Cô Hồng Diễm và những tiết dạy theo chủ đề tích hợp

Là giáo viên dạy môn Sinh học, những năm qua, cô Võ Thị Hồng Diễm, Trường THCS Thị trấn Cái Bè không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực thực hành, vận dụng kiến thức cho học sinh thông qua việc đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy theo chủ đề tích hợp.
Những giờ giảng bài của cô Diễm lúc nào cũng cuốn hút học sinh.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô Diễm không ngừng trăn trở: “Giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện bước chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực cho người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến học sinh học cái gì đến chỗ quan tâm đến các em vận dụng được cái gì qua việc học.

Tôi nghĩ để làm được điều đó, nhất định phải thực hiện thành công việc chuyển từ phương pháp dạy học theo lối truyền thụ một chiều sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh để có thể tác động kịp thời nâng cao chất lượng của các hoạt động dạy học và giáo dục”.

Nói là làm, bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, thông qua tham dự các lớp tập huấn “Dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh”, cô Diễm đã mạnh dạn xây dựng chủ đề dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, trong đó vấn đề cốt lõi là dạy học theo chủ đề tích hợp.

Theo cô Diễm, nếu giáo viên vận dụng dạy học theo chủ đề tích hợp tốt thì sẽ tạo ra nhiều thuận lợi nhất định như kích thích hứng thú học tập cho học sinh. Các em sẽ biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, thông qua đó kiểm tra, củng cố và mở rộng những hiểu biết trên nền tảng lý thuyết. Bên cạnh đó, dạy học theo chủ đề tích hợp giúp học sinh có kỹ năng hành động, kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần tự lực cao, sáng tạo trong học tập và cộng tác làm việc nhóm có hiệu quả, từ đó giúp các em đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập ngày một tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì việc đổi mới phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp cũng gặp khó khăn. Đầu tiên có thể nói đến các em học sinh bậc THCS từ lâu vốn dĩ đã quen học tập theo lối truyền thụ một chiều nên khi tổ chức học tập, phân công nhiệm vụ các em còn khá nhiều bỡ ngỡ; một số học sinh còn hiếu động, thiếu tập trung nên phải mất nhiều thời gian ổn định lớp học. Bên cạnh đó thời gian, không gian triển khai hoạt động tiết dạy còn nhiều hạn chế…

Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc giảng dạy môn Sinh học theo chủ đề tích hợp, cô Diễm cho biết mình thường chọn những vấn đề thật sự gần gũi với cuộc sống đời thường của học sinh, ví dụ như giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí ở bến xe buýt ở thị trấn Cái Bè hay là phòng tránh gãy xương, tai nạn đuối nước cho học sinh... Nắm bắt tâm lý các em rất thích học theo kiểu học mà chơi, cô Diễm thường phân công các em phải làm việc theo nhóm. Mỗi nhóm công việc khác nhau nhưng dù ở lĩnh vực nào thì cô đều dẫn dắt các em tìm ra cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề thực tiễn. “Sau khi học xong bài học, các em không những được khắc sâu kiến thức lý thuyết mà còn vận dụng thành thạo vào thực tiễn, trang bị cho mình những kỹ năng sống cơ bản nhất, có ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ môi trường”- cô Diễm cho biết.

Thầy Nguyễn Chánh Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Cái Bè cho biết: “Cô Diễm là giáo viên giỏi của nhà trường. Năm học nào đội tuyển do cô bồi dưỡng cũng đạt thứ hạng cao. Năm vừa qua, đội tuyển môn Sinh học của trường đạt 7 giải cấp huyện và 5 giải cấp tỉnh, trong đó có 1 em đạt giải Nhất. Với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, cô Diễm luôn quan tâm, động viên những em có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ các em có học lực trung bình, yếu vươn lên trong học tập”.

Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của mình, nhiều năm liền cô Diễm vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; đạt nhiều giải cao trong cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên cấp quốc gia.

Tác giả bài viết: PHI CÔNG

Nguồn tin: Ấp Bắc