Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: Nhiều việc làm nhỏ-hiệu quả lớn

Dự án “Giáo dục hòa nhập (GDHN) cho trẻ khuyết tật” do Sở GD-ĐT phối hợp với Liên minh Nauy thực hiện đã nhiều năm, mang lại kết quả khả quan. Số trẻ được can thiệp sớm, học hòa nhập và phát triển tại các trường mầm non, tiểu học ngày càng nhiều, được phụ huynh ngày càng tin tưởng vào hiệu quả của dự án.
Cháu Triệu Ngọc Huyền sau khi học hòa nhập một thời gian đã học rất giỏi, có thể làm các việc đơn giản.
Cháu Triệu Ngọc Huyền sau khi học hòa nhập một thời gian đã học rất giỏi, có thể làm các việc đơn giản.

HIỆU QUẢ

Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền - mẹ của cháu Nguyễn Phúc Hoàng Gia (lớp 41, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, TP. Mỹ Tho) kể: Từ lúc sinh ra, cháu chỉ thích chơi một mình. Đến 18 tháng tuổi, gia đình phát hiện cháu mắc bệnh tự kỷ. Tuy được gia đình quan tâm điều trị, nhưng cháu tiến triển chậm, lo cháu sẽ không thể đến trường.

May mắn, khi cháu đã đủ tuổi vào lớp 1 (năm học 2010 - 2011), gia đình đã liên hệ với Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám và được trường nhận cháu vào học. Trong suốt năm học này, cháu chỉ tập làm quen với các hoạt động tại lớp, thỉnh thoảng thực hiện một số yêu cầu của giáo viên (GV), chưa giao tiếp được với bạn bè.

Nhờ sự kiên trì của cô, đến năm học 2011 - 2012, mặc dù cháu vẫn học lớp 1, nhưng đã có thể đọc và viết, chịu tham gia các hoạt động cùng bạn. Lên lớp 2, lớp 3 cháu đã biết đọc, biết viết, làm một số phép toán đơn giản và được giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đề cử làm lớp trưởng. Cháu còn rất thích tham gia các trò chơi vận động ngoài giờ tại trường.

Nay dẫu chưa thể lĩnh hội được hết các kiến thức của lớp 4, nhưng cháu viết chữ đẹp hơn, biết thực hiện một số thao tác vi tính cơ bản dưới sự hướng dẫn của cô giáo… Chị Tuyền chia sẻ: Những tiến bộ của cháu là nhờ sự quan tâm của thầy cô và bạn bè trong lớp. Nếu mọi người không kiên trì, từng bước giúp đỡ thì cháu khó lòng có kết quả như ngày hôm nay.

Cháu Triệu Ngọc Huyền (lớp 31, Trường Tiểu học Thái Sanh Hạnh, TP. Mỹ Tho) vừa sinh ra đã mang dị tật: Tay không có ngón và chân chỉ có 4 ngón. Tuy nhiên, cháu rất chịu học hỏi, cố gắng hòa nhập với mọi người. Lúc đầu, gia đình cho cháu học trường khuyết tật, sau một thời gian thấy cháu học tập tốt nên các GV khuyên gia đình chuyển cháu sang học trường bình thường.

Cháu Huyền cho biết: “Lúc mới vào trường, thấy mình không giống bạn bè, con sợ và buồn lắm. Tuy nhiên, các thầy cô và các bạn đã giúp con rất nhiệt tình. Cô Lê Ngọc Ánh đã kiên trì hướng dẫn con cách cầm viết bằng 2 cùi tay và viết chữ. Các bạn thì giúp con lấy sách, tập, viết và dọn dẹp khi con học xong; buổi trưa, các bạn giúp con thay đồ, lấy thức ăn, dọn dẹp mâm và lấy gối cho con ngủ. Cô bảo mẫu thì hướng dẫn con cách rửa mặt, giúp con chải đầu, buộc tóc…”.

Chị Thái Thị Hạnh - mẹ cháu Ngọc Huyền chia sẻ: “Lần đầu đi học, cháu cũng bị các bạn “dòm ngó, chỉ trỏ” nên buồn lắm. Tuy nhiên, các thầy cô đã giải thích, khuyên nhủ, động viên các bạn cùng giúp Huyền hòa nhập nên chỉ sau vài ngày cháu đã được các bạn giúp đỡ rất nhiều. Giờ Huyền học giỏi, viết chữ đẹp, được bạn bè yêu quý. Huyền còn có thể tự chăm sóc bản thân và giúp mẹ làm một số việc lặt vặt trong nhà. Cháu được như vậy là tôi mừng lắm!…”.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN

Triệu Ngọc Huyền và Nguyễn Phúc Hoàng Gia là 2 trong nhiều trẻ khuyết tật được hòa nhập hiệu quả trong thời gian qua. Đây là niềm vui của gia đình, cũng là niềm vui của những người tham gia công tác GDHN. Sau nhiều năm thực hiện, công tác GDHN đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Các GV đã tìm ra nhiều cách làm hay, hiệu quả, qua đó trẻ được giáo dục hòa nhập phát triển nhanh hơn.

Một GV dạy hòa nhập nhiều năm chia sẻ: “Chăm sóc, hướng dẫn trẻ khuyết tật luôn phải bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Bởi thực tế, các trẻ khuyết tật tham gia học chung với trẻ bình thường phải vượt qua những khó khăn rất lớn, đặc biệt là phải vượt qua áp lực tâm lý.

Trẻ con không như người lớn, các em không biết tế nhị, không thể kiềm chế khi chứng kiến những điều “khác thường”. Khi thấy bạn khác mình, các em sẽ dòm ngó, nhận xét, thậm chí trêu chọc.

Chính vì thế, khi trong lớp có trẻ học hòa nhập, GV phải chú ý đến từng em, nhắc nhở để các em điều chỉnh thái độ và hành động cho phù hợp. Ngoài ra, GV cũng cần hướng dẫn các em cách sẻ chia với những người bạn khuyết tật.

Mặt khác, trẻ khuyết tật sẽ không suy nghĩ và hành động như người bình thường, vì vậy GV (đặc biệt là GVCN) phải tận tình hướng dẫn các em từ việc làm nhỏ như cầm viết, lật sách, đọc chữ, làm toán… với thái độ kiên trì, dịu dàng”.

Ông Võ Văn Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN, đại diện Ban Điều hành Dự án GDHN cho trẻ khuyết tật cho biết: Nhằm từng bước hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2017 trẻ khuyết tật của tỉnh được chăm sóc, được can thiệp sớm và được GDHN có chất lượng, thông qua nâng cao nhận thức cộng đồng…, trong năm qua, dự án đã được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực như:

Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về GDHN; nâng cao năng lực chuyên môn về GDHN cho đội ngũ cán bộ quản lý và GV; hình thành hệ thống hỗ trợ chuyên môn và nâng cao năng lực cán bộ, GV; thực hiện can thiệp sớm và hỗ trợ GDHN.

Kết quả, các trường có trẻ học hòa nhập đã thực hiện khá tốt về dạy học hòa nhập cho trẻ; có sự điều chỉnh về nội dung, phương pháp cũng như hình thức dạy học cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ; tạo được vòng tay bạn bè, phối hợp với phụ huynh, nhóm hợp tác nhằm tạo điều kiện chăm sóc và GDHN cho trẻ.

Từ đó, 100% trẻ học hòa nhập được GV và nhà trường thực hiện giảng dạy theo đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu và khả năng của các em; kế hoạch bài giảng của các cô được xây dựng theo khả năng và nhu cầu của từng trẻ; mỗi trẻ đều được xây dựng kế hoạch hòa nhập riêng và được đánh giá tùy theo sự tiến bộ của từng em. Đặc biệt, cộng đồng và phụ huynh cũng đã nhận thức được hiệu quả của công tác GDHN, sẵn sàng hỗ trợ nhà trường khi cần, giúp công tác này ngày càng thực hiện dễ dàng hơn.

Ông Võ Văn Lê cho biết thêm: “Năm học 2014 - 2015 có 1.515 trẻ học hòa nhập tại các trường mầm non và tiểu học trong tỉnh (trong đó có 1.443 cháu học tiểu học và 72 cháu học mầm non). Số lượng trẻ tham gia học hòa nhập khá đông, chứng tỏ dự án được thực hiện rất hiệu quả và ngày càng được sự tin tưởng của nhiều người.

Đáp lại sự tin tưởng này, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để các hoạt động hòa nhập ngày càng hiệu quả hơn. Cụ thể, sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng, năng lực GV và cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ tiếp tục trang bị thêm cơ sở vật chất để hỗ trợ các hoạt động, giúp các em hòa nhập tốt hơn”.

Tác giả bài viết: MINH CHÂU

Nguồn tin: Ấp Bắc