Dạy bơi trong trường học- nhu cầu và thực tế

Mặc dù còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như chuyên môn, nhưng nhiều năm nay, Tiền Giang rất nỗ lực trong việc phổ cập môn bơi cho học sinh (HS), vừa phòng chống đuối nước vừa rèn luyện thể chất cho HS.
Phổ cập bơi cho HS tại Trung tâm TDTT TP. Mỹ Tho.
Phổ cập bơi cho HS tại Trung tâm TDTT TP. Mỹ Tho.

“Dạy bơi, học bơi” không chỉ là mong muốn của HS mà còn là của tất cả phụ huynh vùng sông nước. Trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện chương trình, kế hoạch phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc dạy bơi cho HS được các trường quan tâm hàng đầu, đặc biệt là tại các trường tiểu học (TH). Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cử giáo viên đi tập huấn nghiệp vụ chung về chống đuối nước, hướng dẫn thực hiện dạy bơi trong nhà trường đối với những trường có đủ điều kiện dạy bơi. Hiện có một số trường thực hiện tốt phổ cập bơi cho HS như: Trường TH Long Định (huyện Châu Thành); Trường TH thị trấn Mỹ Phước, Trường TH Phước Lập (huyện Tân Phước) và gần 100% trường TH trên địa bàn TP. Mỹ Tho…

Anh Hồ Tấn Sơn, Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Phước cho biết: “Hiện toàn huyện có 2 hồ bơi tại Trường TH Mỹ Phước và Trường TH Hưng Thạnh hoạt động hết công suất. Hằng năm, Ban Chỉ huy cứu nạn phòng chống thiên tai huyện đều tổ chức nhiều lớp phổ cập bơi cho HS các trường TH bằng hình thức che chắn một đoạn sông cạn, bố trí các HLV bơi lội hỗ trợ các em. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, do các trường chưa có điều kiện dạy bơi tại trường, nếu so với nhu cầu thực tế của huyện còn rất hạn chế. Có tận mắt chứng kiến cảnh bọn trẻ vui vẻ, bì bõm tập bơi sẽ hiểu rõ, đây không chỉ là môn học mà còn là dịp để các em thỏa sức vui đùa đắm mình dưới các dòng kinh xanh mát”.

Hiện huyện Cai Lậy chỉ có 3 hồ bơi (hồ bơi của Dự án phòng chống thiên tai; hồ bơi do Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT vận động và một hồ bơi tư nhân), nhưng công tác phổ cập bơi của huyện luôn được quan tâm triển khai và thực hiện mạnh mẽ. Ông Mai Tấn Lộc, cán bộ phụ trách thể dục - thể thao, Phòng GD-ĐT huyện, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường có điều kiện đưa môn bơi lội vào giảng dạy cho HS. Tại 3 trường TH có hồ bơi, công tác phổ cập bơi cho các em được diễn ra thường xuyên, tổ chức rất bài bản và có giáo viên dạy bơi. Tại các trường không có hồ bơi, công tác dạy bơi được thực hiện bằng cách phối hợp với các trường có hồ bơi mở nhiều khóa dạy bơi. Nhờ vậy, HS của tất cả 43 trường TH và THCS trên địa bàn huyện đều được phổ cập bơi. Chủ trương này của nhà trường nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh, giúp các em vừa rèn luyện sức khỏe, tránh được đuối nước”.

So với các huyện, TP. Mỹ Tho có điều kiện hơn trong công tác phổ cập bơi cho HS. Hằng năm, Phòng GD-ĐT đều phối hợp với Trung tâm TDTT TP. Mỹ Tho tổ chức các lớp phổ cập bơi cho HS, với gần 2.000 HS được học bơi. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Thật sự chúng tôi rất mừng khi tỷ lệ HS được phổ cập bơi trong nhà trường nói riêng và trên địa bàn thành phố nói chung tăng đều sau mỗi năm học. Vượt qua những khó khăn ban đầu, chương trình phổ cập bơi đang dần phát huy hiệu quả. Có những HS mới đầu rất sợ nước, nhưng sau khóa học, các em đã bơi được cũng như có khả năng tự phòng, chống đuối nước”.

Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nội dung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội, đặc biệt là với phụ huynh về phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh; có biện pháp cảnh báo, nhắc nhở học sinh về tai nạn đuối nước; quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng bể bơi, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi trong nhà trường; đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội... Tuy vậy, trên bình diện chung việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân; trong đó phải kể đến số lượng trường học được đầu tư bể bơi là rất ít (hầu như chưa có), chỉ có một số trường điểm, trường đạt chuẩn Quốc gia (số trường này rất ít). Đội ngũ giáo viên môn Giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn hạn chế và thiếu, hơn nữa trường không có bể bơi, cũng không có cơ sở vật chất để dạy.

Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, trong thời gian tới ngành Giáo dục sẽ tạo điều kiện xã hội hóa trường học, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia xây bể bơi để dạy bơi cho học sinh. Ngoài ra, cần vận động phụ huynh, các tổ chức xã hội chung tay cùng nhà trường, phối hợp với các đơn vị, tổ chức có bể bơi, bố trí thời gian dạy bơi hợp lý cho học sinh. Tuy nhiên, để làm được như vậy rất cần sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Bởi nếu chỉ có ngành Giáo dục cố gắng mà không được sự ủng hộ của phụ huynh và các tổ chức xã hội cũng khó triển khai thực hiện.

Tác giả bài viết: P. MAI

Nguồn tin: Ấp Bắc