Chủ nhân Nobel 2006 tự nhận là người cuồng viết

Orhan Pamuk thừa nhận như vậy trong cuốn sách ‘"Những màu khác" vừa được chuyển ngữ và phát hành ở Việt Nam.

Orhan Pamuk (sinh năm 1952, người Thổ Nhĩ Kỳ) là tiểu thuyết gia có nhiều thành tựu. Năm 2003, ông nhận giải International IMPAC Dublin cho cuốn Tên tôi là đỏ. Năm 2004 cuốn Tuyết phát hành bản tiếng Anh và được ca ngợi là "ấn bản không thể thiếu của thời đại chúng ta". Cuốn hồi ký Istanbul của ông là một tác phẩm cuốn hút. Ông nhận giải Nobel văn chương năm 2006, ngoài ra còn sở hữu những giải thưởng danh giá tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Cuốn Những màu khác được Pamuk xuất bản không lâu sau khi ông nhận giải Nobel.

body-1-Pamuk-5839-1385725352.jpg

Những màu khác - tập tiểu luận dày dặn tiết lộ phần nào con người Orhan Pamuk.

Những người yêu văn chương từng biết Orhan Pamuk đã thành công với các tiểu thuyết Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng, Cuốn sách đen. Nhưng ông là một nhà văn tham vọng, nên "phổ màu" của ông còn bao trùm lên cả lĩnh vực chính trị, hội họa cổ điển, tản văn ngắn. 

Những màu khác là một tập tiểu luận của Pamuk. Phần lớn các bài trong sách lấy từ những bài viết ngắn hàng tuần của ông cho tờ Okuz (Bò đực), một tạp chí chuyên về chính trị và hài hước. Bên cạnh các bài viết từ báo chí, cuốn sách còn lấy từ nhiều nguồn khác và biên tập lại như những bài diễn văn nhận giải của Pamuk, những bài trả lời phỏng vấn... Cuốn sách được chia làm chín phần, là những nội dung khác nhau mà Orhan Pamuk bàn đến như: Sống và lo lắng, Sách và đọc sách, Chính trị, châu Âu và những vấn đề khác của việc là chính mình, Sách tôi là đời tôi, Hình ảnh và văn bản, Những thành phố khác, những nền văn minh khác...

Như Pamuk viết: "Đây là một cuốn sách làm từ các ý tưởng, hình ảnh và phân mảnh của cuộc đời chưa tìm thấy lối vào một trong các tiểu thuyết của tôi". Những bài viết trong sách là sự nối dài ngoạn mục, những ngoại truyện bổ sung cho các trang tiểu thuyết thành danh của ông. Ông thể hiện trong cuốn sách những khoảnh khắc, những ý tưởng, những cảnh đời thường nho nhỏ mà ông không đưa vào trong các tác phẩm hư cấu. Pamuk thể hiện sự thích thú với những bài tiểu luận này hơn với các tiểu thuyết của mình, ông cho rằng chúng có chứa những khoảnh khắc vụt hiện, khi chân lý được rọi sáng. 

Tuy là một tuyển tập bài viết, song Những màu khác được xây dựng một khung sườn chắc chắn. Các chương trong từng phần được sắp xếp chặt chẽ, khi đọc có thể thấy rõ chân dung nhất quán về một văn nhân với sự thông minh, những quan sát tinh tế, kiến thức thông tuệ. 

Orhan Pamuk có nhiều tiểu thuyết lớn được ngưỡng mộ, các tập hồi ký được yêu thích, và gần 500 trang của tập tiểu luận Những màu khác (chưa phải là tất cả những gì ông viết) minh chứng cho một năng lực làm việc dồi dào. Ông viết trong Những màu khác: "Tôi luôn luôn tin rằng ắt phải có một kẻ cuồng viết tham lam và gần như không thể lay chuyển thường trú trong tôi - một sinh vật không thể bao giờ viết cho đủ, kẻ lúc nào cũng biến cuộc sống thành từ ngữ - và để cho hắn ta vui lòng tôi cần phải tiếp tục viết".

body-2-7202-1385725352.jpg

Chủ nhân giải Nobel 2006 là một người mê viết.

Trong bài trả lời tạp chí Paris Review (là một phần trong cuốn Những màu khác), Pamuk cũng nói ông thường viết 10 tiếng một ngày. Ông coi viết lách như một trò chơi: "Đúng, tôi là người làm việc chăm chỉ. Tôi thích vậy. Có người nói tôi tham vọng, có lẽ trong đó cũng có vài phần sự thật. Nhưng tôi yêu những gì tôi làm. Tôi thích ngồi vào bàn như đứa trẻ chơi với đồ chơi của nó. Thực chất, đó là công việc, nhưng nó vui và cũng là trò chơi".

Bên cạnh những nhìn nhận của Pamuk về các vấn đề chính trị, nghệ thuật, cuộc sống, văn hóa đọc và cách đọc, Những màu khác còn tiết lộ nhiều điều về con người Orhan Pamuk qua những bài viết có tính tự sự. Những màu khác do dịch giả Lâm Vũ Thao chuyển ngữ, nhà xuất bản Văn học phát hành.

Tác giả bài viết: Hiền Đỗ

Nguồn tin: VnExpress