Một lứa bên trời

Hôm nay Giản có vé mời xem kịch, anh đã hứa sẽ về ăn cơm chiều và đưa vợ cùng đi. Thùy chăm chút các món ăn Giản thích. Cơm canh nấu xong thì chuông điện thoại reo. Tiếng Giản:

- Em ơi! Anh có việc đột xuất, em ăn cơm trước, đừng đợi nhé.

- Dạ.. – giọng Thùy hơi nghẹn, dù những việc thế này vẫn thường diễn ra.

Thùy ra ban công nhìn xuống đường, nghĩ mông lung… Mùa hè nào chị cũng đưa con về quê, lân la giữa những người thân mến cũ. Nhưng rồi trên chính mảnh đất đã sinh ra mình, ngay giữa những người đã từng nâng niu tuổi thơ mình, chị cũng nhận ra những khoảng cách không lời.

Thuở bé, Thùy có một toán bạn. Cả bọn rất thích diễn trò dưới gốc gòn cổ thụ vào những đêm sáng trăng. Thường các tích trò dựa theo những truyện cổ do thầy giáo làng kể mỗi chiều thứ bảy. Khi rã vai, thằng Min cao nhất bọn chuyên làm tướng, không tướng giặc thì tướng triều đình, thỉnh thoảng còn đóng vai hoàng tử. Vai vua phân cho Tèo Mập, vì vai vua phải có vẻ bệ vệ, không cần hoạt động nhiều, chỉ cần biết ra lệnh và chia phần sao cho công bằng là được. Con Liên xinh đẹp thường được đóng lệnh bà, hoàng hậu, quyền cắt đặt sinh sát trong tay. Con Hậu thì ngược lại, chỉ được lĩnh vai tỳ nữ, con hầu bưng bê phục vụ, món gì ngon nó được nếm trước cả vua Tèo. Thằng Tí Nhàu làm lính nhí mòn đít quần không hề thay đổi, nó thích bắt chước bộ điệu của Tôn Hành Giả, nhảy nhót múa may và rất lanh về khoản nhón đồ cao lương mỹ vị trên tay tỳ nữ Hậu. Thùy dễ thương nhất đám con gái, thường được chia vai chính, khi thì cô bé mồ côi bị gì ghẻ hắt hủi, khi thì công chúa gặp nạn được tiên cứu giúp. Những đứa bạn xưa như những chùm bông gòn trắng nõn bay khắp bốn phương trời. Bên chị, giờ chỉ còn có Giản. Nếu tình cờ gặp lại, đố ai trong toán bạn ngày nhỏ nhận ra Giản chính là cậu bé Tèo Mập. Khác hẳn thời vua Tèo chuyên ngồi ghế đầu truyền lệnh, Giản bây giờ là sếp lớn một cơ quan có cỡ – lịch lãm, hoạt bát, ra Bắc vào Nam, đi Đông về Tây như cơm bữa, nói tiếng Anh tiếng Pháp như gió với các đối tác nước ngoài. Kỷ niệm cũ vẫn được nhắc lại trong những dịp hai vợ chồng về quê dự giỗ chạp. Cả hai còn nhớ có lần bọn trẻ thử cho Thùy làm vợ vua. Bẽn lẽn ngồi bên Tèo Mập, nghe chúng bạn “muôn tâu bệ hạ và hoàng hậu”, Thùy thấy lạ tai quá, cứ chúm miệng cố nén cười.

Lớn lên, cái cười chúm miệng hóa ra lại được việc. Khách khứa ra vào nhà Thùy nườm nượp. Hôm nào vắng khách cấp cao thì cũng ít nhất mươi khách thuộc cấp của Giản. Nghe họ kể lể, báo cáo, xin xỏ gì Thùy chỉ chúm miệng tựa như sắp cười, tựa như đang có điều gì hân hoan trong lòng. Vậy mà êm xuôi, đẹp ý mọi người. Ai cũng quý phu nhân giám đốc: luôn luôn tế nhị, lịch thiệp, chưa bao giờ buông lời bình luận bừa bãi. Giản rất hài lòng về vợ. Thùy quả là của trời cho đối với mỗi người được số phận đặt trên nghìn người như anh.

Thùy cũng thấy nơi chồng sự thèm muốn hòa mình với bà con xóm mạc. Một bận kia ông anh họ sắp gả con gái lên mời vợ chồng Giản, trong câu chuyện nhẩn nha kể rằng Tí Nhàu sau quãng đời lưu lạc ở phố chợ đã quay về đình Đông trải chiếu sửa xe đạp ở gốc gòn cổ thụ, Giản có vẻ nghĩ ngợi. Lần về dự cưới đứa cháu, Giản rủ Thùy đi thăm Tí Nhàu. Bị choáng bởi dáng vẻ cao lớn và sự sang trọng của Giản, Tí Nhàu bối rối hồi lâu, mở miệng là thưa thưa dạ dạ. Giản cau mặt:

- Dạ dạ cái mốc gì! Tôi có còn đóng vua Tèo đâu mà ông thưa dạ? Nghe chán bỏ mẹ.

Tí Nhàu cười hề hề:

- Thì cái phép ở đời nó vậy.

Giản kéo Tí Nhàu ngồi xổm xuống chiếu, thân mật:

- Vợ con gì chưa? Lâu nay làm ăn ra sao?

Tí Nhàu vừa phủi phủi cái đòn ngồi mời Thùy, vừa ngượng nghịu trả lời:

- Thì tạm tạm qua ngày. Gái nào nó thèm ưng cái ngữ tui?

Giản rút bao thuốc ra mời. Tí Nhàu cầm lấy nhưng không hút ngay. Thùy lướt nhìn cái thùng đạn để mấy thứ đồ nghề lèo tèo, cái chậu nhôm méo mó đựng thứ nước thử ruột xe đục ngầu, hai bàn chân trần lấm láp miết chặt xuống mặt chiếu của Tí Nhàu, sẽ sàng hỏi:

- Anh vào Nam mấy năm có nghe tin con Hậu, con Liên không?

Thoát khỏi chuyện mình, Tí Nhàu nhanh nhảu hẳn:

- Con Liên thì không biết ở tầng trời nào! Còn con Hậu mèo mù vớ cá rán, lấy một anh chàng buôn nhôm nhựa mà giờ phất lên thành nhà doanh nghiệp to nhất nhì thế giới.

Giản bật lửa, Tí Nhàu đốt thuốc, rít một hơi dài. Thùy trố mắt:

- Doanh nghiệp gì?

- à à, thì cơ sở bán sỉ và lẻ con khỉ gió gì đó tui hổng biết kỹ – Tí Nhàu nhung nhăng – Nó với thằng chồng tính cũng sởi lởi, lâu lâu gặp tui là mời tui tới chơi, gợi ý tui giúp làm quản lý nhập xuất gì đó. Tui biết mình dở ẹc, sợ hư sự nó thành thử tui từ chối thẳng.

Giản phì cười. Chuyện phiếm một chặp, Tí Nhàu mất dần vẻ xa cách ban đầu. Khi từ giã Giản nắm tay bạn, đặt vào đó là ít tiền và bao thuốc ba số. Tí Nhàu lắc đầu quầy quậy. Giản và Thùy nói sao, Tí cũng không nhận. Thấy vợ chồng bạn chân thành quá, Tí chỉ xin Giản cái bật lửa làm kỷ niệm.

Cứ tưởng xoay lưng lại gốc gòn đình Đông, lên xe bỏ lại phía sau một đám bụi mù là Giản quên béng chuyện Tí Nhàu. Thế mà non nửa năm sau, lúc Thùy bận rộn lo tìm thầy dạy kèm cho con trai chuẩn bị thi chuyển cấp thì Giản giục vợ, nhờ người nhắn Tí Nhàu lên gặp anh:

- Để làm gì

- Anh xin cho nó chân bảo vệ ở xí nghiệp giấy, người ta ô kê rồi…

Thùy đâm lo:

- Ông ba hoa chích chòe, liệu có ảnh hưởng anh không? Giản khỏa tay:

- Chỉ lo nó không có việc, ngồi gốc gòn khổ thân. Em sợ nó ba hoa chứ gì?

- Thì ổng xưng là bạn anh.

- Bạn chớ sao! Không phải bạn anh dễ gì người ta nhận? Thùy ngơ ngác, Giản nói tiếp:

- Anh biết tính nó từ nhỏ. Siêng năng. Thật thà. Vậy là được. Mà Tí Nhàu cũng là bạn em nữa đó. Em yên chí đi!

Đó là Giản làm Thùy ngạc nhiên nhất, dù trong đời không phải đấy là lần đầu anh dang tay giúp người khác. Giữa trăm công nghìn việc, cái tình của Giản đối với Tí Nhàu đã cho Thùy thấy rằng ông vua Tèo đa cảm của tuổi thơ không hề mất. Chỉ có điều hình như Giản đã tính nhầm, Tí Nhàu lên nhận việc được mấy tháng, bỗng một hôm tới nhà ngồi đợi Giản, vừa thấy mặt đã bô bô:

- Tui báo ông thôi làm bảo vệ.

- Có chuyện rắc rối hử? – Giản hỏi.

- Không không. Thì ông cứ cởi áo đi đã. Tui ở đây hổng quen. Về quê mát thân hơn. Với lại… về kiếm chút vợ.

- Hơ hơ, ở đây ông cũng kiếm được vợ chứ sao! Có gì vướng mắc nói tôi nghe thử? Giả như ông phải lòng ai, tôi giúp.

- Không đâu mà. Tui cù lần ai họ ngó tới chi cho mệt. Chẳng qua… với lại…

- Chỗ bạn bè, ông có gì khó xử mà còn giấu tôi? – Giản hỏi, giọng nhỏ, không nén được xúc động.

Tí Nhàu thở dài:

- Khó xử gì đâu! Ông Giản nè, ông còn nhớ cái bữa ông cho tui theo nhậu ở bến Diêu Đài không? Cái bữa có ông chuyên gia cấp cao gì đó mà. Nhớ rồi hả? Ông đọc thơ. Chuyện thơ phú thì tui dốt nên nghe lõm bõm thôi, nhưng có câu chuyện ổng nói sao tui không quên được. ổng kể mỗi lần về quê, ổng lại đòi bà mẹ già nấu canh rau tập tàng. Không tìm đâu ra tôm thịt, mẹ ổng chỉ nêm chút muối mắm mà ăn hết nồi canh ổng chưa đã thèm. Ông xin mẹ một rổ rau để mang theo. Khi xe về tới thành phố rau còn tươi xanh. Vợ ổng nấu với tôm nhưng dọn chẳng ai thèm ăn. ổng ăn cũng không thấy ngon nữa. Không phải vợ ổng không biết nấu, mà vì rau tập tàng ở phố trở nên lạc lõng. ổng nói nhún rằng thơ ổng chẳng qua một thứ rau quê. Người ta sống lên voi xuống chó, mới thấm lẽ đời như vậy. Tui phục. Tui cũng là một thứ rau quê, ông Giản à.

Giản kinh ngạc nhìn bạn. Bầu tâm sự đã hé mở. ở các cơ quan xí nghiệp, thượng đế vào cửa cũng phải qua bảo vệ. Trong hàng ngàn thượng đế, có một vị đồng hương với Tí Nhàu. Ngày xưa mẹ Tí Nhàu gánh nước và giặt đồ thuê cho các nhà giàu ở làng, trong đó có nhà lão địa chủ Trị, cha đẻ ra vị thượng đế nói trên. Vị thượng đế nhận ra Tí Nhàu, và Tí Nhàu cũng lập tức biết hắn là ai. Xong một tua gặp gỡ, giám đốc xí nghiệp giấy tiễn chân hắn, hắn nhơn nhơn vỗ vai Tí Nhàu qua ô cửa bảo vệ, khoe: “Hồi xưa mẹ thằng này giúp việc cho ông bà cụ tôi. Nó hay theo mẹ. Bữa nọ bà cụ tôi cho nó tô cơm nguội với miếng thịt sườn. Nó ăn cơm suông ông ạ. Hết cơm mới ăn tới thịt. ăn xong nó lăn ra cái phản chiếc sau chái nằm xem mẹ nó giặt đồ cho kịp nắng. Mẹ nó giặt xong, gọi con không nghe thưa, tới bên thì thấy cu cậu ngủ say, miệng còn ngậm lẻ xương sườn mút lấy mút để như con nít mút sữa”. Nói đoạn thượng đế cười ha ha ha. Tí Nhàu muốn độn thổ. – Thế giám đốc ông bảo sao? – Giản hỏi – ổng chẳng bảo sao cả. Chắc là ổng khinh tui mà không nỡ nóiổng chẳng bảo sao cả. Chắc là ổng khinh tui mà không nỡ nói – Bậy nào, đừng đoán non đoán già. Thùy ở gian trong, nghe đến đó không kìm được bèn hỏi với ra: – Sao ông không tẩn cho thằng mất dạy kia một trận? – Bà nói chơi? Nó là khách hàng của sếp tui. Sếp tui đứng đó, tui tẩn nó để sếp tui mất mặt à? Giản xót xa: – Tí Nhàu này, ông cừ khôi lắm! Ông hơn hẳn cái thằng giẻ rách kia. Quên nó đi! Việc mình mình làm. – Thôi ông để tui thôi, kẻo gặp nó lần nữa, thối lắm!

Tưởng Tí Nhàu nói cho hả giận, không ngờ anh ta xin thôi việc về thật. Gặp lại ở quê, Tí Nhàu liếng thoắng như chim sổ lồng. Hỏi chuyện kiếm vợ, chuyện làm ăn, anh huơ tay mạnh mẽ: – Điều gì phải tới sẽ tới, lo gì. Tui được chia ruộng rồi, biết vậy cái đã.

Mông lung thả mắt theo dòng người, chợt Thùy giật mình. Có tiếng chuông gọi cửa. Vừa xuống thang chị vừa chỉnh lại nếp áo. Cánh cửa được kéo ra. Cạnh Giản là một người đàn ông kềnh càng, đầy vẻ bụi bặm, hàm râu quai nón mờ xanh viền quanh khuôn cằm bạnh. Anh ta chiếu thẳng luồng mắt vào Thùy, sửng sốt quên cả chào. Trước cái nhìn lạ thường của khách, Thùy hơi lùi lại, môi chúm một nét cười xã giao. Người đàn ông đập mạnh vai Giản:

- Thằng mắc dịch! Sao mày không nói cho tao hay Thùy là…

Thùy thốt lên:

- Min! Min phải không?

- Cô bé, cô đừng sợ ta! Ta là Min nguyên soái đây!

Thùy bật cười giòn tan. Giản kéo tay Min:

- Vô nhà đã mày, ngồi với bọn tao một lúc – Quay sang vợ, anh giục: – Dọn cơm đi em, hai thằng anh chưa có gì vào bụng.

Min bảo:

- Gọn gọn thôi nghe Thùy. Có gì ăn nấy, tôi không quen những món sang quá đâu.

Giản vừa rót rượu vừa lườm Min:

- Nè thằng giặc, tụi này chưa mất gốc đâu!

Min cười cười gọi Thùy:

- Thùy lại đây ngồi với tụi này.

- Phi tửu bất thành lễ. Nào, mừng gặp mặt! – Giản mời.

Họ cụng ly. Hai người đàn ông uống cạn. Min hỏi Thùy:

- Bất ngờ quá, phải không?

Thùy khẽ gật. Giản nói:

- Bất ngờ nhất là chuyện Liên. Nhìn thấy Liên mình bàng hoàng cả người.

- Liên đâu? Sao anh với ông Min không đưa Liên đến đây? – Thùy hỏi.

- Liên bị tâm thần, em ạ – Giản nhỏ giọng trả lời vợ.

Min nói:

- Tôi gặp Liên hết sức tình cờ. Năm ngoái tôi có việc phải ghé thị trấn G. Việc xong, tôi ngồi đợi tàu ở ga xép, đang cắm cúi đọc báo bỗng có ai giật phắt chiếc mũ trên đầu. Ai đùa lạ vậy, chắc là người quen? – tôi nghĩ vậy và ngước lên. Người quen thật, tôi nhận ra Liên ngay. Cặp mày thanh dài tưởng chỉ vuốt thêm tí nữa là chạm mép tóc mai, đôi mắt sâu, chiếc mũi hơi hếch mà thằng Tí Nhàu vẫn đùa là đựng được hàng thúng gió, cái cằm còn in vết sẹo do lần đánh nhau với con Hậu hồi nhỏ gây ra. Đúng là Liên, không lẫn được. Nhưng kìa, áo quần lôi thôi, tóc tai bơ phờ và cái nhìn dài dại, cô ấy không có vẻ gì đùa cợt hoặc nhận biết tôi là ai. Tôi gọi: Liên, sao đến nỗi này? Liên ngơ ngác, rồi thản nhiên ném chiếc mũ của tôi xuống đất, bỏ đi. Tôi đuổi theo thì Liên hớt hải bỏ chạy. Một nhân viên ga xép hỏi tôi: Anh biết bà ta à? Tôi gật đầu. Hôm đó tàu bị sự cố dọc đường nên về ga trễ. Tay nhân viên ga xép kể chuyện nhà Liên cho tôi nghe; nghe rồi tôi không tài nào ngồi đợi chuyến đi được nữa. Tìm Liên không khó lắm, nhưng đưa được cô ấy lên xe lam vào bệnh viện là cả một vấn đề. Lâu nay tôi vẫn thường nghỉ phép ra thăm nom cô ấy, nhưng không biết ông bà ở đây. Hồi trưa xem chương trình giới thiệu các nhà quản lý giỏi trên truyền hình, thoáng thấy ông Giản, tôi ngờ ngợ. Lúc sau ngó lại thì mừng hú lên. Chà, Tèo Mập chứ ai, cừ lắm! Thế là tôi đi tìm. Tìm một mà gặp cả đôi, hay quá còn gì!

Thùy nghe Min với tâm trạng xốn xang. Liên điên ư? Sao lại thế?

Thùy và Liên xa nhau dễ đã hăm lăm năm dư. Hăm lăm năm, thời gian đủ để những lứa dừa ươm trái trên mảnh đất bị chiến tranh tàn phá như quê hương họ lớn vượt thành rừng, đủ cho một thế hệ mới hoàn tất giai đoạn vào đời với ý nghĩa trưởng thành, còn đối với thế hệ Thùy và Liên thì tuổi xuân vùn vụt trôi qua. Ngần ấy thời gian, đời họ diễn ra bao thay đổi. Khi nhà Thùy tản cư ra phố thì nhà Liên vẫn bám quê bám đất. Liên yêu một người trai làng bên mồ côi cả cha lẫn mẹ. Anh đi kháng chiến chưa lâu thì cha mẹ Liên ép gả Liên cho người khác. Biết không thể làm mẹ cha đổi ý, Liên lẳng lặng trốn nhà. Hòa bình, theo gia đình về quê sống, Thùy mới hay Liên đã bỏ làng đi biệt xứ.

Bằng cách nào đó sau chiến tranh Liên tìm được người yêu cũ bị thương nặng đang điều trị tại quân y viện. Rồi họ nên vợ nên chồng, đưa nhau đến ở một thị trấn nhỏ cạnh ga xép. Thảng hoặc, Liên nhớ đến cha mẹ và ngôi làng đầy kỷ niệm, nỗi nhớ day dứt của một người nặng lỗi lầm. Cha mẹ chị hẳn đã cúi chịu bao điều tiếng trước xóm giềng họ mạc, trước ông sui và chàng rể hụt vì con gái “đi hoang”. Dù đã yên bề gia thất, chị cũng không dám nghĩ tới chuyện quay về, phần vì chồng chị người đầy thương tật, phần vì cảnh nhà chị quá túng bấn.

Lương thương binh của chồng với số tiền chạy chợ bán rau của vợ đắp đổi qua ngày. Đứa con đầu lòng vừa biết lẫy, Liên để chồng trông con, còn chị dầm sương dãi nắng mưu sinh. Chị xin quét chợ thuê vào cuối buổi để có tiền chăm chút cho chồng con, phòng khi trái gió trở trời. Chút hạnh phúc giản dị đã làm gian nhà chật của vợ chồng chị sáng bừng lên. Nhưng đứa con thứ hai của họ đã cất đi thứ ánh sáng quý giá ấy – cháu chưa kịp làm người bởi hình hài dị dạng. Chị nghĩ rằng vì mình ăn ở bất hiếu với cha mẹ nên trời phạt. Nỗi đau về đứa con vừa vơi vơi thì anh ngả bệnh. Lần này bệnh rất lạ, khắp người anh nóng ran, da nổi mẩn đỏ, vòm miệng và lưỡi lở loét, ăn uống rất khó nhọc. Chữa chạy hết tây y đến đông y, bệnh vẫn không hề suy giảm. Một bác sĩ quân y đã cho chồng Liên biết anh bị nhiễm chất độc da cam quái ác. Không đành lòng nhìn vợ hốc hác sớm khuya chắt mót từng đồng, dốc cạn mồ hôi và tâm sức vào vô vọng, anh lựa lời nói thật với vợ. Song Liên không chịu dừng. Chị càng gắng sức làm lụng để chữa bệnh cho chồng. Năm con gái đầu của Liên đến tuổi tới trường, bệnh chồng chị cũng đến hồi vô phương cứu chữa. Gian nhà chật hẹp chống chếnh khi má con chị từ nghĩa trang thất thểu quay về.

Tất cả tình yêu thương Liên dồn vào đứa con gái bé nhỏ. Chị thấp thỏm giữ gìn con như người đang nuôi một giấc mơ tuyệt đẹp sợ nó tan biến mất. Ngày ngày Liên dắt con tới tận cổng trường, nhìn theo cho đến khi cái bóng bé xíu của nó khuất ngạch cửa lớp một chị mới yên lòng ra chợ. Đi muộn về sớm, lâu dần Liên buôn bán chẳng còn được mấy đỗi. Chị mua các thứ rau ít lãi để kịp bán hết trước giờ đón con. Hôm nào cũng vậy, trống tan trường chưa nổi, bác cai già đã thấy người đàn bà này đợi ở cổng, mải miết trông về lớp học cuối dãy nọ. Con nhỏ ấy xuất hiện hầu như cùng lúc với nụ cười của má nó. Hai má con dắt nhau đi về phía chợ. Liên đặt con ngồi trên một gian sạp có mái che, âu yếm giở quà trưa cho nó rồi bắt đầu quét. Từ ngày có con gái ra ngồi đợi, Liên được nghe tiếng chổi cau xao xác trong chợ trưa im ắng, hay như một điệu nhạc mà người ta chỉ được tận hưởng trong cảnh yên hàn.

- Nào hay giọt lệ luôn theo gót nụ cười. Mấy buổi chiều liền con gái Liên sốt nhẹ. Tưởng nó cảm nắng, Liên cho uống thuốc qua loa và không dắt theo ra chợ nữa. Bớt được mươi hôm, con bé sốt trở lại. Nó bị khàn giọng và xuống sức rất nhanh, ít lâu thì mất tiếng. Chị hoảng hốt đưa con đi khám, mới hay nó bị lao thanh quản do nhiễm chất độc hóa học. Liên nghe đất sụt dưới chân mình. Chị bán hết mọi thứ còn có thể đổi ra tiền, ôm con lẽo đẽo từ nhà thương này đến nhà thương khác, song vô hiệu, thân thể nó ngày càng teo tóp lại. Bà con phường xóm thương xót, kẻ góp tiền người góp gạo cho má con chị. Tiền từ thiện đậu xuống nhà chị như muối bỏ biển. Mòn mỏi, chị bế con vào cuộc hành trình mà mỗi bước đường là thêm lo sợ đến gần kết cục.

Sau khi chôn niềm an ủi cuối cùng dưới ba thước đất, Liên qụy xuống, nước mắt trộn với mưa chan. Không ai dứt nổi chị ra khỏi phần mộ đứa con yêu dấu. Bà con chòm xóm thay nhau canh chừng và đem cơm nước cho chị. Những phần cơm mang ra mang về không suy suyển. Giữa lúc xóm giềng bàn bạc phải dùng biện pháp mạnh đưa chị về thì chị tự rời nghĩa trang, liêu xiêu trên con đường rất nhiều người qua lại. Không nhìn một ai, chốc chốc chị buông một tràng cười, những âm thanh khô và đục.

Trong gian nhà nhỏ của Liên, làn khói trầm thơm quấn quýt bay làm tan đi một phần quạnh quẽ. Cạnh bàn thờ, Giản lặng ngắm tấm ảnh người quá cố. Min đốt thuốc liên tục. Tí Nhàu đứng dựa vách, chân hất hất vào cạnh giường, chỗ Liên và Thùy đang ngồi. Chợt thấy một vật gì đó dưới chân giường, Tí Nhàu bèn cúi xuống nhặt. Thì ra là một bông hoa lưu ly mầu tím sáng thường gặp trên dây buộc tóc trẻ con. Nhìn thấy bông hoa, ánh mắt đờ đẫn của Liên vụt sáng lên, chị xòe tay ra. Tí Nhàu đặt bông hoa tím bằng thủy tinh lên đó. Liên nhìn sững bông hoa và bật khóc. Thùy reo lên:

- Các anh ơi! Con Liên nó biết rồi! Nó tỉnh rồi! Có phải không này?

Cả bọn xúm lại. Qua màn lệ, Liên nhìn từng gương mặt. ánh mắt chị dừng lại nơi Thùy. Đôi môi khô của Liên mấp máy hồi lâu không thành tiếng. Dường như tia chớp quá khứ vụt lóe lên, lời chị vỡ òa:

- Thùy ơi!

Thùy ôm vai Liên, vừa dỗ dành vừa khóc theo bạn. Những người đàn ông nghe cổ mình nghẹn lại. Min không chịu nổi bỏ ra sân. Thỉnh thoảng liếc vào trong nhà, thấy Liên và Thùy vẫn níu nhau nức nở, anh lầu bầu:

- Đàn bà!

Giản và Tí Nhàu cũng bước ra theo. Một lúc sau, tiếng nức dịu dần, nhường chỗ cho tiếng khịt mũi. Tí Nhàu nheo mắt với Min và Giản:

- Năm nay chắc lụt lớn, hê?

Ba người đàn ông chia nhau nụ cười ấm áp. Những đứa bạn lạc nhau lâu lắc, bất ngờ gặp lại, giống y những hạt gạo từ tán chợ dụm vào một góc sau cú nẩy trên sàng. Min nghếch cái hàm xanh xanh giữa nắng, như nói với vô cùng:

- Không biết bông gòn quê mình còn bay không?

Tác giả bài viết: Trần Thị Huyền Trang

Nguồn tin: Tập truyện ngắn Một lứa bên trời