Má Sáu đi qua khói lửa

Má Sáu Hòa trong một lần về thăm lại căn cứ núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 1994

Má Sáu Hòa trong một lần về thăm lại căn cứ núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 1994

Cả cuộc đời của má Sáu Hòa là những tháng ngày sống, đấu tranh, cống hiến không ngơi nghỉ cho cách mạng, cho đất nước...

Bà sinh ra trong một gia đình trung lưu xứ Gò Công, từ nhỏ vốn chỉ giỏi học nữ công gia chánh. Lấy chồng sớm, rồi chồng đi tập kết, một mình bà nuôi sáu đứa con. Câu chuyện về bà - về chị Sáu, dì Sáu, má Sáu..., cách gọi thân yêu từ đồng chí, đồng đội - tận giờ vẫn vẹn nguyên sự nể phục về một người đàn bà thép đã phụ trách vận chuyển, chôn giấu phần lớn vũ khí cho các trận đánh của lực lượng biệt động Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Những kho súng giữa đô thành

Những ngày chôn giấu vũ khí giữa đô thành Sài Gòn đã hơn 40 năm. Nhưng hỏi chuyện những người cấp dưới của má Sáu như bà Năm Nguyện, Chín Trung, Sáu Hồng, Mười Ánh... vẫn nhớ rất rành rọt.

Bà Chín Trung kể năm 1965, Ban quân sự Thành đoàn ra đời, má Sáu Hòa là ủy viên kiêm trưởng ban hậu cần với nhiệm vụ xây dựng các kho chứa vũ khí, hình thành mạng lưới vận chuyển vũ khí từ căn cứ để chuẩn bị cho những trận đánh lâu dài trong nội ô. Vậy là chỉ với 15 ngày đào tạo cán bộ sơ cấp, má Sáu đã trở lại nội thành với tấm giấy căn cước mang tên Nguyễn Thị Tư (tên thật của má), bắt đầu cuộc đời khói lửa, thiết lập một hệ thống kho vũ khí giăng khắp Sài Gòn.

Má Sáu (đứng giữa hàng trên) và con gái Trương Mỹ Lệ (trái), Trương Mỹ Hoa (phải) cùng các em Trương Minh Nhựt, Trương Công Minh, Trương Nhật Quang, Trương Thị Hiền (hàng dưới, từ phải qua) vào năm 1958, khi má Sáu vừa rời Gò Công lên Sài Gòn hoạt động - Ảnh: V.S. chụp lại từ tư liệu gia đình

Bà Năm Nguyện, người được má Sáu dìu dắt với nhiệm vụ đưa vũ khí từ căn cứ vào thành, nói ngồi đếm miết cũng không hết những cách thức mà má đã nghĩ ra để chôn giấu vũ khí. Hồi đầu về thành, má Sáu vào vai một người buôn dừa với dì Út Khê - một cơ sở do má gầy dựng. “Mỗi chuyến buôn mấy trăm trái dừa nhưng chỉ vài chục là dừa thiệt, còn lại đều rút hết nước để nhét đầy thuốc nổ TNT” - bà Năm Nguyện kể.

Được ít lâu, má Sáu và dì Út Khê lại “hùn vốn” mở tiệm chạp phô (tạp hóa) ở khu nhị tì Quảng Đông trong Chợ Lớn. Lý do chọn khu Chợ Lớn vì ở đó người Hoa ít người rành tiếng Việt, lại ít có tính tọc mạch nhòm ngó. Vậy là nhờ tính xởi lởi, tiệm chạp phô do dì Út Khê đứng bán mỗi ngày càng đông khách. Đâu ai biết, lâu lâu trong mấy bao than được chuyển ra, chuyển vô lại có vài cây súng AK. Còn bao gạo trắng tinh, không ai ngờ nằm ở giữa là cả chục ký TNT, hay đám cóc ổi, dừa khô lại lẫn thêm mấy quả lựu đạn...

Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ba cán bộ Thành đoàn

Dự kiến ngày 17-4-2010, UBND TP.HCM sẽ tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho các tập thể và cá nhân tại TP.HCM vừa được Chủ tịch nước quyết định. Ba cán bộ Thành đoàn thời chống Mỹ được truy tặng là: liệt sĩ Trần Quang Cơ (Tám Lượng), nguyên khu ủy viên, bí thư cán sự sinh viên - học sinh Sài Gòn - Gia Định; ông Lê Tấn Quốc, nguyên bí thư chi bộ, chính trị viên đội biệt động 67, Quân khu Sài Gòn - Gia Định; bà Nguyễn Thị Tư (Sáu Hòa), nguyên ủy viên Ban quân sự Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định.

Đồng thời, Thành đoàn TP.HCM sẽ có nhiều hoạt động nhằm vinh danh, tưởng nhớ ba cán bộ của Thành đoàn vừa được truy tặng, khơi dậy niềm tự hào và phong trào học tập noi gương các anh hùng vừa được phong tặng của đoàn viên, thanh niên TP.

Những bao than, gạo, dừa tươi của má Sáu và dì Út Khê đã tiếp lửa cho lực lượng biệt động Thành đoàn đánh nhiều trận khiến địch hoảng vía. Cũng bởi vậy mà lực lượng “nở nồi”, vũ khí từ cứ được chuyển về nội thành ngày càng nhiều khiến má Sáu phải vắt óc, vì làm kiểu “cò con” thì không biết bao giờ mới chuyển hết vũ khí.

Bà Năm Nguyện còn nhớ tình hình cấp bách tới mức má Sáu được tổ chức giao một cục gồm 6 triệu đồng để đi mua nhà làm kho vũ khí, nhưng tạo dựng kho thế nào là chuyện má phải tự nghĩ. “Vậy mà đâu mới mấy tuần, má Sáu kêu tui qua bến Bãi Sậy (Chợ Lớn) và chợ Thiếc chỉ cho hai căn nhà vừa mua với đầy đủ hệ thống cất giấu súng đạn mà tụi lính có vô tận trỏng cũng không phát hiện được” - bà Năm nhớ lại.

Thành công đó đã mở ra bước ngoặt trong công tác của má Sáu. Chỉ trong một thời gian ngắn, má đã mạnh dạn mua tới 13 căn nhà rải khắp nội ô, đồng thời thuyết phục được nhiều cô bác làm cơ sở, đứng tên nhà để che mắt địch. Nhờ vậy, giúp lực lượng biệt động Thành đoàn an tâm vạch ra những trận đánh lớn vào lòng địch.

Vũ khí do má Sáu cất giấu lúc này không dừng lại ở thuốc nổ TNT, lựu đạn Liên Xô mà có cả mìn định hướng DH10 to như cái nón lá, nặng tới 10kg và súng AK. Kho vũ khí của má Sáu lúc đó không chỉ là “bầu sữa” nuôi những trận đánh của biệt động Thành đoàn mà tiếp tế cho cả lực lượng biệt động quân khu do đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) chỉ huy trong trận Mậu Thân.

150 súng, 44.000 viên đạn, 4.400kg thuốc nổ... - số vũ khí mà má Sáu và các đồng đội đã vận chuyển cất giấu, những con số đã hóa lửa giữa đô thành Sài Gòn ấy giờ nằm yên trong trang sử của Thành đoàn. Lặng lẽ và giản dị như một quãng đời âm thầm, kiên trung của má Sáu ngày đánh Mỹ.

Cuộc đời không ngưng nghỉ

Má Sáu đã mất gần mười năm, nhưng đến bây giờ thỉnh thoảng những người đồng chí xưa vẫn nhận được quà là ít chục xoài do con cháu hái từ vườn nhà của má ở mé biển Cần Giờ. Ai nhận cũng rưng rưng, không chỉ vì con cháu má Sáu lễ nghĩa mà bởi những gốc xoài ấy được má trồng sau hòa bình. Khi đó tuổi đã quá ngũ tuần, má vẫn xung phong về cắm chốt ở vùng sâu nhất của TP để xây dựng phong trào công nhân và tổ chức công đoàn. Bởi vậy mà bà Năm Nguyện, bà Chín Trung nói má Sáu có một đời cống hiến cho cách mạng không biết ngưng nghỉ.

Nhưng lấy chồng sớm rồi sinh con, má Sáu đã giác ngộ cách mạng hồi nào? “Hồi cưới ba tui!” - bà Trương Mỹ Lệ, con gái đầu lòng và cũng là một người đồng chí của má Sáu, đáp lời. Gần 70 tuổi, bà Lệ nói tuổi của bà cũng là số năm từ cột mốc ngày má mình theo cách mạng. Chồng má Sáu, ông Trương Văn Đẩu, một công chức tốt nghiệp Trường Bá Nghệ (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), là người đã truyền lửa cho má từ ngày mới cưới.

Bà Lệ kể khi mẹ còn mang bầu mình, cha đã đưa gia đình sang Campuchia làm đồn điền cao su. Chưa có ký ức, nhưng những câu chuyện sau đó của gia đình giúp bà Lệ hiểu rằng những ngày tháng ở đồn điền ấy, cha bà đã truyền ngọn lửa tranh đấu cho má. Bằng chứng là chỉ hơn một năm sau, cả nhà lại dắt díu nhau về Gò Công, chồng tham gia Việt Minh, vợ ở nhà nuôi con, chạy giặc. Rồi ít lâu sau, tháng 8-1945, má Sáu đã cùng chồng tham gia cướp chính quyền ở Gò Công khi vừa 20 tuổi. Hai năm sau má Sáu đã cáng đáng nhiệm vụ phó ban chấp hành phụ nữ xã Bình Ân (thị xã Gò Công).

“Cưới chồng rồi theo cách mạng, những ngày yên ả của một tiểu thư đài các của má tui chấm dứt” - bà Lệ như nói thay cho má Sáu, không gợn chút hối tiếc. Sinh tới sáu mặt con nhưng bà Lệ chắc rằng những năm sum vầy của ba má mình đếm không đủ bàn tay. Từ lúc ở Campuchia về, cha bà đã thoát ly theo cách mạng, lâu lâu má Sáu lại soạn đồ, lúc vô Đồng Tháp, khi qua Bến Tre, lúc về cù lao Lý Hoàng ngay Gò Công thăm chồng. Ngày ông Đẩu tập kết, một nách má Sáu cáng đáng sáu đứa con nhỏ và trọng trách với cách mạng mỗi ngày lại tăng lên. Mấy đứa con vừa lớn chưa đủ tuổi má đã cho vào cứ, đứa hoạt động ngay nội thành.

Cuộc đời không ngưng nghỉ cho cách mạng của má có ghi tiếp chắc cũng không xuể. Bởi những điều má Sáu làm, như vườn xoài bên mé biển ở Cần Giờ, sau ngày má mất, giờ vẫn ngọt ngào đơm trái.

Những tháng năm ly biệt và lao tù

Khúc biệt ly của gia đình má Sáu kéo dài tới 21 năm. Bà Trương Mỹ Lệ nói rằng 21 năm ấy, không chỉ ba má biệt ly mà mẹ con cũng cách mặt. Sáu anh chị em đều phải thay tên đổi họ, gửi làm con của cậu, dì ở khắp nơi để má Sáu bí mật công tác. Hiếm khi mấy mẹ con mới có dịp sum vầy ngắn ngủi khi tổ chức cho đưa họ cùng vào cứ.

Nhưng từ năm 1964, khi người con thứ hai - Trương Mỹ Hoa - bị địch bắt, cảnh sum vầy đủ mặt mấy mẹ con cũng chấm dứt. Lần lượt sau đó, nhiều người con rồi tới má Sáu thay nhau vào tù. Tổng cộng cả gia đình má Sáu, kể cả dâu rể, có tới 48 năm sống trong lao tù của chính quyền Sài Gòn, trong đó có người bị kết án tử hình ở Côn Đảo.

Năm 1973, cô út Trương Thị Hiền được tổ chức bố trí dắt hai cháu (con của bà Trương Mỹ Lệ) vượt Trường Sơn học tập và sum vầy với ông bà tại miền Bắc. Đó là lần dài nhất vợ chồng, cha con được bên nhau, dẫu không đủ mặt.

Sau ngày hòa bình, ông Trương Văn Đẩu trở về công tác tại TP.HCM nhưng những tháng năm đoàn viên quá ngắn ngủi, gia đình má chỉ đủ mặt thêm một năm sau thì chồng má qua đời đột ngột vào năm 1978.

Bức ảnh đầu tiên sau 19 năm xa cách giữa ông Trương Văn Đẩu và má Sáu với người cháu ngoại vừa vượt Trường Sơn ra Bắc năm 1973 - Ảnh: V.S. chụp lại từ tư liệu gia đình

Tác giả bài viết: VIỄN SỰ - NGUYỄN NAM

Nguồn tin: Tuổi Trẻ