Khuôn mặt

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Chúng tôi được đưa vào viếng người quá cố. Đó là một người đàn bà khoảng năm mươi, khuôn mặt xương xương, trắng bệch, hai má hơi lõm vào, thân hình gầy gò trong y phục màu đen, hai tay đặt dọc theo đùi, đôi mắt khép kín như đang ngủ. Tôi cảm thấy ớn lạnh chạy dọc theo xương sống. Hơi run, tôi liếc sang Dư đang đứng bên tôi phía dưới chân người chết. Tôi làm theo Dư, khoanh tay, cúi đầu vài phút, có lẽ là để mặc niệm. Sau đó chúng tôi lui ra, Dư nói với người đàn bà đã đón chúng tôi mấy câu chia buồn. Người đàn bà có khuôn mặt giống người chết tự giới thiệu:

- Tôi là Châu, em gái chị Tâm.
Tôi bấm tay Dư, trong khi anh vẫn hỏi han:

- Chị ấy bệnh làm sao? Mất khi nào? Chừng nào tẩm liệm? Chừng nào di quan?

Tôi lại cấu vào tay Dư và chúng tôi xin phép rút lui khi được mời trà nước.

Ra đường tôi nhắc lại mấy cái bấm tay lúc nãy. Dư cười:

- Nhỏ không biết chứ mình đi viếng đám ma, phải có thái độ cho phù hợp và hỏi han những điều cần thiết chứ?

- Nhưng mà anh có quen biết bà ấy đâu mà “đóng phim buồn”?

- Sao lại không biết? Chị Út bảo là người chết là bà con của chồng chị ấy, nằm ở bệnh viện Sài Gòn, chết, vừa chở xác về sáng nay. Cái sai của mình là đến phúng điếu khi họ chưa làm lễ nhập quan và phát tang, hiểu chưa!

Tôi vẫn thắc mắc:

- Mình đi phúng điếu chia buồn thì có gì là sai?

Dư giải thích:

- Theo tục lệ cổ truyền chỉ được phúng điếu khi người chết vào quan tài cho đến khi chôn cất, trước và sau đó không được phúng điếu, hiểu chưa?

- Nhưng em thấy họ vẫn nhận hoa và bì thư của mình đó!

- Họ nhận nhưng để ngoài cửa, chưa đưa vào phòng. Đó là họ thông cảm vì mình chưa biết lịch tang lễ của họ, với lại mình đi thay cho chị Út, một người ở xa…

Chị Út là chị bà con chú bác với tôi đang ở Sài Gòn. Người chết là con ông bác chồng chị Út. Tôi không biết chị Tâm chưa bao giờ gặp, với lại chị ấy thuộc lớp lớn mà lại sống khép kín… Người bệnh nằm Chợ Rẫy mấy tháng, qua đời, đưa về Đà Lạt cho gia đình, bà con, bạn bè thăm viếng lần cuối, hôm sau mới làm thủ tục nhập quan, cầu nguyện… Nhận được điện thoại yêu cầu, tôi cầu cứu Dư đưa tôi đi đám ma thay cho chị Út. Chúng tôi đặt hoa và mang bì thư mang tên chị Út đến tang quyến. Hóa ra chúng tôi đến sớm và tôi được một phen sợ đến lạnh người khi phải trông thấy một người chết.

- Em sợ quá! Vậy mà anh còn đứng “chiêm ngưỡng” hết người chết rồi đến người sống nữa chứ!

Tưởng Dư khó chịu vì bị tôi trêu, nhưng anh lại ôn tồn:

- Em không thấy họ rất đẹp sao?

Tôi ngạc nhiên:

- Anh nói cái chị tiếp mình hay chị đã chết?

- Cả hai. Anh thấy họ đều có một khuôn mặt đẹp, nhất là người chết. Chị ấy nằm như đang ngủ, không có gì là đau đớn, âu lo cả. Khuôn mặt dịu dàng - một khuôn mặt của nữ thánh. Đó là người tốt!

Tôi hơi khó chịu nhưng cũng phải công nhận Dư có lý khi nói về khuôn mặt hai chị em người đã chết. Người đàn bà tiếp chúng tôi có đôi mắt đen to, chiếc mũi thanh tú, đôi môi nho nhỏ mà nghiêm nghị gần như lạnh lùng. Tất cả hài hòa trên khuôn mặt trái xoan, trắng trẻo, sang trọng. Người chết cũng đẹp như vậy, nhưng lúc ấy tôi có cảm giác rờn rợn, lạnh lẽo nên không muốn đứng lâu. Tôi nói điều này, Dư bảo vì tôi mang cảm giác sợ hãi và vì chưa từng nhìn thấy người chết bao giờ chứ thật ra đó là một “xác chết đẹp”!

Nếu người nào sống đẹp, khi chết thần sắc sẽ tươi tỉnh, an nhiên thì đúng là trường hợp chị Tâm, người chết mà chúng tôi vừa viếng. Cha mẹ mất sớm, một tay chị lo lắng cho năm đứa em. Khi các em trưởng thành, chị Tâm trở thành “gái già”, nhưng là một “bà cô” được mọi người yêu mến. Sau này, không còn lo lắng về vật chất nữa, chị chuyên tâm đi cầu nguyện ở nhà thờ và làm việc từ thiện cho đến ngày bệnh và mất. Tôi đem những thông tin của chị Tâm kể cho Dư nghe. Được dịp anh chàng “khoe tài”:

- Anh nhìn người là biết tính cách họ ngay, kể cả người chết cũng không nhầm, em thấy chưa?

Những trận bão vừa qua đến thành phố cao nguyên này, chỉ còn là những cơn mưa trái giờ giấc, những cơn gió giật làm đổ cả những cây cổ thụ ven đường, rồi thôi. Thành phố chịu cảnh mưa phùn rả rích, rét mướt, ướt át mấy ngày rồi quang lại, ấm lên… Người ta đang chuẩn bị một lễ hội gì đó. Trên những cột đèn, những thân cây lớn khắp thành phố treo đầy áp phích, băng rôn khẩu hiệu…

Dư chỉ cho tôi khi đi qua quảng trường thành phố. Lại sắp lễ hội nữa đây! Hàng rào quảng trường treo kín biển quảng cáo một chương trình văn nghệ nay mai. Khuôn mặt các ngôi sao ca nhạc trong nước và hải ngoại in trên vải khổ lớn được treo giăng hàng, dọc theo quảng trường. Những hàng chữ quảng cáo màu mè, bốc thơm vô tội vạ, có những “ngôi sao ca nhạc” tên tuổi lạ hoắc, tôi chưa nghe đến bao giờ! Gió từ bờ hồ thổi tung lên, mặt các ngôi sao méo mó, dị dạng. Dư chỉ tôi:

- Bà này hát ở Sài Gòn trước bảy lăm, vượt biên sang Mỹ, bây giờ về nước thành “ngôi sao hải ngoại”. Ngày ấy, bà hát một đêm bốn phòng trà và đều khóc sướt mướt với bài hát “Thương anh lính chiến” gì đó, tức là bà khóc than, thương nhớ mấy anh binh nhì trong khi chồng bà là một đại gia, giàu có nổi tiếng. Bây giờ, em thấy khuôn mặt trung thực của bà ấy không? - Dư chỉ tôi khuôn mặt của người ca sĩ hải ngoại, cái tên bà ấy đã sáu mươi, nhưng khuôn mặt quảng cáo trẻ như một người ba mươi tuổi, đang nhìn tôi từ một mảng chân dung xanh đỏ, gió thổi phập phồng… Gì thì gì, những tấm hình quảng cáo ấy cũng tạo cho nhiều người, nhất là đám thanh niên chú ý, bình phẩm với cả sự ngưỡng mộ…

Tôi và Dư đưa chị Tâm ra nghĩa trang, không phải do yêu cầu của chị Út mà do Dư thích thế. Chúng tôi về muộn vì sau khi chôn cất chị Tâm xong, Dư còn dắt tôi dạo chơi với những ngôi mộ cũ. Nghĩa trang có hàng ngàn ngôi mộ, không cái nào giống cái nào, đều ngay ngắn, tinh tươm. Mỗi ngôi mộ là một thế giới riêng từ kiểu dáng, màu sắc cho từng tên tuổi. Hầu hết các ngôi mộ đều có hình ảnh của người đã mất. Phần mộ cô Ngọc Lan, chết năm mười chín tuổi, tấm hình trên bia là một thiếu nữ đẹp thuộc loại hoa khôi. Phần mộ cụ Lê Văn Nam nằm giữa mộ hai bà vợ và cả ba người đều đẹp lão. Dư đưa tôi đến trước mộ một cô bé chết năm mười hai tuổi. Bé Na, gia đình ở Sài Gòn, nghỉ hè về ông bà bên nội hay bên ngoại gì đó, rồi chết ở đây luôn. Dư kể, năm ngoái, ngày nào trên mộ cô bé cũng có hoa mới, toàn hoa trắng, khi là lys, khi là hồng trắng, khi là hoa cúc, khi là margarit… Trên bia trắng là ảnh một cô bé rất dễ thương như thiên thần, đôi mắt đen, mở to, đang mỉm cười rất tươi. Ngôi mộ của bé Na nhỏ nhắn bằng đá mài trắng, hàng rào sắt chung quanh cũng sơn màu trắng… Dư bảo đó là những “người quen” mà anh thường viếng thăm mỗi khi đến nghĩa trang này. Dư còn dắt tôi đến xem một ngôi mộ to như một dinh thự, có cọp, có rồng, có cây kiểng như công viên. Dư bảo đó là mộ ông Nguyễn Hương, một tỷ phú, tự tử chết vì bà vợ ngoại tình với một người làm công trẻ tuổi. Bà vợ đã bỏ ra hàng mấy chục cây vàng để xây dựng khu mộ hoành tráng vào bậc nhất… Bây giờ nghĩa trang có thêm chị Tâm!

Tôi nhắn tin, Dư đến ngay.

- Có gì không?

- Chẳng có gì cả, gặp nhau một chút cho vui thôi, em đang buồn!

Dư chở tôi một vòng phố, một vòng bờ hồ, rồi còn dừng lại một chiếc băng đá, dưới cây thông già. Cuối năm, buổi chiều còn hanh hanh nắng vàng mà trời đất cứ se se lạnh. Cỏ xanh đến tận mép nước. Mặt hồ lặng yên không một chút sóng. Dư bảo:

- Chiều đẹp quá!

Tôi đột ngột hỏi Dư:

- Chừng nào anh về Sài Gòn?

- Chắc phải tết xong, xa em chắc sẽ nhớ lắm!

- Nhớ em hay nhớ Đà Lạt?

Vẫn những câu hỏi, câu trả lời đã nói với nhau nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn cứ nhắc lại, vẫn thấy thích. Tôi sống ở thành phố này từ nhỏ, yên lành và đơn giản như cây cỏ, lớn lên rồi tôi gặp Dư.

Chiều lãng đãng… Tôi một mình, đi từ phía trường đại học qua đồi Cù, trên những lối mòn giữa những đám dã quỳ vàng rực. Đến giữa đồi, khi vừa thấy mặt hồ loáng thoáng qua rừng thông. Tôi chợt có cảm giác mệt nhọc, chậm lại. Tôi đứng tựa vào cây thông cổ thụ, hoa mắt chẳng thấy gì…

Trong gió chiều, tôi thấy một tà áo đen bay dần đến trước mặt mình. Chị Tâm! Mái tóc đen dài phủ lưng của chị có lúc tung lên, che một phần khuôn mặt. Trông chị vừa lạ lẫm vừa thân quen nên tôi không thấy gì là sợ sệt. Chị Tâm đến gần, tôi đưa tay ra níu lấy chị, nhưng chị chợt hiện xa ra. Sau đó chị lại đến tôi cùng với những khuôn mặt khác, cô Lan, ông cụ Nam và hai người vợ cùng bé Na… Những khuôn mặt tôi đã từng gặp và nhớ! Thoáng một cái, tôi lại thấy khuôn mặt đau khổ của ông Nguyễn Hương, người chồng bị phụ, ủ rũ, khô héo giữa những khuôn mặt các diễn viên ca sĩ mà trên hàng rào quảng trường thành phố với những mái tóc nhuộm vàng, những đôi mắt tô xanh lè, những đôi môi đỏ lừ… Những khuôn mặt tôi đã nhìn thấy hằng ngày cũng ập đến: Khuôn mặt đầy phấn với cái miệng đỏ hoét vì trầu của bà hàng xóm chủ quán nhậu cạnh nhà tôi; khuôn mặt như đàn ông của người đàn bà nông dân, từ phía bắc miền Trung vào bán báo, với đôi mắt buồn thăm thẳm; khuôn mặt chàng thanh niên khùng cuối phố, ngô nghê cắn mẩu bánh mì mà nước bọt cứ trào ra ngoài; khuôn mặt người đàn bà què địu đứa con sơ sinh đi ăn xin, không lúc nào ngơi nước mắt… (Tôi không biết những khuôn mặt này có đẹp hơn không khi kết thúc cuộc sống?). Những khuôn mặt của người chết lẫn người sống, tất cả cứ hiện lên nhìn tôi, khuôn mặt cười, khuôn mặt khóc, trêu ngươi, hù dọa, nhăn nhở… Những khuôn mặt ấy chập chờn, chập chờn… làm mắt tôi hoa lên! Tôi tỉnh dậy, muốn khóc khi chưa nói được với chị Tâm điều gì. Quả là tôi đã mơ lung tung và chỉ có một khuôn mặt làm tôi luyến tiếc. Chị Tâm!

Dư lặng yên lấy thuốc lá ra hút.

- Anh tin là em thấy họ không?

- Tin chứ, giấc mơ mà! Nhưng giá em nói được với chị Tâm điều gì thì hay hơn.

- Anh có bao giờ thấy lại chị Tâm chưa?

- Sau buổi chiều viếng chị Tâm, đêm anh mơ thấy chị đang quỳ trong thánh đường. Chị nhìn lên, Đức mẹ Maria nhìn xuống, thật là một hình ảnh đẹp đẽ! Tiếc anh không là họa sĩ để vẽ lại.

Hình ảnh không giấu được tính cách con người, dĩ nhiên là khi con người không đeo mặt nạ, hoặc cố tình méo mó, cố giấu đi chân tướng của mình. Ngày xưa Dư có người em họ nghiện hút mà không ai biết, mãi khi nhìn vào một tấm ảnh thấy khuôn mặt cậu ta, Dư mới báo động cho gia đình theo dõi và phát hiện được. Hình ảnh người chết cũng vậy, ở nghĩa trang có nhiều bức ảnh đẹp, hồn nhiên, chơn chất, hiền hậu, thoát tục… Cho nên có hàng ngàn ngôi mộ mà Dư chỉ giới thiệu tôi được mấy “người”. Nghe Dư thuyết giảng một hồi, tôi nói có vẻ trách anh:

- Em bị lây cái “nhân tướng học” của anh rồi, nếu có điều gì thì anh phải chịu trách nhiệm đó!

- Phải nói là “nhân tướng học người chết” chứ! Hình ảnh, nhất là khuôn mặt của họ là thật trăm phần trăm, em thấy không? Em có thấy khuôn mặt “kịch cỡm” nào trên nghĩa trang đâu! Tìm đến những khuôn mặt trong nghĩa trang như tìm bạn kết thân, chẳng ai che dấu mình nên em chẳng hề sợ nhầm. Họ thật thà và nhẫn nại chờ em đến. Sẽ có lúc em nghe được lời họ nói, khi em là kẻ có lòng…

Trời sinh mỗi người có một khuôn mặt, một dung mạo riêng, ít có ai giống hệt ai. Khuôn mặt là đặc điểm để nhớ, nhất là khi đã thấm đẫm thương yêu, trân trọng… Ví dụ như khuôn mặt của bé Na, người thân làm sao quên được nét mặt hồn nhiên ấy! Rồi… khuôn mặt của ông Nguyễn Hương, biết còn ai nhớ đến không? Hình như, trong cuộc sống quanh tôi, chẳng mấy ai xuất hiện với bộ mặt thật của mình và điều này chỉ chấm dứt vào lúc chết! Rời Dư ra, tôi lại nghĩ đến anh ngay, lại nhớ đến khuôn mặt của anh biết bao nhiêu. Tôi chỉ tha thiết được gần, được trông thấy anh cười, anh nói… Yêu Dư, tôi không có thời gian để nhận định, phân tích xem khuôn mặt anh có phải là khuôn mặt tình yêu chân thật với tôi hay không? Mặc kệ! Tôi chẳng cần bận tâm chuyện ấy, tôi mới đôi mươi và đang yêu Dư cơ mà!

Đêm về, tôi nhận được điện thoại chị Út tôi từ Sài Gòn. Ngoài những câu thăm hỏi thông thường, chị còn hỏi thăm chuyện tôi với Dư:

- Có gì vui? Có gì đặc biệt không?

- Chúng em vẫn vui vẻ với nhau, Dư yêu em khỏi kể! Còn chuyện gì đặc biệt? Tôi kể chị Út nghe là tôi đã thấy chị Tâm sau khi chị ấy đã được chôn cất! Làm sao mà thấy được? Chính Dư đã chỉ cho tôi thấy chị Tâm và những người khác khi thân xác họ tan dần trong lòng đất, từ đó tôi thấy được những khuôn mặt tôi từng gặp hằng ngày, nhưng vô tâm, lãng quên. Tôi còn tâm sự:

- Em và Dư… với nhau bằng khuôn mặt thật, chỉ có khuôn mặt thật mà thôi!

Chị Út ngạc nhiên, ú ớ trong điện thoại:

- Cái gì? Khuôn mặt thật? A lô… a lô…!

Tôi lặng lẽ cúp điện thoại sau khi nghe tiếng chị Út tôi gọi như gào! Tôi ngẩng lên, một khuôn mặt trong gương đang nhìn tôi lạ lẫm. Tôi đấy! Vẫn khuôn mặt ấy, mái tóc ấy nhưng hình như đã già hơn, buồn hơn…

Tác giả bài viết: Đào Đức

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 24