Ba người đàn bà

1.

Nhi nói dứt khoát:

-         Không. Sorry.(1)

Bà già khựng lại, nhưng không tỏ vẻ ngạc nhiên lắm, chỉ quay đi, lếch thếch tha hai cái túi xách tay và một cái túi đeo vai qua hàng ghế đối diện, ngồi xà xuống bên cạnh một người đàn bà trạc tuổi bốn mươi, và hồn nhiên nhờ :

-         Cô xách dùm tôi một cái túi nghen?

Nhi hơi chuồi người xuống trên cái ghế ở tư thế nửa ngồi nửa nằm, một cảm giác rã rời dễ chịu lan toả từ vai xuống hông và hai cẳng chân cô gái duỗi thẳng. Một thế ngồi không  đẹp mắt lắm , nhưng Nhi không bận tâm điều đó, miễn sao cơ thể cô thoải mái. Trước khi đeo cặp kiếng đen lên mặt và nhắm mắt lại, Nhi nhìn bà già một cái.

Bà không hiểu, hay không chịu hiểu, giống như  bà nội của Nhi vậy. Hai tháng trước, khi chuẩn bị cho chuyến đi xa, Nhi đã tính toán tỷ mỹ để tất cả những gì thật sự cần thiết đều được sắp xếp gọn gàng trong cái balô cắm trại để cõng trên lưng, như những lần cô đi châu Phi hay Nam Mỹ trước đây. Khi Nhi cõng cái túi chuẩn bị đi thì  vấp phải cái va li to kếch xù  của bà nội nằm ngay cửa ra nhà để xe. Nhi không hề để ý là từ ngày cô thông báo cho gia đình biết cô sẽ đi Việt Nam mùa hè này, bà nội bỗng trở nên người bận bịu  nhứt nhà, ngày nào cũng đi mua sắm, gói ghém, rồi cân rồi xếp vào vali , rồi lại đi mua sắm và gói ghém … đến nỗi cái vali có kích thước to nhứt căng phồng súyt tét ra, phải lấy băng keo quấn chung quanh. Khi Nhi hiểu ra cái vali đó sẽ là một hành lý cô phải mang theo, cô dứt khoát nói:

-         No. Sorry.

Bà nội vừa chỉ vô cái ba lô trên lưng Nhi, vừa giơ hai ngón tay lên ra dấu, vừa nói một thứ ngôn ngữ mà bà tưởng có thể làm cho cả người câm điếc cũng hiểu.

-         Cho đem hai kiện. Sáu chục ký. Con mới có một.

Rồi bà nội quay qua nói với mẹ Nhi:

-         Con nói cho nó hiểu, từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ nó mới về thăm bà con làng xóm lần đầu tiên, gặp cậu dì cô chú thì có chút quà cho mỗi người…

Mẹ dịch sang tíêng Anh, Nhi nói:

-         Nhưng con không đi thăm bà con, con đi làm việc tình nguyện cho một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ trẻ em không gia đình.

Đó là cách mà Nhi tự tạo cơ hội cho mình hiểu biết thế giới. Mỗi mùa hè cô đều tham gia một chương trình thiện nguyện hoặc do một tổ chức hay nhà trường hay nhà thờ bảo trợ. Năm ngoái cô đi Nicaragua, năm kia cô đi Zimbabuê. Năm nay cô đi Việt Nam là do các đơn cô xin tài trợ đi những nơi khác đều bị từ chối. Việt Nam đối với Nhi cũng chỉ là một địa  danh trên thế giới, mặc dù cô có ý thức đó là gốc gác mà ông bà cha mẹ của cô đã từ đó ra đi. Nhưng trên nước Mỹ này, ít nhứt trong đám bạn bè Nhi, ai cũng có ông bà cha mẹ đến từ một nơi nào đó, Ái nhĩ Lan hay Mehicô, philippin hay Bungari, Nigeria hay Việt Nam, đối với Nhi tất cả những địa danh đó đều có giá trị như nhau, là “nước ngoài”.

Bà nội không hiểu.  Nếu Nhi không phiền mang hành lý đùm đề, thì cô đã mang theo cây vợt , đôi giầy thể thao, và nhiều thứ quen dùng hàng ngày khác. Vả lại, đi lại bằng máy bay bây giờ đều bị kiểm tra chi li, qua một sân bay có khi thân thể bị rà ba lần, đến giầy cũng phải cởi ra cho qua máy kiểm tra, và  tất cả hành lý đều không được khoá. Vậy mà cái vali của bà nội thì vừa cột chặt, vừa dán băng keo bít bùng. Dù mẹ giải thích bằng tíêng Việt một thôi một hồi, gương mặt nhăn nheo khắc khổ của bà nội vẫn không có vẻ gì là hiểu, hay chịu hiểu. Mẹ nói với Nhi:

-         Bà nội không hiểu.

Nhi nói:

-         Con hiểu. You can’t teach an old dog new tricks. (2)

Ba  đóng mạnh nắp thùng xe:

-         Con không được nói bà nội như vậy.

Mẹ nói:

-         Đó chỉ là thành ngữ. Như thành ngữ nói “khổ như chó” mà thực tế thì có con gì sướng như con chó ở đây?

Bà nội không hiểu. Khi mẹ con chồng vợ chúng nói chuyện bằng tiếng Anh, bà nội như người câm điếc. Và một cách tuyệt vọng, bà dùng cách thức nói với người câm điếc để  thuyết phục đứa cháu nội , nhưng nó cương quyết nói:

-         Không. Sorry.

Rồi Nhi  và mẹ lên xe, ba lái ra khỏi gara. Nhi nhìn thấy qua kính chiếu hậu bà nội đứng ngơ ngác với cái vali bị quấn băng keo như xác ướp. Nhi ngoảnh lại thì chỉ kịp thấy đôi chân của bà  khi cánh cửa nhà xe hạ xuống quá  nửa. Nhi biết bà nội buồn. Nhưng cô không thấy áy náy. Làm sao được. Bà nội không hiểu.

2.

 Thực ra bà già hiểu. Cô gái trẻ đó cũng giống như mấy đứa cháu nội cháu ngoại của bà. Thoạt đầu bà mở miệng nhờ nó vì không biết nó là Mỹ, với lại chiến thuật của bà là  gặp ai rảnh tay thì nhờ, được chăng hay chớ. Cô gái  đó từ chối thì bà sàng qua người khác. Ba năm bà đi về một chuyến, đường xa, thân già, về hai va li khổng lồ hai giỏ xách nặng ịch, đi cũng hai va li chật căng, hai giỏ xách đầy ắp, lại phát sinh  thêm cái túi đeo vai. Bà mở một cái túi xách , lấy ra một trái bưởi  đã gọt vỏ sạch sẽ, mời người đàn bà  trẻ hơn ngồi bên cạnh, cô ta lắc đầu cám ơn. Bà bỏ trái bưởi vô bao nylông , bỏ trở vô giỏ, nhưng vẫn tếp tục banh miệng giỏ ra trước mặt người bạn đồng hành mới quen, lấy ra nào chuối, nào mận, vú sữa, cóc chín, cả củ sắn đã gọt vỏ. Bà hầu như lộn trái cái túi xách, rồi bỏ mọi thứ trở vô, nói:

-         Đâu có gì đâu. Đồ ăn không hà. Cô xách dùm một cái nghen, cái nào cũng được.  Bị vì họ không cho một người đem quá hai túi xách lên máy bay.

-         Nhưng làm sao họ lại để bác xách ba cái giỏ qua bốn chỗ kiểm tra mà ra tới được chỗ ngồi chờ lên máy bay này?

-         Tui cũng không biết nữa, cô à.

Người đàn bà trẻ cười:

-         Mà qua tới bển kiểm dịch Mỹ cũng dục thùng rác hết, có khi phạt nữa.

Bà già vẫn ra vẻ chất phát hồn nhiên nói:

-         Tui không biết cắt nghĩa , nhưng mà  chuyện gì cũng vậy thôi, qua được là qua. Cô biết không, hồi chiến tranh bom nổ cách nhà một trăm thước, ông nhà tui ở ngoài mặt trận, tui thì trước mặt bụng chữa năm tháng , sau lưng một đứa hai tuổi, bên hông một đứa bảy tháng, còn một đứa ba tuổi rưởi ôm cứng ngắc một chân tui …  cũng không biết làm sao mà vẫn sống nhăn. May mà lúc đó mới có bốn đứa. Tui đẻ hết thảy bảy lần, cô à. Bỏ một còn sáu, ba trai ba gái. Mà cô thứ mấy?

-         Cháu tên Hồng.

-         Cô Hồng biết không, ông trời có mắt, người ta làm gì rồi cũng không qua được ông Trời, mà có Trời  Phật phù hộ thì đâu vô đó hết. Hồi ông nhà tui vượt biên, ổng vét sạch tư trang mà đi. Ổng dắt theo năm đứa lớn, để thằng út cho tui, đặng rủi có chuyện gì thì ổng không đến nỗi tuyệt tự . Ổng đi rồi, tui ăn chay nằm đất mấy tháng trời, đến khi biết chắc ổng tới đảo rồi, tui phát nguyện ăn chay nằm đất thêm ba năm nữa. Vậy mà cô biết không, ổng thiệt là bất nhơn. Hoá ra ổng biểu tui ở lại để ổng dắt con vợ nhỏ đi. Qua tới trại tị nạn ổng khai con đó là vợ, con của con đó là con, còn năm đứa con của tui thành  không cha không mẹ, bị đem cho Mỹ làm con nuôi. Họ nuôi tụi nó lớn lên thành Mỹ hết, giống  cô kia vậy. Chỉ có thằng con lớn, lúc tới đảo đã mười lăm tuổi – nhưng mà khai có mười hai tuổi – nó còn biết gốc gác, sau này nó bảo lãnh tui với thằng Út qua. Cô giở bản đồ nước Mỹ mà coi, nó mênh mông nhường nào. Vậy mà mới qua Mỹ ngày hôm trước, ngày hôm sau tui bắt đầu đi vòng vòng nước Mỹ, tui đi gom mấy đứa con tui lại.  Hai năm trời, cô à. Cô nghĩ coi, Mỹ nuôi tụi nó mười mấy năm trời, có đứa nuôi từ hồi năm sáu tuổi, tụi nó lớn lên thành  Mỹ hết cô à. Mình gặp mặt tụi nó, biết đứa nào mình đẻ ra như thế nào, bò lật ra sao, nhưng tụi nó thì ngó mình  như ngó người dưng. Mà tệ hơn người dưng nữa, cô à, người khác giống!

-         Rồi bác có gặp lại bác trai không?

-         Để tui nói có ngọn có ngành cho cô nghe. Hai năm trời tui mới gom đủ sáu đứa con về một chỗ, tui mời ổng tới, tui hỏi ổng: trước mặt tui và sáu đứa con, ông nói một tíêng thôi, ông có phải là cha tụi nó không. Ổng nói phải. Tui mới nói: tui ở với ông mười sáu năm, chắc cũng có lúc dở, cũng có điều vụng, khiến ông chán ông chê, ông dứt tình cạn nghĩa với tui thì tui đành chịu. Nhưng con ông, năm sáu tuổi đầu, sao ông nỡ để cho người ta nuôi nó đến nỗi mất nguồn vong cội như vầy, ông bất nhơn chi mà bất nhơn vậy?

-         Rồi… bác trai nói sao?

-         Ông nói sao? Tại vầy tại vậy… Để cho ông Trời xét cô à.

3.

Mọi hành khách đã yên vị , đai an toàn đã cài , máy bay cất cánh . Bà già ngồi lọt thỏm giữa hai người Hàn quốc to thô như võ sĩ. Bà  nhắm mắt không biết ngủ hay say  máy bay. Cách bà mười  một dãy ghế, Hồng ngồi cạnh Nhi, chỉ là ngẫu nhiên. Chuyến bay sẽ dài, và đã quá nửa đêm, ai cũng  chuẩn bị tư thế thoải mái để ngủ.

Hồng nhìn qua cửa sổ máy bay, bên ngoài tối thui, nhưng cô vẫn đăm đăm nhìn. Một hồi lâu sau Hồng ngồi ngay lai, nhân lúc đó Nhi nói:

-         Chị … hay kêu là dì? … có biết nghĩa của chữ này không?

Hồng ngó xuống tấm giấy to bằng  khổ cuốn tập học trò, một bức tranh màu nước lem nhem , có hình người, có cảnh trí, có chữ viết nguệch ngoạc, trật chính tả, Hồng đoán là “quê nhà”.  Cô dịch chữ đó thành “homeland” cho cô gái nói tiếng Việt ngọng nghịu. Cô ta cám ơn, đặt tấm tranh vào một cái bìa hồ sơ, cầm một tám khác lên xem. Lại lem luốc một mái nhà, vài hình người, hai người lớn và một trẻ con, sau nhà loáng thoáng màu xanh, có lẽ tác giả muốn vẽ cánh đồng, hay dòng sông, hay lũy tre … Nhi  xem tiếp một tranh khác, ước chừng theo cái bìa hồ sơ khá dày ấy, có lẽ cô ta có mấy chục bức tranh. Hồng không tiện xem ké, nên lại nhìn ra cửa sổ tối đen, đôi mắt đăm đăm vời vợi. Khi mỏi cổ cô quay lại nhìn bức tranh trong tay cô gái  ngồi bên cạnh. Một cái gì giống giống con diều giấy, và những đường nét nhấp nhô màu nâu màu đỏ kia chắc là núi đồi. Nhi đưa bìa hồ sơ đựng những bức tranh đã xem cho Hồng:

-         Chị có muốn xem không?

-         Cám ơn.

-         Đó là tranh của các em đường phố vẻ. Tôi giúp các em học tíêng Anh buổi tối, và tôi tìm hiểu các em , như ở đâu ngủ, làm sao ăn , tại sao không ở nhà, ai là ba má… Tôi cho các em giấy và màu, cho các em vẽ, tôi tin là  bà giáo sư của tôi sẽ thích những tranh này lắm. Tôi có một thắc mắc, tại sao các em vẻ “quê nhà” nhiều như vậy?

Hồng xem những bức tranh. Phần lớn na ná nhau, có thể các em bị  thành hoạ sĩ bất ngờ và bất đắc dĩ, nhứt thời phải ngó sang đứa bên cạnh coi nó vẻ cái gì  thì nhái theo, và ngẫu nhiên đứa bên cạnh đó vẽ ngôi nhà, dòng sông, cánh đồng …. 

-         Tôi đoán, trẻ em đường phố lưu lạc từ những làng quê hẻo lánh lên đô thị kiếm sống, nên lòng các em vẫn hướng về quê nhà.

Nhi ngẫm nghĩ.

-         Như thế thì thật là thú vị. Bởi vì khi tôi bảo các em  nói lên điều ước của mình,  chỉ có môt em nói “về nhà”, rồi một em nói “đi Mỹ”, và mấy đứa khác đều  nói theo. Nhưng khi tôi hỏi đi Mỹ là đi đâu, em biết Mỹ là gì không, thì đứa này nhìn đứa kia, thậm chí không hiểu được câu hỏi.

Hồng xếp lại mấy bức tranh, không nói gì. Cô trả lại  tranh cho Nhi rồi lại đăm đăm nhìn ra cửa  sổ. Chỉ mới bay được một giờ. Còn năm sáu giờ nữa thì đến Seoul, mười giờ nữa chờ  chuyển máy bay ở phi trường, rồi một chục giờ bay băng qua Thái Bình Dương, rồi bốn năm giờ nữa chờ ở  phi trường, rồi năm sáu giờ bay băng qua đại lục đến bờ kia Đại tây dương … Hồng đã tưởng mình biết mình đi đâu, biết mình đang tìm cái gì, và tin rằng mình tìm sẽ gặp, mình đi sẽ về . Cô nhắm mắt lại. Hình như máy bay  đột ngột rơi xuống, hay đột ngột vọt lên, trong khoảnh khắc hình như không thời gian, Hồng chơi vơi hụt hẩng. Rồi cô mở mắt ra , mọi việc mọi người  trong khoang  máy bay vẫn bình thường, tiếp viên hàng không đang dọn bữa  ăn.

 

Bellingham, 12/03

 

(1)   Xin lỗi. 

(2) Không thể dạy chó già trò mới.

 

Tác giả bài viết: Lý Lan