Tản mạn các cuộc thi và giải thưởng văn chương 2013

Năm 2013, một năm có vẻ im ắng của các cuộc thi văn chương và giải thưởng văn chương. Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tính đến nay (26/12) vẫn chưa có thông báo về các giải thưởng…

Các cuộc thi văn chương năm 2013

Ngoài các cuộc thi mang tính truyền thống, lâu dài, bắt đầu từ năm 2013, hay vắt qua 2013 như cuộc thi Văn học Tuổi 20 của NXB Trẻ, cuộc thi Sáng tác cho Thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch và NXB Kim Đồng, cuộc thi sáng tác Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội v.v…

Các cuộc thi khu vực, vùng miền hoặc các tỉnh thành phố trong nước như Cuộc thi bút ký Văn học ĐBSCL năm 2013 do Hội VHNT Vĩnh Long đăng cai, cuộc thi sáng tác Thơ, truyện ngắn 2013 của TP. Cần Thơ, cuộc thi hướng về cội nguồn Sông Hồng của Tp. Hải Phòng, cuộc thi Thơ hay về Mẹ do báo Vũng Tàu Chủ nhật tổ chức cùng một số Hội VHNT địa phương khác. Đặc biệt nhân kỷ niệm 84 năm Ngành Cao su Việt Nam, Tập đoàn CSVN tổ chức cuộc thi sáng tác Văn học và kết thúc vào tháng 10/ 2013. Lãnh sự quán Nhật Bản ở TP.HCM vẫn tiếp tục cuộc thi thơ Haiku Việt- Nhật lần thứ IV. 2013, và một cuộc thi làm… nóng cộng đồng Facebook, là cuộc thi “Lời tỏ tình đầu tiên” trên Facebook do doanh nhân Phạm Thanh Long đề xuất và tài trợ…

Tất nhiên những cuộc thi có uy tín, mới lạ, nghiêm túc và công bằng sẽ thu hút nhiều cây bút tham gia, còn những cuộc thi mang… tai tiếng, lùm xùm chắc chắc sẽ ít người tham gia, nhiều khi Ban tổ chức phải “dời đi, dời lại” ngày “hết hạn” và ngày tổng kết, làm mất đi qui chế chặt chẽ vốn có của cuộc thi cũng như mục đích ý nghĩa của cuộc thi. Kiến giải điều này, có mấy luồng dư luận:

- Cuộc thi có ít người tham gia, hoặc không có gương mặt nổi trội? Chất lượng chưa cao?

- Chưa có người của “phe ta” dự thi, hoặc có dự thi nhưng… còn yếu!

- Nặng về “cục bộ địa phương”. Chưa “xếp đặt” được người nhận giải?...

 

Giá trị giải thưởng văn chương

Có thể nói một số giải thưởng văn chương của ta chỉ mang tính “hương hoa”, tượng trưng, “có tiếng nhưng không có miếng”, ví như cuộc thi Thơ Haiku, giải nhất cũng chỉ vài triệu đồng? Giải A cuộc thi của ngành Cao su, một bài thơ chỉ có 3 triệu đồng v.v… Có người chua xót so sánh một cuộc thi mang tính chất “trí tuệ” nhưng kém xa những cuộc thi “cơ bắp” hoặc “eo mông”, hay một chương trình trò chơi giải trí trên truyền hình! Do đó, nhiều khi chúng ta đòi hỏi “chất lượng cao” của những tác phẩm dự thi, có lẽ chỉ là điều… không tưởng theo đúng tinh thần “Tiền nào của đó” chăng?

 

Các tác phẩm đạt giải

Rất nhiều cuộc thi gần đây, có nơi những tác phẩm vào chung kết và đạt giải, Ban tổ chức cho in ấn thành tập để tặng (hoặc bán) cho những người tham dự tổng kết, còn phần lớn, tác phẩm đạt giải được vinh danh, giới thiệu và sau đó… là chìm nghỉm theo thời gian, khó “Sống mãi với thời gian” hay được người đọc trân trọng truyền tụng? Điều này phải chăng vì chất lượng chưa cao? Hay vì Ban tổ chức, Ban giám khảo kém… “Mắt xanh” lựa chọn?

Bởi mỗi cuộc thi đều có mục đích, tiêu chí và qui chế riêng, do đó khi tác giả, tác phẩm đáp ứng được các yêu cầu về mục đích, về tiêu chí, thì chắc chắn sẽ không thỏa mãn hết yêu cầu của mọi người đọc, cho dù tiêu chí hay, chất lượng cao được đề cập, song vẫn trong “khuôn khổ” qui định, hạn chế sự thăng hoa, vượt thoát, khiến mọi người cảm thấy chưa thật bằng lòng chăng?

Và trong bất kỳ cuộc thi nào, cũng đều xảy ra tình trạng “chín người mười ý”, song nếu nghiêm túc, công tâm và công bằng, thì sẽ ít hoặc không có dư luận eo xèo. Còn thiếu nghiêm túc, hoặc có sơ hở không công bằng, tất sẽ có những ý kiến phản đối hoặc trái chiều, nhất là trong điều kiện hiện nay, ai cũng có thể có ý kiến trên diễn đàn… mạng, không cần phải kiểm tra, kiểm soát, và sẽ kéo theo những người vì lý do này, lý do khác, “té nước theo mưa”, tạo thành dư luận không tốt cho Ban tổ chức, Ban giám khảo… Nhưng như trên đã nói, “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu cuộc thi công bằng, thì không có dư luận nào có thể đánh mất được uy tín của người tổ chức…

 

Một vài suy nghĩ nhỏ

Bất kỳ một cuộc thi nào, dù lớn, nhỏ, dù ở trung ương, vùng miền hay tỉnh, cũng phải có giải nhất. Bởi không thể đánh đồng chung mọi cuộc thi. Dù hay, kém vẫn là… người tiêu biểu cho một cuộc thi nhất định. Không vì sợ dư luận, mà không dám dũng cảm trao giải nhất, để các cuộc thi… giống như bị cắt xén bớt giải nhất, giải nhì…

Khi tổ chức một cuộc thi, tất nhiên phải có các qui định cụ thể rõ ràng về các mốc thời gian. Nếu không vì một lý do đặc biệt, hệ trọng thì không nên “gia hạn”, dời đổi thời gian, vì như thế là… xem nhẹ người dự thi, mục đích ý nghĩa cuộc thi… vi phạm qui chế thi, và đây cũng là “uy tín” của những người tổ chức cuộc thi!

Nên chăng nâng cao các giải thưởng cuộc thi xứng tầm, nhằm thu hút nhiều người tham gia, động viên người sáng tác có những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc.

Cuối cùng là các giải thưởng, tặng thưởng hàng năm của các Hội chuyên ngành, cũng cần phải minh bạch, vượt qua những dư luận không đáng có. Tưởng thưởng và đánh giá đúng mức công sức sáng tạo của người viết, không vì “sợ này kia” mà cứ đề “thất bát, mất mùa” trong niềm tin của các hội viên và người đọc…

Tác giả bài viết: Nguyễn Sông Trà

Nguồn tin: Văn học quê nhà