao, cai thuốc được bao lâu rồi, nghe trong người có gì thay đổi không, đại ca? Báo cáo”. Ba Vĩnh tỏ ra bối rối thật sự. Ông bối rối vì sự quan tâm đặc biệt của bác sĩ Đỗ Đồng đối với ông. Bà Vân đỡ lời ông, nói: “Có cụ bị chai nước súc miệng Boni - Smok, kẹo ngậm Gum không đường làm hình thức coi chơi cho vui vậy mà, có tác dụng đấy, nhưng mọi việc đời đặt ở cái tâm con người”. Khi đó, Ba Vĩnh chưa biết trả lời sao với Đỗ Đồng cho phải lẽ, vẻ mặt pha chút bẽn lẽn phụ lời bà Vân: “2 tháng bỏ thuốc rồi chớ bộ, ít ỏi gì mấy cháu! Khổ quá đi thôi”. Đỗ Đồng bỗng lắc đầu: “1 tháng, 2 tháng, thậm chí cả năm cũng không thể nói bỏ thuốc lá được đâu”. Đỗ Đồng cởi mở gợi Ba Vĩnh vốn ăn ngay nói thiệt, kể lể có thôi có hồi sự tình 2 tháng bỏ thuốc ông bị hành hình cỡ nào nói hết ra cho bác sĩ nghe. Đỗ Đồng vô tư chừng nào, Ba Vĩnh càng ngượng ngập chừng nấy. Đứng trước con người lâu nay không thích mình, thậm chí châm chọc, ghét cay ghét đắng mình, Đỗ Đồng vô tư, điềm tĩnh hội đủ tố chất Đỗ Đồng bỗng tấm tắc khen Ba Vĩnh: “2 tháng, đã rồi, 4 tháng, 6 tháng cũng sẽ qua... Chịu đựng như ông là cừ khôi lắm đó. Bà nói đúng, mọi việc đời đặt chỗ cái tâm! Cố lên!”. Ba Vĩnh khoái ra mặt, trong bụng như mở cờ bởi việc đại sự bỏ được 2 tháng thuốc lá, chuyện được tiếp xúc thoải mái, cởi mở với đứa hay lấy tay phẩy nhẹ qua cánh mũi, thêm có mặt bà Vân chứng giám khiến ông Ba Vĩnh vui lên hơn hẳn việc ông bỏ được hai tháng thuốc lá!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 73