Làng tiến sĩ

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê

Chợ Giữa nhiều trang danh điện ngọc
Vĩnh Kim lắm kẻ học liên trì
Tài ba đời cổ chưa ai sánh
Lỗi lạc thời kim ít kẻ bì.

Trên vùng đất Định Tường xưa cũng như Tiền Giang ngày nay, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành là địa danh có nhiều sự kiện khá nổi tiếng, từng được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài, trí thức yêu nước. Bốn câu thơ trên của Nữ thi sĩ Đỗ Liên đã nói lên điều đó.
Từ thuở xa xưa, Vĩnh Kim đã nổi danh vùng đất của sáu ông Lục Hiền, là những nhà nho danh giá, yêu nước và tiến bộ. Chợ Giữa- Vĩnh Kim là mảnh đất lành, nên đã từng được nhiều vị lão thành cách mạng tiền bối đến tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đồng chí Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Phạm Hùng…

Không chỉ là cái nôi của cách mạng trong thời kỳ đầu thành lập Đảng (nơi thành lập chi bộ An Nam cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên tại Nam Kỳ vào cuối năm 1929) và trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, Vĩnh Kim còn là cái nôi của bộ môn ca nhạc tài tử, từng có ban nhạc Sầm Giang do quái kiệt Trần Văn Trạch (em ruột Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê) đứng ra thành lập; lại có gánh hát Đồng Nữ Ban nổi tiếng một thời, từng biểu diễn khắp Nam kỳ Lục tỉnh để khích lệ, truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong dân chúng và làm kinh tế cho Đảng.

Vĩnh Kim còn được biết đến bởi đã sản sinh ra ông Ngô Tấn Nhơn, vị Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; lại có gia đình của ông Trần Năng Lựa (cậu ruột vợ Bác Tôn Đức Thắng) có ba người con đều làm bác sĩ rất nổi tiếng: bác sĩ Trần Nam Hưng, bác sĩ Trần Khải Siêu, bác sĩ Trần Hữu Di; có gia đình ông Trần Văn Lưu, trung kiên, bất khuất, cả bốn người con là bốn đảng viên đều bị bắt và bị đày ra Côn Đảo trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, gồm: ông Trần Văn Diệp, ông Trần Văn Tôn và hai liệt sĩ: Trần Văn Bôi, Trần Văn Chí đều hy sinh ngoài Côn Đảo. Ngoài ra, Vĩnh Kim còn được mệnh danh là một làng hiếu học, vì đã sản sinh ra nhiều vị Giáo sư, Tiến sĩ.

Ông Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim, phấn khởi cho chúng tôi biết: “Vĩnh Kim có khoảng một chục vị Tiến sĩ, trong đó một số người đã được phong hàm Giáo sư và Phó Giáo sư. Đó là: Tiến sĩ Phan Hiển Đạo; Tiến sĩ Trương Tấn Ngọc; Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ Trần Văn Khê; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải (là hai cha con); Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đình Hùng”.

Tiến sĩ Phan Hiển Đạo, sinh năm 1822, tại làng Vĩnh Kim Đông, đậu tiến sĩ năm 1856, đời vua Tự Đức (1848-1883), được bổ chức Đốc học tỉnh Định Tường. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Định Tường, ông lui về ở ẩn tại quê nhà để tỏ lòng bất hợp tác với giặc. Nhiều lần thực dân Pháp sai Tôn Thọ Tường tới vừa dụ dỗ, mua chuộc; vừa ép buộc ông ra làm việc, dù ông đã kiên quyết từ chối, nhưng vẫn bị người đời hiểu nhầm. Để tỏ lòng tiết liệt với quê hương, đất nước, ông thà uống thuốc độc quyên sinh để tỏ cái tâm trong sáng của mình và nhằm xóa bỏ cái oan ức ô danh ở đời. Ông mất năm 1864, lúc mới 42 tuổi. Trên mộ ông giờ đây vẫn còn dòng chữ:

Niên Pháp lang khấu Quốc thống vong công bất khuất
Tử tán ư Vĩnh Kim Đông chi Hương.

Vốn là vùng đất nổi tiếng với bộ môn ca nhạc tài tử, Vĩnh Kim có đến ba vị Giáo sư, Tiến sĩ về ngành Âm nhạc. Sinh trưởng trong một gia đình mà hai bên nội, ngoại cả bốn đời có truyền thông âm nhạc, đều là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng, Trần Văn Khê đã hấp thụ được tinh anh nguồn cội âm nhạc dân tộc và không ngừng nghiên cứu, gìn giữ, bảo tồn, phát triển, truyền bá khắp thế giới. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn chương, chuyên ngành Nhạc học tại Đại học Sorbonne (Pháp), tiến sĩ Trần Văn Khê đã là Giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học lớn ở 67 nước trên thế giới. Ông đã đem âm nhạc dân tộc Việt Nam tham dự hơn 200 hội nghị quốc tế về âm nhạc, được ghi tên trong 6 Bách khoa Từ điển trên thế giới. Cùng lúc đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Giám đốc Trung tâm Nhạc học Đông phương thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp; Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế Âm nhạc truyền thống; Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO; Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Châu Âu về khoa học, văn chương và nghệ thuật. Năm 1988, nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục làm việc trong và ngoài nước, giảng dạy âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất (1999); được Bộ Thông tin-Văn hóa tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Dân tộc (1998), Nhà nước Pháp tặng Chương mỹ Bội tinh hạng nhì, Bảng vàng danh dự những người có công dạy đại học Pháp; Canađa tặng bằng Tiến sĩ danh dự Đại học Ottawa và Đại học Monctone; UNESCO tặng Giải thưởng lớn về âm nhạc (1981); Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học Nhật Bản (1994-1995) và rất nhiều giải thưởng khác.

Nối nghiệp cha, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hải, sinh ngày 13-5-1944, đậu tiến sĩ Dân tộc nhạc học năm 1973. Là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất đã trình diễn khoảng 3.000 buổi giới thiệu nhạc Việt Nam tại 65 quốc gia trên thế giới; 1.500 buổi cho học sinh các trường học ở Châu Âu; giảng dạy tại hơn 120 trường đại học trên thế giới; tham dự hơn 130 liên hoan âm nhạc quốc tế. Là người sáng tạo ra lối hát Đồng song thanh độc đáo; hội viên của 20 Hội Nghiên cứu Nhạc học quốc tế; một chuyên gia về Âm thanh học và Âm nhạc dân tộc. Từng được tặng thưởng Huy chương vàng của Hàn lâm viện Văn hóa Á châu (1986); Tiến sĩ Danh dự của International - Hoa Kỳ (1987); Giải thưởng đặc biệt của Đại hội thế giới về đàn môi (1998) và năm 2002, vinh dự được Tổng thống Pháp Jacques Chirac tặng Bắc đẩu Bội tinh.

Cùng sinh ra trên mảnh đất Vĩnh Kim giàu truyền thông âm nhạc dân tộc, song Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, lại đi theo con đường sáng tác nhạc giao hưởng và đã đạt đến đỉnh cao của ngành Âm nhạc hàn lâm. Năm 1947, mới 11 tuổi, Nguyễn Văn Nam đã theo người cậu ruột Mười Tê (Phạm Ngọc Lân, nguyên Phó Văn phòng Trung ương cục miền Nam) vào bưng biền tham gia kháng chiến. Năm 1954, tập kết ra miền Bắc vào học trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1966, được cử sang Liên Xô học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Leningrad. Năm 1974, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Âm nhạc ngành sáng tác. Năm 1978, bảo vệ thành công tiếp luận án tiến sĩ Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Leningrad. Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam là nhạc sĩ hai bằng tiến sĩ, viết nhạc giao hưởng nhiều nhất Việt Nam, trong đó có bản giao hưởng số 8: “Quê hương-Đất nước tôi” viết tặng quê hương Tiền Giang. Đồng thời, là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên được Mỹ mời đến dàn dựng tác phẩm mới tại New York năm 2003.

Trên lĩnh vực khác, Tiến sĩ Thú y Trương Tấn Ngọc lại là người đầu tiên tìm ra vi trùng dịch hạch và tên của ông đã được đặt tên cho loại vi trùng này: Ngoccique. Bên cạnh đó còn có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, từng làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 1996-2001 và 2001-2006 và có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đình Hùng, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Hóa học tại Cộng hòa liên bang Đức.

Ngoài những vị Giáo sư, Tiến sĩ từng nổi tiếng nêu trên, lớp hậu bối sau này ở Vĩnh Kim, còn có Lâm Chí Hùng, con của ông Lâm Ba, ấp Vĩnh Hòa đậu tiến sĩ tại Canada. Đặc biệt có Phạm Xuân Quang, con ông Phạm Xuân Thới ấp Vĩnh Thạnh thi vào đại học đậu thủ khoa, chừng thi ra trường cũng đậu thủ khoa và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Mỹ.

Không chỉ sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử, nhiều chiến sĩ cách mạng ưu tú như: Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Văn Bộ, Mai Bạch Ngọc, Nguyễn Thị Dành, Trần Năng Nhu, Phạm Ngọc Lân…, Vĩnh Kim còn sản sinh ra nhiều vị tiến sĩ, mà những vị tiến sĩ này đều nổi tiếng và có nhiều công trình, nhiều đóng góp vượt trội, mang tính chất tiên phong (tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Định Tường xưa, người đầu tiên tìm ra loại vi trùng dịch hạch…), thuộc vào hàng nổi bật (nhiều nhất, độc nhất, giỏi nhất …). Vì vậy ngày nay, hễ nhắc đến vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Tiền Giang, mọi người không ai không nói tới Vĩnh Kim, mảnh đất từng được mệnh danh với tên gọi: Làng tiến sĩ.

Tác giả bài viết: Đậu Viết Hương

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 33