Hài nhi không biết cười

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Thông qua con đường mổ đẻ, cuối cùng, tôi cũng được chào đời dù hình hài không nguyên vẹn.

Người ta bảo hình dạng tôi là kết quả của một vụ cưỡng dâm, là hậu quả của chất độc da cam, là...

Thời gian và dinh dưỡng không thể làm tôi lớn lên và nói được. Nó bị câm, bà hàng xóm ngạc nhiên và thích thú với... phát hiện của mình.
Nó bệnh hoạn quá, mẹ tôi nói.

Nó sẽ nằm một chỗ suốt đời, anh trai tôi nói.

Nỗi day dứt cứ cồn lên trong tôi. Rõ ràng là tôi đang ăn bám và với cái gia đình khốn khó của tôi, tôi đang là gánh nặng không sao trút đi được. Ý thức công dân và ý thức giai cấp hình thành rõ nét trong tôi từ trước khi tôi còn trong bụng mẹ.

Nằm một mình, hết ngày này sang ngày khác, tôi cứ tự hỏi: Vì sao tôi ra nông nỗi này?

Thưa cha, cha hãy cầu nguyện cho con được làm người, đôi mắt tôi nói.

Người ta nói bằng miệng còn con thì nói bằng mắt. Cha mừng cho con, con có khả năng kỳ diệu, linh mục nói.

Nói bằng mắt là đạt đến cảnh giới cao nhất của sự tồn tại.

Thầy tu là người nhân đạo nhất trong những người nhân đạo, mắt tôi nói.

Chúa là người cứu rỗi. Chúa sẽ giải thích cho con vì sao Thượng đế chơi trò số phận trớ trêu, linh mục nói.

Con không nhìn thấy Chúa. Con không nhìn thấy Đức phật. Con cũng không nhìn thấy Thánh Ala. Con không cần tôn giáo của các người, mắt tôi nói.

Không có báng bổ, chỉ có cầu nguyện và cứu rỗi, linh mục nói.

Ngài Hội chữ thập đỏ nhìn tôi với ánh mắt đầy thương cảm. Hẳn ông ta cũng sẽ dành ánh mắt ấy cho những đứa trẻ có số phận bất hạnh như tôi. Ông ta đang làm công tác nhân đạo mà.

Khốn nạn, ngài Hội chữ thập đỏ nói với nhân viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

Văn minh phương Tây chỉ là thứ giết người, nhân viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nói.

Nó không lớn lên, không già đi. Nó cứ nằm hoài, mẹ tôi vừa khóc vừa nói.

Phải làm cho cả nhân loại biết rằng thế giới này đang tồn tại một tội ác không thể tẩy rửa, ngài Hội chữ thập đỏ nói.

Phải có hình thức cứu trợ khẩn cấp. Nhất định phải bắt bọn gieo rắc cái chết bồi thường, nhân viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nói.

Truy cứu là công việc của các người. Tôi không cần truy cứu. Tôi chỉ muốn nguyên vẹn, đứng dậy, đi lại, lớn lên, già đi và chết như một con người bình thường, mắt tôi nói.

Mày có bị cưỡng hiếp không? cha tôi hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi giật bắn người. Tôi hiểu nguyên nhân sâu xa những trận đòn thừa sống thiếu chết mà mẹ tôi hứng chịu từ người cha thô bạo của tôi.

Cưỡng hiếp sinh ra quái thai. Lai tạp sinh ra quái thai.

Con làm nhục cha, ông ngoại tôi nói.

Mẹ tôi khóc: Không có người đàn ông nào khác ngoài chồng con.

Vậy thì tôi là biểu hiện của cái gì đây? Là hậu quả của cái gì đây? Tiếng gào thét man dại từ lòng tôi vọt ra.

Mẹ hãy cho con biết sự thật, mắt tôi nói.

Sự thật nào? Mắt mẹ nói.

Hình hài của con.

Mẹ không biết.

Con người ta vốn lừa dối nhau, cả mẹ nữa.

Con hãy cười lên. Mẹ chưa bao giờ nhìn thấy con cười.

Con không cười được.

Cố cười lên con.

Con là ai?

Con là con.

Là gì?

Người.

Mẹ ngây thơ tội nghiệp, bên trong tôi nói.

Làm sao bà có thể vượt qua khó khăn, gian khổ ngần ấy năm với đứa con tật nguyền, bệnh hoạn? Không, tôi muốn nói là còn hơn cả bệnh hoạn. Vì vậy, tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng và muốn chia sẻ nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được cùng bà. Món quà nhỏ này không làm thay đổi được hoàn cảnh nhưng dẫu sao nó cũng góp phần làm dịu nỗi đau và giảm thiểu khó khăn của gia đình ta, nhà từ thiện nói và đưa chiếc phong bì cùng chiếc túi căng phồng mà hẳn chứa đầy tã lót bên trong.

Mẹ tôi cảm động lắm. May mà bà không bật khóc. Tôi cảm thấy nhục. Ăn của bố thí thì đau. Tôi là một con người, tôi muốn kiếm miếng ăn bằng bàn tay và khối óc của chính mình. Vả lại, tôi không muốn nhận tã lót. Người ta cứ luôn cứu trợ tôi bằng tã lót.

Tôi lên án chiến tranh, tay phóng viên nói.

Tôi là phụ nữ nên tôi hiểu nỗi đau của người mẹ, lãnh đạo Hội phụ nữ nói.

Tôi hiểu nỗi đau của người cha, nhà từ thiện nói.

Còn tôi, tôi có nỗi đau của Con Người, tay phóng viên nói.

Hoan hô những con người còn đau đáu với nỗi đau nhân sinh, mắt tôi nói.

Cha tôi sượng sùng đứng nghe. Mắt ông chỉ sáng lên với đống hàng cứu trợ.

Chăm sóc, nuôi nấng một đứa con què quặt, tật nguyền suốt bao năm trời, cực lắm, cha tôi nói.

Khổ còn hơn con chó, em gái tôi nói.

Người ta đặt tôi lên bàn cân, mở đầu cho một cuộc nghiên cứu toàn diện về cái cơ thể quặt quẹo của tôi. Đây là đợt nghiên cứu dài nhất, quy mô nhất.

Bà có nhớ chính xác ngày sinh của đứa bé, à… không, bệnh nhân? Trợ lý khoa học hỏi mẹ tôi.

Ơ... Không, không nhớ ngày sinh nhưng nó đã hơn ba mươi tuổi, mẹ tôi nói.

Vô lý. Hơn ba mươi năm, chỉ có tám ký rưỡi. Chưa từng có trong y văn, trợ lý khoa học nói.

Thực tế là bằng chứng hiển nhiên nhất, đáng tin cậy nhất, ông da trắng nói.

Ngài muốn nói rằng chất da cam chính là tác nhân? Trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Chối bỏ trách nhiệm là một tội ác, ông da trắng nói. Chúng ta cần nhớ rằng không phải ngẫu nhiên ở nước Mỹ vẫn có những đứa bé quặt quẹo, ông da trắng nói.

Bọn họ còn nói rất lâu nhưng tôi không muốn nghe nữa. Mắt tôi nói, các người cứ mà hả hê mò đoán, cứ mà hả hê quy chụp. Tôi đang chết dần chết mòn trên cái số phận bất hạnh của mình đây.

Có mấy người đàn bà xa lạ, tóc xoăn tít cúi xuống tôi. Mắt họ đỏ. Hình như họ muốn khóc. Trời ạ! Vậy mà người ta cứ bảo con người của thế kỷ XXI là con người ít nước mắt nhất. Nhưng chẳng lẽ bộ dạng tôi, hình hài tôi lại đáng thương đến vậy sao?

Người ta dùng các thiết bị hiện đại kết hợp với phương pháp thủ công đo đạc, khám xét khắp mọi ngõ ngách cơ thể tôi. Cuối cùng, bọn họ bảo: mọi bộ phận hầu như hư hỏng. Song bọn họ vẫn không hiểu điều gì đã khiến cái cơ thể của tôi bệnh hoạn, không thể lớn lên.

Vậy tôi là đứa bé, chàng trai hay người đàn ông trung niên? mắt tôi nói.

Dứt khoát phải đưa vào sách Guiness, trợ lý khoa học nói.

Tôi lạy các người, mắt tôi nói.

Vô vọng, một nhà khoa học nói với mọi người.

Tôi không còn nhớ bao nhiêu đoàn toán, bao nhiêu nhóm, bao nhiêu cá nhân, bao nhiêu cuộc viếng thăm, bao nhiêu cuộc thực thi công vụ. Người đến rồi đi, người đi rồi đến, bao nhiêu khuôn mặt người hằn lên da thịt tôi, bao nhiêu ánh mắt hằn lên cơ thể nhỏ bé, quắt queo, ốm yếu của tôi. Tôi vẫn nằm im, dừng lại, không một nụ cười, không một tiếng động, không một âm thanh, không một giọt nước mắt, lòng cứ cồn lên nỗi lo mình sẽ chết đi mà không biết vì sao mình cứ mãi đóng khung trong hình hài một đứa bé.

Lòng trắc ẩn rồi cũng được xoa dịu, lòng hiếu kỳ rồi cũng được thỏa mãn, no nê, các cuộc thăm viếng, thực thi công vụ thưa dần, thưa dần. Đến một ngày, tôi chỉ còn nhìn thấy những người ruột thịt mà giờ đây họ đã trở nên hờ hững, đã quá ngao ngán với cái thân thể quặt quẹo của tôi, tôi hiểu rằng mình sẽ vĩnh viễn chết đi trong cái hình hài của một đứa bé không biết cười.

Tác giả bài viết: Trần Văn Bạn

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 25