Người hai lần bắn rơi máy bay

Tôi biết chú Tư Non (Đào Văn Non, ở ấp Hòa, xã Nhị Bình, Châu Thành, Tiền Giang) từ nhiều năm trước, nhưng không biết rằng chú là một bác sĩ quân y từng bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường. 
Người hai lần bắn rơi máy bay

Hồi tôi còn công tác ở Tỉnh đội, năm nào cũng vậy, sắp tới ngày thành lập quân đội (22/12) là cả đơn vị tất bật chuẩn bị đón các cô chú, những cựu chiến binh đã đi qua hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc về họp mặt. Họ mặc những bộ quân phục với nhiều sắc xanh khác nhau, ngực đeo rất nhiều huân chương; đầu tóc bạc phơ nhưng gương mặt rạng ngời và miệng luôn giữ nụ cười thật tươi. Chú Tư Non với vóc dáng thấp đậm hòa lẫn trong dòng người đó. Trong bộ quân phục màu xanh lá gọn gàng, vai mang quân hàm Thượng tá, mái tóc mới lẫn vài sợi bạc, trông chú trẻ hơn các đại biểu khác. Nghe nói chú là Trưởng Quân y huyện Châu Thành Nam trong chống Mỹ, tôi lân la đến hỏi thăm. Chú hỏi tôi quê ở đâu, tôi nói: “Phú Phong”; chú cười khà khà: “Tưởng ở đâu, chứ Phú Phong thì tao lội nát, chỗ nào hỏng biết. Ở đó tao có nhiều kỷ niệm lắm nha, khi nào rảnh bây tới, tao kể cho nghe”. Tôi đã hẹn sẽ tới nhà chú, rồi quên luôn trong bộn bề công việc.

 

Mới đó mà đã 8 năm rồi, cái hẹn “đến nhà” với chú Tư tôi còn chưa thực hiện. Hôm nay tôi quyết định bỏ một ngày để đi Nhị Bình. Theo lời chỉ dẫn của Thượng tá Đào Văn Đông Sơn (con trai lớn của chú Tư đang công tác ở Tỉnh đội) tôi tìm nhà chú cũng không khó lắm. Trong vùng nông thôn sâu, ngôi nhà hiện đại, bề thế, với mái tol giả ngói đỏ tươi của chú nổi bật giữa một vùng xanh cây lá. Bên trái cổng rào là ngôi nhà mồ “dưỡng già” của chú thím. Điều làm tôi chú ý là 2 lá cờ. Cờ Đảng và cờ Tổ quốc đỏ tươi được sơn trên bàn thờ Tổ quốc. Bên dưới là lư hương và ảnh bác Hồ, bác Giáp. Bên phải nhà mồ có hồ cá xây hình bán nguyệt và rất nhiều hoa kiểng; có cả bàn đá, ghế xích đu. Chú đã biến khu nhà mồ thành một công viên nhỏ.

 

Chú Tư trong quần đen, áo thun trắng bỏ vào thùng tươi cười ra mở cổng. Vẫn phong thái tự nhiên như năm nào; tuy tóc chú đã bạc, nhưng giọng nói, tiếng cười không thay đổi. Thím Tư từ nhà sau đi lên. Tôi rất vui vì biết thím cùng quê với mình. Sau những lời thăm hỏi, tôi bắt đầu thực hiện mục đích cuộc viếng thăm.

 

Chú Tư sinh năm 1941, năm nay đã 74 tuổi; còn thím Tư (Trịnh Thị Ngọt) 65 tuổi. Hồi chiến tranh chú thím cùng công tác ở Quân y huyện Châu Thành Nam; chú là Trưởng Quân y, còn thím là Trưởng Phòng mổ. Gia đình chú Tư có 10 anh em, thì 7 người tham gia cách mạng, 3 người hy sinh. Má chú được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngay đợt đầu.

 

Riêng chú Tư tham gia cách mạng lúc 20 tuổi. Công việc đầu tiên của chú là chiến sĩ cứu thương của du kích xã Nhị Bình, sau đó không lâu chú được điều về Đại đội 206 Gò Công. Tháng 2/1962, sau khi học xong lớp y tá chú về công tác ở Quân y Châu Thành. Đầu năm 1964 chú đi học lớp đào tạo y sĩ ở Quân khu 2, sau đó trở về Quân y Châu Thành tham gia đánh sân bay Thân Cửu Nghĩa, rồi đi xây dựng cơ sở để chuẩn bị tách huyện.

 

Năm 1968 huyện Châu Thành được tách ra thành Châu Thành Nam và Châu Thành Bắc; chú làm Trưởng Quân y huyện Châu Thành Nam đóng ở ngã ba Bà Nhan, thuộc xã Phú Phong; sau đó phát triển thêm một cơ sở nữa đóng ở gò Ông Bích của xã này. Trong những năm chống Mỹ, để bảo đảm bí mật, quân y phải liên tục dời điểm; khi thì ở Phú Phong, Bàn Long; lúc dời tới Bình Trưng, Hữu Đạo; có khi sang Mỹ Long của huyện Cai Lậy. Những năm 1969 - 1970 địch đánh phá ác liệt. Ban ngày thì máy bay soi mói, rà sát ngọn cây, có lúc như treo trên nóc nhà để tìm kiếm; thấy chỗ nào khả nghi thì chúng phóng pháo, thả bom; ban đêm pháo bắn cầm chừng như giã gạo. Ác liệt quá nên dân tản cư hết, bà con chí cốt còn bám trụ cũng phải dạt ra đồng. Địa hình vắng tanh, lực lượng cách mạng không còn chỗ dựa. Quân y thiếu gạo, thiếu thuốc, khó khăn lắm mới móc nối, mượn được tiền của dân để gởi mua thuốc; mượn lúa tài chánh, mượn gạo của những cơ sở hàng xáo sống qua ngày. Thương binh thì vẫn phải bảo đảm cơm ngày 3 bữa, còn cán bộ chiến sĩ quân y thì bữa cháo bữa rau. Ngày nào đơn vị cũng cử người đi hái rau, bắt cá. Quân y có miếng lưới, đăng “mé” kiếm ăn được. Bữa nào nước cạn thì đi tát kinh, tác lỗ bom… Năm 69 chú hay tin ba chú, rồi cô ruột chú chết. Đau lòng cũng chỉ khóc thầm, chứ đâu có về được.

 

Khoảng cuối năm 1970, chú đưa một thương binh nhẹ đi xây dựng căn cứ ở xóm Rượu, xã Hữu Đạo thì tụi nó đánh vô địa hình. Máy bay quần đảo cả một vùng rộng lớn từ Bình Trưng tới Hữu Đạo. Chú kêu anh thương binh xuống công sự, chú cũng xuống một công sự khác. Một chiếc Nóc-míc rà sát ngọn cây, quạt rơm rạ, lá khô bay mù mịt; cây cối rạp xuống như sóng lượng. Chú rê cây Cac-bin M2 đón nó. Khi ước chừng đúng tầm, chú nổ một loạt, nó quay ngang, rồi rớt xuống ruộng. Không thể tả nỗi sự vui sướng của chú lúc đó. Đó là lần thứ nhất chú bắn rơi máy bay.

 

Lần thứ hai, vào một buổi sáng đầu năm 1971, chú đang ở Phòng mổ của Quân y Châu Thành Nam (đóng ở xã Bàn Long) thì trực thăng từ căn cứ Đồng Tâm lên. Lúc này ở Phòng mổ chỉ có mình chú, vừa làm thầy thuốc, vừa làm bảo vệ cho gần 10 thương binh; trong đó có anh Ba Thép, anh Hai Phát - Tiểu đoàn phó 309F; chị Út Dương - Chính trị viên phó Huyện đội Châu Thành Bắc… Phòng mổ đóng cách trạm xá gần nhất cũng cả cây số, không ai chi viện kịp. Anh em thương binh không có súng, đánh vô trản-xê trong chòi lá; còn chú xuống công sự dưới gốc cây mít, cách đó chừng vài chục thước. Hai chiếc trực thăng lên; chiếc chiến đấu bay thấp, chiếc chỉ huy bay song song trên cao. Chiếc chiến đấu bỗng hạ độ cao rà sát ngọn cây, quạt sập chòi lá. Cái trản-xê lộ ra. Không để chúng có cơ hội tấn công, chú rê khẩu AK47 siết cò. Chiếc trực thăng không kịp cất lên, chúi luôn xuống ruộng. Bầu trời bình yên, không còn tiếng máy bay rầm rú. Lúc ấy chú lo đưa thương binh xuống xuồng cấp tốc đi khỏi chỗ đó, đâu có thời gian để thắc mắc về sự biến mất của chiếc trực thăng chỉ huy. Sau này nghe bà con nói, thấy máy bay lên “cõng” về Đồng Tâm 2 xác trực thăng, chú mới biết loạt đạn của mình đã “xâu” luôn chiếc trực thăng chỉ huy. Chuyện chú dùng súng trường bắn rơi trực thăng là niềm vui chung của bộ đội, du kích và cả bà con mình. Còn chú, suốt mấy ngày gặp ai cũng cười, không ăn cũng thấy no.

 

Tháng 5/1971 chú được điều về làm Trưởng Bệnh xá III của Tỉnh đội, đóng ở Hưng Thạnh; sau đó mấy tháng thì đi học bác sĩ ở R. Chú còn nhớ lúc đó vào mùa nước nổi, Trường H24 của R đóng ở tỉnh Compomthom(Campuchia) sát biên giới Thái Lan. Hơn 2 tháng trời, đêm đi ngày nghỉ, chú đã qua không biết bao nhiêu trạm giao liên, nếm trải biết bao gian khổ hiểm nguy, cuối cùng cũng đến nơi. Chú không ngờ giữa rừng già lại có một ngôi trường bề thế, dựng bằng gỗ xẻ vững chắc như vậy. Sát trường là Bệnh viện D72 rất lớn, có đủ điều kiện cho sinh viên thực tập.

 

Chú Tư bỗng cười khà: Nói đến chuyện này chú lại nhớ chuyện bị cá sấu cắn. Khu vực trường cá sấu nhiều lắm, bệnh viện nuôi vịt bị nó rượt bắt giữa ban ngày. Hôm đó là ngày nghỉ, anh em sinh viên rủ nhau tới căn cứ Cà-Tom lượm pháo 105 của địch bỏ lại tháo ra lấy thuốc, chế làm pháo đánh cá. Chú với bốn người nữa xách mấy trái pháo tự chế đi vô rừng, tới suối Saratum tìm chỗ đánh pháo. Hôm trước cũng ở con suối này các chú đã đánh trái, bắt được con ba ba gần 30 ký. Các chú chọn nơi có bụi tre ngã xuống che khuất để đánh pháo. Pháo nổ, chỉ thấy cá trắng nổi lên, không có cá lớn. Không tin vào kết quả, một anh lội xuống mò, rồi nhảy dựng lên la: “Có con gì kỳ lắm, bụng nó mềm mềm!...”. Anh khác lại xuống mò, đụng đuôi con cá sấu, nó nhảy vô một cái hỏm rễ cây. Chú quăng lựu đạn vô đó, con cá sấu nhảy lên, gặp chỗ cạn chạy cời cời. Chú rượt theo, thấy nó chui vô một cái vịnh khác. Sợ mình nhìn nhầm đánh uổng trái đạn, chú thọc chân vô thăm dò. Nó táp một cái, chú giật chân ra, tét thịt, máu chảy ròng ròng. Chú bị ba vết thương, hai vết ở bàn chân, một vết ở bắp chuối. Băng bó xong chú leo lên cồn cát ngồi. Anh em thảy lựu đạn vào vịnh, trái đầu lép, trái thứ hai nổ; kích trái thứ nhất nổ luôn. Một con cá sấu thiệt lớn trồi lên giãy giụa, anh em bắn nó chết rồi khiêng về làm thịt. Còn chú tìm một chỗ vắng vẻ giăng võng nằm để tránh bị chỉ huy phát hiện.

 

Năm 1974 chú tốt nghiệp bác sĩ, về làm Trưởng Quân y Thành đội Mỹ Tho. Quân y có các trạm đóng ở Thạnh Phú, Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh và cả ở Bến Tre. Đến 30/4/1975 chú cùng anh em ra tiếp quản Bệnh viện Ban dã chiến, sau về Bệnh xá Tỉnh đội, rồi về Bệnh xá Nông trường Mỹ Đông.

 

Năm 1977 chú đi học bổ túc văn hóa, rồi bổ túc bác sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh; chưa học xong thì chiến tranh biên giới nổ ra. Đầu năm 1979 trên điều học viên đi phục vụ chiến trường, chú về làm Viện phó của Bệnh viện 122 đóng trên đất bạn. Khi Trung Quốc đánh vào biên giới phía Bắc nước ta, Bộ Quốc phòng điều các chú có kinh nghiệm ngoại khoa dã chiến ra Bắc học ở Học viện Quân y 103 để sẵn sàng ra biên giới khi cần. Trung Quốc rút quân, chú cũng hoàn thành chương trình bổ túc bác sĩ trở về làm Viện phó Bệnh viện 122 ở Campuchia.

 

Sau 3 năm làm nghĩa vụ quốc tế, đầu năm 1982 chú về nước làm Trưởng Bệnh xá Sư đoàn 8; sau đó làm Chủ nhiệm Quân y của Sư đoàn. Cuối năm 1993, chú về làm Hiệu phó Trường Hậu cần - Kỹ thuật Quân khu 9, phụ trách khoa y. Năm 1998 chú nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá.

 

Về gia đình, chú có hai đời vợ, 7 người con (4 trai, 3 gái); tất cả đều đã có gia đình riêng. Con gái lớn lấy chồng sống ở xã Đông Hòa. Con trai thứ hai là Thượng tá Đào Văn Đông Sơn. Con gái thứ ba làm kế toán cho một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Con trai thứ tư làm ruộng, chăn nuôi. Con trai thứ năm làm ở Phòng Quản lý nhà đất thành phố Mỹ Tho. Con trai thứ sáu làm ở Ngân hàng Sacombank. Con gái thứ bảy là bác sĩ thú y, ở Sa Đéc, Đồng Tháp.

 

Chú thím sống một mình, những ngày cuối tuần mới đón con cháu về chơi. Không còn sức lao động, chú bán hết 6 công ruộng để xây lại ngôi nhà, quy tập mồ mả ông bà… số còn lại chia cho các con. Bây giờ mọi nguyện vọng đều đã đạt thành, mồ mả ông bà được xây theo thứ bậc, cùng màu, cùng kiểu; nhà cửa thì kiên cố, khang trang; con cái có công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định. Về kinh tế, chú có lương hưu, thím có lương thương binh (loại 2/4) và trợ cấp nạn nhân chất độc da cam; cuộc sống khá đầy đủ, không cần con cái trợ giúp. Hàng ngày, chú chăm sóc hoa kiểng quanh nhà, cùng thím nuôi hơn 100 con gà, vịt và mấy con heo mọi. Hai ông bà có chung kỷ niệm của thời tuổi trẻ, có chung hồi ức những năm tháng chiến tranh, nên rất hiểu nhau. Họ quấn quít, hạnh phúc như đôi vợ chồng son.

Tác giả bài viết: Ngọc Thủy

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 79