Giám đốc Sở GD-ĐT: Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Trước thềm năm học mới 2016 - 2017, ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết:

Từ cuối năm học 2015 - 2016, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị rà soát danh mục trang thiết bị, cơ sở vật chất và đã được đầu tư 429 tỷ đồng để sửa chữa hoặc xây mới 742 phòng học (trong đó có 328 phòng học được xây mới), đóng mới 5.000 bộ bàn ghế học sinh (HS), 269 bộ bàn ghế giáo viên, sắm 326 bảng lớp và nhiều trang thiết bị dạy học khác, đủ tiếp nhận tất cả HS ở các cấp học.

Dự kiến, năm học 2016 - 2017, ở bậc mầm non (MN) có 57.000 cháu nhập học, trong đó nhà trẻ 5.700 cháu và mẫu giáo 51.300 cháu; tiểu học (TH) 135.750 HS, giảm 5.000 HS; trung học cơ sở (THCS) 103.340 HS và trung học phổ thông (THPT) 44.360 HS. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS tuyển vào lớp 10 khoảng 75%. Do thực hiện chính sách phân luồng nên sẽ còn gần 5.000 HS tốt nghiệp THCS không vào được lớp 10, có thể học giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên…

Ngay từ cuối năm học 2015 - 2016, đã cung cấp đủ sách giáo khoa cho các trường, dụng cụ học tập cho các đơn vị trực thuộc; cung cấp thiết bị MN, THCS, THPT, phòng ngoại ngữ đa chức năng cho một số đơn vị. Đến nay, cơ bản đáp ứng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho việc giảng dạy và học tập.

* PV: Xin ông cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện trong năm học 2016 - 2017?

* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Ngành xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm học 2016 - 2017: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập, đặc biệt là phổ cập giáo dục THCS; duy trì dạy thật, học thật, từng bước nâng cao chất lượng của HS…

Về các giải pháp cơ bản, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ sư phạm và cán bộ quản lý. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Tạo cơ hội học tập cho HS khuyết tật và HS có hoàn cảnh khó khăn.

Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho HS, gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành vào các đơn vị trường học. Tiếp tục triển khai thực hiện việc tự đánh giá và đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT ở giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục thường xuyên…

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các trường để bảo đảm thực hiện chất lượng giáo dục. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành.

Về GDMN: Củng cố, mở rộng quy mô mạng lưới GDMN cho phù hợp thực tiễn từng địa phương, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tỷ lệ học bán trú, học 2 buổi/ngày. Tăng cường quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập. Đổi mới công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm và tăng cường các điều kiện để nâng chất lượng thực hiện chương trình GDMN.

Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo chất lượng phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Về giáo dục phổ thông: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng như rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học mới” (VNEN).

Dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục tùy theo điều kiện của mỗi đơn vị trường. Mở rộng, nâng cao chất lượng dạy 2 buổi/ngày; dạy Anh văn từ lớp 1, dạy nhóm môn ở bậc TH. Những nơi có điều kiện thì tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở bậc THCS. Thực hiện tốt quy định về dạy thêm - học thêm.

* PV: Trước thềm năm học mới, ông có nhắn gửi gì tới giáo viên, phụ huynh và học sinh trong tỉnh?

* Ông Nguyễn Hồng Oanh: Các giáo viên cần không ngừng học hỏi để thay đổi phương pháp giảng dạy hiệu quả, từ truyền thụ kiến thức sang trang bị phẩm chất, năng lực, kỹ năng sống cho HS. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần HS, đặc biệt là HS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tiền Giang còn không ít HS có hoàn cảnh khó khăn, thế nên tôi mong mỏi các em nhận thức đầy đủ về việc học, có động cơ học tập đúng đắn để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Các bậc phụ huynh, các tổ chức và cá nhân quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT hãy động viên, tạo điều kiện cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn được học hành đến nơi đến chốn…

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, các bậc phụ huynh và các em HS mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016 - 2017.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: P. MAI (thực hiện)

Nguồn tin: Ấp Bắc