Khóc cười với thơ trên lịch

Không biết từ bao giờ trên các cuốn lịch treo trường và lịch xé từng ngày (lịch bloc) xuất hiện thơ và danh ngôn. Mỗi khi năm hết tết đến, cuốn lịch mới được thay chỗ cuốn lịch cũ, lại thấy thấp thoáng thơ ca trên đó là bao cảm xúc ùa đến, vừa trầm ngân, vừa thích thú lại vừa giật mình thon thót…

Nhiều người có cái thú mỗi ngày đọc những “lời hay ý đẹp” trên lịch rồi nhâm nhi bên chén trà. Danh ngôn thì được nhân rộng người biết, còn thơ vì thế có thêm một kênh để với độc giả.

Danh ngôn bao gồm những câu nói hay, chí tình chí lý mang tính triết lý, chân lý, tổng kết, ngẫm nghĩ… của một cá nhân nổi tiếng hoặc cũng có khi là tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao.

Còn thơ, ít khi là cả bài, trừ khi đó là bài thơ ngắn, bao gồm bốn câu. Thường thường là một khổ thơ bốn câu được trích trong bài, hoặc cũng có khi là hai câu. Tuỳ vào mỗi bài thơ cụ thể mà số câu được quyết định ngắn dài để có diễn đạt hợp lý.

Nếu lịch treo tường có hai phần Tranh và Ngày tháng, thì thơ thường ở vị trí trung tâm, dễ nhìn, dễ đọc, dù được viết theo kiểu thư pháp.

Phải công nhận, khi thơ được in trên lịch, ngoài việc xem ngày âm dương như công dụng vốn có của lịch thì nhiều người đã dừng mắt lại lâu hơn để đọc và ngẫm nghĩ. Thậm chí có nhiều người còn lưu lại tờ lịch hoặc mang sổ tay ra chép những lời hay ý đẹp để thỉnh thoảng đọc lại, hoặc chia sẻ với bạn bè, người thân.

Tuy nhiên, việc chọn thơ để in trên lịch trước nay còn quá nhiều cái đáng bàn.

Đầu tiên là việc chọn thơ. Vì thơ in trên lịch thường là trích dẫn từ 2 đến 4 câu nên việc để phần thơ trích đứng được độc lập không phải là dễ. Có những câu thơ khi để trong chỉnh thể cả bài thơ thì hoàn toàn ăn khớp, nhưng khi đứng tách ra độc lập thì lại rất khó chấp nhận. Chẳng hạn như trên lịch của tạp chí Văn nghệ Quân đội, có trích ra những câu thơ đứng độc lập rất hay như: “Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối Mẹ thường hát ru” (Nguyễn Hữu Quý), hoặc câu: “Chiều buông ngọn khói hoang sơ/ Tiếng chuông ngàn tuổi tỏ mờ trong mây” (Trần Đăng Khoa)…

Nhưng khi đến hai câu thơ của Duy Khán thì lại không ổn:

“Tôi mang nào có bao nhiêu

Mà sao mời mọc quá nhiều hỡi em”.

Đặt vào vị trí độc giả không biết đến hai câu này nằm trong bài Chợ chiều - tức là không đọc nhiều sáng tác của Duy Khán thì rất dễ bị hiểu sai so với chỉnh thể bài thơ. Mà độc giả sẽ hiểu là anh chàng trong bài thơ này có vẻ hơi… ki bo, mang ít đồ để chia. Còn cô gái trong bài thơ lại quá xởi lởi, không thấu hiểu nỗi lòng người mang ít (?)

Trên tờ lịch của Viettel còn có bài thơ mà đọc xong không biết nên cười hay khóc. Bài thơ viết theo kiểu thư pháp, lên dòng xuống dòng hơi khó phân biệt vì đọc ngược, đọc xuôi không thấy thuận lắm, xin được tạm dịch ra thế này:

“Xuân đến sen hồng khoe sắc thắm

Hoa sen thanh tao bùn nước không nhơ bẩn

Hoa sen thuần khiết hương thơm nhẹ ngọt ngào”

Bài thơ này không ghi tên tác giả. Cũng xin tạm thời không bàn về cái hay hay dở, cũ hay mới, độc đáo của bài thơ, tứ thơ, kết cấu câu thơ mà chỉ cần đọc câu đầu đã thấy… có vấn đề - Xuân đến sen hồng khoe sắc thắm. Bởi trước nay ai cũng biết hoa sen nở vào mùa hè chứ mùa xuân mà sen hồng khoe sắc thắm thì có lẽ là giống sen mới mà bản thân người viết bài này chưa cập nhật thông tin chăng? (Tìm hiểu thì thấy có bài thơ Hoa sen của tác giả Nguyễn Tâm, nội dung thế này: Mảnh khảnh thân em ở dưới ao/ Khi thì áo trắng lúc hồng đào/ Bên trong màu yếm vàng hanh nắng/ Váy rộng xòe xanh gió lao xao/ Xuân đến bao cô khoe sắc thắm/ Hè về một bóng em đổi trao/ Thanh tao bùn nước không nhơ bẩn/ Thuần khiết hương thơm nhẹ ngọt ngào!) Thôi thì đánh giá nội dung bài thơ in trên lịch thế nào xin nhường quyền cho người đọc để xem bài thơ có xứng đáng được chọn in trên lịch với logo của một thương hiệu khá nổi tiếng hay không.

Trong suốt cuộc đời cầm bút của một nhà thơ vẫn có thể có những câu thơ dở.

Câu thơ không có tội.

Câu thơ dở nằm im trong xó xỉnh bất cứ đâu không ai biết.

Nhưng một câu thơ dở được in trên lịch, treo trong nhà, dễ đập vào mắt người quan sát nhất thì thấy… chướng và bỗng dưng thấy thơ ca vô cùng tội lỗi.

Bên cạnh chuyện chọn nội dung thơ như thế nào để in trên lịch thì thơ trên lịch còn vấp phải vấn đề khác mà lâu nay chúng ta đã và đang nhắc tới, đó là nhuận bút và tác quyền.

Việc thơ được in trên lịch và trở thành một loại hàng hoá bán trên thị trường, tức là trở thành nguồn có thu thì không thể không nhắc tới nhuận bút cho tác giả.

Trên nhiều cuốn lịch bloc của các nhà xuất bản, ngoài in danh ngôn - thường tác giả là người nước ngoài, hoặc ca dao tục ngữ, thành ngữ thì không có tên tác giả nhưng còn những khổ thơ có đầy đủ tên tác giả thì sao?.

Hàn Mặc Tử có: Thích trồng hoa cúc để xem chơi/ Cúc ngó đơn sơ lắm mặn mòi/ Đêm vắng gần kề say chén nguyệt/ Vườn thu vắng vẻ đã mua vui”, còn Xuân Quỳnh là: “Nắng với hồng với tim tím nhạt/ Tựa màu mây phiêu lãng cuối trời xa/ Hoa tường vi như thực lại như mơ/ Cùng tôi sống một thời trẻ dại”.

Với các nhà thơ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, Xuân Quỳnh, Xuân Diệu… được đông đảo các nhà làm lịch in thơ từ năm này qua năm khác. Vậy thì, ngoài việc khó khăn xin phép tác giả để được in thơ thì các nhà làm lịch sẽ chi trả nhuận bút như thế nào?

Quan sát thơ trên các cuốn lịch bloc còn thấy có nhiều câu thơ mà ở phần ghi tên tác giả là Sưu tầm, Khuyết danh. Nếu cứ ghi chung chung như thế thì không khéo một ngày không xa để tránh vấn đề nhuận bút hay phải hỏi xin ý kiến tác giả có đồng ý in thơ của mình trên lịch không thì nhiều nhà thơ hiện còn đang sống sẽ bị lờ đi và “quy đồng tác giả” thành Sưu tầm hết.

Cuối năm, tản mạn về chuyện thơ trên lịch, về chuyện nhuận bút thơ ca, có nhà văn bảo với tôi rằng, không khéo sau bài này khối người chưa có tên tuổi lại đua nhau mang thơ đến nhà xuất bản để năm sau được in trên lịch. Nhà xuất bản sẽ không còn phải lo chuyện nhuận bút, tác quyền mà có khi họ vừa mang thơ vừa mang theo cả tiền để thơ mình được phổ cập cũng nên. Ừ, với thơ, cũng chẳng biết thế nào thật!.

Tác giả bài viết: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà