Người nằm trên cáng thương chỉ huy đánh giặc

Đó là câu chuyện về Đại úy Trần Văn Mười, nguyên Trung đội trưởng, Bí thư Chi bộ An ninh vũ trang (ANVT) TP. Mỹ Tho từ tháng 5-1970 đến tháng 2-1973, đã 6 lần bị thương và bị thương lần thứ 6 bị gãy chân, ông… vẫn nằm trên cáng thương chỉ huy đánh giặc, bảo vệ an toàn cơ quan Thành ủy Mỹ Tho.

Gặp lại ông tại nhà riêng ở xã Tân Bình Thạnh (huyện Chợ Gạo), người trung đội trưởng ANVT ngày xưa vẫn còn hào hứng khi kể về những trận đánh của mình và đồng đội năm xưa:

“Từ tháng 4-1966 đến tháng 10-1966, tôi đã tham gia chiến đấu 4 trận, nổi bật là trận chống càn vào đầu tháng 10-1966. Địch sử dụng lực lượng bảo an đánh vào căn cứ Tỉnh ủy tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, chúng đi bằng xuồng. Tôi là chiến sĩ trong tiểu đội ANVT bảo vệ Văn phòng Tỉnh ủy Mỹ Tho do đồng chí Ba Điện (Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Điện) chỉ huy, đã phục kích đánh kềm chân địch từ sáng tới trưa, diệt và làm bị thương 30 tên.

Trưa, địch cụm lại trong địa hình, lúc này dân vẫn còn bám trụ địa hình, tôi và đồng chí Tư Bốn (Anh hùng LLVT Nguyễn Việt Thành, Trung tướng, cán bộ Bộ CA đã nghỉ hưu), người trực tiếp bảo vệ đồng chí Chín Công, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tổ chức pháo kích địch bằng súng trường làm cho địch không dám bung ra.

Tối cùng ngày, tôi và đồng chí Hai Tri, đều là chiến sĩ ANVT tiếp tục pháo kích địch, đồng chí Hai Tri làm nhiệm vụ cảnh giới, tôi dùng súng bá đỏ (K44) phóng lựu, quả lựu đạn do công trường tỉnh chế lại từ quả bom bi của địch, làm địch chết và bị thương 6 tên. Sáng hôm sau địch phải rút bỏ cuộc càn.

Sau trận đánh này, tôi được nâng từ chiến sĩ lên Tiểu đội phó và đến tháng 10-1967 tôi được phân công trực tiếp bảo vệ đồng chí Việt Thắng (204) là Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy phụ trách khu vực Mỹ Tho - Gò Công.

Trong thời gian bảo vệ đồng chí Việt Thắng, nhất là giai đoạn Chiến dịch Xuân Mậu Thân, đồng chí Việt Thắng xuống vùng vành đai trực tiếp chỉ đạo mặt trận TP. Mỹ Tho. Tôi và 2 đồng chí nữa đã khắc phục mọi khó khăn, vừa phối hợp với lực lượng vòng ngoài chiến đấu, vừa đào nhiều hầm bí mật ở nhiều nơi để đảm bảo an toàn cho đồng chí Việt Thắng.

Ngày 20-10-1968, được sự đồng ý của đồng chí Việt Thắng, lãnh đạo Ty An ninh tỉnh Mỹ Tho điều động tôi về công tác tại lực lượng ANVT bảo vệ Thành ủy Mỹ Tho và bố trí nhiệm vụ trung đội phó. Được hơn 1 tuần lễ, ngày 28-10-1968, đơn vị đang đóng quân tại địa hình xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo), địch đổ quân càn quét. Sau khi cho anh em về công sự phòng ngự, tôi ở lại theo dõi để kịp thời có cách xử lý tình huống đánh địch và bị địch bắn bị thương. Tôi tự lực băng bó và rút về với đơn vị.

Từ tháng 10-1968 đến tháng 2-1969, đơn vị ANVT TP. Mỹ Tho đóng quân trên địa bàn xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, nơi địch tập trung càn quét đánh phá ác liệt. Cuối tháng 10-1968, tôi bị thương và đầu đạn còn trong bắp chân, vết thương chưa lành tôi vẫn cùng anh em trong đơn vị bám đánh địch.

Trong trận càn giữa tháng 11-1968, tôi dùng lựu đạn gài cơ động chặn đầu không cho địch thọc sâu vào địa hình, 2 quả lựu đạn nổ làm chết và bị thương 4 tên. Đầu tháng 2-1969, Thành ủy và Ban ANVT TP. Mỹ Tho đề bạt tôi giữ nhiệm vụ Đội trưởng ANVT bảo vệ Thành ủy Mỹ Tho.

Lúc này cơ quan Thành ủy đứng chân tại ấp 3, xã Đạo Thạnh, cách trung tâm TP. Mỹ Tho chừng 2 km đường chim bay. Trong giai đoạn địch đánh phá ác liệt, Bé (chiến sĩ bảo vệ cơ quan Ban Tuyên huấn Thành ủy) và Phúc (Xã đội phó Đạo Thạnh) hoang mang chạy đầu hàng và dẫn địch về tập trung đánh dài ngày vào căn cứ Thành ủy.

Đội ANVT ban ngày vừa cơ động chiến đấu, vừa củng cố rào xã chiến đấu, bố trí nhiều bãi lựu đạn đánh địch; ban đêm, tôi tham gia với các tổ bám sát nơi địch cụm quân gài lựu đạn. Kết quả đã diệt, làm bị thương 20 tên, trong đó tôi cải tạo lại quả bêta hơi phá công sự của địch (MK3) thành quả lựu đạn miểng và trực tiếp gài nơi địa hình địch cụm quân, lựu đạn nổ làm chết, bị thương 10 tên.

Tháng 9-1969, Thành ủy Mỹ Tho dời căn cứ xuống địa hình xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo. Nguy hiểm nhất vào thời điểm này là tên Chiến, trung đội trưởng lực lượng bộ đội khu đứng chân trên địa bàn chạy đầu hàng, dẫn địch về đánh căn cứ Thành ủy suốt hơn 1 tuần lễ. Đội bảo vệ Văn phòng Thành ủy Mỹ Tho bám đánh địch ngày đêm, đánh chặn từ vòng ngoài bằng lối đánh du kích cơ động…

Chiến đấu mới tới ngày thứ 3 thì tôi bị thương nhưng vết thương không nặng nên kiên quyết xin ở lại đơn vị để được trực tiếp chỉ huy anh em chiến đấu, qua đó diệt và làm bị thương hơn 40 tên, bảo vệ cơ quan Thành ủy an toàn.

Do tình hình địch đánh phá hết sức ác liệt ở chiến trường Chợ Gạo, Thành ủy Mỹ Tho quyết định chuyển căn cứ sang xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Căn cứ cơ quan Thành ủy chỉ là 1 khu vườn hoang rộng hơn 1 mẫu. Khi cơ quan Thành ủy vừa ổn định làm việc thì tên Tám, chiến sĩ cận vệ của đồng chí Thành đội trưởng chạy đầu hàng, dẫn địch về đánh phá ác liệt cơ quan Thành ủy.

Cũng với phương thức đánh địch như ở xã Hòa Định nhưng kéo dài hơn 2 tháng, đội ANVT vừa phải luồn qua đội hình đóng quân của địch tiếp cận nhân dân tiếp tế lương thực, không để cơ quan và các đồng chí Thành ủy bị đói, vừa tổ chức đánh địch, diệt và làm bị thương nhiều tên, địch không vào được tới căn cứ, bảo vệ an toàn
Thành ủy Mỹ Tho.

Ngày 10-4-1972, phát hiện căn cứ Thành ủy lúc này dời về đóng tại xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho) nơi địch đang tập trung càn quét đánh phá hết sức ác liệt, địch bất ngờ cho máy bay đổ 2 đại đội bảo an chia làm 3 mũi bao vây, cắt hết các ngã đường nội bộ trong căn cứ. Trong tình thế nguy cấp, đồng chí Chánh Văn phòng Thành ủy đề xuất phương án đánh mở đường máu cho lực lượng thường trực Thành ủy và cán bộ các ban, ngành thành phố lách qua địa hình lân cận.

Tôi không đồng ý vì theo dõi tình hình địch và xác định không thể đánh địch giải vây, như vậy dứt khoát phải có hy sinh, có khi thiệt hại sẽ rất lớn. Tôi quyết định báo cáo trực tiếp với đồng chí Phạm Thanh, Bí thư Thành ủy, đề xuất cho tất cả cán bộ bám công sự và hầm bí mật; đội ANVT bảo vệ thề quyết tử chiến đấu với địch - dù tôi có hy sinh hay phải hy sinh bao nhiêu đồng chí cũng chiến đấu đến cùng, quyết bảo vệ cho bằng được Thành ủy, bảo vệ cơ quan.

Được đồng chí Phạm Thanh đồng ý, tôi để lại một bộ phận nhỏ trực tiếp bảo vệ các đồng chí trong Thành ủy, cán bộ cơ yếu, cán bộ văn phòng và chỉ huy chia đơn vị ANVT (còn chưa tới 10 đồng chí) thành nhiều tổ triển khai tinh thần quyết chiến đấu hy sinh để bảo vệ Thành ủy, bảo vệ Đảng.

Phương châm chiến đấu chỉ bằng một hình thức đánh lựu đạn, tuyệt đối không nổ súng để tránh địch ném bom, bắn pháo vừa không phát hiện lực lượng ta. Suốt 1 ngày bám đánh địch, đã diệt và làm bị thương hơn 30 tên, trong đó riêng tôi đã dùng lựu đạn và mìn diệt và làm bị thương 20 tên.

Cũng trong tháng 4-1972, trong lúc cán bộ, chiến sĩ ANVT TP. Mỹ Tho đi sản xuất, chỉ còn lại một mình giữ cơ quan thì 1 đại đội thám kích của sư đoàn 7 ngụy luồn trong địa hình tới sát đơn vị. Ở vào tình huống nguy cấp, tôi đã cơ động lúc nơi này, lúc nơi khác, lúc dùng súng trường, lúc dùng tiểu liên đánh địch kết hợp gài, ném lựu đạn, diệt 11 tên, bị thương 6 tên. Do cách đánh đó, địch không biết lực lượng ta, không dám đánh sâu và phải lo điều số lính chết, bị thương rút quân.

Tháng 12-1972, Thành ủy Mỹ Tho chuyển căn cứ về xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trước âm mưu lấn đất giành dân, chốt đồn bót của địch, đồng chí Phạm Thanh, Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo lực lượng ANVT bảo vệ Thành ủy nhanh chóng xây dựng kế hoạch bung ra đứng chân sát khu phố chợ Dưỡng Điềm, kiên quyết đánh không để địch bung ra lấn chiếm.

Trong thời gian ở đây, Đội ANVT đã đánh thắng, đẩy lùi nhiều trận càn của địch, vừa bảo vệ an toàn căn cứ Thành ủy Mỹ Tho vừa làm thất bại âm mưu càn quét lấn đất giành dân, chốt đồn bót ở Dưỡng Điềm. Đến trận đánh càn ngày 20-2-1973 tôi bị thương lần thứ tư, vết thương phần mềm ở cổ nhưng vẫn ở lại đơn vị chỉ huy chiến đấu. V

ết thương trên cổ chưa lành thì trong trận chiến đấu đánh địch co cụm cũng tại Dưỡng Điềm vào ngày 19-3-1973, tôi tiếp tục bị thương lần thứ 5. Anh em trong đơn vị đề xuất đưa tôi đi quân y điều trị nhưng trước tình hình ta và địch tranh chấp từng thước đất giữ từng hộ nhân dân, tôi đề nghị và được Thành ủy đồng ý cho điều trị tại đơn vị để trực tiếp chỉ huy chiến đấu.

Tháng 7-1973, trong một trận chiến đấu quyết liệt với lực lượng bảo an địch, có xe M113 yểm trợ tại bờ keo xã Dưỡng Điềm, lúc đối đầu với địch, tôi vừa bắn tỉa diệt 2 tên trên xe thì cánh quân địch bên hông phát hiện, bắn tôi bị thương gãy chân. Sau trận này tôi phải chịu đi điều trị ở quân y. Thời gian này, tình hình địch đánh ở Dưỡng Điềm, nơi căn cứ Thành ủy Mỹ Tho còn đứng chân vẫn diễn ra hết sức quyết liệt nên Thành ủy bổ sung đồng chí khác thay nhiệm vụ Đội trưởng ANVT bảo vệ Thành ủy.

Tuy nhiên, do chưa có cách đánh phù hợp nên đơn vị có nguy cơ bị địch đẩy lùi gần tới cơ quan Thành ủy. Tháng 10-1973, đồng chí Phạm Thanh, Bí thư Thành ủy quyết định kêu tôi trở về đơn vị để trực tiếp chỉ huy đánh địch. Tôi được anh em cáng trở về đơn vị, mấy lúc giặc càn quét anh em vẫn phải cáng tôi trên một tấm ván gỗ.

Tuy nhiên, do nắm chắc ý đồ đánh phá của địch, thủ đoạn đánh của từng lực lượng địch, tôi đã vạch ra kế hoạch và cách đánh cụ thể. Tôi không thể trực tiếp chiến đấu, nhưng anh em trong đơn vị đã quen cách chỉ huy đánh giặc của tôi, hiểu ý nhau trong sự phối hợp, hợp đồng chiến đấu, đã ngăn chặn được địch, bảo vệ an toàn Thành ủy suốt đến những tháng đầu năm 1975…”.

Sau ngày 30-4-1975, đại úy Trần Văn Mười vẫn giữ nhiệm vụ Đội trưởng ANVT tham gia làm công tác quân quản. Từ tháng 10-1975 đến tháng 3-1980, ông được giao nhiệm vụ Đại đội phó Cảnh sát Bảo vệ Công an TP. Mỹ Tho, Trưởng ban Bảo vệ Công an TP. Mỹ Tho (tháng 7-1976), Đội trưởng Đội Cảnh sát bảo vệ Công an TP. Mỹ Tho (tháng 8-1978).

Tháng 3-1980, ông được giao nhiệm vụ Phó Công an TP. Mỹ Tho, đến tháng 4-1987 được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Mỹ Tho; tháng 5-1987 ông được giao nhiệm vụ Chánh án Tòa án nhân dân TP. Mỹ Tho.

Tháng 5-1994, ông làm Phó Ban Nội chính Thành ủy, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố rồi Phó Văn phòng Thành ủy Mỹ Tho vào tháng 5-2001. Đến tháng 1-2005, ông nghỉ hưu và về tham gia công tác tại địa phương, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Tân Mỹ, xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo.

Tác giả bài viết: Hồng Chương - Phùng Long

Nguồn tin: Ấp Bắc