Đoàn Bảo Châu học hỏi nhà văn nước ngoài khi viết "Khói"

Khói là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Đoàn Bảo Châu vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Skybooks ấn hành. Tiểu thuyết dày dặn này không chỉ kể lại bước đi sai lầm của một người trẻ trên đường đi tìm cha với đầy đủ thất bại, nỗi đau, nước mắt và máu, mà còn là hành trình tìm đến những giá trị đời thường, nhân bản nhất. 
body-Khoi-3185-1388223608.jpg

Tác giả Đoàn Bảo Châu trong buổi giới thiệu sách Khói.

Tác giả Đoàn Bảo Châu trước nay là người ngoại đạo văn chương. Anh vốn trải qua nhiều nghề: võ sư karate, kỹ sư cơ khí và máy tính, phóng viên. Hiện anh làm phóng viên ảnh tự do, cộng tác cùng các hãng thông tấn, báo chí và đại lý ảnh quốc tế. Đoàn Bảo Châu viết Khói bằng những trải nghiệm trong cuộc đời mình, mất sáu năm cầm bút viết và sửa chữa.

Trong buổi giao lưu giới thiệu Khói tại Hà Nội hôm 27/12, Đoàn Bảo Châu cho biết không bao giờ nghĩ mình có thể viết được tiểu thuyết. "Khi bắt tay vào viết Khói, tôi bị vấp rất nhiều, có hôm tối viết, sáng hôm sau đọc lại thì tự đỏ mặt với văn của mình. Cứ mỗi lần vấp, tôi lại mày mò trên mạng, học hỏi các nhà văn nước ngoài, xem cách họ xây dựng cốt truyện, cách dùng câu, dựng nhân vật…”. Viết xong, Đoàn Bảo Châu còn dành ra một năm trời để biên tập, trau chuốt. Anh nói anh yêu đứa con tinh thần của mình và khẳng định sẽ đi tiếp với văn chương.

Tại buổi họp, nhiều nhà phê bình dành lời khen ngợi cho tác phẩm của Đoàn Bảo Châu. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết ông đọc Khói liền mạch trong một đêm và bị câu chuyện ám ảnh. “Tôi tự hỏi có thật thế chăng? Có một người như Dũng Khói, như Quang, như Thành chăng?”, ông nói.

Nhà phê bình Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng Khói là sự dung hợp của bút pháp tự sự cổ điển và hiện đại của tác giả. Ông giải thích cặn kẽ quan điểm của mình: Cổ điển trong kết cấu, triển khai cốt truyện, miêu tả đường đời nhân vật, khắc họa chi tiết đặc sắc. Còn hiện đại trong luân phiên điểm nhìn trần thuật, làm đa dạng các diễn ngôn và giọng điệu theo ngôi kể (ngôi thứ; người kể chuyện xưng tôi, nhân vật ở ngôi thứ nhất).

body-6003-1386409745-5889-1388223608.jpg

Tiểu thuyết Khói.

Dành nhiều lời khen ngợi, nhưng nhà phê bình Bùi Việt Thắng vẫn thẳng thắn đưa ra những góp ý mà theo ông sẽ giúp Khói hay hơn. Ông nói: “Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết tôi thích nhất trong năm 2013. Tác phẩm khá trọn vẹn từ kết cấu, mảng miếng tới ngôn từ. Tuy nhiên, do Đoàn Bảo Châu giỏi ngoại ngữ nên câu văn rất Tây, ngôn ngữ không biến hóa, ví dụ cứ miêu tả khói là lại bập bùng. Tác phẩm lại có những chi tiết cụ thể, như từng ngày tháng chi li, chính xác như vậy không nên”.

Khói ra đời cuối năm 2013 nên không thể đưa vào xét giải thưởng của Hội nhà văn trong năm, nhưng theo nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn tiểu thuyết này sẽ là một ứng viên nặng ký cho mùa giải 2014.

Tác giả bài viết: Hiền Đỗ

Nguồn tin: VnExpress