Chế độ cho nhà giáo, còn đó nhiều chồng chéo

Thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2016 trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do chưa kịp thời điều chỉnh một số chế độ, chính sách đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của đội ngũ này.
Cần có chế độ, chính sách hợp lý để nhà giáo phấn khởi công tác. Ảnh: M.C
Cần có chế độ, chính sách hợp lý để nhà giáo phấn khởi công tác. Ảnh: M.C

VĂN BẢN RẤT NHIỀU

Theo Sở GD-ĐT, toàn ngành hiện có 20.742 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 16.879 cán bộ, giáo viên (mầm non 2.808, tiểu học 6.642, THCS 5.229 và THPT 2.200). 100% giáo viên trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn, trong đó có 336 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. Hiện có 60 cán bộ, giáo viên đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ và 4 cán bộ, giáo viên học chương trình đào tạo tiến sĩ; 100% cán bộ quản lý đã hoàn thành chứng chỉ về quản lý giáo dục; tổ chức bồi dưỡng thường xuyên đúng tiến độ, hoàn thành tất cả các học phần theo quy định với tỷ lệ 100% đạt kết quả từ trung bình trở lên.

Mặt khác, trong giai đoạn 2010 - 2016, Sở GD-ĐT đã triển khai rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, có 10 văn bản cấp trung ương và 9 văn bản cấp tỉnh. Các văn bản này quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp, đối tượng.

Đánh giá kết quả đạt được trong việc thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bà Trần Thị Quý Mão, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, các văn bản ban hành có liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong ngành GD-ĐT của trung ương và địa phương rõ ràng, dễ thực hiện. Ngành đã triển khai thực hiện các văn bản kịp thời, đúng quy định. Việc ban hành, thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được Nhà nước đặc biệt quan tâm đến giáo dục Mầm non, các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu…).

Tuy nhiên, chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo hiện còn một số hạn chế, vướng mắc: Một số văn bản ban hành về thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của trung ương đôi lúc chưa kịp thời, nhất là những văn bản chuyển tiếp giai đoạn để thực hiện.

Cụ thể, không tiếp tục thực hiện được việc bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo điều động làm công tác quản lý giáo dục ở Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT theo Quyết định 42/2011/QĐ-TTg ngày 5-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ, vì còn chồng chéo thẩm quyền giữa phòng GD-ĐT với UBND cấp huyện, giữa thủ trưởng đơn vị thuộc Sở GD-ĐT và Giám đốc Sở GD-ĐT, cụ thể như sau: Giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên do trưởng phòng ký; giáo viên THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên do thủ trưởng đơn vị ký, được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Trong khi đó, quy định sáng kiến kinh nghiệm là do Giám đốc Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện ký. Vì vậy, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh chưa thống nhất được. Cũng chưa có cơ sở xây dựng Đề án Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2016 - 2025 của tỉnh, vì Bộ GD-ĐT chưa ban hành Đề án Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2016 - 2025 và chưa thực hiện việc chuyển xếp ngạch đối với ngạch Văn thư, ngạch công chức hành chính có trình độ Cao đẳng...

CÒN NHỮNG TRĂN TRỞ

Trước những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, Sở GD-ĐT đã có Văn bản kiến nghị đối với tỉnh và các địa phương. Trong đó, ngành kiến nghị được tiếp tục tuyển dụng nhân viên Kế toán, nhân viên Y tế để cơ sở giáo dục đạt chuẩn kiểm định và cơ sở giáo dục hoạt động đúng theo điều lệ. Được bảo lưu phụ cấp nghề (phụ cấp thâm niên nhà giáo) đối với công chức, viên chức đang trực tiếp giảng dạy được tiếp nhận hoặc điều động về cơ quan Sở GD-ĐT làm việc để được hưởng phụ cấp thâm niên nghề theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực tế hiện nay, khi giáo viên được điều động làm cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở sẽ bị giảm và mất chế độ so với ở trường. Chẳng hạn, hưởng phụ cấp công vụ thấp hơn phụ cấp ưu đãi (công vụ 25%, ưu đãi 35% hoặc 30% tùy theo cấp học), nếu về vị trí biên chế viên chức phòng GD-ĐT thì chỉ có lương mà thôi. Nếu điều động hiệu trưởng về làm cán bộ quản lý Phòng GD-ĐT thì phụ cấp chức vụ lại thấp hơn ở trường và mất phụ cấp thâm niên nghề, trong khi phụ cấp này được tính hệ số lương để khi về hưu.

Ngành cũng đề nghị bỏ điểm đ, khoản 1, Điều 25, Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ, do điểm đ quy định nếu viên chức nào không có “công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” thì phân loại mức 4: Không hoàn thành nhiệm vụ. Viên chức khó đáp ứng được tiêu chí này vì số lượng viên chức ngành rất nhiều, không phải viên chức nào mỗi năm đều có công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến...

Một bức xúc khác mà ngành GD-ĐT mong được giải tỏa, là được thêm tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non vượt giờ quy định tại Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, do đặc thù bậc học là phải giảng dạy cả ngày, không thể giảm số tiết được như các bậc học khác.

Tác giả bài viết: Thủy Hà

Nguồn tin: Ấp Bắc