Chuyện tình đêm ba mươi

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Tôi gọi điện cho Hoan nói là năm nay cho tôi về nhà Hoan ăn tết. Hoan cười giòn: "Mày làm em rể tao luôn đi, năm nào mày cũng sẽ được về nhà tao ăn tết". Tôi cũng cười: "Hãy đợi đấy". Hoan có một cô em gái là Mỵ - tôi hay gọi đùa là Thùy Mỵ, Mỵ dễ thương, tính tình ngoan ngoãn, nói chung Mỵ là cô gái dễ làm cho con trai mềm lòng. Tôi không chú ý tới Mỵ không phải bởi kén chọn gì, nhưng quen Hoan từ hồi đi học, mỗi tết tới nhà chơi, Mỵ nhất định đòi lì xì, hồn nhiên coi tôi như anh trai, cho nên dưới mắt tôi Mỵ vẫn là đứa em gái nhỏ.

Cha mẹ tôi mất hồi còn nhỏ xíu, tôi lớn lên trong trại mồ côi, rồi bước ra đời như một người không có gia đình để trở về. Tôi không có gia đình để tận hưởng cái không khí gọi là đoàn tụ vào những ngày cuối năm. Tết là sự sum họp, nhưng đã có bao nhiêu cái tết tôi quen lang thang trên phố, quen nhốt mình trong căn phòng nhỏ một mình. Căn phòng đó cũng có cành mai bung nở từng cánh vàng, cũng có mứt, có hoa quả, có bánh chưng… nói chung là không thiếu một thứ gì, nhưng đó không phải là tết. Cái may là cuộc đời không ruồng bỏ tôi, cho nên sau khi bước ra khỏi trại mồ côi, tôi đã học hành để đạt được điều mong muốn là trở thành một nhà thiết kế. Ngôi trường tôi học toàn là con nhà giàu, ai đi học cũng chưng diện thật đẹp, chẳng phải lo lắng gì về tiền bạc. Còn tôi phải tự mình mưu sinh để học, phải tằn tiện từng đồng kiếm được vào ban đêm, vào các tháng hè để vượt qua cửa ải đại học vô cùng khó khăn.

Trong một lần khi tôi đang chạy bàn ở nhà hàng, tôi đã gặp và quen Hoan. Khi đó Hoan là khách, Hoan rất ngạc nhiên khi một sinh viên học kiến trúc mà chẳng hề có một ai trợ giúp tiền bạc. Hoan học trên tôi một lớp, do đó ít biết nhau. Sau lần tình cờ gặp ấy, tôi và Hoan thành bạn. Hoan nói: "Thỉnh thoảng ghé chỗ mình chơi, dạy cho nhỏ Mỵ ít chữ giùm mình". Nhờ Hoan, tôi trở thành gia sư cho một lớp học với đa dạng học trò đủ mọi trình độ, mà phòng học là nhà của Hoan. Dĩ nhiên trong lớp học đó có cả Mỵ. Tôi đã có những cái tết sinh viên ăn ké nhà của Hoan, đó là những cái tết ấm lòng của một chàng trai chẳng có nơi chốn để trở về.

Tốt nghiệp, tôi đã ra tận Đà Nẵng làm việc, thay vì ở lại thành phố như bao nhiêu người khác. Có thể tôi không chịu nổi sự náo nhiệt, vội vã của thành phố này. Nhưng thật ra tôi thích chọn ở những nơi mà ít người chấp nhận làm việc, tôi muốn chứng tỏ mình hơn là được dọn sẵn những chỗ tốt. Tôi vốn quen sống với tiếng kẻng báo hiệu giờ ăn, giờ ngủ. Tôi quen nỗi cô đơn đăng đẳng và quen cả nỗi buồn mênh mông khi phát hiện mình rất lẻ loi trên cuộc đời này, cho nên tôi có thể sống và làm việc ở bất cứ một nơi nào. Tôi mơ sẽ có một người con gái mà tôi yêu thương và người con gái đó cũng yêu  tôi, hai vợ chồng sẽ sống trong một căn nhà nhỏ, nhưng phải có một giàn hoa dây leo trồng trước nhà. Những đứa con của chúng tôi sau này sẽ được cha mẹ chăm sóc, yêu thương chứ không lẻ loi, cô độc như
cha nó.

Đêm ba mươi tết, tôi là người cuối cùng rời cơ quan. Bởi tôi chẳng có gì để vội vã. Tôi quyết định leo lên chuyến tàu cuối cùng của năm. Tôi sợ phải trơ trọi một mình đêm ba mươi tết. Đêm giao thừa là nỗi buồn khi nhìn vào những căn nhà tràn ngập ánh đèn, những cành hoa tươi thắm và tiếng cười giòn giã làm cho mình cảm thấy rưng rưng buồn. Trên chuyến tàu đêm tôi sẽ gặp những người cũng như mình, đi qua năm bằng một cuộc hành trình, người gặp nhau hoàn toàn không sắp đặt, giao thừa đi qua như nhau, đêm bên ngoài và thời gian cứ lướt qua trên hai đường ray song song, mải miết.

Đêm tan nhanh. Chuyến tàu của đêm ba mươi dường như cũng khác hơn mọi đêm. Những người phục vụ cũng cởi mở hơn, khách cũng lịch sự hơn. Không gian của một ngày sắp hết, của một năm mới sắp đến càng hiện rõ trên từng gương mặt người. Dẫu sao thì trong cái tận cùng của năm, con người cần được sẻ chia cho nhau những giây phút thiêng liêng. Tôi mang theo bên mình ít món quà để lấy lộc đầu năm cho nhà Hoan. Tôi tính ở khách sạn trong ngày mùng một, qua mùng hai hẳn ghé đến Hoan, vì sợ gia đình kiêng cữ có người lạ trong nhà đầu năm. Tánh tôi vốn đã quen sống một mình, cho nên vẫn thích sự thoải mái hơn là bị gò bó.

 Vẫn còn nhiều chỗ trống ở các dãy ghế. Tín hiệu đáng mừng, và ít ra cho đến giờ phút này không có nhiều người đang tha phương trên những dặm đường.

Tôi định nhắm mắt ngủ một tí, vì chỗ bên cạnh tôi vẫn còn trống, tôi có thể duỗi chân duỗi tay một cách thoải mái, thì chợt có một bàn tay chạm vào người: "Anh". Một cô gái đứng trước mặt tôi: "Anh cho em ngồi bên cạnh anh nhé. Đêm giao thừa mà ngồi không có ai nói chuyện thì buồn lắm". Một cô gái có gương mặt xinh xinh, khoảng chừng hai mươi mấy tuổi, nói giọng miền Trung. Tôi phụ cô để hàng lên kệ, và nhường cho cô ngồi bên trong. Ngẫm lại cô nói có lý, ai lại ngủ trong đêm giao thừa, ai lại ngồi một mình trong đêm giao thừa. Tôi thấy may mắn vì được ngồi bên cạnh một cô gái xinh xinh trong suốt cuộc hành trình.

Hạnh kể, cô lưu lạc dễ chừng năm năm chưa trở về quê hương. Khi cô theo bạn bè lang bạt đến miền đất Quảng kiếm sống, cô chỉ mới 17 tuổi. Cuộc mưu sinh nhờ vào sức lao động đầy gian truân. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được, cô dành dụm gởi về cho bà nội đang sống tại quê nhà. Hạnh nói: "Nội sống với em gái của em, nhà ở ngoại ô xa. Nhà có hàng cây cau cao, trước nhà có đồng lúa. Dịp tết cũng là lúc mạ lên xanh rờn, đẹp lắm". Hạnh thương nội, bởi Hạnh cũng như tôi, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, may mà có nội đùm bọc hai đứa cháu gái bằng nghề trồng rau, trồng hoa bán kiếm sống. Nhưng nội không thể có nhiều tiền để lo cho cháu bước chân vào đại học. Ôi, cánh cửa đại học nhỏ như thế mà bao nhiêu người phải dừng chân từ bên ngoài nhìn ngắm!

Tàu đi trong đêm khuya. Hạnh mở gói mứt gừng mời tôi ăn. Hạnh mang theo cả một bình cà phê ủ nóng: "Anh em mình ăn tết anh nhé". Tàu để loa phát ra những bản nhạc mùa xuân rộn ràng. Ngồi sát bên Hạnh, chạm vào bờ vai mềm mại, nghe mùi hương dìu dịu từ mái tóc Hạnh, tôi như cũng cảm nhận mùa xuân rạo rực đang về và thầm cảm ơn số mệnh đã cho tôi một người bạn đồng hành trên chuyến tàu trong đêm giao thừa.

- Em có người yêu chưa? - Tôi hỏi.

- Còn anh? - Hạnh hỏi lại tôi.

Tôi cười:

- Không ai thèm yêu anh.

Hạnh trầm giọng kể cho tôi nghe chuyện của cô. Cô quen một chàng trai giỏi giang, hai người đã có những tháng ngày thật đẹp. Nhưng cha mẹ anh ấy đã không chấp nhận cô, đơn giản vì cô vừa mồ côi cha mẹ, lại nghèo. Anh ấy đã không thuyết phục được gia đình và họ vừa chia tay cách đây một tháng.

Hạnh nói:

- Có một điều trớ trêu là trước đó anh ấy hứa tết này sẽ về quê em ăn tết và ra mắt nội. Tội nghiệp, nội đã chuẩn bị mọi thứ để đón cháu rể. Em không biết giải thích với nội ra sao nên cứ lần lựa mãi đêm nay mới về… Chắc cả đêm nay nội thức đợi em về để xem mặt cháu rể.

Tôi cười:

- Chắc trời định anh và em sẽ đi chung chuyến tàu hôm nay. Nếu có anh chàng kia thì anh đâu được ngồi gần em.

Rồi tôi kể cho em nghe cuộc hành trình của tôi, tôi đang tìm một gia đình để đón tết và gần như không hề nôn nóng trở về.

Tàu vẫn lao trong đêm ba mươi. Hạnh thở dài:

- Dẫu sao em vẫn còn một chốn yêu thương để quay về. Thật tội cho anh!

Khi tàu dừng ở ga Nha Trang để đổi đầu máy thì trời đã rất khuya, sắp chạm vào giao thừa. Hạnh sẽ xuống ga này. Cuộc hành trình trong đêm giao thừa trên con tàu không hẹn trước đã cho tôi một niềm vui khôn tả, một niềm vui như thể tôi có thể lắng nghe được cùng với đất trời những búp non đang cựa mình để chuẩn bị bung chòi trong tiết trời xuân ấm áp. Nhưng niềm vui ấy sắp hết.

Tôi đã có một mùa xuân thật sự hân hoan. Và tôi biết tôi cũng sẽ có những mùa xuân hân hoan khác nữa.

Tôi không thể tiếp tục cuộc hành trình đi tiếp khi tàu dừng lại ở ga Nha Trang.

Hạnh nói: "Anh ơi, anh cũng đâu nhất thiết phải về nhà người ta. Hay là anh tới nhà em một ngày cũng được, rồi anh tiếp tục đi anh nhé". Hạnh muốn tôi thế vai một người con trai. Và không hiểu tại sao tôi đã xuống sân ga cùng Hạnh, cùng lên chiếc taxi đi trong đêm giao thừa đang chạm vào từng ngõ ngách, chen cùng xe cộ rộn ràng đang ở trên khắp nẻo đường chào năm mới.

Nội của Hạnh vẫn thức đợi cô về. Nội đã reo lên khi tôi vừa bước vào:

- Ôi, Linh đó hả, cháu vào nhà đi. Sao hai đứa về trễ vậy? Nội mong từ sáng tới giờ.

- Từ sáng tới giờ, nội đứng ngồi không yên chờ gặp mặt… cháu rể. - Em gái Hạnh nói.

Tôi đã có một gia đình như thế đó. Khi Hạnh nói: "Em cám ơn anh". Tôi thầm thì: "Không, anh mới là người phải nói lời cám ơn".

Tác giả bài viết: Phan Thị Tần

Nguồn tin: Văn nghệ TG số 38 - Xuân 2010