Chiều tiễn đưa nhà thơ Lò Ngân Sủn

Tôi gặp anh Lò Ngân Sủn lần đầu khi anh làm còn công tác ở Hội Văn nghệ Lào Cai, anh đưa tôi đến thăm nhà anh ở phố Hoàng Liên của thành phố Lào Cai. Lúc ấy anh mời tôi lên giảng bài và đọc sáng tác của trại sáng tác văn học tỉnh. Anh làm công chức mẫn cán, còn vợ anh là chị Vựng sáng sáng bán bánh cuốn tại nhà. Cuộc sống của vợ chồng anh khá bình dị và đạm bạc. Sau này anh thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, rồi trong một lần đại hội, anh được bầu vào ban chấp hành hội, được cử làm trưởng ban kiểm tra. Do ban chấp hành khóa đó ít người không kham nổi hết việc. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi đó làm Tổng thư ký Hội lại kiêm nhiệm nên đã điều anh Lò Ngân Sủn về Hà Nội làm trường trực cơ quan của Hội.

Anh chuyển cả gia đình về Hà Nội không có chỗ ở, anh phải ở nhờ trong một phòng nhỏ của cơ quan. Tôi rất cảm thông với anh, khi tổ chức đám cưới cho con, không đủ tiền đi thuê phòng cưới nên anh đã mượn trụ sở Hội để làm nơi tổ chức đám cưới. Khách đến không có đủ chỗ ngồi cho khách nên đã ngồi khắp các phòng làm việc, hội trường, ngoài sân, các dãy hành lang… Sau này anh vay mượn tiền, mua được một căn nhà khoảng độ hai chục mét trong một ngõ sâu, lối vào rất ngóc ngách trên đường Đê La Thành, bên mé trái cổng Bệnh viện nhi. Ở đó khá ẩm thấp, chật chội, ngột ngạt, vào nhà anh phải đi chui qua dưới mái lán một quán cơm bình dân. Cả gia đình anh đã ở căn nhà ấy từ đó đến nay.


Nhà thơ Lò Ngân Sủn

Nhà thơ Lò Ngân Sủn làm ở cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam một thời gian rồi sang làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân tộc thiểu số Việt Nam. Vài năm sau, anh bị đột quỵ nặng, bất tỉnh không biết gì. Gia đình đưa anh vào cấp cứu ở bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô, hơn mười hai ngày sau mới hồi tỉnh. Di chứng để lại của lần đột qụy đó đã làm anh liệt nửa người. Anh không còn khả năng nói, viết, không thể tự đi lại... Đã chục năm nay, anh chỉ ngồi trên xe lăn và lê la ở trong căn nhà nhỏ. Chị Vựng vợ anh đã mười năm tận tình ngày đêm chăm sóc anh, chị giúp anh từ tắm giặt, ăn uống, mặc quần áo, đi vệ sinh… Chị hàng ngày kiên nhẫn dìu cho anh tập đi, dạy cho anh tập nói, cầm tay anh tập viết… Chị hết mình vì chồng, chưa bao giờ chị có một lời phàn nàn, yêu anh như thế nào thì chị chăm sóc anh như thế.

Đến gần giữa tháng mười hai vừa rồi, bỗng dưng bụng anh to lên, chị đưa anh đi khám thì bác sĩ kết luận là anh bị ung thư gan. Và chỉ đúng sau đó một tuần thì anh mất, anh đã vội vã từ giã trần gian để ra đi, anh đã ra đi quá nhanh khi mới tuổi mới sáu mươi chín.

Tôi với anh Lò Ngân Sủn có nhiều kỷ niệm với nhau, anh với tôi cùng làm ở Hội đồng văn học Dân tộc Miền núi - Hội Nhà văn Việt Nam rồi Hội Văn học nghệ thuật Dân tộc thiểu số Việt Nam nhiều năm. Có chuyện buồn vui trong gia đình và trong công việc anh đều tâm sự với tôi. Trong làm thơ, trong công việc của Hội anh cũng thường hay hỏi và trao đổi cùng tôi rất cặn kẽ từ việc nhỏ nhất. Anh lúc nào cũng sống cởi mở, chân thành…

Nói đến thơ Lò Ngân Sủn, người ta thường hay nhắc tới bài thơ Chiều biên giới. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Trung phổ nhạc, nhiều người Việt Nam thuộc bài hát đó.

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào cao hơn

….

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào đẹp hơn

Khi mùa hoa đào nở

Khi mùa sở ra cây

Lúa lượn bậc thang mây

Mùi toả ngát hương bay.

Bây giờ, khi nhắm mắt xuôi tay, anh lại trở về với quê hương Bát Xát, Lào Cai, nơi mà anh yêu nhất - nơi anh đã từng viết “có nơi nào xanh hơn”, “có nơi nào cao hơn”, “có nơi nào đẹp hơn”… Anh lại đắm say với gió núi, mây ngàn. Anh lại quấn quýt với các cô gái chàng trai Bản Vền - nơi anh sinh ra, trong đêm trăng núi trải ánh sáng bạc mênh mang.


Tuyết phủ trắng Sapa (Ảnh Internet)

Ra đi anh để lại các tập sách: Chiều biên giới (1989); Những người con của núi (1990); Đám cưới (1992); Đường dốc (1993); Con của núi ( Tập 1: 1996; tập 2: 1997); Lều nương (1996); Chiếc vòng bạc (1987); Tục ngữ Dáy (tập truyện, 1995); Suối Pí Lè (1996); Dòng sông mây (1995); Chợ tình (1995); Hưu tập thể (tập truyện, 1995); Suối Pí Lè (1996); Ở đây (1994); Trời, cái bật lửa (1995)...

Người ta thường nhắc anh với bài thơ Người đẹp, bài thơ nghe thô sơ nhưng lại đầy ấn tượng.

Người đẹp trông như tuyết

Chạm vào lại thấy nóng

Người đẹp trông như lửa

Sờ vào lại thấy mát

Người không khát - Nhìn thấy người đẹp cũng khát

Người không đói - Nhìn thấy người đẹp cũng đói

Người muốn chết - Gặp người đẹp lại không muốn chết nữa…

Trong đám tang của anh chiều hôm qua ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghe nhà văn Trung Trung Đỉnh nói với chúng tôi một câu có vẻ rất bâng quơ và cũng rất thật: sao lúc uống rượu thì thấy đông thế, mà hôm nay thì chẳng thấy những người ấy đâu… Đám tang của anh vắng vẻ trong một buổi chiều Hà Nội mùa đông giá buốt. Sau lễ truy điệu, ai cũng lưu luyến chia tay anh khi chiếc xe tang lăn bánh hướng về căn nhà nhỏ của anh ở trước cổng Bệnh viện Nhi đường Đê La Thành, sau đó ngược lên phía bắc nơi có đỉnh núi Phan Xi Păng là mái nhà của cả nước cao ngất trời tỏa bóng xuống nơi anh sẽ nằm yên ở đó. Bao chuyện buồn vui của cuộc đời, giờ đây chẳng còn có ý nghĩa gì với anh…

Tác giả bài viết: Dương Thuấn

Nguồn tin: Văn học quê nhà